Đánh giá sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi Hoa Kỳ chuyển sang nhận thức Trung Quốc như là một kẻ thù thay vì là đối thủ cạnh tranh, sự cạnh tranh giữa hai cường quốc này đáng để các chuyên gia địa kinh tế - chính trị đánh giá lại, và bởi thế cách thức cạnh tranh cũng được triển khai trên một bàn cờ mới với nguồn lực mới và tinh thần mới...

Ngày 24/6, Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung đã lắng nghe những lời chứng của nhiều chuyên gia về “quan điểm về cạnh tranh chiến lược của Trung Quốc với Hoa Kỳ”. Các khuyến nghị của họ bao gồm việc bắt buộc các cơ quan truyền thông Trung Quốc tôn trọng nguyên tắc "có đi có lại", tăng cường khả năng công nghệ của Hải quân Hoa Kỳ, và thách thức Trung Quốc trong các thể chế quốc tế nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc trong việc định hình nhân quyền và các giá trị phổ quát.

Tâm thái chiến tranh lạnh, có đi có lại

Nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình có “những quan điểm lệch lạc sâu sắc về Hoa Kỳ”, nhà báo kiêm tác giả John Pomfret cho biết.

Những quan điểm đó một phần cho thấy quyết tâm của ông Tập khi đưa Trung Quốc vào một “cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ”, ông nói.

Sự cạnh tranh đó, “trên một lĩnh vực rộng lớn”, là bằng chứng về tâm thái và hành vi Chiến tranh Lạnh mà chính phủ Trung Quốc đã thể hiện vào “nhiều năm trước khi một tỷ lệ lớn người Mỹ bắt đầu lo lắng về thách thức chiến lược do Trung Quốc đưa ra”.

Trớ trêu thay, Trung Quốc lại thường xuyên cáo buộc thế giới phương Tây về tư duy Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là người Mỹ, ông nói.

Ông khuyên chính phủ Hoa Kỳ “nên tìm kiếm nhiều hơn sự 'có đi có lại' trong mối quan hệ với Trung Quốc so với trước đây”. Và trong trường hợp ĐCSTQ không sẵn sàng đáp lại mối quan hệ này, Hoa Kỳ nên đơn giản là để những khía cạnh đó “thất bại”.

Một lĩnh vực quan trọng mà Hoa Kỳ phải yêu cầu Trung Quốc "đền đáp" quyền truy cập mà Hoa Kỳ đang cho Trung Quốc là phương tiện truyền thông, ông Pomfret nói.

“Nếu Trung Quốc không sẵn lòng cho phép các phóng viên Mỹ làm việc tại Trung Quốc, chính phủ Hoa Kỳ phải dự tính yêu cầu tất cả các phóng viên Trung Quốc ở Mỹ rời đi. Nếu Trung Quốc tiếp tục chặn các trang web của các công ty truyền thông Mỹ ở Trung Quốc, Hoa Kỳ nên xem xét việc đóng cửa các hoạt động của các cơ quan truyền thông do Trung Quốc trợ vốn ở Hoa Kỳ”, ông chia sẻ.

Giá trị phổ quát

Liên Hợp Quốc (LHQ) là một chiến trường mới nổi có thể gây ảnh hưởng tới thế giới. Bằng âm mưu “lèo lái LHQ khỏi các nguyên tắc thành lập của nó”, Trung Quốc đang cố gắng sử dụng LHQ như một “phương tiện để thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại hạn hẹp của mình”, bà Kristine Lee thuộc Trung tâm An ninh Mỹ cho biết.

ĐCSTQ đang sử dụng LHQ để “làm cho thế giới phù hợp với ĐCSTQ”, bà nói thêm.

Tại LHQ và các tổ chức trong LHQ, Trung Quốc đang cố gắng “thắt chặt gọng kìm của mình đối với các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ và thậm chí cá nhân các nhà hoạt động chính trị đang gây thách thức” cho Trung Quốc, đồng thời quảng bá các GONGO của chính mình (các tổ chức phi chính phủ do chính phủ tổ chức) mà phù hợp với lợi ích của nó, bà Lee nói.

Theo bà Lee, một trong những chiến lược quan trọng của chế độ Trung Quốc là làm suy yếu khái niệm về nhân quyền phổ quát để biện minh cho sự coi thường của nước này đối với các yêu cầu của cá nhân hoặc các nhóm thiểu số. Điều này cho phép Trung Quốc biện minh cho việc đàn áp các nhóm thiểu số ở Tây Tạng và Tân Cương.

Khái niệm về các giá trị phổ quát, được gọi là “pushi jiazhi” trong tiếng Trung, đã bắt đầu được tranh luận công khai trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc và trong giới hàn lâm Trung Quốc ngay sau trận động đất Tứ Xuyên năm 2008 đã giết chết hơn 80.000 người, theo một bài báo trên The Economist vào tháng 7/2010.

Ngay sau trận động đất đó, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đến thực địa trong vòng vài giờ sau thảm họa, một động thái cá nhân hiếm thấy đối với một chính trị gia cao cấp của ĐCSTQ, một tờ báo ở Quảng Đông đã ca ngợi phản ứng của chính phủ, nói rằng chính phủ đã “thực hiện đúng các cam kết với chính người dân của mình và với toàn thế giới khi tôn trọng các giá trị phổ quát”, The Economist đã đưa tin lại bài báo của Trung Quốc nói về điều đó.

Bản thân ông Ôn có nhắc đến sự tồn tại của các giá trị phổ quát trong một bài tiểu luận được đăng tại Trung Quốc vào ngày 3/3/2007, trong nhiệm kỳ 10 năm làm thủ tướng của ông. Tờ China Daily bản dịch tiếng Anh trích dẫn lời ông Ôn nói rằng “khoa học, dân chủ, hệ thống luật pháp, tự do và nhân quyền không phải là một cái gì đó đặc biệt đối với chủ nghĩa tư bản. Thay vào đó, chúng là những giá trị chung được nhân loại theo đuổi trong quá trình lịch sử lâu dài và chúng là thành quả của nền văn minh nhân loại do con người tạo ra”.

Sự cho phép và phổ biến cuộc thảo luận về các giá trị phổ quát đã lan rộng ở Trung Quốc khi cựu chủ tịch của ngân hàng thương mại, Qin Xiao, trong phần mở đầu bài phát biểu với các sinh viên tốt nghiệp trường kinh doanh của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh nói rằng “Giá trị phổ quát nói với chúng ta rằng chính phủ phục vụ người dân”, và rằng “tài sản thuộc về người dân”.

Ông tiếp tục khuyến khích các sinh viên tốt nghiệp chống lại những thứ vật chất và theo đuổi các giá trị phổ quát về tự do và dân chủ, các bài báo cho biết.

Tuy nhiên, 10 năm sau, Bắc Kinh đang sử dụng “hồ sơ tăng trưởng của mình” trong Hội đồng Nhân quyền LHQ để “làm cho các chỉ trích về hồ sơ nhân quyền của nước này buộc phải im lặng” và để “xóa bỏ các khái niệm về nhân quyền phổ quát”, bà Lee nói.

Quan hệ đối ngoại

Các ủy viên nhất trí rằng mặc dù các quan hệ của Trung Quốc với châu Âu là một “thách thức đối với sự gắn kết nội bộ của Liên minh Châu Âu”, chúng cũng là một thách thức đối với mối quan hệ của EU và Hoa Kỳ.

Bà Janka Oertel thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu cũng tin rằng “việc tiếp cận thị trường châu Âu và hợp tác chính trị với khối kinh tế là rất quan trọng để hiện thực hóa các tham vọng bành trướng toàn cầu của Trung Quốc".

Châu Âu là “chiến trường quan trọng” cho Trung Quốc trong cuộc chiến giành lấy “quyền lực tối cao về kinh tế và công nghệ” của mình đối với Hoa Kỳ, bà nói.

Tuy nhiên, Trung Quốc gần đây đang phải đối mặt với một EU, giống như Hoa Kỳ, đã trở nên cứng rắn hơn với Trung Quốc đối với các chính sách thương mại của mình và đòi hỏi nhiều hơn về sự có đi có lại trong các mối quan hệ của họ, bà Oertel thừa nhận.

Trở lại ngưỡng cửa Đông Nam Á, Trung Quốc phải đối mặt với một loạt các thách thức khác trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Hoa Kỳ.

Ông Satu Limaye thuộc Trung tâm Đông-Tây cho biết: lợi ích và động lực cốt lõi của Trung Quốc là hai phần đi đôi với nhau.

Đầu tiên, Trung Quốc tìm kiếm sự toàn vẹn lãnh thổ, và điều đó có nghĩa là vấn đề này đứng đầu trong các tranh chấp trên phạm vi rộng với các nước láng giềng, rất nhiều trong số các tranh chấp này là do Trung Quốc khởi xướng. Mối quan tâm cốt lõi thứ hai và được nhiều người biết đến là “sự thống nhất quốc gia” với Đài Loan.

Nhiều vụ việc tranh chấp lãnh thổ có thể được tìm thấy ở vùng biển bao quanh Trung Quốc, bao gồm Biển Đông, Biển Hoa Đông và Hoàng Hải (Biển Vàng).

Nhưng Trung Quốc cũng có một tranh chấp biên giới trên bộ đáng kể như các sự kiện gần đây ở biên giới Ấn - Trung đã cho thấy.

“Những động lực chiến lược và sức mạnh quân sự của Trung Quốc hiện đang chủ yếu hướng vào Đông Á hoặc phía tây Thái Bình Dương”, ông Limaye chia sẻ.

Bất chấp sự hung hăng của Trung Quốc trong toàn bộ vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, những quốc gia đó “có khả năng tính toán một cách điềm tĩnh cán cân địa chính trị toàn cầu và địa phương và điều hướng giữa và trong các nước với nhau... Họ là những nước có kinh nghiệm trong việc đến, đi và sự kình địch của các cường quốc. Các nước trong vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương có nhiều cơ quan, phòng điều động và các công cụ hơn so với những gì chúng ta biết”, ông nói.

Ông Limaye tin rằng các nước láng giềng của Trung Quốc, một mình hoặc thông qua liên kết, “có thể làm Trung Quốc thất vọng trong việc đạt được sự toàn vẹn và thống nhất lãnh thổ”.

Ông cũng tin tưởng vào các liên minh của Mỹ trong khu vực, và thái độ của Trung Quốc trong khu vực đang làm vững mạnh hơn các mối quan hệ đối tác đó, ông nói.

“Những dòng tiêu đề ngắn gọn không nắm bắt được đầy đủ sức mạnh của các cơ chế, tập quán và mạng lưới hợp tác được liên minh thể chế hóa sâu sắc từ hàng thập kỷ qua hàng trăm trao đổi và cam kết mỗi năm giữa các quân đội đồng minh và các đối tác Mỹ (và giữa các quân đội đồng minh với nhau)”, ông cho biết.

Tại châu Mỹ Latinh, thương mại Trung Quốc đã “tăng trưởng từ 12 tỷ USD năm 2000 lên tới 278 tỷ USD năm 2017”, ông R. Evan Ellis thuộc Đại học Chiến tranh Quân đội Hoa Kỳ nói. “Các công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 122 tỷ USD vào khu vực này từ năm 2000 đến năm 2018”.

Thách thức về quân sự

Nhưng quan trọng hơn đối với sân sau của Mỹ, "sự cam kết an ninh của Trung Quốc trong khu vực này… bao gồm giúp CHND Trung Hoa hoạt động hiệu quả ở Tây bán cầu, nếu Trung Quốc quyết định làm như vậy, trong bối cảnh xung đột với Hoa Kỳ trong tương lai”.

“Hầu như mọi quốc gia Nam Mỹ đều gửi một số quân của họ đến trường quân sự ở Bắc Kinh”, ông Ellis nói.

“Ngày càng có nhiều công ty và người Trung Quốc đến Mỹ Latinh, vì vậy họ (Trung Quốc) muốn bảo vệ những đối tượng này”.

Nhưng bà Michèle Flournoy, cựu bộ trưởng bộ quốc phòng về chính sách, đã cảnh báo khi được hỏi liệu sức mạnh Hải quân Hoa Kỳ có đủ để chống lại Trung Quốc hay không, hoặc có đóng vai trò quan trọng như nó đã từng hay không.

“Xu hướng sắp tới rất đáng lo ngại”, bà nói.

“Ngày nay, Hải quân Hoa Kỳ là vô song và không có đối thủ. Nhưng Trung Quốc hiện có khả năng tấn công vào chuỗi đảo thứ nhất, và một số ở chuỗi đảo thứ hai [của Biển Đông]. Nếu Hải quân Hoa Kỳ không thay đổi, lợi thế của chúng ta sẽ bị suy giảm”.

Bà khuyên rằng Mỹ nên đầu tư vào công nghệ “giúp cho tàu của chúng ta tăng khả năng sống sót” và điều đó giúp tăng cường sức mạnh của Hải quân.

“Sức mạnh của Hải quân sẽ cực kỳ quan trọng trong tương lai”, bà cho biết.

Nhà phân tích Alison Kaufman, nhà nghiên cứu chính sách châu Á kỳ cựu tại nhóm chuyên gia cố vấn CNA, đã đưa ra một góc nhìn khác về thành phần quân sự trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung.

“Chúng ta cần phải chắc chắn rằng Trung Quốc không đánh giá thấp chúng ta. Tôi nghĩ rằng nguy cơ tính toán sai lầm là rất cao”, ông Kaufman nói.

Tách rời

Lần đầu tiên, các doanh nghiệp Mỹ đang dần nhận ra rằng họ đang làm việc “chống lại lợi ích cá nhân của chính họ”, ông Barry Naughton thuộc Đại học California–San Diego chia sẻ.

“Chúng ta đang chứng kiến một quan điểm chung cực kỳ phổ biến" trong việc tránh xa và chống lại Trung Quốc, ông nói.

Ông Limaye nói rằng khi đến lúc tách rời, cũng được gọi là “sự rời ra có quản lý”, thì nó rất quan trọng để nhận ra rằng “phần lớn châu Á nằm trong chuỗi cung ứng, vì vậy sự quan tâm và công bằng của các nước này là rất lớn trong cách chúng ta tách rời”.

Trong các ngành, ngành ô tô, điện tử và chip máy tính đều bị ảnh hưởng trên khắp châu Á, ông cho biết. Nhưng có một cơ hội để tạo ra dòng vốn đầu tư vào các quốc gia đó nhằm thoát khỏi Trung Quốc.

Nhật Bản và Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng, ông nói, nhưng "theo tính toán của tôi, tách rời sẽ vô cùng khó khăn, đặc biệt là đối với những người chơi trung gian trong chuỗi cung ứng vì họ a) không tạo ra luật lệ và b) thị phần tương quan của họ khá nhỏ và do đó, họ không thể quản lý kết quả và sẽ phải chịu dưới quyền của những người chơi lớn”, ông cho biết.

Thủy Tiên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Đánh giá sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc