Chủ tịch Kiên Giang: ‘Không áp dụng danh mục hàng hóa khi kiểm soát các xe tải qua chốt, nếu có thì chỉ để tham khảo’

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Việc đi chợ nào, mua cái gì, mua bao nhiêu là quyền của người dân. Họ phải ăn, uống mới sống được... Người có nông sản bán được thì người mua mới có để mà mua. Mình chống dịch chặt chẽ, nhưng không được ngăn sông cấm chợ", ông Lâm Minh Thành, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, chỉ đạo các chốt kiểm soát phòng, chống dịch của tỉnh.

Theo Tuổi trẻ, ngày 23-7 vừa qua, trong cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Kiên Giang, nhiều ý kiến băn khoăn về danh mục hàng hóa thiết yếu, hàng hóa dễ hư hỏng, cần sớm ban hành chi tiết, thống nhất để dễ áp dụng. Nếu cứ ngồi cân nhắc xem mặt hàng nào thiết yếu, mặt hàng nào không để đưa vào danh mục thì biết tới khi nào mới đủ, mới xong.

Hơn nữa, khi ban hành danh mục hàng hóa thiết yếu, các chốt cứ phải dò từng món trong mấy chục, mấy trăm món hàng lưu thông ngoài thị trường. Như vậy thật sự mất thời gian, công sức mà cũng không hiệu quả.

Thậm chí khi áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, có nơi phát phiếu đi chợ cho các hộ dân, ghi luôn phải đi chợ này, chợ nọ, thậm chí có nơi tới giờ này chưa phát phiếu.

Trước những vấn đề như vậy, ông Lâm Minh Thành, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã đề nghị rằng, cứ xe chở hàng hóa là được qua chốt (kiểm soát phòng chống dịch).

Theo ông Thành, các bộ, ngành đã quy định hết rồi, đi nội tỉnh làm sao, đi liên tỉnh làm sao, cứ như vậy mà áp dụng.

"Tôi đề nghị không áp dụng danh mục hàng hóa khi kiểm soát các xe tải qua chốt, nếu có thì chỉ nên tham khảo thôi. Chốt ở đây là để kiểm soát, ngăn chặn những người cố tình đi lại không cần thiết, còn người ta lưu thông hàng hóa thì ngăn cản làm gì", ông Thành nói.

"Việc đi chợ nào, mua cái gì, mua bao nhiêu là quyền của người dân. Họ phải ăn, uống mới sống được. Đâu phải chợ nào cũng giống chợ nào. Có chợ ở phường này, xã này bán thứ này, chỗ khác bán thứ khác, cho nên không được cứng nhắc khi áp dụng, mà phải linh động, phải hiểu nhu cầu thực tế của người dân.

Ở vùng sâu, vùng xa, người ta đất ít, trồng ít được 1 bó rau, mớ hành cũng phải để cho dân chở đi bán, để ở nhà 2, 3 ngày rau cải hư hỏng hết. Người có nông sản bán được thì người mua mới có để mà mua. Mình chống dịch chặt chẽ, nhưng không được ngăn sông cấm chợ", ông Thành nói thêm.

Ngọc Minh



BÀI CHỌN LỌC

Chủ tịch Kiên Giang: ‘Không áp dụng danh mục hàng hóa khi kiểm soát các xe tải qua chốt, nếu có thì chỉ để tham khảo’