Công nhân xây dựng bệnh viện dã chiến Vũ Hán: Chúng tôi bị cách ly, bị đối xử ‘giống như tù nhân’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trên toàn thế giới, các nhân viên làm việc trong các ngành dịch vụ thiết yếu đang được công nhận là “những anh hùng” vì đã giúp giữ cho các nền kinh tế tiếp tục vận hành trong bối cảnh đại dịch hoành hành. Tuy nhiên, điều này không xảy ra ở Trung Quốc.

Lôi Thần Sơn, một bệnh viện dã chiến với 1.600 giường bệnh ở Vũ Hán, tâm chấn của đợt bùng phát, được xây dựng xong trong thời gian kỷ lục chưa đầy hai tuần, nhờ hàng chục ngàn công nhân xây dựng đã liều mạng làm việc cả ngày lẫn đêm.

Tuy nhiên, không lâu sau khi bệnh viện được hoàn thành, những công nhân này thấy mình bị đuổi ra khỏi thành phố một cách nhanh chóng bằng vũ lực, và thậm chí nhiều người còn không thể đảm bảo mức lương cơ bản của họ.

Zhang Xiongjun, một công nhân giàn giáo đến từ Quảng Châu, là một ví dụ như vậy. Anh đã viết về trải nghiệm đau khổ của mình trên nền tảng truyền thông Weibo của Trung Quốc.

Anh Zang nói rằng: Sau khi hoàn thành việc xây dựng tại Lôi Thần Sơn, các công nhân đã bị cách ly, và một số người như anh sau đó “đã được hộ tống ra ngoài như tù nhân” đến tỉnh Hồ Nam gần đó. Anh Zhang không có hợp đồng lao động và được trả 500 nhân dân tệ (70,9 đô la Mỹ) tiền mặt cho mỗi ngày anh làm việc. Khi nói chuyện với các công nhân xây dựng, anh phát hiện ra rằng mình mới chỉ được trả một phần nhỏ của những gì anh đáng được hưởng.

Vào ngày 8 tháng 4, anh Zhang và nhóm của mình quay lại Vũ Hán để yêu cầu công ty xây dựng bệnh viện, Cục Kỹ thuật Xây dựng Trung Quốc Số ba, trả lương đầy đủ cho họ.

Họ lái xe đến văn phòng kiến ​​nghị của tỉnh nằm ở Vũ Hán và lên kế hoạch gửi khiếu nại với chính quyền về khoản bồi thường của mình. Tuy nhiên, trước khi họ làm được điều đó, khoảng hai chục người từ Cục Kỹ thuật Xây dựng Trung Quốc Số ba đã bao vây cả nhóm và ra lệnh cho họ phải ngồi xổm xuống đất.

Zhang nói rằng anh không chắc làm thế nào mà công ty biết được kế hoạch của cả nhóm, nhưng trong chín giờ tiếp theo, các nhân viên công ty đã đe dọa và không cho nhóm của Zhang ăn uống gì cả. Một người trong nhóm đã ngất xỉu dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt.

Công ty gây áp lực buộc họ ký một bức thư hứa rằng sẽ không bao giờ đề cập đến bất cứ điều gì về vụ việc này, hoặc sự liên quan của họ trong việc xây dựng Lôi Thần Sơn. Nhân viên công ty cũng yêu cầu họ xóa khỏi điện thoại bất kỳ bức ảnh hoặc video nào chứng minh rằng họ đã làm việc tại Lôi Thần Sơn. Cả nhóm được lệnh phải rời khỏi Vũ Hán.

Bởi vì cả nhóm đã đến Vũ Hán, nơi dịch bệnh vẫn còn nghiêm trọng, nên không có khách sạn nào gần đó sẵn lòng cho họ thuê phòng. Thế là họ phải ngủ lại trong xe.

Trong nhiều ngày, “chúng tôi bị đuổi, quay lưng hoặc bị cách ly”, anh Zhang viết. “Bây giờ chúng tôi chỉ là những người tị nạn”. Họ cũng không thể tìm được công việc xây dựng mới.

Sau nỗ lực thất bại trong việc tìm kiếm sự đền bù xứng đáng, anh Zhang cay đắng viết: “Cả cuộc đời này, tôi sẽ không bao giờ quay trở lại Vũ Hán nữa”.

leishenshan worker
Anh Zhang Xiongjun và các công nhân xây dựng khác tại Bệnh viện Lôi Thần Sơn. (Zhang Xiongjun / Weibo)

“Những anh hùng” vô gia cư

Có trụ sở tại Vũ Hán, Cục Kỹ thuật Xây dựng Trung Quốc Số ba thuộc sở hữu nhà nước là một trong những công ty xây dựng lớn nhất thế giới và đã có 8 năm nằm trong danh sách Global 500 của Fortune.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 28 tháng 3, Chen Weiguo, chủ tịch công ty và là phó bí thư chi bộ, đã nói với đài truyền hình CCTV rằng công ty đã thu hút được hơn 31.000 người từ khắp cả nước đến để làm việc cho dự án Lôi Thần Sơn. Ông này gọi các công nhân là “người hùng”, và hứa sẽ trao chứng nhận danh dự cho mỗi cá nhân.

Nhưng Zhang, người mặc bộ đồ bảo hộ toàn thân trong ca làm việc của mình và đứng trên giàn giáo để lắp các tấm lợp thép màu, nói rằng anh không thấy điều đó.

“Tất cả những gì chúng tôi có là một mảnh giấy chứng tỏ đã được theo dõi y tế”, anh viết. “Không có giấy chứng nhận danh dự, không có gì cả”. Sau khi bệnh viện được hoàn thành, các công nhân bị yêu cầu cách ly - thường là tại các khách sạn địa phương được chuyển đổi thành trung tâm kiểm dịch - trong vòng 14 ngày và làm các xét nghiệm chẩn đoán virus Corona Vũ Hán. Họ thường phải tự chi trả các khoản phí liên quan.

Leishenshan hospital worker
Anh Zhang Xiongjun và các công nhân khác cùng tham gia xây dựng Bệnh viện Lôi Thần Sơn. (Zhang Xiongjun / Weibo)

Sau khi đọc được bài đăng của Zhang, một số cư dân mạng hảo tâm đã cố gắng chuyển tiền cho anh: số tiền nhỏ từ 20 (2,84 đô la Mỹ) đến 100 nhân dân tệ (14,2 đô la Mỹ). Nhưng Zhang đã trả lại tất cả. Anh viết rằng anh chỉ cần công lý.

Trong vài ngày qua, Zhang đã đi lang thang khắp nơi, hy vọng nhận được hồi âm từ phía công ty xây dựng. Anh đã ngủ vài đêm bên lề của một bãi cỏ trong công viên. “Bầu trời là chăn và mặt đất là giường của tôi”, anh viết trong một bài đăng vào ngày 12 tháng 4, nói thêm rằng bản thân đã bị mất ngủ trong nhiều ngày.

“Là những người lao động ở tuyến đầu đã liều cả mạng sống của mình, đây là tất cả những gì chúng tôi nhận được”.

Khiếu nại về việc thiếu lương không chỉ đến từ công nhân xây dựng. Vào tháng 3, một bệnh viện ở tỉnh Thiểm Tây bị phát hiện là đã trả lương cho một số nhân viên quản lý nhiều gấp ba đến bốn lần so với nhân viên y tế tuyến đầu, sau khi một tài liệu bảng lương bị rò rỉ trên mạng. Sự chênh lệch này đã gây ra sự phẫn nộ trên mạng và cuối cùng, giám đốc và phó giám đốc bệnh viện đã từ chức.

Trong một cuộc khảo sát của Dingxiangyuan, một diễn đàn y tế trực tuyến của Trung Quốc, chỉ có 12% trong số 1.900 chuyên gia y tế trên cả nước cho biết họ đã nhận được khoản bồi thường đặc biệt mà chính quyền Trung Quốc đã hứa trả cho các nhân viên y tế giúp chống lại dịch bệnh.

Huang, một cư dân thành phố Quý Châu, gia nhập đội ngũ làm việc của Lôi Thần Sơn vào giữa tháng 2, cho biết anh đã bị cách ly hơn một tháng tại Vũ Hán sau khi việc xây dựng hoàn tất. Trên đường về nhà, anh đi qua thành phố phía nam Thâm Quyến và một lần nữa bị cách ly trong hai tuần.

“Khi chúng tôi tìm việc, họ sẽ hỏi chúng tôi nơi làm việc trước đây. Họ ngay lập tức nói không khi chúng tôi nói đó là Vũ Hán”, anh nói với The Epoch Times. Chưa có kế hoạch nào cho tương lai, anh nói rằng sẽ “tính dần từng bước một”.

Thanh Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Công nhân xây dựng bệnh viện dã chiến Vũ Hán: Chúng tôi bị cách ly, bị đối xử ‘giống như tù nhân’