Điều kiện cần để xây dựng một chính quyền lành mạnh: Tự do kinh tế và tối thiểu sự can thiệp của chính quyền (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền lành mạnh luôn là cam kết của mọi chính trị gia và là mơ ước của mọi người dân dù ở quốc gia nào. Bởi khi có chính quyền lành mạnh thì quyền lợi về tài sản và giá trị tinh thần của người dân mới được bảo vệ vững chắc nhất và được hỗ trợ khi khó khăn (phúc lợi xã hội). Đó cũng là nền tảng thiết yếu để khuyến khích sáng tạo, đổi mới. Vậy điều kiện cần và đủ trong lý thuyết kinh tế học, trong thực tiễn cho một chính quyền như thế là gì? …

Chính quyền và một quan điểm về chính quyền lành mạnh...

Theo Businessdictionary.com, chính quyền (government) được định nghĩa như sau: Chính quyền là một nhóm người có quyền lực - quản trị, kiểm soát một đất nước. Nó thiết lập và điều hành chính sách công và thực thi quyền hành pháp, chính trị và chủ quyền thông qua hải quan, thể chế và luật pháp trong một nhà nước. Một chính phủ có thể được phân loại thành nhiều loại - trong đó dân chủ, cộng hòa, quân chủ, quý tộc và độc tài chỉ là một số ít.

Có rất nhiều cách hiểu và tiếp cận về một chính quyền lành mạnh. Thậm chí, trong lòng mỗi công dân hẳn sẽ có một định nghĩa riêng của họ về chính quyền mà họ tin cậy. Nhưng tựu chung, nỗ lực của chính quyền trên khắp tinh cầu ngày nay đều hướng về các mục tiêu và giá trị căn bản sau đây:

Thứ nhất, bảo vệ được quyền lợi về tài sản (quyền sở hữu), khích lệ và bảo vệ được giá trị tinh thần của người dân, doanh nghiệp bằng nền pháp trị công bằng, công khai và minh bạch. Giá trị tinh thần gồm tự do tư tưởng, tín ngưỡng, giữ gìn văn hóa truyền thống là nền tảng của sáng tạo. Bảo vệ quyền sở hữu chính là nền tảng tích lũy tư bản và khích lệ tái đầu tư. Bởi vậy, đây cũng là yếu tố khuyến khích sáng tạo, đổi mới và đầu tư của hộ gia đình, doanh nghiệp trong nền kinh tế đó.

Thứ hai, phúc lợi xã hội ở mức hợp lý. Đó là các chương trình hỗ trợ nhóm dân cư khó khăn về vật chất, tinh thần ở mức hợp lý - đủ để tái tạo sức lao động, sáng tạo và duy trì ổn định trật tự xã hội mà không bị rơi vào trạng thái “ỷ lại” hoặc đẩy mâu thuẫn xã hội đi xa hơn. Phúc lợi xã hội quá thấp hoặc bất cân đối giữa các nhóm dân cư khó khăn có thể làm gia tăng bất ổn xã hội. Tuy nhiên, phúc lợi xã hội quá mức sẽ làm gia tăng các nhóm dân cư “ỷ lại” vào chính sách xã hội thay vì cống hiến sức lao động và sáng tạo. Phúc lợi xã hội quá cao hoặc quá thấp, hiển nhiên cũng tạo ra bất công bằng xã hội, và là nguyên nhân triệt tiêu sáng tạo, đổi mới trong xã hội.

Thứ ba, mọi nguồn lực của nền kinh tế bao gồm con người, đất đai, tài nguyên, môi trường, văn hóa… được khai thác hiệu quả nhất, bền vững nhất trên nền tảng thượng tôn pháp luật, quản trị chính quyền công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình cao. Nguyên tắc hàng đầu về hoạt động hiệu quả của bất kỳ tổ chức nào, thuộc bất kỳ cấp độ nào (đặc biệt ở cấp chính quyền) là phải tách bạch, độc lập 3 nhóm quyền lực sau: quyền sở hữu, quyền quản lý và quyền giám sát. Tức là, không một tổ chức nào nên có cả 3 quyền này. Ví dụ, khi một cấp chính quyền vừa sở hữu doanh nghiệp A, vừa ra chính sách quản lý ngành của doanh nghiệp A này, vừa thực thi giám sát tuân thủ và hiệu quả của doanh nghiệp A, thì khi đó nguyên tắc hoạt động hữu hiệu của cấp chính quyền đó bị vi phạm. Lúc này rủi ro đạo đức tất yếu phát sinh khiến tình trạng không công khai, minh bạch và thiếu vắng trách nhiệm giải trình gia tăng. Đây là nguyên nhân làm tha hóa chính quyền, gia tăng bất công bằng, bất bình đẳng và rối loạn xã hội, đạo đức xã hội xuống cấp.

Vậy điều kiện cần và đủ để xây dựng hoặc ít nhất là hướng tới một chính quyền lành mạnh mà mọi người dân mơ ước có thể là gì? Thực ra, tất cả các học thuyết kinh tế - trong lịch sử phát triển của mình - đều chỉ nhắm tới tiêu chí thứ 3 của chính quyền lành mạnh, đó là: mọi nguồn lực của nền kinh tế bao gồm con người, đất đai, tài nguyên, môi trường, văn hóa… được khai thác hiệu quả nhất, bền vững nhất (!) Về bản chất, một chính quyền sẽ không thể đáp ứng tiêu chí này nếu như tiêu chí thứ nhất (bảo vệ quyền sở hữu và giá trị tinh thần của người dân) và tiêu chí thứ hai (phúc lợi xã hội ở mức hợp lý) không được thực thi hoặc thực thi không hiệu quả.

Tự do kinh tế hay không tự do? Can thiệp của nhà nước ở mức nào thì chính quyền mới có thể duy trì sự lành mạnh?

Kinh tế học cổ điển đặt nền móng đầu tiên cho tư tưởng tự do kinh tế là học thuyết của William Petty (1623-1687). Xây dựng trên nền móng này, Adam Smith (1723-1790) với lý thuyết “Bàn tay vô hình” về tư tưởng tự do kinh tế đã khiến học thuyết bền vững theo thời gian. Sau đó, trường phái Cambridge về lý thuyết giá cả, cung-cầu cũng củng cố thêm nền tảng cho học thuyết này.

Sang thế kỉ XX, tư tưởng tự do kinh tế tỏ ra kém hiệu quả bởi cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933. Sự xuất hiện bất ngờ và cái giá quá đắt của Đại khủng hoảng đã khiến các chính trị gia toàn cầu và các nhà kinh tế học nghi ngờ về hiệu quả của học thuyết tự do kinh tế. Lúc này, trên diễn đàn kinh tế học xuất hiện lý thuyết của Keynes (1883-1946) đề cập đến việc can thiệp của chính phủ (chi tiêu công) trong giai đoạn khủng hoảng có thể giúp tăng sản xuất và việc làm, nhờ vậy nền kinh tế sớm thoát khỏi giai đoạn suy trầm và khủng hoảng.

Nếu như Keynes chỉ đề cập tới sự can thiệp của chính quyền nhà nước ở mức tăng chi tiêu công (đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ công ích…) từ nguồn thu thuế, thì nền kinh tế kế hoạch ở các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã tiến một bước xa hơn nhiều: Nhà nước sở hữu toàn bộ của cải xã hội, tổ chức sản xuất và thực hiện phân phối lại toàn bộ. Tại các nền kinh tế này, bóng dáng của tự do kinh tế cổ điển, tân cổ điển hoàn toàn biến mất.

Nhưng ngay sau đó, sự thất bại thảm trọng, thậm chí hỗn loạn về phương diện kinh tế của các nước XHCN trong nhiều thập kỷ qua đã khiến thế giới một lần nữa phải nhìn nhận lại những hệ lụy khi nhà nước can thiệp quá sâu vào nền kinh tế. Ngày nay, khi XHCN tại Nga và Đông Âu chỉ còn lại trong các bài học lịch sử, thì bóng dáng nền kinh tế tập trung cao độ lại xuất hiện tại Venezuela, Bolivia, Triều Tiên, Cuba,... Tuy nhiên, thất bại trên phương diện kinh tế - thị trường tại các nền kinh tế này đã cho thấy sự bất lực của chính quyền trước “bàn tay vô hình” của kinh tế thị trường đầy đủ.

Bởi vậy, các tư tưởng tự do kinh tế một lần nữa được nhìn nhận lại. Sự kết hợp giữa tư tưởng tự do kinh tế “bàn tay vô hình” của Adam Smith và quan điểm của Keynes về sự can thiệp hợp lý của chính quyền đối với chính sách thuế và chi tiêu công (chứ không phải sở hữu và phân phối) đã trở thành căn cứ để xây dựng chính sách ở các nền kinh tế phát triển.

“Cơ chế tự cân bằng của thị trường cạnh tranh làm cho phúc lợi cá nhân và hiệu quả kinh tế đạt mức tối đa” (Adam Smith)

Bàn tay vô hình (invisible hand) là thuật ngữ được Adam Smith sử dụng để mô tả khả năng của cơ chế thị trường trong việc phối hợp các quyết định độc lập của người mua và người bán lại với nhau.

Theo A.Smith, chính bàn tay vô hình với tư cách cơ chế tự cân bằng của thị trường cạnh tranh làm cho phúc lợi cá nhân và hiệu quả kinh tế đạt mức tối đa. Để minh họa cho nhận định này, ông nói rằng trong khi chạy theo lợi ích của mình, con người phụng sự xã hội nhiều hơn trường hợp anh ta chủ trương làm điều đó.

Theo N.G.Mankiw thì “nhà hoạch định xã hội nhân từ không cần thay đổi kết cục thị trường vì bàn tay vô hình đã định hướng người bán và người mua phân bổ các nguồn lực của nền kinh tế theo hướng tối đa hóa tổng thặng dư. Kết luận này lý giải tại sao các nhà kinh tế thường cho rằng thị trường tự do là cách tốt nhất để tổ chức hoạt động kinh tế”.

Cũng theo A.Smith, mọi hoạt động của các cá nhân trong xã hội chỉ nhằm phục vụ lợi ích của chính các cá nhân đó, chứ không phải vì lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên, thông qua phân công lao động (division of labor), thông qua thị trường và cơ chế giá cả, toàn bộ xã hội cũng sẽ được hưởng lợi từ hoạt động riêng lẻ của các cá nhân, một “bàn tay vô hình"sẽ dẫn dắt con người trong khi làm việc có lợi cho mình thì đồng thời đã đóng góp cho lợi ích tập thể.

Thậm chí, Adam Smith còn nhấn mạnh, "đóng góp cho xã hội (một cách tự phát) dựa trên việc theo đuổi (các) lợi ích cá nhân thường hiệu quả hơn nhiều so với đóng góp có chủ đích".

“Bàn tay vô hình” hoạt động hiệu quả nhất khi quyền sở hữu tài sản của cá nhân, doanh nghiệp được bảo vệ thích đáng bởi nền pháp trị

Khi tài sản tích tụ tự nhiên và được bảo vệ thích đáng, các cá nhân, tổ chức sở hữu nó sẽ có động lực lớn nhất trong việc tái đầu tư, mở rộng sản xuất, sáng tạo và đổi mới công nghệ - đẩy khối tài sản tích tụ vào lưu thông và tái sản xuất. Đây chính là đóng góp lớn nhất cho xã hội dưới hình thức tạo ra công việc, cung ứng sản phẩm, phát triển công nghệ, đổi mới và sáng tạo (tri thức). Như vậy, tất cả các thành phần xã hội khác nhau đều nhờ vậy mà có cơ hội việc làm, tiếp cận sản phẩm và tri thức cao hơn. Quay trở lại, xã hội có động lực lớn hơn, liêm chính hơn trong việc sáng tạo, tích lũy giá trị, tái đầu tư giá trị thặng dư trở lại cho xã hội.

“Bàn tay vô hình” chỉ hoạt động hiệu quả nhất khi các lực lượng tham gia thị trường đều có cơ hội bằng nhau trong việc tiếp cận nguồn lực thị trường, thông tin thị trường, và đặc biệt là lợi ích, quyền sở hữu tài sản của từng đối tượng tham gia thị trường được bảo vệ thích đáng theo thời gian, dù chính phủ có thể thay đổi hoặc biến động bằng nền tảng pháp luật chặt chẽ, công bằng và minh bạch.

Nhưng công cụ nợ xuất hiện và ngân hàng bùng nổ đã vô hiệu hóa 'bàn tay vô hình" của Adam Smiths. Sự can thiệp của nhà nước được cổ súy bởi Keynes từ đó nhưng chính quyền ngày càng kém lành mạnh hơn, khủng hoảng kinh tế ngày một lớn...

Kể từ khi giá cả hàng hóa bị thổi phồng bởi hệ thống tài chính khuyến khích nợ nần và đồng tiền không còn dựa trên bản vị vàng mà bị định giá vô tội vạ bởi các chính quyền thì khủng hoảng vỡ nợ đã xảy ra theo chu kỳ, can thiệp của chính quyền vì thế cũng gia tăng. Lúc này, lý thuyết của Keynes bắt đầu được trọng dụng. Tuy nhiên, nợ chính quyền ngày một lớn hơn, chính quyền ngày một can thiệp sâu hơn vào nền kinh tế, tăng cường phúc lợi mạnh hơn, người dân và doanh nghiệp ỷ lại hơn vào chính quyền, chính quyền có nhiều quyền lực trong phân phối của cải, vay nợ và kích thích kinh tế... và thúc đẩy vòng xoáy khủng hoảng diễn ra nhanh hơn, chu kỳ ngắn hơn. Sau mỗi khủng hoảng kinh tế - tài chính, chính quyền lại sở hữu nhiều hơn khi biến nợ tư nhân thành nợ chính phủ, chính quyền can thiệp sâu hơn và giá trị tiền tệ, cung - cầu thị trường. Chính quyền ngày một kém hiệu quả hơn, kém lành mạnh hơn và khủng hoảng vì thế ngày một trầm trọng hơn.

Mời đọc giả đón đọc “Phần 2: Điều kiện đủ để có một chính quyền lành mạnh: Sở hữu và Bảo vệ quyền sở hữu”

Trà Nguyễn
Tổng hợp

Tài liệu tham khảo:

(1) www.businessdictionary.com;
(2) Adam Smith, Tìm hiểu bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia (Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations), 1776;
(3) John M. Keynes, General Theory on Employment, Interest and Money, 1936;
(4) Eatwell et al, Vấn đề của các nền kinh tế kế hoạch (Problems of the Planned Economy), Palgrave Macmillan UK, 1990.
(5) Index of Economic Freedom at https://www.heritage.org/index/

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Điều kiện cần để xây dựng một chính quyền lành mạnh: Tự do kinh tế và tối thiểu sự can thiệp của chính quyền (Phần 1)