'Nước cờ mạo hiểm' của HSBC: Đặt cược gấp đôi vào Trung Quốc nhưng có thể thua ‘trắng tay’?

Giúp NTDVN sửa lỗi

HSBC từng vấp phải sự chỉ trích ở Anh và Hoa Kỳ vì ủng hộ luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt đối với Hong Kong. Gã khổng lồ ngân hàng toàn cầu này hiện đang “đặt cược” gấp đôi vào thị trường Trung Quốc và châu Á, nhưng có nguy cơ thua “trắng tay’ - khi bị mắc kẹt trong cuộc rạn nứt chính trị giữa chế độ Trung Quốc và phương Tây.

Ngân hàng quốc tế có trụ sở tại London này đã công bố trong báo cáo về thu nhập quý IV/2020 vào ngày 23/2/2021, rằng họ sẽ tăng tốc “xoay trục sang châu Á” - bằng cách giảm kinh doanh bán lẻ ở Hoa Kỳ và đầu tư hàng tỷ USD vào việc phát triển cơ sở của mình trên khắp châu Á, bao gồm cả Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Singapore và Ấn Độ.

Peter Wong, giám đốc điều hành của tập đoàn này tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đã vạch ra kế hoạch cho một khoản đầu tư 6 tỷ USD vào Châu Á trong 5 năm tới, tập trung vào việc phát triển quản lý tài sản và kinh doanh bán buôn quốc tế.

HSBC đang cử một số giám đốc điều hành cấp cao đến khu vực để dẫn dắt nỗ lực này. Những người có khả năng được tái phân bổ đến Hong Kong bao gồm: Người phụ trách khối các thị trường và ngân hàng toàn cầu Greg Guyett, Giám đốc khối ngân hàng thương mại toàn cầu Barry O'Byrne, và Giám đốc khối tài sản và ngân hàng cá nhân Nuno Matos, theo một báo cáo của tờ Financial Times.

Cùng với kế hoạch mở rộng sự hiện diện tại châu Á, HSBC đang rút lui khỏi thị trường Hoa Kỳ. Theo báo cáo của Reuters, ngân hàng này sẽ bán hoặc đóng cửa khoảng 150 chi nhánh ngân hàng thương mại của mình tại Hoa Kỳ.

Việc HSBC rút khỏi thị trường Hoa Kỳ đánh dấu sự kết thúc của nỗ lực kéo dài nhiều năm - nhằm xoay chuyển nhánh bán lẻ đang gặp khó khăn tại đây. Năm ngoái, ngân hàng này đã đóng cửa gần 100 chi nhánh.

Đặt cược gấp đôi vào Trung Quốc

HSBC đã bị các nhà lập pháp Hoa Kỳ và Anh chỉ trích vì ủng hộ các chính sách của chính quyền Trung Quốc - tạo điều kiện cho Bắc Kinh đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Năm ngoái, ngân hàng này đã tán thành “luật an ninh quốc gia” gây tranh cãi ở Hong Kong - một đạo luật do Bắc Kinh áp đặt lên thành phố này và có thể được sử dụng để dập tắt những bất đồng chính trị dưới sự cai trị của Bắc Kinh.

Cảnh sát Hong Kong đàn áp người biểu tình phản đối đạo luật mới mà Bắc Kinh áp đặt lên Hong Kong. (Photo by DALE DE LA REY/AFP via Getty Images)
Cảnh sát Hong Kong đàn áp người biểu tình phản đối đạo luật mới mà Bắc Kinh áp đặt lên Hong Kong. (Photo by DALE DE LA REY/AFP via Getty Images)

Cuối năm 2020, HSBC đã đóng băng các tài khoản ngân hàng của Ted Hui, một cựu nghị sĩ ủng hộ Dân chủ Hong Kong hiện đang sống lưu vong; và các tài khoản của mục sư Nhà thờ Good Neighbor North District - một nhà thờ được biết là đã làm việc với những người biểu tình ủng hộ dân chủ Hong Kong. Trở lại năm 2017, HSBC cũng từ chối mở tài khoản ngân hàng cá nhân cho nghệ sĩ Ai Weiwei, một nhà bất đồng chính kiến ​​người Trung Quốc.

Giám đốc điều hành của HSBC, Noel Quinn, đã trả lời chất vấn trong một phiên điều trần của Ủy ban đối ngoại quốc hội Anh vào tháng 1/2021 - liên quan đến việc đóng băng các tài khoản bất đồng chính kiến. Quinn cho biết quyết định đóng tài khoản của ông Hui hoàn toàn là do nhu cầu tuân thủ luật pháp địa phương.

Với lịch sử hình thành của HSBC - và sự cạnh tranh ngân hàng khốc liệt ở Hoa Kỳ và Châu Âu - thì việc ngân hàng này “chuyển hết sang Trung Quốc” “nhắm thẳng đến Châu Á” nói chung, là có lý do.

Không lạ gì khi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga - Trưởng đặc khu Hong Kong, gần đây đã ca ngợi ngân hàng này và nói rằng “rất vui” khi HSBC mở rộng sự hiện diện của mình tại thành phố này. Mặc dù có khả năng là bà Lâm sẽ hoan nghênh bất kỳ doanh nghiệp nào mở rộng tại thành phố, sau khi bất ổn chính trị gần đây đã làm mất đi vị thế của Hong Kong như một trung tâm kinh doanh toàn cầu.

Ngân hàng này ngày càng tập trung vào châu Á, ngay cả trước khi chiến lược “xoay trục sang châu Á” được đẩy mạnh. Từ 15 năm trước, đóng góp doanh thu của HSBC rất đa dạng, trong đó Châu Âu góp phần lớn nhất, tiếp theo là Bắc Mỹ và Châu Á, theo nghiên cứu của Financial Times. Ngân hàng này cũng có một nhánh nhượng quyền nhỏ ở Nam Mỹ. Đó là một ngân hàng toàn cầu thực sự.

Đến năm 2019, châu Á - chủ yếu là Trung Quốc - chiếm hơn 50% doanh thu, tiếp theo là châu Âu và sự hiện diện của nó ở Bắc và Nam Mỹ đã giảm đi đáng kể.

Chọc giận Bắc Kinh?

Ở Trung Quốc đại lục, thái độ “dịu dàng” của HSBC đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không được đền đáp ngay lập tức.

Ngân hàng này đã bị truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ trích vì hỗ trợ vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu. Cuộc điều tra nội bộ của ngân hàng về bà Mạnh - đã phát hiện ra các giao dịch bị cáo buộc của gã khổng lồ công nghệ Huawei với Iran - mà cuối cùng đã dẫn đến việc bắt giữ bà Mạnh ở Canada.

Các công tố viên Hoa Kỳ cáo buộc rằng bà Mạnh đã lừa dối HSBC và các ngân hàng khác, bằng cách xuyên tạc mối quan hệ của Huawei với một số công ty bình phong được thành lập để kinh doanh với Iran - vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

Nhưng theo một bài xã luận năm 2020 trên tờ Global Times của nhà nước này, ĐCSTQ tuyên bố rằng HSBC có thể đã “gài bẫy” để bẫy bà Mạnh. Do bà Mạnh vẫn đang bị quản thúc tại Vancouver, nên HSBC không giành được nhiều thiện chí từ chính quyền Trung Quốc vào lúc này. Vào tháng 2/2021, bà Mạnh đã kiện HSBC tại tòa án Hong Kong, trong nỗ lực thu thập các tài liệu mà nhóm bào chữa của bà tin rằng có thể chống lại sự dẫn độ của Hoa Kỳ.

Bà Mạnh Vãn Châu tại phiên điều trần ngày 27/10 (DON MACKINNON/AFP via Getty)
Bà Mạnh Vãn Châu tại phiên điều trần ngày 27/10/2020 (DON MACKINNON/AFP via Getty)

Ông Wong, giám đốc điều hành khu vực châu Á của HSBC, là thành viên của cơ quan cố vấn chính trị cho ĐCSTQ, theo Financial Times. Ông này tỏ rõ là “công cụ” hữu ích trong việc giải quyết rạn nứt giữa ngân hàng này và Bắc Kinh sau vụ bắt giữ bà Mạnh.

Trong tương lai, HSBC có thể sẽ bị mắc kẹt trong cuộc rạn nứt chính trị giữa chế độ Trung Quốc và phương Tây. Cả Hoa Kỳ và Châu Âu ngày càng tỏ ra chủ chiến với chế độ này trong những năm gần đây, và Bắc Kinh đã cho thấy rằng họ không sẵn sàng lùi bước.

Trong phiên điều trần hồi tháng 1/2021, một số nghị sĩ đưa ra khả năng rằng HSBC chia tách ra làm hai, nhưng CEO Quinn đã bác bỏ điều này.

Thậm chí, HSBC có thể sẽ nhận phải nhiều áp lực hơn từ phía ĐCSTQ. Vào tháng 1/2021, Bắc Kinh đã ban hành những quy định mới - cho phép các tòa án Trung Quốc trừng phạt các công ty toàn cầu hoạt động tại Trung Quốc - vì đã tuân thủ các luật và lệnh trừng phạt nước ngoài “phi lý”.

Và với những quyết định chính trị và kinh doanh gần đây, ngày càng rõ ràng là HSBC sẽ phải chọn bên nào trong cuộc đối đầu này.

Báo cáo kết quả tài chính năm 2020 của ngân hàng này tương đối kém. Doanh thu năm 2020 là 50,4 tỷ USD - giảm 10% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế giảm 34% xuống 8,8 tỷ USD, theo báo cáo chiến lược cả năm 2020 của HSBC.

Tác giả: Fan Yu là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế, và đã đóng góp các phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Tâm Minh

TheoThe Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

'Nước cờ mạo hiểm' của HSBC: Đặt cược gấp đôi vào Trung Quốc nhưng có thể thua ‘trắng tay’?