Diễn biến mùa dịch: Người dân hạn chế gửi tiền vào ngân hàng, tăng cường đầu tư sang … Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dữ liệu từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, trong 8 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, gồm vốn cấp mới và tăng thêm, đạt 575 triệu USD, tăng gần 74,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, tăng trưởng tiền gửi dân cư lại chạm mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây.

Theo VNexpress, Mỹ là điểm đến dẫn đầu trong 8 tháng đầu năm với 3 dự án đầu tư mới và hai dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 303 triệu USD, tương đương gần 53% tổng vốn đầu tư.

Campuchia đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 89,4 triệu USD. Lào và Canada ghi nhận vốn đầu tư đạt 47,8 triệu và 32,1 triệu USD.

Các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài ở 13 lĩnh vực. Trong đó, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 270,8 triệu USD. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 151 triệu USD, tiếp theo là các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ.

Trong khi đó, tăng trưởng tiền gửi dân cư lại chạm mức thấp kỷ lục trong 10 năm. Cụ thể, tiền gửi của cư dân ghi nhận ở mức 5,3 triệu tỷ đồng, tăng 2,94% so với cuối năm trước.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 12,6 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 6, tăng 4,43% so với cuối năm 2020.

Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 5,1 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 4,78% so với cuối năm 2020. Tiền gửi của cư dân ghi nhận ở mức 5,3 triệu tỷ đồng, tăng 2,94% so với cuối năm trước. Trong khi đó, mức tăng trưởng này trong vòng 10 năm trở lại đây thường xuyên ở mức cao, có những năm đạt trên 10%, ví dụ: 17,2% (2012), 15,9% (2013) hay 12,9% (2016).

Nguồn: SBV.

Theo Vietnambiz, trong số các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, có đến 7 ngân hàng ghi nhận sụt giảm tiền gửi trong 6 tháng đầu năm.

Trong đó, ABBank là ngân hàng có tiền gửi khách hàng giảm mạnh nhất với mức giảm 7,4% so với đầu năm. Các ngân hàng còn lại góp mặt trong danh sách là SeABank (giảm 4,7%), NCB (giảm 4,4%), Viet Capital Bank (giảm 3,6%), MSB (giảm 1,7%), PG Bank (giảm 0,2%) và Saigonbank (giảm 0,3%).

Báo cáo triển vọng nửa cuối năm 2021 của VCBS cũng nhận định doanh nghiệp và người dân sẽ có xu hướng rút tiền khỏi hệ thống, kéo theo áp lực huy động của các ngân hàng.

Ngọc Minh



BÀI CHỌN LỌC

Diễn biến mùa dịch: Người dân hạn chế gửi tiền vào ngân hàng, tăng cường đầu tư sang … Mỹ