Công ty Bao Bì Dầu thực vật chia 76 tỷ đồng cho cổ đông trước khi giải thể

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo thông báo mới nhất của CTCP Bao bì Dầu thực vật (VMPack - mã VPK), với hơn 76 tỷ đồng vốn chủ sở hữu còn lại, mỗi cổ đông của VMPACK sẽ nhận được số tiền 5.070 đồng trên mỗi cổ phiếu sở hữu trước khi doanh nghiệp giải thể.

VPK được thành lập năm 2002, chuyên sản xuất các loại bao bì giấy, chai và nắp nút nhựa. Đơn vị đưa cổ phiếu lên giao dịch tại sàn HoSE vào tháng 12/2006.

Tổng công ty công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) là công ty mẹ nắm 51,05% vốn VPK. Theo đó, tổng công ty sẽ nhận về 38,8 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh của VPK xuống dốc nhiều năm qua. Năm 2019, doanh nghiệp không có doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính nhưng vẫn phát sinh chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp dẫn đến khoản lỗ 5,3 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính tính giai đoạn giải thể (15/9), doanh nghiệp có lãi 1,3 tỷ đồng.

Đơn vị: tỷ đồng
Đơn vị: tỷ đồng

Căn cứ theo số liệu trên Báo cáo tài chính đến giai đoạn kết thúc giải thể (từ ngày 1/1/2020 đến 15/9/2020) đã kiểm toán, VMPACK sẽ chốt danh sách cổ đông để thanh toán tiền cho cổ đông khi doanh nghiệp giải thể, tỷ lệ chi trả tương ứng 50,7%. Thời gian thanh toán vào 30/10/2020.

Như vậy, sau 14 năm niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, dù giá trị cổ phiếu VPK đã có thời điểm đạt mức 15.000 đồng/cp vào năm 2014, đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng giá cổ phiếu VPK ở mức 4.400 đồng/cp.

Biến động giá cổ phiếu VPK từ khi lên sàn cuối năm 2006
Biến động giá cổ phiếu VPK từ khi lên sàn cuối năm 2006

Đến ngày 23/11/2018, VMPack chính thức rao bán nhà máy 60.000 m2 tại KCN Nam Tân Uyên Mở Rộng, Thị Xã Tân Uyên, Tỉnh Bình Dương với giá 220 tỷ đồng để trả nợ cho ngân hàng BIDV - TP HCM.

VMPack đã có thông báo hủy đăng ký giao dịch toàn bộ gần 15 triệu cổ phiếu VPK trên Sở giao dịch chứng khoán (GDCK) Hà Nội từ 15/7/2020 với lý do giải thể doanh nghiệp.

Giải trình về lý do giải thể, lãnh đạo Bao bì Dầu thực vật cho biết do tình hình kinh doanh của doanh nghiệp liên tục gặp khó khăn. Thị trường ngành bao bì thùng carton ở thời điểm VPK quyết định giải thể được công ty này cho rằng không thuận lợi và nhận định rằng tình hình sẽ ngày càng khó khăn.

Với nguy cơ mất hết vốn cổ đông nếu tiếp tục gia tăng cạnh tranh, ban lãnh đạo VPK đã quyết định giải thể công ty để giảm thiệt hại vốn cổ đông.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Công ty Bao Bì Dầu thực vật chia 76 tỷ đồng cho cổ đông trước khi giải thể