Cứ mỗi giờ kênh đào Suez gặp sự cố, có thêm khoảng 400 triệu USD hàng hóa bị mắc kẹt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tuyến đường vận tải hàng hóa quan trọng qua kênh đào Suez đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi tàu container Ever Given mắc cạn ngày 23 tháng 3 vừa qua, gây tắc nghẽn giao thông. Sự cố này đe dọa gây gián đoạn chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu, gây khó khăn cho các nhà máy lọc dầu, các nhà kinh doanh và các công ty khai thác vốn đã căng thẳng bởi hậu quả của đại dịch Covid-19.

Theo ước tính của công ty dữ liệu hàng hải Lloyd's List, lượng hàng hóa đang bị tắc nghẽn quanh kênh đào Suez là gần 10 tỷ USD mỗi ngày, hay 400 triệu USD mỗi giờ.

Mỗi ngày bình thường, lượng hàng hóa đi qua kênh đào Suez từ Tây sang Đông là khoảng 4,5 tỷ USD và từ Đông sang Tây là 5,1 tỷ USD, tổng cộng khoảng 9,6 tỷ USD.

Ông Jon Gold, Phó Giám đốc phụ trách chuỗi cung ứng và chính sách hải quan tại Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) cho biết việc kênh đào Suez bị chặn ngang khiến cho chuỗi cung ứng vốn dĩ đã căng thẳng lại càng thêm khó khăn.

Sự cố xảy ra vào đúng thời điểm thị trường dầu đầy biến động. Giá dầu Brent chuẩn toàn cầu đã giảm khoảng 6% vào hôm 23 tháng 3 do lo ngại suy giảm nhu cầu ngắn hạn ​​trong bối cảnh các nước gia hạn phong tỏa. Giá dầu biến động, với ít nhất 100 tàu đang chờ quá cảnh giữa Biển Đỏ và Địa Trung Hải trong ngày 24 tháng 3. Các nhà máy lọc dầu của châu Âu và Mỹ phụ thuộc vào tuyến đường hàng hải này để vận chuyển dầu từ Trung Đông và có thể buộc phải tìm kiếm nguồn cung thay thế nếu tình trạng tắc nghẽn kéo dài. Tình trạng này có thể dẫn đến khả năng làm tăng giá các loại dầu thay thế dầu Trung Đông. Đồng thời, vận chuyển dầu thô từ Biển Bắc tới châu Á cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Hàng ngày, khoảng 600.000 thùng dầu thô từ Trung Đông đến châu Âu và Mỹ và khoảng 850.000 thùng từ lưu vực Đại Tây Dương sang châu Á được vận chuyển qua kênh đào Suez. Ngoài ra, 400.000 thùng naphtha và 300.000 thùng sản phẩm chưng cất cũng được vận chuyển qua cung đường này mỗi ngày.

Khoảng 12% thương mại toàn cầu đi qua kênh đào Suez, con kênh kết nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ và là tuyến đường biển ngắn nhất giữa châu Á và châu Âu. Gần 19.000 tàu đi qua kênh đào này trong năm 2020, tức trung bình khoảng 51,5 tàu mỗi ngày, theo Cơ quan quản lý kênh đào Suez.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chiến lược quan trọng như dầu mỏ, khí tự nhiên, chế phẩm xăng dầu qua Suez chiếm 5-10% tổng toàn cầu. Nhiều loại hàng hóa khác như quần áo, nội thất, xe hơi, ... cũng đi qua Suez.

Công ty Hà Lan Boskalis đang nỗ lực giải cứu cho tàu Ever Given. Ông Peter Berdowski - CEO của Boskalis nói: "Chúng tôi không loại trừ khả năng sẽ mất nhiều tuần mới có thể khắc phục được vấn đề".

Baer - một công ty có các tàu bị tắc ở cả hai đầu của Suez - cho biết nếu tuyến đường thủy này không được khơi thông sớm, các tàu thuyền sẽ được lệnh đi vòng qua khu vực Sừng Châu Phi và Mũi Hảo Vọng, tức là thời gian di chuyển sẽ tăng thêm từ 7 đến 9 ngày.

"Mỗi ngày tàu Ever Given đứng chắn kênh Suez đều khiến cho dòng chảy hàng hóa bị trì trệ", ông Jon Gold nói, đồng thời cho biết thêm rằng các thành viên của NRF đang tích cực làm việc với các hãng vận tải để nắm bắt tình hình và tìm chiến lược khắc phục tích cực nhất. "Nhiều công ty vốn dĩ đã phải đối phó với tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và chậm giao hàng vì đại dịch. Vấn đề tại Suez chắc chắn sẽ khiến cho các khó khăn càng thêm chồng chất", ông Gold cho biết.

Ralph Leszczynski, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty môi giới tàu biển Banchero Costa & Co., cho biết: “Có rất nhiều nguồn cung thay thế cho các nhà nhập khẩu châu Âu để tránh kênh đào Suez”. Khách hàng ở châu Âu và Mỹ hiện có thể tìm đến các khu vực khác, bao gồm Vịnh Hoa Kỳ, Biển Bắc, Nga và Tây Phi. Các loại dầu bao gồm Mars Blend từ Vịnh Hoa Kỳ, Urals từ Nga, và các loại dầu của châu Á và Viễn Đông của Nga có khả năng tăng mạnh do nhu cầu tăng cao.

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu sức ép lớn

Theo Wall Street Journal, từ trước khi sự cố kênh đào Suez xảy ra thì chuỗi cung ứng trên toàn cầu cũng đã căng thẳng với hàng loạt sự cố gián đoạn nghiêm trọng.

Cuối tuần trước, một vụ hỏa hoạn lớn xảy ra ở nhà máy sản xuất chip ô tô ở TP Hitachinaka, phía đông bắc Tokyo, Nhật Bản. Nhà máy này thuộc sở hữu một công ty con của hãng bán dẫn Renesas Electronics. Vụ hỏa hoạn thiêu rụi nhiều thiết bị quan trọng và cần ít nhất một tháng để phục hồi đầy đủ các hoạt động. Đây là một trong nhà máy sản xuất chip ô tô lớn nhất thế giới. Vụ hỏa hoạn này gây đau đầu thêm cho các hãng xe vốn đã phải cắt giảm sản lượng vì thiếu chip.

Tháng trước, thời biết băng giá kỷ lục ở bang Texas, Mỹ, gây mất điện trên diện rộng, dẫn đến hàng loạt nhà máy ở trung tâm hóa dầu lớn nhất thế giới phải đóng cửa. Cho đến nay, nhiều nhà máy hóa dầu ở đây vẫn chưa thể hoạt động trở lại. Biến cố thời tiết này đã đẩy giá nhựa PVC xuất khẩu của Mỹ lên mức cao kỷ lục.

Tại Mỹ, có những dấu hiệu thấy tình trạng thiếu hụt nguyên liệu và linh kiện đang gây căng thẳng cho các nhà máy. Sản lượng của họ tăng chậm nhất trong 5 tháng qua, một phần là do thiếu nguyên liệu thô, trong khi đó, đơn hàng mới mà họ nhận được tăng nhanh nhất trong gần 7 năm qua.

Tại Úc, các nhà sản xuất ghi nhận mức tăng giá nhập khẩu mạnh nhất trong lịch sử mà rằng nguyên nhân là do chuỗi cung ứng của họ bị tắc nghẽn.

Tại khu vực đồng EUR, các nhà quản lý nhà máy báo cáo mức tăng giá hàng hóa đầu vào nhanh nhất trong một thập kỷ và cho biết thời gian chờ giao hàng hóa đầu vào lên mức lâu nhất trong lịch sử 23 năm khảo sát của IHS Markit.

Trong khi đó, đà phục hồi của các nền kinh tế đứng đầu là Mỹ và cơn bùng nổ nhu cầu hàng hóa tiêu dùng đang gây sức ép lớn lên các nhà máy và chuỗi cung ứng toàn cầu

Sản lượng của các nhà máy trên toàn cầu bắt đầu cải thiện kể từ tháng 5 năm 2020 và đến tháng 12, phục hồi về mức trước đại dịch. Nhu cầu hàng hóa bật dậy nhanh chóng này đã khiến nhiều nhà sản xuất và nhà cung cấp không kịp trở tay.

“Các nhà sản xuất ngày càng không thể theo kịp nhu cầu, chủ yếu vì tình trạng gián đoạn chuỗi ung cứng và chậm trễ bốc dỡ hàng ở các cảng”, ông Chris Williamson, nhà kinh doanh trưởng của IHS Markit, nói.

Một số nhà kinh tế lo ngại giá cả hàng hóa đắt đỏ hơn có thể đẩy lạm phát tăng nhanh, dẫn đến khả năng Fed nâng lãi suất sớm hơn dự kiến. Trong tháng 1-2020, chi tiêu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng Mỹ tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Bộ Thương mại Mỹ.

Ngọc Minh

 

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Cứ mỗi giờ kênh đào Suez gặp sự cố, có thêm khoảng 400 triệu USD hàng hóa bị mắc kẹt