Công ty xử lý nợ xấu lớn nhất đổ vỡ gây hoảng loạn trên thị trường tài chính Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi công ty xử lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc bất lực trong việc xử lý nợ xấu và bắt đầu đổ vỡ, đó sẽ không phải là sự đổ vỡ thông thường, đó là dấu hiệu khởi đầu cho một đổ vỡ của hệ thống.

Một trong 4 công ty nhà nước xử lý nợ xấu của Trung Quốc là China Huarong Asset Management Ltd., gọi tắt là China Huarong, được xem là đổ vỡ và bị đẩy vào một chương trình tái cấu trúc mờ ám (theo Bloomberg) đã khiến thị trường tài chính Trung Quốc hoang mang. Sự đổ vỡ của ông lớn nhà nước ôm nợ xấu này hiện đang lây lan sự hoang mang và tâm lý bán tháo nhiều tài sản tài chính trên thị trường tài chính Trung Quốc.

Công ty ôm nợ xấu khổng lồ của Trung Quốc đã gục ngã

Sự kiện bắt đầu kể từ ngày 31 tháng 3 vừa qua, hạn chót phải công bố báo cáo tài chính, China Huarong cùng với vài chục công ty niêm yết ở Hồng Kông đã không thể công bố báo cáo thu nhập tài chính của họ. Với nhiều tin tức rò rỉ không chính thức khác, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tin rằng China Huarong đang ở trong tình trạng tồi tệ về tài chính, một trạng thái đổ vỡ. Bản thân China Huarong không thừa nhận tình trạng đổ vỡ này, chỉ công nhận tình trạng đang tái cấu trúc.

Nhưng đây là bất thường rất lớn với một công ty nhà nước lớn nhất về xử lý nợ của Trung Quốc, được thành lập từ năm 1999 để mua lại khối tài sản xấu do hậu quả khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 để lại. China Huarong còn có 7 nhà đầu tư chiến lược cực lớn vào tháng 8 năm 2014, những người bỏ tiền vận hành China Huarong, cùng với tiền từ ngân sách Trung Quốc. Trong đó có cả Quỹ đầu tư nhà nước của Malaysia, Goldman Sach, Bộ Tài chính Trung Quốc,..

Tháng 10 năm 2015, China Huarong bán cổ phiếu lần đầu trên sàn giao dịch Hồng Kông, huy động tới 17,8 tỷ đô la Hồng Kông. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, vào tháng 4/2018, Cơ quan giám sát tài chính quốc gia và Uỷ ban thanh tra tuân thủ đã điều tra Chủ tịch của China Huarong vì những vi phạm nghiêm trọng luật pháp và chính sách, ông Lai Xaomin. Tháng 10 năm 2018, ông Lai Xaomin bị khai trừ khỏi Đảng cộng sản Trung Quốc. Kết quả điều tra cáo buộc ông Lai đã nhận hối lộ 1,78 tỷ NDT (277,3 triệu USD), chiếm dụng trái phép công quỹ 25,13 triệu NDT. Ông Lai bị kết tội tử hình sau đó.

Với lịch sử như vậy, việc China Huarong không thể công bố báo cáo tài chính với các đối tác chiến lược và nhà đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông là vô cùng bất thường và khả năng đổ vỡ là chắc chắn.

Bản thân trái phiếu phát hành bởi China Huarong, trị giá 300 triệu USD với mức lãi suất danh nghĩa 3,375% hiện đã vào danh sách trái phiếu rác khi lợi suất trái phiếu tăng gấp 4 lần, thêm hơn 12 phần trăm, hiện ở mức 14,3%. Sản phẩm tài chính phái sinh hoán đổi tín dụng của China Huarong, có thời hạn 5 năm, cũng có lợi suất tăng gấp đôi, hiện ở mức 492 điểm cơ bản (theo số liệu của Bloomberg).

Trong một bài bình luận hôm thứ Hai, Ling Huawei, biên tập viên quản lý của Caixin Media và Caixin Weekly, đã thảo luận về khả năng phá sản của China Huarong.

Bộ tài chính Trung Quốc, một nhà đầu tư chiến lược của China Huarong, đang cân nhắc chuyển cổ phần của mình tại China Huarong cho một đơn vị của quỹ tài sản có chủ quyền quốc gia đầu tư vào các công ty tài chính. Lợi suất trái phiếu một số trái phiếu của Huarong lại tăng thêm 2 cent, mặc dù đã thiết lập mức thấp kỷ lục khi đóng cửa.

Hoang mang lan tỏa trên thị trường tài chính Trung Quốc

Sự hoảng loạn từ sức khỏe tài chính của một trong những nhà quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc đã tràn sang thị trường tài sản và tài chính khác của nước này ngay khi Caixin có báo cáo công khai về thực trạng tài chính “vô cùng xấu” của China Huarong.

Hôm thứ Ba vừa qua, các tổ chức định mức tín nhiệm Moody's Investors Service và Fitch Ratings cho biết họ sẽ xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm đối với China Huarong. Thông báo của hai hãng này đưa ra sau một thông báo tương tự từ đối thủ S&P Global Ratings vào tuần trước. Huarong được xếp vào loại doanh nghiệp đầu tư tại cả ba hãng xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới.

Bán tháo chứng chỉ nợ không chỉ diễn ra với các chứng chỉ nợ do Huarong sở hữu, phát hành mà bắt đầu lan sang các chứng chỉ nợ USD có lãi suất cao khác. Trái phiếu bất động sản của Trung Quốc bị bán tháo kỷ lục, đẩy lợi suất lên cao.

Đợt bán tháo lan sang các chứng chỉ nợ đô la Trung Quốc có lãi suất cao khác vào thứ Ba, với một số trái phiếu bất động sản giảm kỷ lục. Bản thân vỡ nợ trái phiếu BĐS phát hành bằng USD chiếm tới 27% các khoản vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc trong quý 1/2021 (theo Bloomberg).

Theo các nhà giao dịch tín dụng, mức chênh lệch trái phiếu đô la đạt chuẩn tín nhiệm đầu tư của Trung Quốc đã mở rộng tới 8 điểm cơ bản. Chỉ số CSI 300 của chứng khoán giảm 0,2%.

Châu Á chưa từng chứng kiến sự đổ vỡ nào lớn như Huarong

Ông Owen Gallimore, trưởng bộ phận chiến lược giao dịch của Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand cho biết: “Huarong tạo ra biến động trị giá 22 tỷ USD trên thị trường tài chính và trong hoàn cảnh khó khăn. Sự đổ vỡ của Huarong vượt quá bất cứ điều gì mà chúng ta đã thấy trên thị trường tín dụng châu Á trước đây”. "Đây là một sự kiện chết người đối với một số quỹ và công ty tài chính, nhà đầu tư nhỏ".

Trái phiếu liên kết với công ty đã giảm trong tháng này sau khi China Huarong không công bố kết quả sơ bộ năm 2020 trước hạn chót ngày 31 tháng 3. Tờ Caixin cho rằng nguyên nhân chưa báo cáo là do Huarong đang mắc kẹt trong kế hoạch tái cơ cấu, kế hoạch này có vẻ không thuận buồm xuôi gió.

Cổ phiếu của Huarong đã bị đình chỉ giao dịch ở Hồng Kông kể từ ngày 1 tháng 4. Công ty phải đến cuối tháng mới công bố báo cáo thu nhập cuối cùng của mình. Cổ đông lớn nhất của China Huarong là Bộ Tài chính của nước này.

Ông Chang Wei Liang, nghiên cứu vĩ mô tại DBS Bank Ltd. ở Singapore, cho biết: “kịch bản mơ hồ về tái cơ cấu và làn sóng cắt lỗ của trái chủ Huarong International đang gây tổn hại nặng nề đến tâm lý nhà đầu tư.” “Sự im lặng kéo dài của các nhà chức trách Trung Quốc về tình trạng khó khăn của một doanh nghiệp sở hữu nhà nước xử lý nợ xấu, có vị trí và vai trò chiến lược lớn như Huarong rất đáng lo ngại. Các nhà đầu tư cần ít nhất một phương thức trấn an”.

China Huarong đã bị phủ bóng đen kể từ khi chủ tịch khi đó là Lai Xiaomin bị điều tra vào năm 2018. Dưới sự giám sát của ông Lai, công ty đã mở rộng sang các lĩnh vực bao gồm kinh doanh chứng khoán, tín thác và các khoản đầu tư khác, đi ngược lại với nhiệm vụ ban đầu là xử lý nợ xấu. Lai đã bị xử tử vào đầu năm nay vì tội hối lộ sau một phiên tòa ngắn ngủi, một bản án nghiêm khắc bất thường cho một tội ác như vậy.

China Huarong và các công ty con của họ có khoảng 42 tỷ USD trái phiếu trong nước và nước ngoài đang lưu hành và 41% trong số đó sẽ đến hạn vào cuối năm sau, theo dữ liệu tổng hợp của Bloomberg. Trái phiếu phát hành bằng đồng USD chiếm khoảng 22 tỷ USD trong tổng số trái phiếu đang lưu hành của Huarong.

Bởi vì khối lượng nợ quá lớn và công ty trước đây được coi là một khoản đặt cược an toàn, chứng khoán được nắm giữ rộng rãi bởi cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Các nhà đầu tư tổ chức như BlackRock Inc. và Goldman Sachs Group Inc. trước đây đã tiết lộ rằng họ nắm giữ trái phiếu Huarong.

China Huarong đã bắt đầu cắt giảm các tài sản không ‘đầu tư ngoài ngành’ trong bối cảnh áp lực pháp lý để quay trở lại hoạt động cốt lõi theo nhiệm vụ được Bắc Kinh giao. Thu nhập ròng giảm 92% trong nửa đầu năm 2020 so với một năm trước đó do giá trị của một số tài sản giảm sau đại dịch Covid-19. Giá trị thị trường cổ phiếu của công ty đã giảm xuống còn khoảng 5 tỷ USD từ mức 15 USD kể từ khi nó được niêm yết.

Đức Duy - Hữu Nguyên

 



BÀI CHỌN LỌC

Công ty xử lý nợ xấu lớn nhất đổ vỡ gây hoảng loạn trên thị trường tài chính Trung Quốc