Doanh nghiệp Trung Quốc mua bất động sản khi được vay ưu đãi - Sai lầm của Việt Nam đang lặp lại ở Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc khi nhận được khoản vay ưu đãi do dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã dùng tiền đi mua bất động sản thay vì trả tiền nhân công, mua nguyên phụ liệu và tiếp tục sản xuất. Bong bóng bất động sản của Trung Quốc đã quá lớn trước đại dịch và có thể vỡ tung do chính sách tiền tệ bất cẩn này. Trung Quốc đang lặp lại sai lầm của Việt Nam một thập kỷ trước...

Bằng cách cung cấp các khoản vay giá rẻ cho các doanh nghiệp nhỏ, các chính phủ hy vọng các doanh nhân sẽ tiếp tục trả lương cho nhân viên của họ và dùng tiền còn lại để mua nguyên vật liệu và tiếp tục sản xuất trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Các chính phủ, ngân hàng trung ương (NHTW) hy vọng chính sách đẩy tiền ồ ạt cho doanh nghiệp sẽ ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế do sự bùng phát của virus corona Vũ Hán.

Chính sách ưu đãi luôn là con dao hai lưỡi

Nhưng các chính sách ưu đãi luôn là con dao hai lưỡi. Nếu được kiểm soát, giám sát tốt và dòng tiền đi đúng mục tiêu thì chính sách ưu đãi tín dụng sẽ trở thành thành trì ngăn chặn đà suy thoái và đóng vai trò như nguồn máu mới, nhiều oxy cung cấp cho cơ thể của nền kinh tế. Trong trường hợp chính sách ưu đãi (dù là tài khóa hay tiền tệ) đi chệch mục tiêu, dòng tiền sẽ không đổ vào nền kinh tế thực, nơi tạo ra giá trị gia tăng thực cho nền kinh tế, mà thay vào đó là các thị trường tài sản rủi ro do có thể đầu cơ, có tỷ lệ sinh lời cao nhưng lại sụp đổ nhanh và tác động tiêu cực tới thị trường tài chính và cả nền kinh tế.

Hiện nay, chính phủ và NHTW các nước đều nóng vội quăng ra mọi chính sách có thể để bơm tiền cho doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Ở Hoa Kỳ, các doanh nghiệp gia đình đang gặp khó khăn trong việc có được các khoản vay kích thích kinh tế, chuyển thành các khoản trợ cấp nếu tiền được chi cho vấn đề tiền lương. Trong khi đó, các công ty lớn hơn như Shake Shack Inc. đã tìm thấy những lỗ hổng hành chính công để nhận hàng triệu đô la (kể từ khi quay lại hoạt động), và thậm chí các quỹ phòng hộ và các công ty cổ phần tư nhân cũng muốn có một phần trong số 350 tỷ đô la được cung cấp bởi Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ - một nguồn tiền đang dần cạn kiệt.

Ở Trung Quốc cũng vậy, các khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ được trợ cấp cũng trở thành nền tảng kích thích kinh tế. Ngân hàng trung ương đã cấp 1,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 254,1 tỷ USD) cho các cơ sở cho vay lại, cung cấp các quỹ giá rẻ cho các ngân hàng thương mại, từ đó cho các công ty nhỏ vay.

Doanh nghiệp Trung Quốc dùng tiền vay ưu đãi mua bất động sản - thị trường vốn đã được bơm căng phồng trước Covid-19

Như Bắc Kinh lo sợ, thay vì trả lương hoặc bảo vệ vốn lưu động, các doanh nghiệp này dường như đang sử dụng số tiền thu được để mua bất động sản. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hôm thứ Hai đã yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) ở Thâm Quyến xem xét liệu những người vay của họ có sử dụng các khoản vay kinh doanh được hỗ trợ bằng tài sản cho mục đích này trong khi dịch bệnh bùng phát hay không. Vào tháng 3, giá nhà hiện tại ở trung tâm công nghệ này đã tăng 9,7% so với một năm trước đó, tốc độ nhanh nhất trong ba năm. Sự điên cuồng đột ngột này rất khó hiểu khi xét đến nền kinh tế địa phương đã bị đình trệ, vì nguồn vốn đầu tư mạo hiểm đã cạn kiệt và các nhân viên công nghệ mất việc làm (theo Bloomberg).

Theo Caixin, trong tháng vừa qua, bất cứ ai ở Thâm Quyến có đầu óc kinh doanh đều đã đi tìm mua căn hộ, đơn giản bởi vì lãi suất là quá hấp dẫn để cưỡng lại. Nhóm những người vay vốn này chỉ cần trả lãi suất ở mức 4,5%. Ngoài ra, chính quyền Thâm Quyến đang đề nghị hoàn trả tới 70% các khoản thanh toán lãi cho người vay là công ty công nghệ đi vay lần đầu. Như đã nói, một doanh nhân có thể vay mua một lượng lớn trên thị trường bất động sản với lãi suất vay thế chấp (dùng chính tài sản đó để thế chấp) ở mức cực thấp 1,35%, thấp hơn tỷ lệ thế chấp trung bình là 3,25%.

Ngân hàng thương mại Trung Quốc lờ đi rủi ro vì thành tích chính trị và tránh vỡ bong bóng bất động sản

Vậy các ngân hàng thương mại Trung Quốc có nhận ra rủi ro từ khách hàng của họ khi khách hàng cầm tiền vay, sử dụng không đúng mục đích là đầu tư vào thị trường bất động sản? Liệu họ có giám sát được rủi ro này hoặc có giải pháp nào đảm bảo rằng dòng tín dụng ưu đãi chảy vào sản xuất, tạo việc làm, trả lương thay vì đầu tư vào bất động sản?

Câu trả lời là có - các ngân hàng thương mại có biết - nhưng họ cần tuân thủ mệnh lệnh để báo cáo thành tích. Không giống với các nền kinh tế khác, các ngân hàng thương mại đặt mục tiêu chính trị lên hàng đầu nếu họ muốn kinh doanh dài lâu. Bên cạnh đó, bản thân ngân hàng thương mại của Trung Quốc cũng lo sợ thị trường bất động sản đổ vỡ, xuống giá bởi bất động sản chính là tài sản đảm bảo (TSĐB) mà NHTM nắm giữ.

Theo Bloomberg, khi biết rằng các doanh nghiệp nhỏ là trọng tâm trong chỉ thị chính sách hàng đầu của Bắc Kinh, các ngân hàng thương mại và chính quyền thành phố Thâm Quyến rất vui vẻ tuân lệnh. Nhóm 04 ngân hàng thương mại sở hữu nhà nước lớn nhất Trung Quốc đang được yêu cầu tăng thêm 20% vốn vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của họ trong năm nay, sau khi đã tăng 55% vào năm 2019. Để chạy theo “chỉ tiêu kế hoạch” này, các NHTM, gồm cả “big four” sẵn sàng chấp thuận bất cứ hồ sơ nào đặt trên bàn của họ - đặc biệt với những khoản vay có tài sản đảm bảo thế chấp. Theo số liệu của Thâm Quyến, hầu hết mọi công ty trong tỉnh đều có thể đủ điều kiện nhận trợ cấp hào phóng miễn là chi phí nghiên cứu và phát triển của công ty vượt quá 4% doanh thu và hơn 60% doanh thu đến từ ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ.

Rất đáng để băn khoăn là tại sao các doanh nhân lại sử dụng số tiền thu được theo cách này. Một giải pháp thay thế có thể là bơm tiền vào thị trường chứng khoán Thâm Quyến, nơi đang mang lại lợi nhuận tích cực trong năm nay. Một số chủ doanh nghiệp có thể đang làm như vậy, nhưng bất động sản luôn có một không gian đặc biệt trong trái tim các doanh nghiệp ở Trung Quốc đại lục.

Trong số hơn 3.800 công ty phi tài chính được liệt kê ở Trung Quốc đại lục, hơn 40% nắm giữ bất động sản cho mục đích đầu tư, mặc dù hoạt động kinh doanh của họ không liên quan gì đến lĩnh vực này (theo Bloomberg).

Ở Trung Quốc, sở hữu bất động sản là điều cần thiết để tồn tại. Được cả chính ngân hàng trung ương thừa nhận, những ngân hàng lớn đã trở thành cửa hàng cầm đồ, chỉ sẵn sàng cho vay đối với các doanh nghiệp tư nhân lớn có đủ tài sản thế chấp vật lý.

Vì vậy, nếu bạn là một công ty khởi nghiệp công nghệ đang phải đối mặt với việc tăng trưởng chậm lại, nhưng ngân hàng đang cung cấp cho bạn một lượng tiền mặt giá rẻ, thì hành động tốt nhất có thể là mua một căn hộ khác. Bằng cách này, khi triển vọng kinh tế sáng sủa, bạn có thể sử dụng tài sản đó để vay ngân hàng.

Giải thích tại sao NHTM Trung Quốc, gồm cả ngân hàng lớn, yêu cầu phải có tài sản thế chấp là bất động sản (việc này thúc đẩy doanh nghiệp ưa thích sở hữu bất động sản để thế chấp vay vốn), Bloomberg cho rằng các ngân hàng Trung Quốc không kiếm được lợi nhuận tại mức giá (lãi suất) mà chính phủ yêu cầu họ tính cho doanh nghiệp. Theo một tính toán của CLSA Ltd vào cuối năm 2019, lãi suất cho vay trung bình của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã giảm xuống 4,75%, nhưng một khi chúng ta trừ chi phí tài trợ của chính ngân hàng (1,77%), tiền được đặt sang một bên để trang trải các khoản vay bất thường (2,3%) và chi phí hoạt động (0,8%), các ngân hàng Trung Quốc hầu như suýt soát hòa vốn. Nếu buộc phải cho vay để chạy theo thành tích, thì đương nhiên, cho vay có TSĐB là bất động sản vẫn an toàn hơn.

Nhưng không chỉ thế, khác với các hệ thống ngân hàng khác, riêng tại Trung Quốc, các NHTM phân loại nợ dựa trên giá nhà đất, giá thị trường tài sản đảm bảo mà họ đang nắm giữ chứ không phải tình trạng có thể trả nợ hay không. Đây là lý do mấu chốt thúc đẩy NHTM cho vay bất động sản hoặc làm ngơ với doanh nghiệp lợi dụng ưu đãi để đầu tư vào bất động sản. Họ cần thị trường bất động sản tăng trưởng với bất kỳ lý do nào. Vì thế, các ngân hàng Trung Quốc cũng sẽ nới lỏng tiêu chuẩn giám sát mục đích sử dụng vốn của khách hàng, nói cách khác là “mắt nhắm mắt mở” trước thực trạng này.

Trong một diễn biến khác gần đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hồ hởi tuyên bố rằng chính sách tiền tệ của họ hiệu quả gấp 10 lần Mỹ. Theo PBoC, mỗi 1 đồng nhân dân tệ (CNY) bơm vào hệ thống tài chính tạo ra khoản vay ngân hàng gấp 3,5 lần để hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình (trong khi Mỹ đã bơm 1,6 nghìn tỷ USD vào hệ thống tài chính nhưng chỉ tạo ra 500 tỷ USD khoản vay mới). Các khoản vay ngân hàng mới trong quý I/2020 đạt tổng cộng 7,1 nghìn tỷ CNY (tương đương 1,01 nghìn tỷ USD), tăng mạnh từ mức 5,81 nghìn tỷ CNY cùng kỳ năm ngoái. Tính đến cuối tháng 3, tổng cung tiền trong nền kinh tế tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 1,3% so với tháng 2 và vượt qua dự báo tăng 8,8% của thị trường. Vấn đề là ở khái niệm “hiệu quả” mà PBoC đề cập, có thể, nó không hề giống khái niệm hiệu quả của thế giới bên ngoài Trung Quốc.

Một khoản ưu đãi tín dụng lớn của Việt Nam năm 2009 đã chảy vào thị trường bất động sản và để lại hậu quả chưa thể giải quyết hết cho tới ngày nay

Vào thời điểm 2009, khi khủng hoảng tài chính dẫn tới suy thoái kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã tung ra gói “kích cầu” hàng tỷ đô-la, nới lỏng cả tài khóa và tiền tệ, đối tượng thụ hưởng gần như không giới hạn. Gói kích cầu thứ nhất trị giá 17.000 tỷ đồng, hỗ trợ 4% lãi suất vay ngân hàng thương mại cho các khoản vay ngắn hạn dưới 1 năm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng, sử dụng không quá 300 công nhân, không nợ đọng thuế và nợ tín dụng quá hạn… Tiếp đó, gói kích cầu thứ hai cũng đã được công bố với quy mô lớn hơn, thời hạn cho vay dài hơn (tới 2 năm), điều kiện nới lỏng hơn (doanh nghiệp và cả hợp tác xã có vốn dưới 20 tỷ đồng, sử dụng dưới 500 lao động, có thể nợ thuế và tín dụng quá hạn nhưng có dự án phù hợp vẫn được xét cho vay) và lĩnh vực cho vay cũng mở rộng hơn…

Tuy nhiên, một nghiên cứu được đăng bởi Thời báo Kinh tế Sài Gòn vào tháng 1/2010 (7-8 tháng sau khi triển khai chính sách), dựa vào số liệu và hệ số co giãn của cung - cầu quỹ cho vay, đã đi đến kết luận: một phần (khá lớn) số tiền ưu đãi đã bị sử dụng sai mục đích - dòng tiền ưu đãi không chảy vào sản xuất thực, mà biến tướng và chảy vào thị trường bất động sản, vốn đã tạo bong bóng do chính sách tăng trưởng tín dụng nóng trước đó cả thập kỷ.

Một nghiên cứu độc lập khác về mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng và biến động thị trường BĐS của Hoàng và Nguyễn (2017) đã chỉ ra một phần của dòng tiền kích cầu đã không đạt mục tiêu của chính phủ, chảy vào thị trường bất động sản làm thổi phồng giá của thị trường này, tăng đầu cơ, tăng rủi ro cho hệ thống NHTM nhiều năm sau đó và cũng góp phần làm giảm tính hữu hiệu của chính sách. Kết quả nghiên cứu này cũng phù hợp với báo cáo của ngân hàng nhà nước cuối năm 2009 về việc hàng ngàn tỷ hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp đã bị giải ngân sai mục đích.

Có vẻ như Trung Quốc đang lặp lại sai lầm chính sách của Việt Nam hơn một thập kỷ trước. Thời điểm đó, nợ xấu tại các NHTM của Việt Nam cũng bị che giấu bởi các thủ thuật hạch toán không minh bạch và thiếu liêm chính, nhưng không quá tệ như trạng hiện nay của NHTM Trung Quốc. Thời điểm đó, thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn nhỏ bé, chưa có bong bóng để đổ vỡ như Trung Quốc hiện nay. Vậy mà cho tới nay, hệ lụy của nợ xấu vẫn chưa thể xử lý sau hơn một thập kỷ. Trung Quốc dường như đang lao đi trên con đường rất rộng về phía đổ vỡ.

JB - Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Doanh nghiệp Trung Quốc mua bất động sản khi được vay ưu đãi - Sai lầm của Việt Nam đang lặp lại ở Trung Quốc?