Doanh nghiệp nước ngoài lập kế hoạch đối phó với rủi ro bị Trung Quốc tịch thu tài sản

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những ngày qua, sau một loạt những động thái của Bắc Kinh trừng phạt các công ty công nghệ IPO ở thị trường Mỹ, một làn sóng các nhà đầu tư ngoại tháo chạy khỏi chứng khoán Trung Quốc đã xuất hiện. Còn với những công ty nước ngoài đang làm ăn trực tiếp tại đại lục, họ không dễ dàng tháo chạy như vậy, kể cả khi nhận thấy nguy hiểm. Vậy lúc này, lựa chọn của họ là gì?

Thời gian này, các công ty đa quốc gia - những tổ chức đã đầu tư số tiền khổng lồ suốt hai thập kỷ qua vào thị trường mà họ tin là điểm sáng trong tương lai - phải đối mặt với một lựa chọn quan trọng: Họ có bắt đầu giảm đầu tư và hạn chế sự tiếp xúc của họ với Trung Quốc trước dự đoán mối quan hệ sẽ xấu đi? Hay họ vẫn tiếp tục, và hy vọng rằng mối quan hệ rồi sẽ ổn định? Trong một cuộc phỏng vấn thẳng thắn với Newsweek, Giám đốc điều hành của một công ty đa quốc gia lớn của Nhật Bản, Takeshi Niinami của Suntory, nhà sản xuất bia và rượu mạnh, đã thừa nhận những rủi ro ngày càng tăng trong kinh doanh với Trung Quốc — thậm chí là có thể dùng từ "tịch thu" để mô tả tình huống xấu nhất có thể xảy ra với tài sản của một công ty đang làm ăn ở đại lục.

Ông Niinami nói: “Chúng tôi phải quyết định xem có nên mở rộng cơ sở sản xuất ở Trung Quốc hay không”. "Chúng ta có nên đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc khi biết rằng khả năng bị tịch thu thực sự có tồn tại? Chúng ta có chấp nhận được rủi ro này hay không? Nếu chấp nhận thì ở mức độ nào? Nếu đó là 10 tỷ JPY (tức 91 triệu USD], thì có thể chịu được không. Năm tỷ? Có thể được? Vì vậy, chúng tôi phải đánh giá xem chúng tôi có thể chịu đựng việc tịch thu ở mức độ nào. Đó là phân tích rủi ro. Và tôi tin rằng chúng ta sớm hay muộn cũng phải quyết định".

Mọi CEO kinh doanh toàn cầu đều tính toán như vậy, nhưng quy mô và tốc độ phát triển nhanh chóng của Trung Quốc có nghĩa là những cuộc trò chuyện đó thường ở sau cánh cửa phòng họp. Niinami thẳng thắn thừa nhận điều đó bởi vì ông và nhóm Trung Quốc của ông tại Suntory rất thoải mái với kết luận của riêng họ: "Chúng tôi chắc chắn phải trụ lại đó", ông nói thẳng.

Đó là kết luận mà các công ty đa quốc gia Nhật Bản đã đưa ra trong nhiều thập kỷ. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và 2 nước có mối quan hệ kinh tế sâu sắc trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại của hai nền văn hóa. Vào năm 2020, một năm mà Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, thì đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc là 11,3 tỷ USD. Nhìn chung, Nhật Bản đã đầu tư 141,6 tỷ USD vào đại lục - nhiều hơn gần 20 tỷ USD so với Mỹ.

Trụ sở Công ty Suntory. (Ảnh: Wikipedia)
Trụ sở Công ty Suntory. (Ảnh: Wikipedia)

Kết luận của Suntory một phần là ảnh hưởng bởi những lý do quen thuộc đối với bất kỳ công ty nào sản xuất sản phẩm cho thị trường Trung Quốc: "Chúng tôi phải sản xuất các sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng Trung Quốc", ông Niinami nói, và để làm được như vậy đòi hỏi "nhiều thời gian và nguồn lực hơn".

Giám đốc điều hành cho biết việc thiết lập nền tảng kỹ thuật số từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng— “B to C” — là điều rất quan trọng đối với Suntory và điều đó có nghĩa là họ cần hợp tác với các công ty Trung Quốc như Alibaba và Tencent, những công ty có rất nhiều dữ liệu người tiêu dùng theo thời gian thực. Ông hiểu rõ rằng "dữ liệu đó luôn được giám sát bởi chính quyền Bắc Kinh".

Chính phủ Nhật Bản và các công ty của họ, giống như các đối tác của họ ở Mỹ, đã trở nên thận trọng hơn nhiều về việc đầu tư công nghệ hiện đại vào các lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo, viễn thông và máy tính - tất cả các lĩnh vực có sự tham gia của các thực thể quốc phòng. Niinami thừa nhận rằng một công ty sản xuất sản phẩm tiêu dùng như Suntory có thể cảm thấy thoải mái khi đầu tư vào Trung Quốc, nhưng các công ty công nghệ thì không.

Trớ trêu thay, một trong những lý do mà một công ty sản phẩm tiêu dùng như Suntory cần có mặt ở Trung Quốc là công nghệ. Cụ thể là những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

"Việc trụ lại ở thị trường Trung Quốc có ý nghĩa rất lớn, bởi vì họ có công nghệ AI hiện đại. Nơi này thực sự tiên tiến trong không gian tiêu dùng. Vì vậy, chúng tôi chắc chắn phải lựa chọn ở lại", ông nói. '' Tôi sẽ chấp nhận rủi ro".

Lê Minh

Theo Newsweek



BÀI CHỌN LỌC

Doanh nghiệp nước ngoài lập kế hoạch đối phó với rủi ro bị Trung Quốc tịch thu tài sản