Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới kích thích sự hưng phấn của thị trường chứng khoán khắp Châu Á

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ lập kỷ lục mới không chỉ vì những dấu hiệu phục hồi kinh tế hay chương trình tiêm vaccine, mà chủ yếu nhờ "hy vọng" từ gói kích thích kinh tế mới lên tới 2.000 tỷ USD dành cho hạ tầng của ông Biden cũng như dấu hiệu không vội tăng lãi suất của Fed. TTCK Mỹ kích thích chứng khoán Việt Nam lập kỷ lục mới và sự hưng phấn tại hầu hết các TTCK khắp Châu Á.

Cùng với Mỹ, TTCK Việt Nam lập kỷ lục mới

TTCK Mỹ hiện đang đạt mức tăng trưởng kỷ lục mới, chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ hiện đạt 33.527,19 điểm, chỉ số chứng khoán S&P 500 đạt 4.077,91, tương ứng tăng 59.25% và 63.86% so với cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số chứng khoán công nghiệp Dow Jones và S&P500 của Mỹ đã lập kỷ lục mới (Nguồn: Yahoo Finance)

Cùng với Mỹ, TTCK Việt Nam cũng lập kỷ lục mới trên sàn giao dịch HOSE, chỉ số chứng khoán VNindex lần đầu tiên đạt 1236.21 điểm, sàn giao dịch HNX đạt 291.38 điểm; tương ứng tăng 65.56% và 181.72% so với cùng kỳ 2020. Việt Nam trở thành một trong những thị trường chứng khoán có tốc độ tăng tốt nhất Châu Á và thế giới. Nguyên nhân được cho là do kiểm soát tốt đại dịch và nền kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng dương, mở rộng xuất khẩu trong một năm qua.

TTCK Việt Nam cũng lập kỷ lục mới trên sàn giao dịch HOSE, chỉ số chứng khoán VNindex lần đầu tiên đạt 1236.21 điểm, sàn giao dịch HNX đạt 291.38 điểm; tương ứng tăng 65.56% và 181.72% so với cùng kỳ 2020.

Hưng phấn khắp Châu Á

Trong tuần thiết lập kỷ lục mới của Mỹ và Việt Nam, TTCK khắp Châu Á cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh.

MSCI là chỉ số tăng trưởng mạnh nhất về cổ phiếu tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản), chỉ số này đã tăng 0,4% lên mức cao nhất trong 2 tuần, trong khi Nikkei của Tokyo chỉ giảm nhẹ so với mức cao nhất trong hai tuần.

Chỉ số Shanghai Composite ổn định, trong khi thị trường chứng khoán của Hồng Kông vẫn đóng cửa trong các ngày lễ.

Các thị trường châu Âu đã đóng cửa kể từ cuối ngày thứ Năm, cũng sẵn sàng tăng với DAX kỳ hạn tăng 1,2%, hợp đồng kỳ hạn EuroSTOXX 50 tăng 1% và FTSE kỳ hạn tăng 0,8%.

Nhà đầu tư đặt cược vào sự phục hồi của Hoa Kỳ

Mức tăng kỷ lục của chứng khoán Mỹ được cho là do nền kinh tế này đón nhận nhiều tin tốt và sự kỳ vọng ngày một chắc chắn và sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Nền kinh tế Mỹ đón nhận nhiều tin tốt về khả năng phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm tháng thứ 12 liên tiếp kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 4 năm ngoái, hiện còn 6%. Các chỉ số PMI của khu vực sản xuất và phi sản xuất đều tăng mạnh, đạt mức mở rộng trên 50 điểm, tháng sau mở rộng hơn tháng trước, kể từ tháng 6/2020, theo số liệu của Trading Economics.

Ngoài ra, các dự báo tích cực từ sự phục hồi của kinh tế Mỹ với mức tăng trưởng GDP kỳ vọng năm 2021 lên tới 6,5% (IMF), chương trình tiêm vaccine mở rộng dấy lên hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát cũng là nhân tố giúp thị trường chứng khoán Mỹ hưng phấn.

Ông Kyle Rodda, nhà phân tích thị trường tại công ty môi giới IG ở Melbourne, cho biết: “Nhìn chung, điều đó tốt cho nền kinh tế toàn cầu và nhà đầu tư có lý do chính đáng để đầu tư vào các giao dịch ngoại hối nhạy cảm cũng như mua cổ phiếu nói chung”, theo Reuters.

Ông Rodda nhận định với Reuters: “Cổ phiếu công nghệ đã tăng trưởng tốt hơn. Ở châu Á, các nhà sản xuất chip đã đẩy chỉ số chứng khoán của Đài Loan tăng 1% lên mức cao nhất kỷ lục và mức tăng chung đã nâng ASX 200 của Úc lên mức cao nhất trong bảy tuần".

Các nhà đầu tư dường như đã đặt cược vào việc Hoa Kỳ sẽ dẫn đầu sự phục hồi toàn cầu và buộc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Biên bản của Fed từ cuộc họp tháng 3 sẽ có hiệu lực vào thứ Tư tới nhưng Reuters dự báo Fed sẽ chưa có dự định sớm thay đổi chính sách lãi suất của mình.

Nước Mỹ và thế giới ngập tiền rẻ, lý do thuyết phục hơn cả sự phục hồi kinh tế

Dù kinh tế phục hồi là lý do chính đáng cho thị trường tài sản tăng giá vì tăng kỳ vọng của nhà đầu tư. Nhưng suốt hơn một năm chịu đựng đại dịch, nền sản xuất, tiêu dùng và việc làm toàn cầu suy sụp hơn bao giờ hết nhưng TTCK tại Mỹ, Việt Nam và cả thế giới vẫn tăng bất chấp tất cả các tin xấu về số người chết, đóng cửa kinh tế hay gãy chuỗi cung ứng.

Biểu tượng Wall St. bên cạnh Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) ngày 16/9/2008 tại thành phố New York (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)
Không chỉ chính sách lãi suất rẻ của Fed, các chương trình nới lỏng định lượng, thực chất là in thêm tiền trong đại dịch chưa hề được thay đổi, mà còn là các khoản chi hào phóng cho nền kinh tế đã làm nước Mỹ ngập tiền. Đây mới là lý do chính khiến thị trường chứng khoán của Mỹ cũng như toàn cầu tăng mạnh. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images).

Kể từ khi tiền giá rẻ suốt 4 thập kỷ qua đã ngập thế giới, thúc đẩy nợ và bong bóng tài sản, TTCK ngày càng kém nhạy cảm với các chỉ số của nền kinh tế thực. Cuộc khủng hoảng từ đại dịch 2020 cho thấy, sự phát triển của các thị trường tài sản đã đi ngược lại các quy luật kinh tế truyền thống, hoàn toàn vô hiệu hóa các học thuyết kinh tế mà chúng ta đã biết.

Bởi vậy, các dấu hiệu phục hồi sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng cũng có thể giải thích phần nào đó cho kỷ lục mới của TTCK, nhưng đó sẽ là giải thích phiến diện nếu chúng ta không nhìn vào tương lai của chính sách tiền tệ và khả năng bơm tiếp tiền giá rẻ ra toàn cầu từ các Ngân hàng trung ương lớn như Fed, ECB, BOJ, PBoC...

Không chỉ chính sách lãi suất rẻ của Fed, các chương trình nới lỏng định lượng, thực chất là in thêm tiền trong đại dịch chưa hề được thay đổi, mà còn là các khoản chi hào phóng cho nền kinh tế đã làm nước Mỹ ngập tiền. Đây mới là lý do chính khiến thị trường chứng khoán của Mỹ cũng như toàn cầu tăng mạnh.

Nước Mỹ chưa kịp thẩm thấu xong khoản tiền khổng lồ 1.900 tỷ USD mà Quốc hội mới thông qua, các thị trường tài sản của Mỹ đã sớm hưng phấn với hy vọng chương trình rót tiền khổng lồ 2.000 tỷ USD của ông Joe Biden sẽ tiếp tục được thông qua.

Khi tiền đẩy ra thị trường với lãi suất thấp, dù dưới bất kỳ hình thức nào, thị trường tài sản sẽ là nơi hưởng lợi đầu tiên, trong ngắn và trung hạn. Nhưng thị trường tài sản cũng sẽ là nơi chịu hậu quả nặng nề nhất khi chính sách tiền tệ, tài khóa buộc phải xoay chiều vì bất kỳ lý do gì, ví dụ như kiềm chế lạm phát.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới kích thích sự hưng phấn của thị trường chứng khoán khắp Châu Á