Đề xuất gói 300 nghìn tỷ trước nguy cơ số doanh nghiệp ‘chết thảm’ vì Covid tăng cao

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong buổi báo cáo kinh tế quý II do Viện kinh tế chính sách (VEPR) thực hiện chiều 21/7, các chuyên gia khuyến cáo tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ giải thể tăng tới 24,9% so với cùng kỳ...

Theo VnEconomy, hầu hết các chuyên gia tại tọa đàm đều bày tỏ sự lo lắng đến sức khỏe nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Bởi làn sóng dịch Covid lần thứ 4 đang tấn công vào những đầu tàu kinh tế trọng điểm, đánh gục các khu công nghiệp - đòn bẩy tăng trưởng kinh tế, như Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP. HCM...

Nền kinh tế đình trệ

Trong buổi họp này, các nhà phân tích đều cho rằng, có vẻ như sau những thành công ban đầu của việc kiểm soát bệnh dịch, Việt Nam chưa lường hết được tác hại, sự lây lan nhanh của biến thể. Việt Nam cũng thiếu chiến lược tổng thể, nhất quán, sự chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống xấu.

Vì thế, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, nền kinh tế có nguy cơ rơi vào tình trạng đình trệ, đứt gãy trong lưu thông do những bất cập tại các điểm khai báo y tế và các biện pháp cực đoan, thiếu nhất quán trong công tác phòng chống dịch của các nơi.

“Con số tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm không phản ánh hết những khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là đối với khu vực phi chính thức”, TS. Phạm Thế Anh, Chuyên gia Kinh tế vĩ mô, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định.

Một chuyên gia kinh tế khác cho rằng, hoạt động doanh nghiệp rất nhiều khó khăn, có những doanh nghiệp ăn nên làm ra như tài chính ngân hàng bảo hiểm, công nghệ, một đoạn phân khúc bán buôn bán lẻ, y tế. Còn lại những lĩnh vực khác cực kỳ khó khăn.

Bên cạnh 67,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 26,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nhưng lại có đến 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Tính trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ này đáng quan ngại, khi tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.

“Có những người dân vẫn có tiền nhàn rỗi, đổ tiền đầu tư vào bất động sản, chứng khoán. Nhưng có bộ phận không nhỏ người dân lo cơm ăn áo mặc, tử nạn tại những địa điểm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Dịch bệnh mạnh mẽ nhất từ trước đến giờ, nếu không kiềm chế dịch bệnh, nền kinh tế sẽ vỡ toang".

Đề xuất gói 300 nghìn tỷ cứu các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo Báo Giao Thông, Cũng trong buổi báo cáo này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng cũng đã đề xuất Tổ hợp tín dụng 300 nghìn tỷ đồng cứu các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ông Hiếu cho biết, Chính phủ vừa đưa ra gói tín dụng 26 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người lao động mất việc làm và cho vay lãi suất 0% với các doanh nghiệp chịu tác động dịch bệnh để trả lương cho người lao động. Nhưng với khoảng 800 nghìn doanh nghiệp đang lao đao, 70 nghìn doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, thì số tiền này chỉ như “muối bỏ biển”.

“Chúng ta phải có giải pháp tài chính cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Tôi gọi đó là Tổ hợp tín dụng đi kèm với quỹ bảo lãnh tín dụng”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng. (Ảnh minh họa)

Thông tin về đề xuất Tổ hợp này, ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay, đây là tổ hợp cho vay của các ngân hàng mà trước đây đã được Mỹ, Đức và một số nước áp dụng rất hiệu quả. Theo đó, các ngân hàng cùng nhau hùn vốn tài trợ cho một dự án lớn hay nhiều dự án có tính rủi ro.

“Và tôi đề nghị Việt Nam cần có một tổ hợp này, tất cả các ngân hàng hoạt động tại Việt Nam phải tham gia. Tỷ lệ tham gia là khoảng 3% dư nợ của mỗi ngân hàng nên tính ra đâu đó 300 nghìn tỷ đồng. Thời gian cho vay trong vòng 5 năm, trong đó 2 năm đầu vay tuần hoàn, 3 năm sau vay cố định và trả dần”, ông Hiếu nói.

Về đối tượng vay, ông Hiếu đề xuất là các hộ kinh doanh trên toàn quốc, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn tuỳ theo tiêu chí xét duyệt cụ thể.

Ngân hàng Nhà nước có thể là cơ quan chủ trì xây dựng tổ hợp tín dụng này trên cơ sở làm việc với các ngân hàng thương mại; Đồng thời đưa ra quy chế.

“Điều kiện vay phải là tín chấp bởi không thể đòi các doanh nghiệp hiện nay phải thế chấp nhà đất, ô tô, trang thiết máy móc bị được vì thời điểm này họ không còn tài sản. Lãi suất cho vay chỉ 3%-5%”, ông Hiếu giải thích.

Về nguồn tiền, ông Hiếu cho rằng, các ngân hàng có thể lấy tiền từ nguồn huy động lõi, tức là từ các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn, các tài khoản vãng lai, tiền tiết kiệm không kỳ hạn mà các ngân hàng không trả lãi hoặc phải trả lãi rất thấp.

“Các ngân hàng lấy một phần từ đây để đóng góp cho tổ hợp này để cho vay ra với lãi suất thấp 3%-5%”, chuyên gia này lý giải.

Theo phương án này, các doanh nghiệp, cá nhân vay kinh doanh dược ân hạn nợ gốc năm đầu (trong năm đầu chỉ trả lãi) vì dịch bệnh vẫn tác động tới doanh nghiệp ít nhất thêm 1 năm nữa, sau đó gốc và lãi được trả dần từ năm thứ hai.

Với tiêu chí vay vốn, đây là vấn đề cốt lõi của tổ hợp này. Ông Hiếu cho biết, cho vay tín chấp có rủi ro cao cho ngân hàng nên để ngân hàng có thể an toàn cho vay thì tổ hợp tín dụng này phải liên kết với quỹ bảo lãnh tín dụng tầm quốc gia.

Trước đó, Chính phủ đã ra Quyết định 34/2018/QĐ-CP năm 2018 yêu cầu mỗi địa phương phải xây dựng quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương nhưng ông Hiếu cho rằng nguồn vốn chỉ 100 tỷ đồng mỗi quỹ là quá nhỏ.

Hoặc tiêu chí chỉ cho phép bảo từng lần trên vốn tự có, tính ra chỉ ở mức 300 tỷ đồng một địa phương. Nên nếu chỉ một địa phương lớn Đà Nẵng thì chỉ 1 vài doanh nghiệp là hết tiền quỹ bảo lãnh.

Do đó, ông Hiếu đề xuất quỹ bảo lãnh ở đây phải là quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, vốn phải lên tới 30 nghìn tỷ đồng và phải lấy từ ngân sách nhà nước; Đồng thời cho phép quỹ bảo lãnh 10 lần trên số vốn tự có (là 300 nghìn tỷ đồng).

“Ngân hàng thu lợi lớn từ xã hội thì phải trả lại cho xã hội bằng cách hạ lãi suất. nhưng họ lại dành ưu tiên cho các khách hàng lớn, doanh nghiệp ưu tiên nên ở đây cần chính sách quốc gia để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa để vượt qua khó khăn này”, ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

Mộc Trà



BÀI CHỌN LỌC

Đề xuất gói 300 nghìn tỷ trước nguy cơ số doanh nghiệp ‘chết thảm’ vì Covid tăng cao