Chuyên gia kinh tế: Đại dịch Coronavirus sẽ khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phá sản

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi Trung Quốc phong tỏa thêm nhiều thành phố để hạn chế sự lây lan của chủng virus Corona mới, một cuộc khủng hoảng gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ xuất hiện khi tất cả các nhà sản xuất hết hàng tồn kho do sự đình trệ của lao động, vận tải và mua sắm vật tư. Một số lượng lớn các công ty ở Trung Quốc có thể sẽ sụp đổ trong vòng một hoặc hai tháng tới, một nhà kinh tế dự đoán.

Liu Mengjun, một nhà kinh tế và nhà nghiên cứu người Đài Loan thuộc Phòng nghiên cứu số một của Viện nghiên cứu kinh tế Chung-Hua, đã nói chuyện với Epoch Times tiếng Trung trong một cuộc phỏng vấn độc quyền vào ngày 6/2. Ông nói rằng nền kinh tế Trung Quốc không bị ảnh hưởng nhiều từ dịch SARS năm 2003, vì lúc đó Trung Quốc mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); và với thị phần khá thấp trong thương mại quốc tế, họ đã xoay sở để tồn tại khi nhu cầu thị trường nước ngoài giảm trong đợt dịch SARS.

Tiêu dùng và đô thị hóa trong nước

Hiện tại, ngành dịch vụ của Trung Quốc chiếm tỷ trọng GDP cao hơn ngành công nghiệp, bao gồm các ngành sản xuất và xây dựng; và về lâu dài, Trung Quốc sẽ phải thực hiện quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế định hướng theo nhu cầu trong nước, ông Liu nói. Nhưng giờ đây, sự bùng phát của virus Corona sẽ tác động đến mức tiêu thụ nội địa của đất nước.

Đô thị hóa, với hàng chục triệu người sống tại các thành phố lớn, cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy nhu cầu nội địa của Trung Quốc, ông Liu lưu ý. Nhưng chính xác là các khu vực càng đô thị hóa thì càng sâu sắc cảm nhận được tác động của sự bùng phát dịch bệnh do phong tỏa. Do đó, virus Corona Vũ Hán cũng đã làm lung lay tham vọng của Trung Quốc về việc thúc đẩy nền kinh tế của nó thông qua quá trình đô thị hóa.

Công nhân không đi làm, vận tải và chuỗi cung ứng gián đoạn

Ông Liu chỉ ra rằng việc phong tỏa đã mở rộng sang các thành phố quan trọng như Vũ Hán, Hàng Châu và Nam Kinh, tất cả những thành phố này đều tập trung rất nhiều các công ty và doanh nghiệp do Đài Loan và nước ngoài tài trợ. Những công ty dựa vào Trung Quốc làm cơ sở chế biến và xuất khẩu sẽ cảm nhận được tác động ngắn hạn, ông nói. Cuối cùng, người ta sẽ cảm nhận được một cuộc khủng hoảng gián đoạn chuỗi cung ứng khi tất cả các nhà sản xuất đã cạn kiệt hàng tồn kho do lao động không đi làm và các luồng giao thông đình trệ.

Ngoài ra, do các khu vực này chủ yếu là các cơ sở sản xuất và nghiên cứu phát triển “Made in China 2025”, sự lây lan của virus Corona có thể gây ra chảy máu chất xám, đe dọa đến triển vọng kinh tế trong tương lai của Trung Quốc.

Theo ông Liu, kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt đầu, một số doanh nghiệp Đài Loan sau khi xem xét mức thuế tăng và nhiều yếu tố không chắc chắn khác, đã chọn quay trở lại Đài Loan và khởi động lại dây chuyền sản xuất của họ ở đó. Một số doanh nghiệp khác thì chuyển sản xuất sang các nước ASEAN. Với sự lây lan của virus Corona và sự suy giảm nhu cầu nội địa của Trung Quốc, các doanh nghiệp Đài Loan mà vẫn đang hoạt động bên trong Trung Quốc sẽ nhanh chóng tìm kiếm các cơ sở sản xuất thay thế.

Doanh nghiệp trong nước dễ bị tổn thương do đòn bẩy tài chính cao

Jia Guolong, chủ tịch Xibei Catering Group, một chuỗi nhà hàng hàng đầu ở Trung Quốc, gần đây cho biết rằng quỹ của công ty có thể không trụ nổi thêm ba tháng nữa nếu virus Corona tiếp tục lan rộng.

Ông Liu cho biết, có một thực trạng rất phổ biến ở Trung Quốc là các công ty hoạt động bằng cách sử dụng đòn bẩy tài chính cao, có nghĩa là lượng tiền họ đi vay là rất lớn. Vì vậy, suy thoái thị trường sẽ gây ra nhiều khó khăn hơn cho những doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính cao.

Mặc dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm yêu cầu dự trữ gần đây, nhưng rất khó để vốn chảy vào các công ty vừa và nhỏ đang cần tiền, ông Liu nói. Người ta ước tính rằng một làn sóng phá sản sẽ xuất hiện ở Trung Quốc trong vòng một hoặc hai tháng tới, một minh chứng cho sự dễ bị tổn thương của nền kinh tế Trung Quốc. Trong điều kiện thuận lợi, kinh tế Trung Quốc thể hiện thậm chí còn tốt hơn các nền kinh tế khác, nhưng trong thời kỳ suy thoái, sự yếu kém của các công ty sẽ được khuếch đại lên.

Ông Liu đề nghị các doanh nghiệp Đài Loan nên đa dạng hóa cả đầu tư và hoạt động. Việc rút hết vốn vẫn là không thực tế đối với những người có doanh nghiệp tại đại lục, do chính quyền cộng sản Trung Quốc sẽ cản trở kế hoạch của họ theo nhiều cách khác nhau, ông nói. Nhưng có thể áp dụng chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản có tên là “Trung Quốc + 1” (China Plus One), cụ thể là, không đặt tất cả trứng vào một giỏ.

Thanh Hương
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia kinh tế: Đại dịch Coronavirus sẽ khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phá sản