Công ty giám sát Trung Quốc Hikvision che giấu vi phạm nhân quyền

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà sản xuất máy ảnh lớn nhất thế giới, Hikvision, đang bị xem xét kỹ lưỡng về vai trò của mình trong các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Một báo cáo mới tiết lộ công ty này đang che giấu một cách có hệ thống các bằng chứng về hoạt động của mình.

Công ty Kỹ thuật số Hàng Châu Hikvision, công ty đứng sau hệ thống giám sát hàng loạt của Trung Quốc, tiếp tục làm việc trong các dự án quy mô lớn tại trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của mình tại khu vực Tân Cương nằm ở phía tây Trung Quốc, theo IPVM, một công ty nghiên cứu giám sát.

“Hikvision đã xóa một cách có hệ thống các bằng chứng chỉ ra cơ sở và hoạt động R&D của họ ở Tân Cương, che giấu chúng, trong bối cảnh Mỹ tăng cường giám sát và ban hành các lệnh trừng phạt lạm dụng nhân quyền”, báo cáo của IPVM nêu.

Hikvision đã bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại vào năm 2019 vì liên quan đến vi phạm các quyền tại Trung Quốc, bao gồm giam giữ và giám sát hàng loạt. Công ty đã bị chỉ trích nặng nề vì đã cung cấp công nghệ của mình cho chế độ cộng sản Trung Quốc để đàn áp người Hồi giáo Ngô Duy Nhĩ ở Tân Cương.

IPVM phát hiện ra rằng Hikvision đã xóa một bản đồ trên trang web của mình. Bản đồ này cho thấy vị trí của các cơ sở nghiên cứu của Hikvision, bao gồm cả cơ sở ở Tân Cương. Khi IPVM hỏi tại sao bản đồ bị xóa, công ty này đã trả lời rằng “Hikvision không có viện nghiên cứu ở Tân Cương”, và đã sửa tất cả thông tin trái ngược trên trang web của mình.

Công ty nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng Hikvision đã xóa tất cả các quảng cáo việc làm được đăng trên các trang web khác nhau ngay sau khi IPVM yêu cầu Hikvision đưa ra lời bình luận. Hàng chục bài đăng tìm việc đã bị xóa, theo IPVM.

Một trong những quảng cáo nói rằng công ty đang tìm kiếm một “kỹ sư cao cấp thiết kế tích hợp hệ thống” cho các dự án quy mô lớn ở văn phòng chi nhánh của họ tại Urumqi, thủ đô Tân Cương.

Công ty đã công bố báo cáo môi trường, xã hội và quản trị đầu tiên vào năm 2018 để giải quyết “những lo ngại của các bên liên quan”.

“Hikvision tôn trọng nhân quyền”, báo cáo nêu và nói rằng công ty này đã thuê Arent Fox LLP, một công ty luật của Mỹ để thực hiện đánh giá các hoạt động “để bảo vệ nhân quyền tốt hơn”.

The Epoch Times đã liên lạc với văn phòng báo chí của Hikvision để xin bình luận của công ty về báo cáo của IPVM nhưng không nhận được phản hồi.

Một doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc, Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc, sở hữu gần 42% cổ phần của Hikvision thông qua hai công ty con, theo báo cáo của Ủy ban điều hành Quốc hội về Trung Quốc.

Báo cáo được phát hành tháng 11/2019 tuyên bố rằng Hikvision “có liên quan trực tiếp đến việc xây dựng, vận hành và bảo trì liên tục” một hệ thống tập trung. Hệ thống này tổng hợp và phân tích một lượng lớn dữ liệu cá nhân tại Tân Cương.

Chính phủ Trung Quốc có thể đã tùy tiện bắt giữ các cá nhân bị hệ thống gắn cờ “trong các trại giam hoặc các cơ sở giam giữ khác”, báo cáo ghi nhận.

“Các nhà cung cấp nước ngoài như Intel, Ambarella và Nvidia báo cáo đã bán chip xử lý máy tính và chip đồ họa cho Hikvision, và công ty lưu trữ dữ liệu của Mỹ Seagate đã cung cấp cho công ty này ‘các giải pháp lưu trữ tùy chỉnh’ cho các hệ thống giám sát của mình”, báo cáo nêu thêm.

Hikvision cung cấp “việc giám sát toàn diện và hồ sơ chủng tộc đang gây ra một nỗi kinh hoàng cùng cực cho người Duy Ngô Nhĩ; Công ty đang tạo ra một nguyên mẫu để giám sát toàn diện ở những nơi khác tại Trung Quốc và có khả năng giám sát trên toàn thế giới”, ông Louisa Greve, giám đốc biện hộ toàn cầu tại Dự án Nhân quyền cho người Duy Ngô Nhĩ, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington chia sẻ với The Epoch Times.

Gần 1,8 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ kể từ mùa xuân năm 2017 trong cái gọi là trại cải tạo nơi họ đã bị tra tấn và tẩy não, theo ông Adrian Zenz, thành viên cao cấp tại chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản có trụ sở tại Washington. Ông Zenz dự đoán rằng có tới 1.400 trại giam trong khu vực.

Người Mỹ vô tình trợ vốn cho Hikvision

Hikvision được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến và là một trong những công ty Trung Quốc mà nhà cung cấp chỉ số Morgan Stanley Capital International (MSCI) đưa vào trong các chỉ số thị trường mới nổi của mình.

Nhiều quỹ đầu tư của Mỹ nắm giữ cổ phần của Hikvision và do đó, những người nghỉ hưu ở Mỹ không hề biết rằng họ đang trợ vốn cho công ty này.

Hai trong số các quỹ hưu trí công lớn nhất của Mỹ, Hệ thống Hưu trí của Giáo viên Tiểu bang California (CalSTRS) và Hệ thống Hưu trí của Giáo viên Tiểu bang New York (NYSTRS), nắm giữ một lượng lớn cổ phần lớn của Hikvision Hàng Châu.

CalSTRS, quỹ hưu trí công lớn thứ hai của Mỹ, nắm giữ 4,1 triệu cổ phiếu trị giá 16,5 triệu USD tính đến ngày 30/6/2019. NYSTRS cũng đã nắm giữ 81.802 cổ phiếu của Hikvision tính đến tháng 6/2019.

CalPERS, quỹ hưu trí công lớn nhất ở Mỹ gần đây đã bị chỉ trích vì nắm giữ 3,1 tỷ USD cổ phần của 172 công ty Trung Quốc khác nhau, bao gồm cả những công ty liên quan đến lạm dụng nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Quỹ này đã nắm giữ 24.800 cổ phiếu của Hikvision trị giá 99.586 USD tính đến ngày 30/6/2019.

Những đầu tư khác liên quan đến Trung Quốc của quỹ bao gồm: Công ty Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (nhà sản xuất tàu hải quân Trung Quốc lớn nhất) và Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (công ty xây dựng lớn nhất trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh).

CalPERS đã bảo vệ khoản đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc của mình trên trang web của mình, nói rằng các chỉ số của Sàn giao dịch chứng khoán MSCI và Financial Times “vẫn là những chỉ số phổ biến nhất cho các nhà đầu tư có tổ chức có trụ sở tại Mỹ khi đầu tư vào thị trường chứng khoán ở nước ngoài”.

Trong một cuộc phỏng vấn cho chương trình “American Thought Leaders” của The Epoch Times hồi tháng 3, dân biểu Jim Banks (R-Ind.) cho biết hầu hết các quỹ hưu trí nhà nước đều có tội khi đầu tư vào các công ty Trung Quốc vì các công ty này giúp quân đội Trung Quốc trở nên hùng mạnh hơn.

“Vì vậy, đây là thời điểm chín muồi để các thống đốc quốc gia của chúng ta rút các quỹ hưu trí nhà nước ra khỏi các khoản đầu tư nguy hiểm của Trung Quốc. Tôi hy vọng rằng các thống đốc của chúng ta sẽ chú ý đến lời kêu gọi đó. California là tội đồ lớn nhất trong vụ việc này”, ông nói.

Thủy Tiên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Công ty giám sát Trung Quốc Hikvision che giấu vi phạm nhân quyền