Cuộc ‘đấu khẩu’ của Facebook với Úc chứng tỏ Bắc Kinh đã ‘khôn ngoan’ khi cấm mạng xã hội này?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tranh chấp “nảy lửa” giữa gã khổng lồ truyền thông xã hội Facebook với Úc đã khiến Bắc Kinh có được lý do "tốt hơn bao giờ hết" để đàn áp tự do ngôn luận, với lời giải thích rằng “Bắc Kinh đã đúng khi cấm dịch vụ này nhiều năm trước” bằng... Vạn lý tường lửa (Great Firewall).

Facebook đang bị chỉ trích ở Úc vì chặn tin tức nước này - liên quan đến việc công ty này chống lại việc trả tiền cho các phương tiện truyền thông đối với nội dung của họ. Điều này vô tình lại "tiếp sức" của công cuộc đàn áp tự do ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

ĐCSTQ từ lâu đã có một mạng xã hội (MXH) nội bộ cho riêng mình và “cô lập” người dân của họ ra khỏi cộng đồng Internet thế giới. Trên hết, chế độ này từ lâu đã duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với việc sử dụng Internet và công nghệ di động của người dân, theo dõi và kiểm soát cuộc trò chuyện trên MXH để thao túng dư luận và chặn bất kỳ thông tin nào được coi là nhạy cảm với chính quyền Trung Quốc.

Ngày nay, “ĐCSTQ đang xây dựng một nhà nước giám sát không giống như bất cứ thể chế nào mà thế giới từng thấy”, Cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã từng nhận xét trong bài phát biểu tại Washington DC vào ngày 24/10/2019. “Các dân tộc thiểu số đều bị cảnh sát Trung Quốc lấy mẫu máu, dấu vân tay, ghi âm giọng nói, và thậm chí quét cả mống mắt”.

Tuy nhiên, giờ đây Bắc Kinh đã tìm thấy lý do “tốt hơn bao giờ hết” đối với hành động dùng Vạn lý tường lửa để cô lập dân chúng của mình khỏi mạng Internet thế giới.

Sự kiêu ngạo của Facebook không là gì với Bắc Kinh

Tranh chấp giữa Facebook và chính phủ liên bang ở Úc đã bùng nổ khi gã khổng lồ Internet nước ngoài này được phép thống trị luồng thông tin, theo một số nhà phân tích và bình luận trực tuyến Trung Quốc. Họ nói rằng Bắc Kinh có lý khi từ chối quyền truy cập Facebook từ hơn một thập kỷ trước, bất chấp nỗ lực của người sáng lập và giám đốc điều hành công ty Mark Zuckerberg để tiến nhập vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Ông Tập Cận Bình và Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã có cuộc đàm phán tại Redmond, bang Washington hôm 23/9/2015. (Ảnh Ted S. Warren-Pool/Getty Images)
Ông Tập Cận Bình và Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã có cuộc đàm phán tại Redmond, bang Washington hôm 23/9/2015. (Ảnh Ted S. Warren-Pool/Getty Images)

Wang Sixin, giáo sư luật tại Đại học Truyền thông Trung Quốc, cho biết: “Hiện giờ Facebook kiêu ngạo với Úc như thế nào, thì nó cũng kiêu ngạo với Trung Quốc như thế trước đây”.

Tuy nhiên, hầu hết các người bình luận và người dùng MXH ở Trung Quốc dường như không quá chú ý đến vụ tranh chấp. Theo Wang Boyuan, một blogger công nghệ tại hãng truyền thông chuyên về công nghệ PingWest, nhiều người coi tin này là cơ hội để chọc ghẹo nước Úc hơn là phản ánh lập trường của Trung Quốc về Facebook.

Wang, người đứng đầu một trung tâm nghiên cứu luật Internet tại trường đại học có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết những gã khổng lồ Internet của Mỹ như Facebook và Google “đã làm nhiều điều gây tổn hại đến chủ quyền của Trung Quốc” mà không xem xét kỹ lưỡng.

Facebook đã bị chặn ở Trung Quốc vào năm 2009, trong khi Google rút khỏi thị trường này vào năm 2010.

Ông cho biết Bắc Kinh yêu cầu các công ty này "tuân thủ các quy định của Trung Quốc", có nghĩa là Facebook cần phải chấp nhận sự kiểm duyệt của chính phủ và các yêu cầu khác.

Hôm thứ Năm (ngày 18/2), Facebook đột ngột chặn tất cả nội dung tin tức trên nền tảng của mình ở Úc, và ngăn 18 triệu người dùng ở nước này chia sẻ nội dung tin tức, vì công ty này khẳng định rằng họ không có lựa chọn nào khác - trước luật liên quan đến Truyền thông Tin tức (News Media) của đất nước này.

Ông Scott Morrison, Thủ tướng Úc, đã lên án động thái của Facebook trong cùng ngày, khi nói rằng hành động của công ty này "cũng cao ngạo như điều họ đã gây thất vọng".

Facebook cũng đã xóa một số tài khoản của chính phủ tiểu bang và phòng cấp cứu trong bối cảnh đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Hành động của Facebook tại Úc đã bị các quốc gia bao gồm Anh, Mỹ và Canada lên án rộng rãi – điều đó cho thấy các chính phủ phải tiếp tục cảnh giác như thế nào trong việc đối phó với sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của các công ty Big Tech.

Hành động của Facebook cho Bắc Kinh lý do để tiếp tục đàn áp tự do ngôn luận

“Cảm ơn chúa, mạng xã hội của đất nước chúng ta không bị kiểm soát bởi những gã khổng lồ nước ngoài này”, một người dùng Weibo viết. “Chúng ta từng chế nhạo Great Firewall, có vẻ như chúng ta lúc đó còn quá trẻ và quá ngây thơ”.

Trung Quốc là một trong số ít quốc gia trên thế giới chặn Facebook, cùng với Iran và Triều Tiên.

“Quyền diễn ngôn của một quốc gia được kiểm soát bởi một nền tảng xã hội. Đó không phải là một trò đùa sao?”, một người dùng Weibo khác viết.

Đối với những người dùng Weibo khác, họ thấy sự hài hước đen tối trong cách mà một nền tảng truyền thông xã hội của Hoa Kỳ - có thể công khai làm bẽ mặt một đồng minh lâu năm của chính phủ Hoa Kỳ.

Ông Zuckerberg đã nhiều lần cố gắng kêu gọi chính phủ Trung Quốc mở cửa đất nước này cho Facebook tiến vào. Zuckerberg cũng nhiều lần thể hiện khả năng thông thạo tiếng Trung của mình với các quan chức chính phủ Trung Quốc.

Vào năm 2014, Zuckerberg đã mời một quan chức nổi tiếng của chính phủ Trung Quốc tham quan trụ sở của Facebook. Lu Wei, người khi đó là Cục trưởng Cục Quản lý Không gian mạng của Trung Quốc, đã nhìn thấy trên bàn làm việc của Zuckerberg vào thời điểm đó một bản sao tiếng Anh của cuốn sách “Quản trị Trung Quốc” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, năm 2019, ông Lu bị kết án 14 năm tù vì tội tham nhũng.

Các đối thủ của Facebook có trụ sở tại Trung Quốc, chẳng hạn như TikTok thuộc sở hữu của ByteDance, đã bắt đầu bỏ xa doanh thu quảng cáo của Facebook trên toàn thế giới.

Ngoài ra, Vạn lý tường Lửa đã dẫn đến một danh sách dài các trang web bị chặn, trong đó Facebook không hề bị đơn độc mà có bạn “đồng hành” là Twitter, Snapchat, Instagram, Youtube, WhatsApp, Pinterest… Google là “ông lớn” của thế giới, nhưng chỉ là chàng tí hon ở xứ sở khắc nghiệt này, và rồi cũng mất tăm mất dạng.

Trong suốt hơn hai thập kỷ, ĐCSTQ đã chặn Google, Facebook, Twitter, Instagram… cũng như hàng vạn trang web nước ngoài, đồng thời “cấy tạo” nên nhiều MXH nội địa dưới sự giám sát của chính quyền Bắc Kinh như Weibo và Tencent. Bằng cách kiểm duyệt chặt chẽ Internet, một thế hệ trẻ sinh ra tại Trung Quốc những năm 1990, 2000 gần như hoàn toàn không biết đến Internet thế giới.

Họ gần như không biết Facebook, Twitter, hay Google… và chỉ quen sử dụng các ứng dụng và dịch vụ trực tuyến tìm kiếm như Baidu, dịch vụ truyền thông xã hội WeChat và nền tảng video Tik Tok. Điều này đã giúp ĐCSTQ xây dựng một hệ thống giá trị theo định hướng nhằm thay thế các giá trị dân chủ, tự do của phương Tây.

Rogier Creemers, một trợ lý giáo sư về chính sách công nghệ kỹ thuật số của Trung Quốc tại Đại học Leiden, Hà Lan cho biết: “Các nhà quản lý Trung Quốc - những người đã chặn Facebook trong nhiều năm - giờ đây thực sự không cần thêm lý do để tiếp tục làm như vậy”.

Thủy Tiên

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Cuộc ‘đấu khẩu’ của Facebook với Úc chứng tỏ Bắc Kinh đã ‘khôn ngoan’ khi cấm mạng xã hội này?