‘Cuộc đua’ tiền số đã bắt đầu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các ngân hàng trung ương đang bắt đầu đẩy mạnh nỗ lực phát hành tiền kỹ thuật số khi chứng kiến Bitcoin ngày càng trở nên phổ biến và đặc biệt là sự hối hả của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc trong việc lưu hành tiền kỹ thuật số Nhân dân tệ (e-CNY). Không muốn mình bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua này. "Cuộc đua tới Tiền số 2.0 đã bắt đầu", Citigroup tuyên bố.

Tiền số được coi như nhân tố mở đường cho một xã hội tương lai không có tiền mặt và đang thu hút mối quan tâm ngày càng lớn. Khi đại dịch COVID-19 xảy đến, hoạt động thanh toán trực tuyến được ưu tiên do mọi người tránh sử dụng tiền giấy và tiền xu vì lo ngại chúng có thể làm lây lan bệnh.

"Một phong trào lớn phát hành tiền số của ngân hàng trung ương (CBDC) có thể tạo ra thay đổi lớn thực sự trong hệ thống tài chính", chuyên gia kinh tế trưởng Chetan Ahya của Morgan Stanley nhận định trong một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn. "Nỗ lực phát hành tiền số của ngân hàng trung ương đang có đà mạnh dần, với khoảng 86% ngân hàng trung ương trên thế giới xem xét ý tưởng tiền số".

Cũng theo báo cáo, đến nay mới chỉ có 23% số dự án tiền kỹ thuật số bán lẻ do ngân hàng trung ương triển khai đạt tới giai đoạn thực thi, và có tới gần 70% dự án tiền kỹ thuật số bán buôn đang chạy thử nghiệm.

Hơn 60 ngân hàng trung ương cân nhắc phát hành tiền kỹ thuật số

Theo hãng tin Bloomberg, báo cáo từ công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) cho biết hiện có hơn 60 ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang cân nhắc phát hành tiền kỹ thuật số. Trong đó, các dự án tiền kỹ thuật số bán lẻ - dùng trong các hoạt động thanh toán của người dân - đang chiếm ưu thế tại các nền kinh tế mới nổi.

Bahamas và Campuchia đang là hai nước có điểm số cao nhất ở mảng CBDC bán lẻ (dùng cho các giao dịch dân cư), vì dự án tiền số của các nước này đã chính thức được áp dụng.

Đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Campuchia được phát hành vào tháng 10 năm ngoái, có tên là Bakong. Campuchia đã triển khai một ứng dụng trên điện thoại di động, cũng có tên là Bakong, để thực hiện các giao dịch bằng đồng tiền kỹ thuật số này, với đầu vào là đồng Riel của Campuchia hay đồng USD. Chính phủ Campuchia hy vọng tiền số Bakong sẽ làm gia tăng sự bao trùm tài chính, đặc biệt là đối với những người dân chưa có tài khoản ngân hàng vốn chiếm đa số ở nước này.

Trung Quốc hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY). Ông Kenji Okamura, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, nhận định rằng Trung Quốc đang tìm cách giành được lợi thế đi đầu trong nỗ lực phát triển tiền kỹ thuật số. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc hiện thực hóa tham vọng này là điều không hề đơn giản bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài công nghệ. Ông Flex Yang, người sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty tài chính tiền kỹ thuật số Babel Finance, cho biết "điều đó phụ thuộc vào việc các quốc gia khác có sẵn sàng chấp nhận hệ thống thanh toán e-CNY hay không. Đó là một vấn đề chính trị, không phải một vấn đề công nghệ".

Về các dự án CBDC bán buôn (dùng cho thanh toán liên ngân hàng), Thái Lan và Hồng Kông đang là hai nền kinh tế đi đầu, theo xếp hạng của PwC, tiếp theo là Singapore, Canada và Anh.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) mới đây cho biết đang lên kế hoạch thử nghiệm Đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) vào đầu tài khóa 2021.

Còn tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12 tháng 10 năm 2020 vừa khởi động một cuộc tham vấn cộng đồng và bắt đầu các thử nghiệm để giúp ngân hàng này đưa ra quyết định có hay không nên tạo ra một "đồng euro kỹ thuật số".

Đồng Euro kỹ thuật số sẽ là một phiên bản kỹ thuật số của đồng euro hay tiền xu và nó sẽ được đấu thầu hợp pháp cũng như được ECB đảm bảo. Việc triển khai đồng tiền này cũng sẽ cho phép các cá nhân lần đầu tiên được gửi tiền trực tiếp vào ECB. Điều này có thể an toàn hơn so với việc gửi tiền ở các ngân hàng thương mại có thể bị phá sản hoặc giữ tiền mặt.

ECB nhấn mạnh rằng đồng euro kỹ thuật số sẽ "bổ sung cho tiền mặt chứ không phải thay thế nó". Việc phát hành và chuyển tiền euro kỹ thuật số có thể được thực hiện bằng cách sử dụng công nghệ chuỗi khối mà các loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin đang sử dụng.

Theo một báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, ngay cả ở Đức - nơi tiền mặt được cho là "vua" - người tiêu dùng lần đầu tiên được dự kiến sẽ tiêu tiền bằng thẻ nhiều hơn tiền mặt trong năm nay.

Giấc mộng đẹp mang tên ‘tiền số’?

Các ngân hàng trung ương và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho rằng những đặc điểm cốt lõi của tiền kỹ thuật số cần bao gồm khả năng phục hồi, tính sẵn có ở mức chi phí thấp hoặc miễn phí, các tiêu chuẩn phù hợp và khung pháp lý rõ ràng đồng thời thích hợp với khu vực kinh tế tư nhân.

"CBDC sẽ đóng góp quan trọng vào việc hiện đại hóa hệ thống tiền tệ quốc tế, đồng thời định hình lại cấu trúc thanh toán và tài chính toàn cầu", một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn viết. "Những đồng tiền kỹ thuật số này sẽ tạo ra nhiều cơ hội để đẩy mạnh kỹ thuật số hóa tại các doanh nghiệp và định chế tài chính, trong quá trình tích hợp những đồng tiền kỹ thuật số đó vào hạ tầng thanh toán và tài chính".

Báo cáo này cũng nói rằng hơn 88% dự án tiền kỹ thuật số quốc gia đang trong giai đoạn thử nghiệm hoặc thực thi trên toàn cầu sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain), công nghệ hậu thuẫn đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới Bitcoin. Theo báo cáo, các dự án này không nhất thiết phải dùng blockchain, nhưng đây là công nghệ giúp đảm bảo an toàn trong quá trình chuyển tiền, minh bạch trong kiểm toán, và gia tăng độ tương thích với các tài sản kỹ thuật số khác.

"Công chúng sẽ là một trong những đối tượng hưởng lợi lớn nhất của các dự án tiền số do ngân hàng trung ương phát hành, bởi những đồng tiền kỹ thuật số này sẽ cho phép họ lần đầu tiên tiếp cận với dạng số hóa của tiền tệ ngân hàng trung ương", trưởng bộ phận tiền ảo toàn cầu tại PwC, ông Henri Arslanian, phát biểu. "Và đó là một cột mốc lớn trong sự tiến hóa tiền tệ".

Những người ủng hộ CBDC nêu ra nhiều ưu điểm của loại tiền này. Trong số đó, tiền kỹ thuật số sẽ mở ra khả năng tiếp cận hệ thống tài chính cho những người chưa có tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, tốc độ giao dịch chuyển tiền sẽ được đẩy nhanh hơn rất nhiều so với giao dịch ngân hàng kiểu truyền thống.

Tiền số giống với tiền ảo như Bitcoin hay Ethereum ở một số phương diện nhất định, nhưng lại có nhiều khác biệt quan trọng. Thay vì là một tài sản có thể mua đi bán lại với mức giá biến động chóng mặt nhưng lại có tính năng hết sức hạn chế, tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành sẽ được sử dụng với những tính năng như tiền mặt và được chấp nhận rộng rãi. Ngoài ra, tiền số do ngân hàng trung ương phát hành cũng được điều tiết đầy đủ như tiền giấy.

"Tiền số do ngân hàng trung ương phát hành mang lại lợi ích cải thiện giao dịch tiền tệ, mà lại không có những tác dụng phụ tiêu cực của tiền ảo", chuyên gia Anna Zhou của Bank of America nhận định.

Những nguy cơ...

Đối tượng có tiềm năng chịu thiệt khi ngân hàng trung ương phát hành tiền kỹ thuật số là một số định chế tài chính, bao gồm cả ngân hàng truyền thống và các công ty công nghệ tài chính. Những ngân hàng và công ty này có thể mất đi một nguồn tiền gửi do người dân sẽ chuyển một phần tiền của họ vào tài khoản ngân hàng trung ương thông qua tiền số. Ngoài ra còn có những mối lo về bảo mật và vấn đề tích hợp.

Fed hiện đang phối hợp với Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) để đánh giá hiệu quả của đồng USD kỹ thuật số. Nhưng hiện chưa rõ khi nào Fed sẽ xúc tiến để phát hành một đồng tiền như vậy.

"Có nhiều lựa chọn chính sách khó khăn… Chúng tôi đang làm tất cả những công việc đó. Chúng tôi chưa đưa ra quyết định, vì có một câu hỏi là liệu việc này có mang lại lợi ích cho người dân hay không? Chúng ta cần phải trả lời thỏa đáng câu hỏi này", Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu mới đây trên kênh CBS.

Trong một báo cáo về chủ đề tiền số, ông Greg Baer - CEO của Bank Policy Institute, một tổ chức vận động hành lang của ngành ngân hàng Mỹ - cảnh báo về nguy cơ làm suy yếu hệ thống ngân hàng truyền thống mà tiền số do ngân hàng trung ương phát hành có thể gây ra. Ông cho rằng "ảnh hưởng đối với tăng trưởng kinh tế có thể sẽ lớn, trừ phi ngân hàng trung ương cũng tiếp quản trách nhiệm cho vay hoặc trở thành một nguồn cấp vốn thường xuyên cho các ngân hàng".

"Hướng đi này còn nhiều bấp bênh, và các lựa chọn có thể mang lại những kết quả rất khác nhau", ông Baer nhận định, đồng thời nhấn mạnh rằng sự thận trọng của Fed trái ngược với hành động "khá hấp tấp" của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

ECB hiện đang thúc đẩy dự án có tên Britcoin, nhưng nói rằng đây sẽ chỉ là một đường dẫn cho các ngân hàng, giữ vai trò trung gian cho các tài khoản tiền kỹ thuật số.

"Sáng kiến CBDC không nhằm mục đích gây đảo lộn hệ thống ngân hàng, nhưng nhiều khả năng các đồng tiền số đó sẽ tạo ra những thay đổi không lường trước được", chuyên gia Ahya của Morgan Stanley nói. "Tiền số càng được chấp nhận rộng rãi, thì cơ hội cho sáng tạo và mức độ thay đổi trong hệ thống tài chính sẽ càng lớn".

Mộc Trà



BÀI CHỌN LỌC

‘Cuộc đua’ tiền số đã bắt đầu?