Động lực cố thủ “tự cung tự cấp” của Trung Quốc càng khiến Bắc Kinh ‘đào hố ngăn cách’ với Mỹ và thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kế hoạch 5 năm mới của Trung Quốc hướng quốc gia này theo kiểu tự cung tự cấp và thúc đẩy tăng trưởng thông qua nhu cầu trong nước, điều này có thể dẫn đến xung đột thậm chí còn lớn hơn đối với Hoa Kỳ.

Đó là đánh giá của một số nhà quan sát sau khi Cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) - Ủy ban Trung ương, tuần trước đã thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của nước này và một bộ các mục tiêu phát triển dài hạn cho Trung Quốc vào năm 2035.

Chuẩn bị nội lực chống lại các cuộc tẩy chay và trừng phạt của nước ngoài

Các kế hoạch và các mục tiêu vạch ra sự thay đổi ưu tiên đối với công nghiệp và an ninh quốc gia, và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu công nghệ trong bối cảnh mối đe dọa tách rời với Mỹ ngày càng tăng, theo một tuyên bố đưa ra vào cuối cuộc họp.

Những mục tiêu này sẽ được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước của Trung Quốc và dưới sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của ĐCSTQ.

Henry Gao, Chủ tịch Dongfang Scholar tại Viện Ngoại thương Thượng Hải, cho rằng có nguy cơ xung đột lớn hơn nữa giữa hai cường quốc về thương mại và công nghệ nếu Trung Quốc định hướng tự cung tự cấp.

“Vấn đề đầu tiên là phương thức lưu thông hàng hóa nội địa kiểu như vậy”, Gao cho biết trong một ghi chú hôm thứ Sáu (ngày 30/10). “Trên thực tế, điều này có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi chính sách công nghiệp của nhà nước, trợ cấp và các doanh nghiệp nhà nước - những ông lớn nhà nước này vốn là cốt lõi của mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc và là nguồn lực chính của xung đột thương mại với phương Tây”.

Công nhân đứng bên dưới hình ảnh video trực tiếp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong phiên khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 5/3/2016 (Ảnh: GREG BAKER / AFP qua Getty Images)
Công nhân đứng bên dưới hình ảnh video trực tiếp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong phiên khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 5/3/2016 (Ảnh: GREG BAKER / AFP qua Getty Images)

Lưu thông kép - Lời hứa ‘chung chung’?

Ông Tập cho biết mục đích là để đảm bảo chuỗi cung ứng công nghiệp của đất nước sẽ không bị gián đoạn, ngay cả trong những thời điểm quan trọng, với các lĩnh vực như đường sắt tốc độ cao và sản xuất điện cần có khả năng chống lại các cuộc tẩy chay và trừng phạt của nước ngoài.

Theo dự kiến, bản tóm tắt của kế hoạch 5 năm tiếp theo bao gồm các tham chiếu đến "lưu thông kép", một thuật ngữ mới do chủ tịch Tập Cận Bình đặt ra vào mùa xuân năm ngoái.

Tuy nhiên, không có gì cụ thể trong kế hoạch của ĐCSTQ. Thay vào đó, có những lời hứa chung chung về “các bước mới trong cải cách và mở cửa” và xây dựng “hệ thống thị trường tiêu chuẩn cao” - nơi các lực lượng thị trường quyết định việc phân bổ các nguồn lực.

Về vấn đề “vai trò quyết định đối với các lực lượng thị trường”, ĐCSTQ đã hứa “nhiều lần”, với lần đầu tiên là vào năm 2013, nhưng tình hình "không có gì mới mẻ". Do do, không có gì ở đây để có thể gợi ý về “một sự thay đổi lớn trong tương lai”.

Vai trò ‘bàn tay hữu hình’ của ĐCSTQ

Trong khi tuyên bố của ĐCSTQ lặp lại câu thần chú lâu nay rằng "thị trường sẽ đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực", nó cũng nhấn mạnh vai trò của “bàn tay hữu hình của chính phủ” đối với nền kinh tế và kêu gọi "sức mạnh hợp tác tốt hơn giữa thị trường và chính phủ”.

Ông Gao - đồng thời là phó giáo sư luật tại Đại học Quản lý Singapore, cho biết: “Xét về cách tiếp cận ngày càng cứng rắn mà Mỹ đã áp dụng đối với Trung Quốc về những vấn đề này, sẽ không có gì vô lý khi căng thẳng giữa hai nước sẽ tăng cao”.

Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng của Greater China tại Ngân hàng ANZ, đồng ý rằng căng thẳng Mỹ-Trung khó có thể giảm bớt vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin chắc rằng “hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa” là con đường đúng đắn cho sự phát triển lâu dài của đất nước này.

Ông Yeung nói: “Sự khác biệt về ý thức hệ sẽ tiếp tục khiến Trung Quốc trở nên khác biệt với Mỹ, vốn phản đối ý tưởng kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tham dự phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 9 tháng 3 năm 2016 (Ảnh: GREG BAKER / AFP qua Getty Images)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tham dự phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 9 tháng 3 năm 2016 (Ảnh: GREG BAKER / AFP qua Getty Images)

Ông nói thêm rằng sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc trong thập kỷ tới sẽ mang lại cho Bắc Kinh “vị thế thương lượng mạnh mẽ hơn trên bàn đàm phán”.

Sự sai lệch trong phân bổ nguồn lực dẫn đến năng suất chung thấp hơn

Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, cho rằng nếu Trung Quốc theo đuổi quá trình tự cung tự cấp và đổi mới trong nước, điều đó có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, với sự sai lệch trong phân bổ nguồn lực dẫn đến năng suất chung thấp hơn.

Evans-Pritchard cho biết: “Vì các công ty nhà nước đóng vai trò trung tâm trong chính sách công nghiệp, động lực tự cung tự cấp từ trên xuống làm cho khả năng theo đuổi các chính sách chuyển nguồn lực từ các công ty nhà nước sang các đối thủ cạnh tranh trong khu vực tư nhân kém hiệu quả hơn”.

‘Trấn an’ doanh nghiệp nước ngoài trước cuộc họp quan trọng của ĐCSTQ

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tìm cách giảm bớt lo ngại rằng sự thay đổi này sẽ hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài.

“Trung Quốc sẽ đứng vững về phía lẽ phải của lịch sử, tiếp tục cải cách sâu rộng, mở rộng cửa, tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực, cùng các nước giành thắng lợi cuối cùng trước đại dịch Covid-19 và thúc đẩy sự phục hồi của thế giới”, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết.

James McGregor, chủ tịch của Greater China tại APCO Worldwide, cho biết những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa, kích thích sự đổi mới trong nước, phát triển công nghệ sản xuất trong nước và thúc đẩy tự cung tự cấp, có nghĩa là mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh là “loại bỏ sự phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu”.

McGregor cho biết Bắc Kinh có nguyện vọng thay thế nhập khẩu trong chiến lược "Đổi mới bản địa" năm 2006 và kế hoạch chi tiết "Sản xuất tại Trung Quốc 2025" năm 2015.

McGregor nói: “Hãy nhớ rằng các kế hoạch chiến lược của Trung Quốc để đối phó với thế giới bên ngoài đã đi xa hơn so với thời Liên Xô".

“Khi bạn xem xét kế hoạch 5 năm lần thứ 14 sắp tới này và các kế hoạch địa phương của họ, bạn nên tiếp tục tập trung vào việc bảo vệ tương lai lâu dài của doanh nghiệp toàn cầu của bạn”, ông nói.

Trần Đức



BÀI CHỌN LỌC

Động lực cố thủ “tự cung tự cấp” của Trung Quốc càng khiến Bắc Kinh ‘đào hố ngăn cách’ với Mỹ và thế giới