'Đại nhảy vọt' mới của Trung Quốc: ‘Nỗ lực toàn quốc’ vào ngành công nghiệp bán dẫn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngành công nghiệp bán dẫn của Bắc Kinh đang được thúc đẩy bởi kế hoạch trị giá hàng tỷ USD của chính phủ nhằm chống lại áp lực ngày càng tăng từ Mỹ. Điều đó đang thu hút các công ty “đổ xô” vào ngành này, kể cả những “tay nghiệp dư”.

Hơn 13.000 doanh nghiệp Trung Quốc đã đăng ký làm công ty bán dẫn trong 9 tháng đầu năm nay, theo dữ liệu từ Qichacha, một nhà cung cấp thông tin về các công ty Trung Quốc.

Con số này cao gấp đôi so với mức trung bình hàng tháng của năm ngoái, với lượng đăng ký tăng hơn 30% chỉ trong tháng 9. Nhiều công ty tham gia vào ngành này đến từ các lĩnh vực như phụ tùng ô tô hoặc thủy sản, và không có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán dẫn.

‘Đại nhảy vọt’ về chất bán dẫn?

Bắc Kinh dự kiến ​​sẽ tăng mạnh hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp chip như một phần của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, sẽ được công bố vào cuối tháng 10/2020, để đáp lại những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc thành một cường quốc công nghệ.

Một số phương tiện truyền thông nhà nước đã gọi sự thúc đẩy này là “Đại nhảy vọt về chất bán dẫn”.

Năm 1958, Mao Trạch Động đã áp dụng kế hoạch gọi là “Đại nhảy vọt” nhằm biến đổi nhanh nền kinh tế Trung Quốc từ nông nghiệp lạc hậu tới công nghiệp hiện đại, nhưng chiến dịch thất bại đã dẫn tới mất mùa, khiến nạn đói lớn xảy ra làm chết khoảng 20 đến 46 triệu người trong thời gian 1958 và 1962.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết đầu tư 1,4 tỷ USD trong sáu năm đến năm 2025 để xây dựng các ngành công nghiệp công nghệ cao từ mạng di động đến trí tuệ nhân tạo.

Trung Quốc vội vã sản xuất chip, liệu có đỡ nỗi ‘cú đấm thép’ của Washington?

Số doanh nghiệp đăng ký công ty thiết bị bán dẫn

Douglas Fuller, giáo sư tại Đại học City ở Hong Kong và là chuyên gia về chính sách công nghiệp của Trung Quốc trong lĩnh vực chip, cho biết làn sóng những người mới tham gia vào ngành được thúc đẩy bởi “trợ cấp hoặc hy vọng được trợ cấp nhiều hơn nữa”.

Giáo sư Fuller cho biết thêm rằng luôn luôn có những “làn sóng hoạt động” của nhà nước trong ngành này, nhưng sự việc các công ty bên ngoài lĩnh vực này nhảy vào là một sự khác biệt so với trước đây.

Trung Quốc nhập khẩu hơn 300 tỷ USD chất bán dẫn mỗi năm, cao hơn bất kỳ sản phẩm nào khác kể cả dầu. Động thái mới nhất này một phần là để đáp lại những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm siết chặt lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc.

Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Huawei, công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc và gần đây là đối với Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Quốc tế - SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất của nước này.

Trong vòng một năm, Washington đã sửa đổi các quy tắc kiểm soát xuất khẩu ba lần để nhắm vào Huawei - những thay đổi đã ảnh hưởng đến cả các nhà cung cấp Hoa Kỳ và không phải Hoa Kỳ của Huawei.

Các nhà cung cấp hiện đang thận trọng trước “cánh tay dài của luật pháp Mỹ”. Và trong hai năm qua, chính quyền Trump đã tăng tốc nỗ lực đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách đen gọi là Danh sách thực thể, bổ sung thêm khoảng 70 công ty và tổ chức cho đến nay trong năm 2020.

Alex Capri, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Hinrich có trụ sở tại Singapore, cho biết: “Washington đã vũ khí hóa các chuỗi cung ứng ví dụ như công nghệ bán dẫn để làm chậm lại tham vọng công nghệ của Trung Quốc”.

Những ‘tay’ nghiệp dư

Hồ sơ công khai cho thấy các công ty Trung Quốc không có kinh nghiệm về chất bán dẫn đang chuyển sang lĩnh vực này.

Shanghai Xinpeng Industry Co, một nhà sản xuất phụ tùng ô tô, đã đăng ký là nhà sản xuất chất bán dẫn vào tháng 7/2020. Kể từ cuối năm ngoái, công ty này đã đầu tư hơn 400 triệu Rmb (59 triệu USD) vào các nhà máy bán dẫn ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh, Thiên Tân và Phật Sơn.

Dalian Morningstar Network Technology Co (DMNT), một nhà sản xuất thủy sản chuyển thành công ty trò chơi trực tuyến, cho biết vào tháng 5 /2020 họ dự định trả 230 triệu Rmb (34,5 triệu USD) cho 51% cổ phần của một tập đoàn bán dẫn đang thua lỗ có trụ sở tại Thượng Hải.

DMNT đã lỗ 1 tỷ Rmb (150 triệu USD) vào năm ngoái nhưng cổ phiếu của công ty niêm yết tại Thâm Quyến đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi công bố đầu tư vào chất bán dẫn tại Thượng Hải. Một quan chức của công ty cho biết: “Hoạt động kinh doanh trò chơi của chúng tôi đang suy yếu. Chất bán dẫn có một tương lai tốt hơn."

Một ‘nỗ lực toàn quốc’

Trong khi Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD để cố gắng tạo ra ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình trong 40 năm qua, quy mô của sự thúc đẩy mới nhất này - và những lời hùng biện xung quanh nó - là chưa từng có.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là một “nỗ lực toàn quốc”, cụm từ trước đây được dành cho các nhiệm vụ như Thế vận hội Bắc Kinh 2008 và cuộc chiến chống lại đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Bai Chunli, Chủ tịch Viện Khoa học Trung Quốc, nói với các phóng viên hồi tháng trước rằng Trung Quốc cần đầu tư nhiều hơn vào thiết bị bán dẫn tiên tiến và thiết bị sản xuất vi mạch tích hợp để tránh bị Mỹ "bóp nghẹt" về mặt công nghệ.

Mặc dù đã có những cảnh báo công khai ở Trung Quốc về việc đổ xô mù quáng vào ngành sản xuất chip, nhưng nhiều người lại coi thường rủi ro. Liệu một "Đại nhảy vọt" mới có dẫn đến hậu quả kinh hoàng như năm xưa?

Đức Duy



BÀI CHỌN LỌC

'Đại nhảy vọt' mới của Trung Quốc: ‘Nỗ lực toàn quốc’ vào ngành công nghiệp bán dẫn