Chuỗi cung ứng toàn cầu thay đổi như thế nào sau đại dịch viêm phổi Vũ Hán?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đại dịch viêm phổi Vũ Hán có thể được xem là sự kiện “thiên nga đen” trong nền kinh tế toàn cầu, buộc nhiều công ty, toàn bộ ngành sản xuất và cả chính phủ phải “suy nghĩ lại” và chuyển đổi mô hình chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Một thực tế không thể nghi ngờ là những tổ chức và quốc gia có sự phụ thuộc cao vào Trung Quốc đang có “lỗ hổng lớn” khó lấp đầy…

Rất nhiều công ty sẽ chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng dịch viêm phổi Vũ Hán. Phát biểu với CNBC vào thứ Ba (ngày 21/4), Mark Mobius, người sáng lập Mobius Capital Partners, cho biết đại dịch đã khiến nhiều doanh nghiệp “suy nghĩ lại” và tìm cách giảm thiểu “cú sốc” nguồn cung ứng để có thể đối phó với bất kỳ sự kiện bất thường nào xảy ra trong tương lai.

Sự tập trung kéo dài hàng thập kỷ của các công ty vào việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng thông qua “toàn cầu hóa” để giảm thiểu chi phí, giảm hàng tồn kho, đẩy công nghệ lạc hậu, sản xuất bẩn sang nước thứ ba,... đã khiến họ loại bỏ “bộ đệm” - khả năng chịu rủi ro và tính linh hoạt để đối phó với sự gián đoạn nguồn cung. Dịch viêm phổi Vũ Hán lần này đã cho thấy rằng nhiều công ty không có được nhận thức cũng như sự chuẩn bị ứng phó đầy đủ về “lỗ hổng” trong mối quan hệ chuỗi cung ứng của mình trước “cú sốc” toàn cầu.

Chuỗi cung ứng tắc nghẽn làm ‘sa mạc hóa’ việc sản xuất kinh doanh

Theo bakermckenzie, việc “đóng cửa toàn cầu” do đại dịch đã thực sự làm gián đoạn chuỗi cung ứng cho các công ty đa quốc gia, chẳng hạn như: chậm trễ lưu chuyển hàng hóa, thiếu nguyên liệu, tăng chi phí và giảm đơn hàng... Điều này cũng đã gây ảnh hưởng đến các nhà máy sản xuất trên toàn thế giới.

Chuỗi cung ứng toàn cầu, mà trọng tâm đặt tại Trung Quốc, đã bị “chao đảo” ngay từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu, với các loại thuế quan “trả đũa” mà 2 quốc gia này áp đặt lên nhau. Các công ty đã bắt đầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng cách chuyển việc sản xuất ra khỏi Trung Quốc, và sẽ càng “tăng tốc” quá trình chuyển đổi này thêm nữa vào thời điểm khủng hoảng chuỗi cung ứng như hiện nay (do nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch viêm phổi Vũ Hán), theo Alex Capri, một thành viên cao cấp tại trường kinh doanh của Đại học Quốc gia Singapore, nói với CNBC.

Theo Stanley D. Gia, một trưởng đại diện ở Bắc Kinh, cho biết rằng một số nhà cung cấp Trung Quốc chắc chắn phải đóng cửa sản xuất, hoặc không còn đủ năng lực sản xuất. Nhiều công ty trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ buộc phải tìm kiếm nhà cung cấp thay thế. Các công ty có thể gặp phải những thách thức lớn trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế đủ khả năng để đáp ứng các yêu cầu về đặc điểm kỹ thuật và chất lượng. Do đó, các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp cuối chuỗi cung ứng) khó có thể đáp ứng các cam kết hợp đồng hoặc tiếp tục hoạt động bền vững.

“Nhiều người mua và rất nhiều công ty phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc hiện đang có ‘suy nghĩ thứ hai’, và bắt đầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ càng nhiều càng tốt để mang việc sản xuất về gần nhà hơn”, nhà sáng lập Mobius Capital Partners cho biết.

81% các công ty phụ thuộc vào nhà cung cấp tại Trung Quốc

Theo trích dẫn từ một cuộc khảo sát vào tháng 2/2020 bởi nhà tư vấn chuỗi cung ứng Đức Kloepfel Consulting và riskmethods, lưu ý rằng mọi công ty thứ ba đều có khách hàng lớn của Trung Quốc và 81% các công ty mà họ khảo sát dựa vào các nhà cung cấp Trung Quốc.

Tại thời điểm dịch SARS (một hội chứng hô hấp cấp tính nặng) bùng phát vào năm 2002-2003, gây ra thiệt hại kinh tế cho Trung Quốc, GDP của Trung Quốc chỉ đóng góp khoảng 4% vào GDP thế giới. Giờ đây, đất nước này có GDP chiếm khoảng 20% GDP thế giới, với phần lớn tăng trưởng đến từ đầu tư nước ngoài.

Theo Deloitte, Trung Quốc có “vai trò chi phối” đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, nơi này được xem là “công xưởng của thế giới”. Điều này có nghĩa là bất kỳ sự gián đoạn lớn nào tại đây cũng khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gặp rủi ro. Không chỉ vậy, có tới hơn 200 công ty trong danh sách Fortune Global 500 “hiện diện” ở Vũ Hán - một thành phố công nghiệp hóa cao, cũng là nơi dịch bệnh bắt nguồn và là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các công ty có chuỗi cung ứng phụ thuộc vào các nhà cung cấp cấp 1 (trực tiếp) hoặc cấp 2 (thứ cấp) ở Trung Quốc có thể gặp phải sự gián đoạn đáng kể, ngay cả khi (theo báo cáo lạc quan nhất) điều kiện sản xuất kinh doanh ở Trung Quốc quay trở lại trạng thái hoạt động bình thường vào tháng 4/2020.

Ngoài ra, do vấn đề sở hữu trí tuệ và quy trình sản xuất phức tạp, hoặc trong nỗ lực giảm chi phí sản xuất, các công ty đôi khi trở nên quá phụ thuộc vào “nguồn cung duy nhất” từ Trung Quốc. Điều này đã khiến nhiều công ty có kế hoạch dự phòng hạn chế để có thể đối phó với sự gián đoạn nguồn cung này. Bên cạnh đó, đối với các công ty trong một số ngành như dệt may, điện tử... việc “bứt ra” khỏi nguồn cung ứng từ Trung Quốc (với các cơ sở sản xuất lớn, nguồn nguyên liệu, nhân công dồi dào) không phải là vấn đề dễ dàng, theo bakermckenze.

Đa dạng hóa chuỗi cung ứng - “toàn cầu hóa” cần phải hiểu theo cách khác…

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán hiện nay, vấn đề “toàn cầu hóa” dường như đã bị “vô hiệu hóa”, và các “lỗ hổng” do phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung ứng từ một số đối tác thương mại của các quốc gia và các công ty đã bị “phơi bày”.

Theo Deloitte, khi nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, do dịch bệnh lan rộng, các công ty có thể áp dụng các biện pháp để bảo vệ hoạt động của chuỗi cung ứng của mình. Đối với các công ty sản xuất, phân phối, bán sản phẩm hàng hóa, hoặc có nguồn cung từ các nhà cung cấp ở Trung Quốc và các quốc gia bị ảnh hưởng khác, các bước có thể bao gồm:

  • Mở rộng mạng lưới nhà cung cấp
  • Xác nhận chiến lược đồng bộ hóa cung-cầu ngắn hạn
  • Đánh giá và lựa chọn nguồn cung trong nước thay thế
  • Đánh giá các lựa chọn hậu cần bên ngoài thay thế và năng lực an toàn
  • Tiến hành lập kế hoạch “kịch bản” chuỗi cung ứng toàn cầu

Mặc dù các chuỗi cung ứng sẽ được cải tổ, Trung Quốc sẽ vẫn là một thị trường cung ứng quan trọng, vì vậy các công ty nhận thấy sự cấp bách phải đa dạng hóa và đạt được một “chiến lược chuỗi cung ứng ‘Trung Quốc + 1, 2, (hoặc) 3’ ”, ông Alex Carpi cho biết.

“Hiện tại chúng ta đang ở một kỷ nguyên hoàn toàn mới, và vấn đề ‘toàn cầu hóa’ [như chúng ta đã biết trong quá khứ] đã qua rồi ”, ông Carpi nói.

Các công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ, hoặc tại các thị trường nước ngoài địa phương hơn như Mexico hoặc Canada, sẽ có một “sự ưu tiên”. “Tuy nhiên, tôi nghĩ sẽ có sự đa dạng hóa khi các chuỗi cung ứng này được chuyển đến những nơi như Việt Nam, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí cả Brazil, để các công ty này có thể có chuỗi cung ứng đa dạng hơn”, ông Mobius nói.

Theo Business Standard, trong một cuộc họp báo vào thứ Tư (29/4), Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Hoa Kỳ đang đàm phán với "bạn bè", để tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Pompeo nói: "Chúng tôi đang làm việc với bạn bè của chúng tôi ở Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để chia sẻ thông tin và thực tiễn tốt nhất khi chúng tôi bắt đầu thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu tiến lên".

"Cuộc trò chuyện của chúng tôi chắc chắn liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu, và làm cách nào để giữ cho chúng hoạt động trơn tru, khiến nền kinh tế của chúng tôi trở lại với đầy đủ sức mạnh. Chúng tôi cũng sẽ thảo luận về cách tái cấu trúc chuỗi nguồn cung để ngăn chặn điều tương tự xảy ra lần nữa", ông nói thêm.

Theo bakermckenzie, yếu tố chính chi phối việc các ngành sản xuất phục hồi nhanh là khả năng các công ty huy động lại chuỗi cung ứng đa quốc gia phức tạp, điều này phụ thuộc vào bản đồ chuỗi cung ứng và phương thức quản lý rủi ro.

Chú trọng chuỗi cung ứng đối với những ‘lĩnh vực trọng yếu’

Đại dịch đã tạm thời tạo ra “các sa mạc sản xuất”, trong đó sản lượng sản xuất của cả nhiều thành phố, khu vực hoặc quốc gia đã giảm xuống rõ rệt. Các mặt hàng thiết yếu chẳng hạn như thực phẩm và dược phẩm, trở thành những “vùng cấm” và khó có thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Điều này là do tác động Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng và nền kinh tế toàn cầu, theo bakermckenzie.

Nhiều lĩnh vực, như dược phẩm, nông nghiệp và năng lượng, đã chịu áp lực trong bối cảnh khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, vì sự phụ thuộc của họ vào các nền kinh tế như Trung Quốc và những hạn chế về hậu cần quốc tế đã “đè nặng” lên chuỗi cung ứng.

“Các công ty xem xét các hàng rào khoanh vùng rủi ro và vấn đề nội địa hóa chuỗi cung ứng của họ, đặc biệt là các lĩnh vực chiến lược như công nghệ và dược phẩm”, ông Capri chia sẻ với CNBC.

Dave Veisz, phó chủ tịch Kỹ thuật tại MakerBot cho rằng đại dịch lần này đã làm sáng tỏ các “vấn đề cố hữu” của các công ty và các quốc gia, khi không có các “lựa chọn trong nước” cho nguồn cung đối với các sản phẩm ứng phó khẩn cấp nhất định như thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE).

Ông Veisz cho biết: “Chúng tôi đã thấy rằng sự đóng góp của 3D là rất lớn trong việc chế tạo mặt nạ và bộ dụng cụ xét nghiệm, nhưng đây chỉ là một ‘điểm dừng’ để giải quyết nhu cầu khủng khiếp và không phải là giải pháp lâu dài, vì vậy chúng ta cần sản xuất hàng loạt để đáp ứng nhu cầu. Mặc dù chúng tôi có một kho dự trữ thiết bị khẩn cấp quốc gia, nhưng điều đó đã được chứng minh là không đủ, và dường như chúng tôi sẽ cần các kế hoạch sản xuất khẩn cấp quốc gia cho các mặt hàng thiết yếu”.

Ngoài ra, Shawn Rollins, giám đốc mua hàng của Forecast 3D cho rằng các công ty có thể đưa chuỗi cung ứng “về gần hơn”, như là chuyển về trong nước hoặc thậm chí là tại địa phương. Điều đó cho phép thời gian cung cấp sản phẩm ngắn hơn, thường dưới một tuần và việc kiểm soát chất lượng dễ dàng hơn. “Chẳng hạn, chúng tôi có một số nhà cung cấp địa phương, vì vậy trong thời gian bình thường, tôi có thể dễ dàng truy cập trang web của họ để xác nhận kiểm soát chất lượng”, Rollins cho biết.

Phục hồi tăng trưởng và việc làm của kinh tế thế giới phụ thuộc vào hiệu quả của chuỗi cung ứng mới ngoài Trung Quốc

Một số yếu tố đầu vào rất quan trọng đối với quy trình sản xuất, trong trường hợp chậm trễ nguồn cung có thể sẽ dẫn đến thiệt hại chung lớn hơn nhiều. Điều này đặc biệt quan trọng đối với quy trình sản xuất có giá trị cao hơn, với chuỗi cung ứng dài hơn. Trong một kịch bản tồi tệ nhất, “sự vắng mặt” của một bộ phận quan trọng có thể buộc công ty phải đóng cửa toàn bộ dây chuyền sản xuất. Ví dụ, việc thiếu nguồn cung một số bộ phận thiết yếu trong dây chuyền sản xuất ô tô đã dẫn đến việc các nhà máy ô tô ở Nhật Bản và Hàn Quốc phải tạm thời đóng cửa, theo bakermckenzie.

“Thành phần chính” trong sản xuất sản phẩm của một số doanh nghiệp có nguồn cung từ Trung Quốc; và có một “số lượng kỷ lục” các doanh nghiệp rơi vào cảnh “phụ thuộc nguồn cung” như thế, do đó, việc thay đổi nguồn cung là khá khó khăn. Nếu các công ty bị ràng buộc với nhà cung cấp duy nhất, rủi ro từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng cần được đo lường cẩn thận và xem xét kế hoạch dự phòng. Đối với những công ty đã xây dựng sự đa dạng và linh hoạt trong chuỗi cung ứng của mình, họ có thể dựa vào đó để “xoay sở” qua “cơn bão” đại dịch này.

Cô Alyssa Auberger, Chủ tịch toàn cầu về Hàng tiêu dùng và bán lẻ, cho biết các doanh nghiệp có thể nhanh chóng chuyển đổi từ mô hình kinh doanh cửa hàng sang trực tuyến, hoặc những doanh nghiệp có chuỗi cung ứng đa dạng và đủ khả năng phục hồi sẽ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Số hóa chuỗi cung ứng là cách mà các công ty có thể bắt đầu chiến lược và đạt được khả năng phục hồi kinh doanh nhằm chống lại sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh này, phân tích dữ liệu lớn có thể hỗ trợ các công ty hợp lý hóa quy trình lựa chọn nhà cung cấp của mình, tạo thuận lợi và giúp quản lý các mối quan hệ nhà cung cấp, và các quy trình hậu cần và vận chuyển có thể được tăng cường đáng kể thông qua tự động hóa và internet.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Chuỗi cung ứng toàn cầu thay đổi như thế nào sau đại dịch viêm phổi Vũ Hán?