Cố vấn trưởng về châu Á của ông Biden: Kỷ nguyên 'gắn bó' với Trung Quốc đã kết thúc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 26/5 vừa qua, tại một sự kiện do Đại học Stanford tổ chức, ông Kurt Campbell, điều phối viên Hoa Kỳ về các vấn đề Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia, nói: “Một thời kỳ từng được mô tả là kỷ nguyên gắn bó với Trung Quốc đã kết thúc”. Chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc sẽ vận hành theo “một loạt các tham số chiến lược mới”, và “mô hình (quan hệ) chủ yếu sẽ là sự cạnh tranh”.

Các chính sách của Trung Quốc dưới thời ông Tập là nguyên nhân chính cho sự thay đổi chính sách của Mỹ, ông Campbell nói, viện dẫn các cuộc đụng độ quân sự ở biên giới Trung Quốc với Ấn Độ, “chiến dịch kinh tế” chống lại Australia và sự trỗi dậy của ngoại giao “chiến binh sói”. Ông cho biết, hành vi của Bắc Kinh là biểu tượng của sự chuyển hướng sang “quyền lực khắc nghiệt hay quyền lực cứng”, điều này “báo hiệu rằng Trung Quốc quyết tâm đóng một vai trò quan trọng hơn trên trường quốc tế”.

Những bình luận thẳng thừng của nhiều nhà lãnh đạo cấp cao dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa 2 nước đang ngày càng lớn lên. Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai nói với Reuters rằng hai bên phải đối mặt với "những thách thức rất lớn" và Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu cộng đồng tình báo Mỹ "nhân đôi" nỗ lực của mình để xác định xem liệu virus Covid-19 có rò rỉ ra từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc hay không.

Ông Biden tuyên bố hôm 26/5 rằng các quan chức Trung Quốc cần phải minh bạch hơn và Bắc Kinh nên tham gia một "cuộc điều tra quốc tế dựa trên các bằng chứng và cung cấp quyền truy cập vào tất cả dữ liệu liên quan". Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington bác bỏ cuộc điều tra này và gọi đó là một "chiến dịch bôi nhọ và đổ lỗi cho nhau", và rằng điều này sẽ làm tổn hại đến những nỗ lực ngăn chặn các cuộc khủng hoảng sức khỏe trong tương lai.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm (27/5) rằng hai nước “có lợi từ hợp tác và thua khi đối đầu”.

Ông Triệu nói: “Quan hệ Trung - Mỹ đương nhiên sẽ trải qua một số cạnh tranh, vốn là mối quan hệ phổ biến giữa các nước lớn khác, nhưng việc định nghĩa mối quan hệ là sự cạnh tranh là sai lầm vì nó sẽ chỉ dẫn đến đối đầu và xung đột”.

Những khúc mắc trong quan hệ giữa 2 nước còn đến từ một loạt các vấn đề khác, như việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nhân quyền ở khu vực Tân Cương, tương lai của Đài Loan và Hồng Kông, những lo ngại về kinh tế bao gồm việc triển khai công nghệ 5G và tình trạng thiếu thiết bị bán dẫn trên toàn cầu. Các quan chức Trung Quốc và Mỹ cho biết họ nhìn thấy các khả năng hợp tác nhỏ nhoi trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, nhưng về nhiều vấn đề khác, mối quan hệ này đang ngày càng băng giá.

Ông Campbell cho biết ông Tập là nguyên nhân chính cho sự thay đổi chính sách của Mỹ trong mối quan hệ với Trung Quốc. Ông mô tả Chủ tịch Trung Quốc là người “có tư tưởng sâu sắc, nhưng cũng khá vô cảm” và “không quan tâm nhiều đến kinh tế”.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập đã "tháo gỡ hoàn toàn gần 40 năm cơ chế lãnh đạo tập thể", Campbell nói.

Ông Campbell cho biết, các đồng minh sẽ là trọng tâm trong nỗ lực của Mỹ nhằm đẩy lùi Trung Quốc trong những năm tới. Mỹ đã cố gắng nâng cao tầm quan trọng của mình trong nhóm Bộ tứ - Quad, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Úc.

“Lần đầu tiên, chúng tôi thực sự đang chuyển trọng tâm chiến lược, lợi ích kinh tế, quân đội của chúng tôi sang Ấn Độ-Thái Bình Dương”, ông Campell tuyên bố.

Lê Minh

Theo Bloomberg



BÀI CHỌN LỌC

Cố vấn trưởng về châu Á của ông Biden: Kỷ nguyên 'gắn bó' với Trung Quốc đã kết thúc