Điểm mạnh của Tập Cận Bình là điểm yếu của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không giống như bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào khác kể từ năm 1949, chủ tịch Tập Cận Bình đang "mạnh mẽ hơn bao giờ hết", khi ông không có đối thủ “đáng gờm”, và không ai có khả năng kế nhiệm ông. Nhưng chính sự vĩ đại về quyền lực của ông Tập là điểm yếu lớn nhất của Trung Quốc.

Dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình - kể từ khi ông nhậm chức vào đầu năm 2013 - có những quan chức quyền lực một thời đã bị đốn ngã bởi chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng của ông; có những nhà kinh tế học chống lại quan điểm của ông; có những học giả đã phản đối các biện pháp độc đoán của ông, chẳng hạn như quyết định bãi bỏ các giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch của ông Tập.

Tuy nhiên, cuộc họp mới nhất của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), được tổ chức vào cuối tháng 10/2020, cho thấy ông Tập đang “mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.

Chủ tịch Tập đang ‘mạnh mẽ hơn bao giờ hết’

Không giống như bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào kể từ khi ĐCSTQ nắm quyền vào năm 1949, ông không có đối thủ đáng chú ý và không ai có khả năng là người kế nhiệm ông.

Những ai dám lên tiếng gièm pha vị “chủ tịch quyền uy tối thượng này” đã phải im lặng; những người khác đã tham gia cùng ông ấy, một cách miễn cưỡng hoặc sau khi có một “bước nhảy vọt về trí tuệ”. Những ai dám tiếp tục chỉ trích ông Tập đã bị trừng phạt.

Vào đầu năm nay, virus Corona mới đã bùng phát ở Vũ Hán, sau đó nhanh chóng lan rộng ra các nơi khác ở Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.

Sự bùng phát sẽ trở thành “Chernobyl của Trung Quốc”, chính quyền Trump đã chỉ trích sự vô trách nhiệm của ĐCSTQ và cho rằng một cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội sẽ dẫn đến sự sụp đổ về cơ cấu của chế độ và làm suy yếu vị thế của ông Tập đối với cả nội bộ ĐCSTQ và nhân dân.

Mười tháng sau, ông Tập dường như đang tiến lên trên hầu hết các mặt trận.

ĐCSTQ gần đây đã tổ chức hội nghị bán kỳ của Ủy ban Trung ương, cơ quan gồm 370 thành viên chính thức thông qua các quyết định lớn, chẳng hạn như các kế hoạch kinh tế 5 năm của đất nước hoặc lựa chọn các nhà lãnh đạo cao nhất.

(Từ trái sang phải) Người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình và những người tiền nhiệm của ông là Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân được nhìn thấy ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 30/9/2014. (Feng Li / Getty Images)
(Từ trái sang phải) Người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình và những người tiền nhiệm của ông là Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân được nhìn thấy ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 30/9/2014. (Feng Li / Getty Images)

Trong những năm trước đây, những người quan sát cuộc họp thường cố gắng khám phá ý nghĩa ẩn giấu của "bất kỳ dấu hiệu nào về sự chuyển dịch quyền lực" giữa các phe nhóm lâu năm.

Các chuyên gia không bao giờ có đủ bằng chứng để tiếp tục. Các đại biểu bị “nhốt” tại địa điểm tập trung trong vài ngày, và tất cả các phương tiện truyền thông đều bị loại khỏi sự kiện. Nhưng trong nhiều năm, ít nhất đã có những dấu hiệu rõ ràng của việc đấu đá giữa các gia tộc có mối liên hệ với các nhà lãnh đạo trong quá khứ.

Tuy nhiên, năm nay, không ai còn bận tâm nhiều đến số lượng người đứng đầu của các “băng đảng chính trị”. Ông Tập tại vị càng lâu, các phe phái và gia tộc cũ càng ít quan trọng.

Người tiền nhiệm của ông, Hồ Cẩm Đào, hầu như không được xuất hiện ngoài các dịp nghi lễ kể từ khi ông bàn giao chức vụ cho ông Tập vào cuối năm 2012.

Người tiền nhiệm của ông Hồ, Giang Trạch Dân (đứng đầu chính quyền của băng đảng Thượng Hải) - người duy trì ảnh hưởng đối với các cuộc bổ nhiệm cấp cao và quân đội trong nhiệm kỳ của ông Hồ - hiện đã già nua ốm yếu, phe cánh của Giang bị đe dọa bởi các cuộc điều tra chống tham nhũng của ông Tập.

Đại dịch càng củng cố quyền lực của ông Tập

Và giờ đây, nghe có vẻ ngược đời, nhưng sức mạnh của ông Tập đang được củng cố bởi đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Sau khi sớm che đậy sự bùng phát dịch bệnh ở Vũ Hán, chính phủ Trung Quốc đã triển khai rất hiệu quả các công cụ độc tài theo ý mình. Dịch bệnh khiến ĐCSTQ không bị cản trở bởi các cuộc thảo luận sa lầy một số nền dân chủ, Trung Quốc đã nhanh chóng đóng cửa biên giới các tỉnh, ngừng du lịch trong nước, đóng cửa các doanh nghiệp và giam giữ hàng triệu công dân tại nhà của họ - các biện pháp được thực hiện nhờ vào “năng lực giám sát” của nhà nước.

Một cuộc khủng hoảng có tính hệ thống đã được tái hiện lại như một trận chiến của ý chí quốc gia và lòng yêu nước - với các cuộc mít tinh trong nội bộ ĐCSTQ.

Nhậm Chí Cường - ông trùm bất động sản được biết đến với biệt danh "cây đa cây đề" Nhậm, đã gọi ông Tập là "gã hề" khi lên tiếng chỉ trích ĐCSTQ trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát đại dịch.

Ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), chủ tịch của Hua Yuan Group, có bài phát biểu trong Diễn đàn kinh tế cao cấp năm 2006 tại Câu lạc bộ quốc tế Luxehills ở Thành Đô, Trung Quốc vào ngày 7 tháng 1 năm 2006... (Nguồn ảnh: Trung Quốc / Getty Images)
Ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), chủ tịch của Hua Yuan Group, có bài phát biểu trong Diễn đàn kinh tế cao cấp năm 2006 tại Câu lạc bộ quốc tế Luxehills ở Thành Đô, Trung Quốc vào ngày 7 tháng 1 năm 2006... (Nguồn ảnh: Trung Quốc / Getty Images)

Trong quá khứ, vị trí “thái tử Đảng” của ông Nhậm đã giúp ông được bộc lộ tính thẳng thắn của mình. Nhưng lúc này đây, dưới quyền lực của chủ tịch Tập, ông Nhậm đã bị điều tra về tội tham nhũng, bị khai trừ khỏi ĐCSTQ và vào tháng 9/2020, ông bị kết án 18 năm tù.

Vào thời điểm đó, ông Tập và ĐCSTQ đang hưởng lợi lớn về mặt tuyên truyền. Người dân có thể dễ dàng nhận ra virus Corona Vũ Hán đã phần lớn ngừng lây lan ở Trung Quốc; trong khi tình trạng lây nhiễm vẫn đang diễn ra ở Hoa Kỳ và nhiều nền dân chủ châu Âu, với các đợt bùng phát mới buộc một số quốc gia phải đóng cửa.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,9% trong quý III/2020 và một số nhà kinh tế dự đoán rằng nước này có thể sớm trở lại tốc độ tăng trưởng trước đại dịch.

Thương chiến Mỹ-Trung diễn ra trong giai đoạn này, và ông Tập “tận dụng cơ hội này” để miêu tả các chính sách khác nhau của ĐCSTQ như những biện pháp cần thiết trong “cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù không đội trời chung - đang tiêu diệt Trung Quốc”.

Các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã tung hô khi kết thúc hội nghị trung ương gần đây, ca ngợi các nhà lãnh đạo của đất nước đã “mang lại sự ổn định chắc chắn trong một thế giới đầy biến động”.

Sẵn sàng chiến tranh?

Thông cáo chính thức được đưa ra sau cuộc họp nói rằng Trung Quốc phải “tăng cường toàn diện đào tạo và chuẩn bị sẵn sàng” trong quân đội - một lệnh đáng chú ý vì các tuyên bố sau hội nghị trung ương hiếm khi đề cập đến sự sẵn sàng chiến tranh.

Ông Tập cũng đang tăng cường gấp đôi nỗ lực để khiến Trung Quốc tự chủ trong các công nghệ then chốt.

Trong một bài phát biểu được công bố gần đây trên tạp chí Qiushi của ĐCSTQ, ông Tập đã kêu gọi Trung Quốc tự bảo vệ mình trước sự gián đoạn nguồn cung cấp nước ngoài có thể xảy ra.

Cuộc chiến thương mại với Mỹ đã tạo động lực cho chính sách kinh tế trong nước của ông Tập, vốn là hành động cân bằng giữa “củng cố khu vực nhà nước”, trong khi gia tăng kiểm soát và khuyến khích tạo lợi nhuận từ các doanh nghiệp tư nhân.

Một số cố vấn kinh tế chính của ông Tập - như phó thủ tướng Lưu Hạc, thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc Quách Thụ Thanh - có liên hệ chặt chẽ với các phe ủng hộ thị trường trong hoạch định chính sách kinh tế.

Kinh tế hỗn hợp

Nhưng ông Tập dường như đang thúc đẩy khu vực nhà nước và các khu vực tư nhân hợp tác trong một loại hình kinh tế hỗn hợp - được thiết kế để phục vụ lợi ích của ĐCSTQ trước hết.

Các công ty tư nhân được phép phát triển và thịnh vượng, nhưng họ phải đối mặt với những yêu cầu ngày càng cao từ nhà nước. ĐCSTQ yêu cầu các chỉ bộ Đảng phải được thành lập trong các công ty tư nhân.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình được hoan nghênh từ (trái sang) Ủy viên Quốc vụ Tiêu Tiệp (Xiao Jie), Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, Ủy viên Quốc vụ Vương Dũng và Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), khi ông Tập đến tham dự phiên bế mạc của hội nghị lập pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 28/5/2020. (NICOLAS ASFOURI / AFP qua Getty Images)
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình được hoan nghênh khi ông Tập đến tham dự phiên bế mạc của hội nghị lập pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 28/5/2020. (NICOLAS ASFOURI / AFP qua Getty Images)

“Tư tưởng Tập Cận Bình” đang có sức lan tỏa rộng hiện nay, củng cố vai trò của ĐCSTQ cũng như sự thống trị của ông Tập; “làm im lặng” bộ phận bảo thủ trong ĐCSTQ - theo cách nói chính trị của Trung Quốc là “cánh tả”.

Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc từ những năm 1970 đến cuối những năm 1980, đã nói rằng Trung Quốc nên trở thành một quốc gia tiên tiến vào năm 2050. Giờ đây, thời gian biểu đó đã được đẩy nhanh.

Mục tiêu mới để hoàn thành "hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa" của Trung Quốc - quy tắc xây dựng Trung Quốc trở thành một quốc gia giàu có và hùng mạnh ngang hàng với Hoa Kỳ - được đặt ra là năm 2035.

Ông Tập đã loại bỏ các ràng buộc chính thức về thời gian nhiệm kỳ của mình. Do đó, vào năm 2035, ông Tập khi đó sẽ 82 tuổi, có thể vẫn còn tại vị, hoặc ít nhất là nắm quyền ở hậu trường.

Và đây là nghịch lý trong cách cai trị của ông Tập. Giờ đây, ông đã nắm quyền vững chắc trong ĐCSTQ, không có đối thủ và không có kế hoạch kế vị nào, ông cũng đang tạo tiền đề cho một cuộc khủng hoảng toàn diện về vị trí lãnh đạo trong tương lai.

Sự vĩ đại về quyền lực của ông Tập là điểm yếu lớn nhất của Trung Quốc.

Tác giả: Richard McGregor là tác giả của "ĐCSTQ: Thế giới bí mật của những người cai trị Trung Quốc"

Trần Đức



BÀI CHỌN LỌC

Điểm mạnh của Tập Cận Bình là điểm yếu của Trung Quốc