Chuyên gia: Đã đến lúc chấm dứt Đế chế công nghệ độc hại của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giai đoạn dễ tổn thương của Trung Quốc ... chỉ kéo dài nhiều nhất là vài năm. Vì vậy, đây là thời gian để thế giới hành động.

"Trung Quốc," như một số người nói, "phần lớn là vùng đất của những người học vẹt bị ràng buộc bởi luật lệ". Người Trung Quốc cố gắng nhưng hiếm khi tự mình tạo ra những bước đột phá. Hơn nữa, nhà cai trị Tập Cận Bình, người yêu cầu chế độ của mình thống trị các công nghệ của thế giới, đang nhanh chóng loại bỏ một thành phần thiết yếu của sự đổi mới: tự do. Chế độ toàn trị khuyến khích sự vâng lời, một phẩm chất không đặc biệt hữu ích để phát triển các công nghệ của ngày mai.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả, Trung Quốc của ông Tập vẫn tìm cách trở thành nhà lãnh đạo công nghệ trong các lĩnh vực quan trọng, như truyền thông lượng tử và truyền thông không dây 5G. Người Trung Quốc, vì thành công của họ, hiện đang chạy đua để sở hữu các công nghệ của thế kỷ này.

Trung Quốc cũng có điểm yếu. Nền kinh tế của nó đang thất bại, và thông qua các hành động đặc biệt khiêu khích, chế độ này đang mất đi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên khoảng thời gian dễ bị tổn thương của nước này chỉ nhiều nhất là một vài năm. Vì vậy, đây là thời gian để thế giới hành động.

Nhà tư tưởng David Goldman lập luận một cách đầy thuyết phục rằng việc người dân Trung Quốc có thể đổi mới hay không không phải là vấn đề. Chế độ của họ đã tập hợp tất cả các yếu tố cần thiết để thống trị công nghệ.

Bắc Kinh dành những khoản tiền khổng lồ theo các chương trình nhiều năm được thiết kế tỉ mỉ, như Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, nỗ lực Con đường tơ lụa kỹ thuật số, và sáng kiến ​​khét tiếng Made in China 2025. Khi Trung Quốc chi tiêu, nó chi tiêu lớn. Thủ tướng Lý Khắc Cường, trong khi phát hành Báo cáo công việc của mình tại cuộc họp Quốc hội Nhân dân vào cuối tháng trước, đã công bố một chiến dịch xây dựng "các loại cơ sở hạ tầng mới", nói cách khác là công nghệ.

Trung Quốc, do đó, đang đi vào một xu hướng chi tiêu công nghệ. Hơn một chục thành phố của Trung Quốc, bao gồm cả Bắc Kinh và Thượng Hải, kể từ đầu năm nay đã cam kết sẽ dành 935 tỷ USD, và các tập đoàn như Alibaba và Tencent sẽ thêm vào. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin thông báo về cam kết 1,4 nghìn tỷ USD của quốc gia trong năm năm tới.

Trung Quốc có thể chi tiêu, nhưng liệu họ có thể đổi mới trong một hệ thống chính trị áp bức? Các hệ thống chính trị áp bức giết chết sự sáng tạo trong nghệ thuật và khoa học xã hội, nhưng chúng cũng bóp nghẹt các ngành khoa học khác. Sự đổi mới thường không được hưởng lợi từ các quyết định từ trên xuống (thường không được cân nhắc và lên kế hoạch cẩn thận) và do đó phản tác dụng.

Tuy nhiên, không quan trọng rằng liệu chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc có làm cho người dân Trung Quốc trở nên ngu ngốc hay không - bởi vì các quan chức có thể thuê tất cả tài năng sáng tạo mà họ cần từ các quốc gia khác.

Như Goldman chỉ ra: "Lần đầu tiên trong lịch sử lâu dài, Trung Quốc đã thành công trong việc tuyển dụng các nhà đổi mới phương Tây trên quy mô lớn". Chẳng hạn, có 50.000 người nước ngoài làm việc cho nhà vô địch quốc gia Huawei Technologies, bao gồm, ông viết, "một số nhà khoa học và kỹ sư giỏi nhất châu Âu trong lĩnh vực này".

Đó là công thức cho sự dẫn đầu của Trung Quốc trong truyền thông lượng tử. Bắc Kinh đã có bước đột phá của nước Mỹ - Albert Einstein đã mô tả hiện tượng này là "hành động ma quái từ xa" - và chuyên môn từ Vienna, và tạo ra cho mình ít nhất một nửa thập kỷ dẫn đầu trong việc phát triển truyền thông lượng tử chống thâm nhập.

Trong một lĩnh vực lượng tử khác, điện toán, nỗ lực phát triển tại nhà của Trung Quốc đang bị trì hoãn. Google vượt xa với một máy tính 72 qubit. Máy tính của IBM là 50 qubit, và Trung Quốc, theo Zhu Xiaobo thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, đang "làm việc trên 24 qubit".

Trung Quốc cũng đang làm việc để lợi dụng Google - công ty có nhiều hoạt động tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bao gồm Trung tâm AI Trung Quốc tại Bắc Kinh của họ và quan hệ đối tác với hai trường đại học hàng đầu của đất nước là Bắc Kinh và Thanh Hoa. Tuy nhiên, công ty có kế hoạch lớn hơn. "Khi nghiên cứu trí tuệ nhân tạo AI của Google phát triển mạnh ở Trung Quốc, cuối cùng họ sẽ cần các năng lực lớn hơn so với những gì một công ty điện toán đám mây được xây dựng từ đầu có thể cung cấp," Brandon Weichert của Báo cáo Weichert nói với Gatestone. "Vì vậy, không thể tránh khỏi việc Google sẽ cố gắng hợp tác hoặc mua một công ty điện toán đám mây Trung Quốc, ví dụ như Tencent".

Những nỗ lực trí tuệ nhân tạo của Mỹ có được sự thúc đẩy gián tiếp từ các hoạt động của Google ở ​​Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đang hưởng lợi nhiều hơn, đặc biệt là vì công nghệ giống như nước chảy chỗ trũng. Hơn nữa, chuyển giao công nghệ cho người Trung Quốc là mối đe dọa đối với người Mỹ vì chính sách "hợp nhất dân sự - quân sự" của Bắc Kinh. Chính sách này có nghĩa là không có thứ gọi là hợp tác công nghệ chỉ vì mục đích dân sự ở quốc gia đó. Các công nghệ mà Bắc Kinh cố gắng cầu xin, mượn hoặc ăn cắp - thường là ăn cắp - sẽ trực tiếp được "tuồn" cho Quân đội Giải phóng Nhân dân.

Vì vậy, Google, một mặt đã từ chối hợp tác với Bộ Quốc phòng Mỹ về trí tuệ nhân tạo, mặt khác lại đang giúp quân đội Trung Quốc trong lĩnh vực quan trọng đó. Tình trạng này là không tốt, và những điều không tốt không bao giờ kéo dài. "Hoa Kỳ phải tuyệt đối cấm Google và các công ty công nghệ khác kinh doanh tại Trung Quốc hoặc với các công ty Trung Quốc," Weichert, cũng là tác giả của một cuốn sách sắp tới về công nghệ vũ trụ Trung Quốc, nói với tôi. Hơn nữa, ông lập luận một cách đầy thuyết phục rằng Washington cần phải cấm ngành sản xuất của Mỹ chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc.

Hiện tại, lệnh cấm hoàn toàn đối với chuyển giao công nghệ có vẻ quyết liệt và do đó khó xảy ra. Tuy nhiên, có hai lý do tại sao Trung Quốc có thể sẽ không cách nào có được công nghệ mà họ cần, dù bị cấm hay không cấm.

Đầu tiên, thị trường Trung Quốc đang mất dần sức hấp dẫn. Nền kinh tế đang gặp khó khăn, chịu đựng cả đại dịch coronavirus và các điểm yếu mang tính hệ thống, như mắc nợ quá mức, kiểm soát nhà nước và kiểm soát bài ngoại đối với đầu tư nước ngoài.

Nền kinh tế, từ hầu hết các chỉ dẫn, vẫn lạc hậu. Khi Thủ tướng Lý tuyên bố kế hoạch của mình cho cơ sở hạ tầng mới, ông cũng ủng hộ một nỗ lực lớn để xây dựng một "nền kinh tế bán hàng rong" - một nền kinh tế được xây dựng dựa trên những người bán hàng rong.

Thực tế là Trung Quốc không thể cung cấp sinh kế cho người dân của mình, và điều đó cho thấy nước này trong dài hạn sẽ không thể duy trì các nguồn lực cần thiết để tài trợ cho các khoản đầu tư công nghệ. Bắc Kinh có thể nói họ sẽ chi 1,4 nghìn tỷ USD, nhưng một quốc gia quá căng thẳng với nền kinh tế trì trệ khó có thể thực hiện tốt cam kết đó.

Thứ hai, Trung Quốc đang chiếm lĩnh thế giới - cả các nước láng giềng và các quốc gia xa xôi - với kiểu "ngoại giao chiến binh sói" hung hăng. Cách tiếp cận "sói chiến" của nó đang mang lại nhiều hậu quả. Chẳng hạn, việc Trung Quốc giết 20 binh sĩ Ấn Độ trên lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát ở dãy Hy Mã Lạp Sơn vào ngày 15 tháng 6 vừa qua có thể sẽ dẫn đến lệnh cấm thiết bị viễn thông Huawei ở Ấn Độ, thậm chí có thể là một nỗ lực "xé rời và thay thế".

Khi Bắc Kinh đẩy thế giới ra xa, hợp tác công nghệ sẽ bị hạn chế, và điều đó đưa chúng ta trở lại với Google. Chính quyền Tổng thống Trump hồi tháng 1 đã hạn chế nghiêm ngặt việc xuất khẩu các sản phẩm không gian địa lý AI. Điều này và các hạn chế khác sắp tới sẽ ảnh hưởng đến các nỗ lực hợp tác của Google ở ​​Trung Quốc.

Đã vậy, Huawei và các công ty khác, do hàng thập kỷ có hành vi hiểm độc, đã bị thêm vào "Danh sách Thực thể" đáng sợ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Do sự chỉ định này, Huawei và các doanh nghiệp khác đã bị rào cản: Người Mỹ, nếu không có sự chấp thuận trước của Cục Công nghiệp và An ninh, sẽ không được bán hoặc cấp phép cho các công ty nằm trong danh sách này các sản phẩm hoặc công nghệ nằm trong Quy định quản lý xuất khẩu của Hoa Kỳ.

Điều này có ý nghĩa gì trong thực tế? Huawei sẽ không thể bán các trạm gốc 5G, một sản phẩm quan trọng, trong khoảng 12 tháng, khi nó hết các con chip. Công ty sẽ không thể cung cấp các thành phần quan trọng này trong nhiều năm, trừ khi họ tìm được một bên nào đó sẵn sàng vi phạm luật pháp Hoa Kỳ.

Hơn nữa, chính quyền Tổng thống Trump đã trở nên mạnh mẽ hơn với các biện pháp cưỡng chế, thậm chí còn đi xa đến mức xử phạt các tổ chức giáo dục. Tháng trước, chính quyền ông Trump đã bổ sung Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân và Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân vào Danh sách Thực thể.

Câu trả lời của Trung Quốc là ăn cắp càng nhiều càng tốt và mua công nghệ bất cứ nơi nào có thể. Chẳng hạn, nó đã cố gắng xây dựng mối quan hệ với Samsung của Hàn Quốc, nhà sản xuất điện thoại thông minh thứ 2 thế giới, để có được chip 5G - thứ mà nó không thể có được nữa do bị rơi vào Danh sách Thực thể. Đừng ngạc nhiên nếu Huawei, có lẽ với sự hỗ trợ của chính phủ cánh tả của Tổng thống Moon Jae-in tại Seoul, mua Samsung để có được công nghệ của họ.

Các chiến lược cửa sau như những gì liên quan đến Samsung có thể làm giảm bớt ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt nước ngoài, nhưng chúng chỉ là biện pháp ngắn hạn tốt nhất.

Do đó, đây là thời điểm để ngăn chặn Trung Quốc trước khi nó thống trị công nghệ để gây bất lợi cho thế giới bằng các thủ đoạn gian xảo. Khoảng thời gian hành động khả thi của Mỹ đang thu hẹp. Ví dụ, Huawei có thể thiết kế các con chip tinh vi mà nó cần, nhưng nó không thể sản xuất các con chip do bị đưa vào Danh sách Thực thể. Tuy nhiên nó sẽ có thể phát triển khả năng xây dựng chip, trong một vài năm.

Vì vậy, bây giờ hoặc không bao giờ. Bây giờ chính là lúc để ngăn chặn nỗ lực to lớn của nhà nước Trung Quốc trong việc thống trị các công nghệ của thế giới.

Về tác giả:

Gordon G. Chang là tác giả của cuốn sách "Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc" và "Cuộc chiến công nghệ lớn giữa Mỹ và Trung Quốc". Ông là thành viên cao cấp của Học viện Gatestone.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Đức Thiện

Theo gatestoneinstitute.org



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Đã đến lúc chấm dứt Đế chế công nghệ độc hại của Bắc Kinh