Chuyên gia kinh tế chỉ trích Fed thúc đẩy rủi ro tài chính, bất ổn dài hạn ở Mỹ và khắp toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Desmond Lachman là thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ. Trước đây, ông từng là phó giám đốc Phòng Rà soát và Phát triển Chính sách của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Trưởng chiến lược gia kinh tế thị trường mới nổi tại Salomon Smith Barney. Chuyên gia kinh tế này có bài bình luận gay gắt chỉ trích sai lầm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Có vẻ như một cuộc khủng hoảng tài chính không thể tránh khỏi với độ lớn chưa từng có sẽ xảy ra không chỉ với Mỹ mà là khắp toàn cầu...

NTDVN lược dịch ý kiến của chuyên gia kinh tế này về những rủi ro cốt lõi đến từ chính sách trong hệ thống tài chính - kinh tế của Mỹ. Các rủi ro nếu xảy ra ở Mỹ có thể ngay lập tức tác động sâu rộng tới hệ thống tài chính toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng như những gì chúng ta đã chứng kiến trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Trong hai thập kỷ qua, một điểm yếu đáng lo ngại trong chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) là gần như chỉ tập trung vào việc đạt được mục tiêu duy nhất là ổn định ngắn hạn về giá cả và việc làm tối đa. Chính sách như vậy đã để lại một lỗ hổng lớn cho rủi ro hệ thống, thậm chí nuôi dưỡng rủi ro hệ thống đến mức hiện giờ Fed không còn có thể kiểm soát được nữa.

Sai lầm ngắn hạn như vậy được ông Powell, chủ tịch của Fed, đặc biệt thúc đẩy trong một năm qua khi giữ chính sách tiền tệ quá lỏng lẻo và nhắm mắt làm ngơ trước giá tài sản tăng vọt do đầu cơ, bong bóng thị trường tín dụng mà chính sách tiền tệ mở rộng quá mức đã tạo ra. Điều này khiến Mỹ chắc chắn phải đối mặt với nền kinh tế - tài chính khó khăn, đầy rủi ro vào năm 2022.

Năm 1996, Alan Greenspan trở nên nổi tiếng và gây chú ý mạnh mẽ khi có bài phân tích “sự sôi nổi phi lý” của thị trường chứng khoán mà chính sách tiền tệ dễ dãi của Fed đã làm gia tăng. Tuy nhiên, khi đó Alan Greenspan không cảm thấy rằng Fed phải có nhiệm vụ thay đổi chính sách tiền tệ của mình để tránh việc bơm phồng bong bóng các thị trường tài sản tài chính như vậy. Thay vào đó, ông cảm thấy rằng nhiệm vụ của Fed là chỉ tập trung vào việc đạt được nhiệm vụ kép của mình và đối phó với hậu quả từ bất kỳ bong bóng thị trường tài chính nào có thể xảy ra nếu một trong số chúng bị vỡ.

Cách tiếp cận nhẹ nhàng của Fed đối với bong bóng đã khiến đất nước phải trả giá đắt vào năm 2008 khi bong bóng thị trường nhà ở và tín dụng gây ra bởi chính sách dễ dãi của Fed trong nhiều năm cuối cùng đã vỡ. Bong bóng nổ đó đã tạo ra cuộc Đại suy thoái kinh tế năm 2008-2009, đây là cuộc suy thoái sâu nhất cho đến nay trong thời kỳ hậu chiến.

Fed của Jerome Powell bây giờ dường như đã lặp lại toàn bộ sai lầm của Fed trước đó. Fed gần như không để ý đến sự hình thành các bong bóng mà đáng lẽ ra tổ chức này phải giám sát. Fed đã làm vậy và Powell dường như kiên trì lờ đi mọi cảnh báo về bong bóng, mặc dù các bong bóng tài sản ngày nay ở Mỹ đã lớn và tai hại hơn rất nhiều những quả bong bóng đã dẫn đến cuộc Đại suy thoái kinh tế hồi năm 2008.

Trong khi năm 2008 chúng ta chỉ có bong bóng thị trường nhà đất và tín dụng ở Mỹ, thì ngày nay phản ứng của chính sách tiền tệ cực kỳ dễ dãi của Fed đối với đại dịch, kết hợp với chính sách của các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới, đã tạo ra bong bóng thị trường tín dụng, bong bóng thị trường sản phẩm phái sinh tài chính (một quả bong bóng đánh bạc to đùng của các siêu ngân hàng vào sự đổ vỡ của thị trường tài chính và giá cả), đồng thời chúng ta còn có bong bóng giá tài sản toàn cầu.

Nó không chỉ là giá cổ phiếu toàn cầu cao bất thường, mà rủi ro do chính sách tiền rẻ còn nhiều hơn thế.

Giá cổ phiếu của Mỹ hiện đang ở mức rất cao, lặp lại mức cao kỷ lục hồi bong bóng Dotcom 2001. Chúng ta đang chứng kiến bong bóng giá nhà ở quá nhiều quốc gia, kể cả ở Hoa Kỳ, nơi giá nhà hiện đang tăng với tốc độ nhanh hơn so với năm 2006 vào đêm trước của vụ phá sản nhà ở. Mức chênh lệch lãi suất bất thường giữa lợi suất trái phiếu của các nền kinh tế phát triển và mới nổi đã đẩy dòng tiền giá rẻ đầu cơ ồ ạt vào các thị trường và khu vực có rủi ro khắp toàn cầu.

Tuy nhiên, bất chấp những bong bóng này, Fed của Powell vẫn tiếp tục mua 120 tỷ USD mỗi tháng vào trái phiếu kho bạc Mỹ và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp. Bằng cách đó, quy mô bảng cân đối kế toán của Fed hiện đã mở rộng thêm hơn 4 nghìn tỷ USD kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 năm 2020, khiến bảng cân đối này tăng gấp đôi trong 2 năm vừa qua. Hiển nhiên, đây là cách Fed gia tăng ảnh hưởng đáng kể cho các thị trường tài sản và tín dụng vốn đã quá nóng.

Fed của Powell dường như tiếp tục thế chấp tương lai kinh tế dài hạn của Mỹ bằng cách quá lạc quan về triển vọng lạm phát của đất nước. Điều này đã khiến Fed duy trì các điều kiện chính sách tiền tệ dễ dàng nhất trong hơn một thập kỷ. Đừng bận tâm rằng lạm phát hiện đang ở mức khoảng gấp đôi mức mà Fed dự đoán trước đó, nền kinh tế đã nhận được hỗ trợ ngân sách 25% GDP đáng kinh ngạc trong hai năm qua và các tắc nghẽn của chuỗi cung ứng toàn cầu cho thấy lạm phát chắc chắn không phải là tạm thời.

Mãi cho tới gần đây, trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 28/9, Chủ tịch Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) lần đầu tiên đã thừa nhận rằng lạm phát Mỹ có thể sẽ kéo dài và cao hơn so với mọi dự đoán trước đó. Fed dường như đang phát đi tín hiệu về việc có thể điều chỉnh lãi suất đồng USD sớm hơn. Nhưng đó chỉ là đồn đoán, Fed cho đến giờ vẫn rất ung dung với tình trạng lạm phát cao và kéo dài, vẫn thản nhiên với mọi dự báo tích cực trước đó của họ về lạm phát.

Tất cả những điều này đã đẩy Fed vào vị trí khó khăn nhất trong các chính sách mà không ai thèm muốn. Fed có thể chọn duy trì lập trường chính sách tiền tệ cực kỳ dễ dãi hiện tại. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát nhiều hơn, gây thêm nhiều sự đóng băng cho các thị trường tài sản vốn đã được định giá quá cao và dẫn đến một cuộc sụp đổ kinh tế khi chính sách tiền tệ cuối cùng phải được thắt chặt. Ngoài ra, Fed có thể chọn bắn viên đạn ngay bây giờ, điều này sẽ làm giảm nguy cơ lạm phát nhưng sẽ dẫn đến việc bong bóng vỡ sớm hơn, nhưng sẽ ít đau đớn hơn so với cách khác mà cuối cùng sẽ xảy ra.

Các nhà kinh tế và chuyên gia tài chính hy vọng rằng Fed có can đảm đối mặt với thực tế ngay bây giờ và bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ sớm còn hơn là muộn để cứu nền kinh tế Mỹ và thế giới khỏi một cuộc sụp đổ kinh tế lớn nhất trong lịch sử nhân loại hiện đại.

Thuỷ Tiên

Theo 19fortyfive

 



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia kinh tế chỉ trích Fed thúc đẩy rủi ro tài chính, bất ổn dài hạn ở Mỹ và khắp toàn cầu