Cơn bĩ cực của ngành du lịch: Tài sản 180 tỷ đồng không đủ thế chấp để vay ngân hàng 10 tỷ đồng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong buổi tọa đàm “Kết nối doanh nghiệp du lịch và ngân hàng – Gỡ khó về vốn và chính sách” vào ngày 23/12, các doanh nghiệp du lịch cho biết, sau thời gian dài vật lộn với dịch bệnh, khó khăn lớn nhất của họ hiện nay là tiếp cận vốn vay từ ngân hàng.

Ngành du lịch ước tính tổng thiệt hại lên tới 23 tỷ USD và mất 4 năm để hồi phục

Trong sáu tháng đầu năm, thiệt hại từ du lịch toàn cầu ước tính khoảng 1.000 tỷ USD, mức giảm doanh thu gấp 5 lần mức ghi nhận vào giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Tại Việt Nam, thị trường quốc tế đã "đóng băng" từ tháng 3 cho đến nay và chỉ còn hoạt động du lịch nội địa. Theo dự báo của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm 2020, đại dịch Covid-19 sẽ làm khách quốc tế đến Việt Nam giảm ít nhất 70% so với năm 2019; khách nội địa giảm 50%; khách đi nước ngoài giảm 85%, tổng doanh thu giảm trên 61%; ước tính tổng thiệt hại lên tới 23 tỷ USD.

Với tất cả những dữ liệu trên, UNWTO dự đoán việc phục hồi của ngành du lịch về mức trước khủng hoảng dự kiến sẽ mất tới 4 năm; 60% doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report cũng cho rằng sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, doanh nghiệp sẽ cần từ 13 đến 18 tháng để phục hồi.

Cơn bĩ cực của ngành du lịch - Không cách nào tiếp cận vốn vay

Trong buổi tọa đàm "Kết nối doanh nghiệp du lịch và ngân hàng" do báo Người Lao Động tổ chức sáng ngày 23/12, ông Trương Quang Cường - Chủ tịch HĐTV Công ty Du thuyền Viet Princess cho biết: Công ty ông sử dụng vốn tự có để đóng 4 chiếc tàu giá trị 200 tỷ đồng, sau khi trừ khấu hao 5 năm hoạt động, giá trị 4 chiếc tàu hiện còn khoảng 180 tỷ; 4 tàu du ngoạn sông Mekong này là nguồn thu nhập chính của doanh nghiệp, đem về doanh thu hằng năm khoảng 150 tỷ đồng, lợi nhuận 25 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ông Cường còn đầu tư thêm vào lĩnh vực bất động sản, sở hữu những căn hộ bất động sản du lịch có giá trị khoảng 7 tỷ đồng. Thế nhưng, tất cả số tài sản trên không đủ điều kiện trở thành tài sản thế chấp để công ty vay vốn ngân hàng nhằm cầm cự, duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, ngành du lịch đóng băng từ đầu năm đến nay.

"Hằng năm, chúng tôi chuyển vào các ngân hàng thương mại hơn 100 tỷ đồng. Lúc làm ăn được thì ngân hàng luôn muốn cho vay, mời gọi vay. Đến khi khó khăn, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận vốn thì ngân hàng từ chối với lý do là ngành du lịch, đặc biệt là hoạt động trong lĩnh vực du thuyền, rủi ro cao nên không được thế chấp du thuyền để vay", ông Trương Quang Cường lo ngại.

Tương tự, ông Trần Thế Dũng - Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour cho biết đa số doanh nghiệp chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Vốn tích lũy, vốn tự có thì không đủ cầm cự vì không thể đoán định bao giờ thì dịch bệnh có thể được khống chế. Trong khi đó, khi dịch bệnh qua đi, thị trường phục hồi, tour du lịch được khởi động thì chắc chắn các doanh nghiệp cần nguồn vốn rất lớn để vực dậy.

Ông Nguyễn Minh Ngọc, thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Vietravel nhìn nhận, doanh nghiệp du lịch hiện nay không có doanh thu, không có nguồn tiền, không còn tài sản để thế chấp… Theo đó, các ngân hàng có thể xem xét cho vay tín chấp những khoản nào có thể cho vay được, những năm qua ngành du lịch đã đóng thuế rất nhiều, thời điểm khó khăn hiện nay nên có sự chia sẻ lại để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch cầm cự và dần phục hồi.

Những năm qua ngành du lịch đã đóng thuế rất nhiều, thời điểm khó khăn hiện nay nên có sự chia sẻ lại để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch cầm cự và dần phục hồi. (Pxhere)
Những năm qua ngành du lịch đã đóng thuế rất nhiều, thời điểm khó khăn hiện nay nên có sự chia sẻ lại để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch cầm cự và dần phục hồi. (Pxhere)

Ngân hàng e dè vì rủi ro cao

Ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank cho rằng ngân hàng cũng là 1 doanh nghiệp, không đứng ngoài những khó khăn của thị trường trong đại dịch. Ngân hàng cũng phải ưu tiên tính ổn định và đảm bảo an toàn cho người lao động của doanh nghiệp mình. Chưa kể vốn của ngân hàng không phải của cá nhân mà của nhiều cổ đông, huy động từ nhiều nguồn nên tính an toàn càng phải đặt lên cao.

Ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại Nam Á thông tin rằng trong thời gian qua, ngân hàng này cũng hỗ trợ cho một số doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp du lịch và vướng vào nợ xấu. Vốn của ngân hàng là vốn của các cổ đông, vốn huy động từ nhiều nguồn và có sự quản lý rất chặt của Ngân hàng Nhà nước. Nợ xấu tăng cao thì rất khó, du lịch là ngành nguy hiểm rủi ro rất cao nên các ngân hàng không tránh khỏi e ngại.

Tháo gỡ cho ngành du lịch

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, chính sách tín dụng hiện nay không thiếu, cái khó là điều kiện tiếp cận nguồn vốn.

Về những chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước, phối hợp các bộ - ngành sửa đổi Thông tư 01 về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay… cho các doanh nghiệp. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính để sửa đổi Thông tư này.

Về chính sách đối với doanh nghiệp lữ hành, Bộ Văn hóa - Thông tin - Du lịch kiến nghị giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành (số tiền ký quỹ hiện nay từ 100-500 triệu đồng tùy loại hình doanh nghiệp) và sẽ giảm trong 2 năm để tạo dòng tiền hỗ trợ doanh nghiệp.

Thanh Vân



BÀI CHỌN LỌC

Cơn bĩ cực của ngành du lịch: Tài sản 180 tỷ đồng không đủ thế chấp để vay ngân hàng 10 tỷ đồng