Doanh số bán lẻ của Trung Quốc liên tiếp giảm trong 7 tháng đầu năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc các hộ gia đình Trung Quốc không muốn chi tiêu gây “nghi ngờ” về sự phục hồi kinh tế của nước này. Đáng lưu ý là chiến lược tăng trưởng hiện nay của Trung Quốc đã quay trở về chiến lược “kích cầu tiêu dùng nội địa”.

Doanh số bán lẻ ở Trung Quốc đã giảm trong tháng 7 vừa qua, và cũng đánh dấu bảy tháng liên tiếp giảm, nguyên nhân là do tâm lý lưỡng lự của các hộ gia đình trong việc chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ. Do đó, liệu nền kinh tế của đất nước này có thể phục hồi hay không vẫn còn là một nghi vấn.

Theo Reuters, các nhà kinh tế đã dự báo rằng doanh số bán lẻ tháng 7 này sẽ lần đầu tiên tăng cao hơn trong năm nay. Nhưng dữ liệu của chính phủ cho thấy tháng này doanh số đã giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thói quen chi tiêu ở Trung Quốc đang được theo dõi chặt chẽ khi đất nước này được cho là đang trải qua giai đoạn phục hồi sớm nhất trên thế giới, sau cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch viêm phổi Vũ Hán gây ra.

Bình luận về số liệu tiêu dùng giảm, giáo sư Michael Pettis, chuyên giá hàng đầu về kinh tế Trung Quốc cho biết: “Tôi nghĩ rằng từ dịch viêm phổi Vũ Hán, mọi người đang bắt đầu nhận ra rằng sự 'phục hồi' của Trung Quốc là một câu chuyện về phía cung, chứ không phải phía cầu. Vào tháng Bảy, sản xuất công nghiệp đã tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tiêu thụ, bằng chứng là doanh số bán lẻ; lại giảm 1,1%. Điều này phải được cân bằng bằng thặng dư thương mại cao hơn hoặc đầu tư vào khu vực công nhiều hơn”.

Vào tháng 4/2020, Trung Quốc đã gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa đối với Vũ Hán, nơi virus Corona được phát hiện đầu tiên; trong khi các quốc gia khác chuyển sang chế độ “khủng hoảng hoàn toàn”. Tuy nhiên, việc nới lỏng dần các hạn chế và số lượng ca nhiễm mới thấp cho đến nay đã không thể thúc đẩy mức tiêu thụ chung trở lại “vùng tích cực” trong năm.

Qu Hongbin, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC, cho biết: “Đó là dấu hiệu khá rõ ràng cho các nền kinh tế khác đang mở cửa nền kinh tế trở lại muộn hơn nhiều so với Trung Quốc. Rõ ràng là họ có thể mất nhiều thời gian hơn nữa... để có thể thấy sự phục hồi trong tiêu dùng".

Dữ liệu chính thức được công bố vào thứ Sáu (ngày 13/8) cho thấy sự phục hồi kinh tế không đồng đều của Trung Quốc, trong đó khu vực công nghiệp được chính phủ hậu thuẫn thúc đẩy tăng trưởng cao hơn, bất chấp sự yếu kém trong tiêu dùng.

Sản lượng công nghiệp ở Trung Quốc tăng 4,8% trong tháng 7/2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Các chính quyền địa phương đã hỗ trợ làn sóng các dự án cơ sở hạ tầng mới, làm tăng nhu cầu hàng hóa và thúc đẩy sản xuất thép.

“Sự phục hồi rất không đồng đều. Sản xuất bên cung đã phục hồi nhanh hơn bên cầu", ông Qu cho biết.

Dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho thấy tiền tiết kiệm của các hộ gia đình đã tăng đáng kể ở Trung Quốc trong năm nay. Tổng tiền gửi hộ gia đình đã giảm nhẹ trong tháng 7; từ 90,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (13 nghìn tỷ USD) vào tháng 6/2020, nhưng vẫn ở mức cao so với mức 82 nghìn tỷ nhân dân tệ vào tháng 12/2019.

Các nhà kinh tế cho biết nguy cơ tiếp tục bùng phát virus đang là nguyên nhân kìm hãm tâm lý người tiêu dùng trong nước. Chuyên gia Bruce Pang tại China Renaissance Securities cho biết, sự không chắc chắn về triển vọng việc làm cũng là nguyên nhân dẫn đến sự thận trọng trong hành vi của người tiêu dùng.

“Nếu dữ liệu tiếp tục gây thất vọng... họ sẽ xem xét các biện pháp kích thích mạnh hơn”, ông nói.

Bất chấp một số biện pháp hỗ trợ, PBOC chủ yếu chống lại các biện pháp kích thích lớn để đối phó với đại dịch, trái ngược với các ngân hàng trung ương ở châu Âu và Mỹ.

Mặc dù tình trạng suy yếu chung vẫn tiếp diễn, có một số dấu hiệu cho thấy sự cải thiện trong dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 7 này. Doanh số bán ô tô (vốn đã giảm mạnh vào đầu năm nay) đã tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đầu tư vào tài sản cố định như cơ sở hạ tầng và tài sản; đã giảm 1,6% trong bảy tháng đầu năm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị không đổi so với tháng 6/2020 là 5,7%. Trong quý II/2020, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trở lại so với hồi đầu năm, sau sự sụt giảm lịch sử đối với tổng sản phẩm quốc nội.

Tuy nhiên số liệu tăng trưởng này có độ tin cậy thấp. Số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc luôn tốt và cái gọi là “các chuyên gia độc lập” thường rất mệt mỏi khi phải "nhại lại" chúng. Khi chính quyền Trung Quốc rơi vào tình trạng căng thẳng, họ thường "thái quá". Trong nhiều tuần, các kế hoạch cho quý II/2020 được báo cáo như “một sự phục hồi kinh tế kỳ diệu”, phản ánh sự lãnh đạo tuyệt vời của chủ tịch Tập Cận Bình. Kết quả sẽ được công nhận rộng rãi và được đưa tin khắp nơi.

Học giả Derek M. Scissors tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) cho rằng: “Sẽ rất khó vượt qua giới hạn mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã áp đặt cho bạn. Nếu bạn làm kinh doanh ở Trung Quốc, tốt hơn hết hãy sửa lỗi của bạn thật nhanh. Đó là lý do bạn sẽ thường nghe thấy lời khen hơn là chê về tình hình kinh tế của Trung Quốc đang rất tốt như thế nào”.

Thiện Nhân



BÀI CHỌN LỌC

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc liên tiếp giảm trong 7 tháng đầu năm