Chủ nghĩa bành trướng 'năm ngón tay' của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tây Tạng là chìa khóa cho các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc tại khu vực Hy Mã Lạp Sơn - và không chỉ vì địa lý. Chừng nào Đảng Cộng sản Trung Quốc - và đặc biệt là Chủ tịch theo chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc, Tập Cận Bình - nắm giữ độc quyền về quyền lực, không một nước láng giềng nào được an toàn.

Khi mà thế giới vật lộn đối phó với đại dịch COVID-19 xuất xứ từ Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang theo đuổi tham vọng thống trị khu vực của mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Từ dãy Hy Mã Lạp Sơn đến Hong Kong và từ Tây Tạng đến vùng biển phía Nam và Đông Trung Quốc, Tập dường như đang tiếp tục thực hiện những gì mà Mao Trạch Đông chưa hoàn tất, không nao núng trước sự trừng phạt của quốc tế.

Sự tương đồng giữa Tập và những kẻ chuyên chế trong quá khứ là điều rất rõ ràng. Ông ta đã giám sát, chỉ đạo đàn áp tàn bạo giới bất đồng chính kiến, dùng bạo lực áp đặt sự chấm dứt thỏa thuận “một quốc gia, hai chế độ” với Hong Kong, lấp đầy các trại tập trung và các trung tâm giam giữ bằng người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác tại tỉnh Tân Cương, tiếp tục chính sách đàn áp người tu luyện Pháp Luân Công, cộng đồng Thiên Chúa giáo và đặt nền tảng để duy trì vị trí chủ tịch nước suốt đời.

Theo cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O'Brien, "Tập tự coi mình là người kế vị của Joseph Stalin". Nhiều người khác đã so sánh Tập với Adolf Hitler, thậm chí còn đặt ra biệt danh là "Xitler". Nhưng hình mẫu đó phải là Mao - người cha sáng lập của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và là tay đồ tể hung bạo nhất thế kỷ XX - người mà Tập noi theo.

Để bắt đầu, Tập đã nuôi dưỡng một giáo phái theo tư tưởng và nhân cách kiểu Mao. Năm 2017, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ghi nhận trong hiến pháp của mình một học thuyết chính trị mới: "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc cho một kỷ nguyên mới". Hệ tư tưởng được lấy cảm hứng từ Lenin, Stalin và Mao, nhưng việc đưa nó vào hiến pháp của ĐCSTQ khiến Tập trở thành nhà lãnh đạo thứ ba của Trung Quốc - sau Mao và kiến ​​trúc sư hiện đại hóa của Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình - được đề cập trong tài liệu. Tháng 12 năm ngoái, ĐCSTQ cũng đã trao cho Tập một danh hiệu mới: renmin lingxiu, hay “lãnh đạo của người dân” - một tên hiệu liên quan đến Mao.

Bây giờ, Tập đang nỗ lực để hoàn thành tầm nhìn bành trướng của Mao. Trung Quốc của Mao sáp nhập với Tân Cương và Tây Tạng, nhiều hơn gấp đôi lãnh thổ của đất nước và biến nó thành quốc gia lớn thứ tư theo khu vực. Việc sáp nhập Tây Tạng giàu tài nguyên, đặc biệt, đại diện cho một trong những phát triển địa chính trị sâu rộng nhất trong lịch sử sau Thế chiến II, không chỉ bởi vì nó mang lại cho Trung Quốc biên giới chung với Ấn Độ, Nepal, Bhutan và cực bắc Myanmar.

Trên thực tế, Mao coi Tây Tạng là lòng bàn tay phải của Trung Quốc, với năm ngón tay - Nepal, Bhutan và ba vùng lãnh thổ Ấn Độ Ladakh, Sikkim và Arunachal Pradesh - mà Trung Quốc cũng có ý định "giải phóng". Cuộc chiến năm 1962 của Mao chống lại Ấn Độ đã giúp Trung Quốc giành được nhiều lãnh thổ hơn ở Ladakh, sau khi nước này trước đó đã chiếm được một vùng đất cỡ Thụy Sĩ, khu vực Aksai Chin.

Tháng Tư và tháng Năm vừa qua, Tập đã cho Quân đội Giải phóng Nhân dân thực hiện một loạt các cuộc xâm nhập được phối hợp chặt chẽ vào Ladakh, với các lực lượng xâm nhập đang thiết lập các công sự kiên cố. Sau đó, ông ta đã triển khai hàng chục ngàn binh sĩ dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) đang tranh chấp với Ladakh, Sikkim và Arunachal Pradesh.

“Hành động cực kỳ hung hăng” này, theo như Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo gọi nó, đã dẫn đến các cuộc đụng độ đẫm máu ở Ladakh vào ngày 15 tháng 6, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và một số binh sĩ Trung Quốc không xác định, thiệt mạng. (Cơ quan tình báo Mỹ tin rằng Trung Quốc phải chịu thương vong hơn Ấn Độ, nhưng trong khi Ấn Độ đã vinh danh những binh sĩ ngã xuống là anh hùng liệt sĩ, thì Trung Quốc đã từ chối công nhận sự hy sinh của các binh sĩ bên mình). Mặc dù tiếp tục có các nỗ lực song phương nhằm ngừng chiến, nỗi ám ảnh và khả năng về cuộc đụng độ tiếp theo hoặc một cuộc chiến tranh thực sự vẫn tiếp tục để ngỏ.

ĐCSTQ đã không quên hai ngón tay còn lại, Bhutan và Nepal. Ngay khi Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu rút quân khỏi địa điểm xảy ra đụng độ ngày 15 tháng 6, Bắc Kinh đã mở một mặt trận khác trong nỗ lực mở rộng lãnh thổ, khẳng định yêu sách mới ở Bhutan.

Vào năm 2017, Trung Quốc đã chiếm Cao nguyên Doklam - tại ngã tư Tây Tạng, Sikkim và Bhutan, và đưa ra yêu sách sau đó - sau cuộc đình chiến quân sự kéo dài 73 ngày với Ấn Độ, người bảo lãnh thực tế cho an ninh của Bhutan. Giờ đây, Trung Quốc đang đặt ra yêu sách cho 11% lãnh thổ của vương quốc nhỏ bé này, trong một khu vực chỉ có thể được truy cập thông qua Arunachal Pradesh (mà bản đồ Trung Quốc đã thể hiện là một phần của Trung Quốc). Do đó, động thái này đã đồng thời thúc đẩy nỗ lực của Tập chống lại hai trong số năm ngón tay.

"Ngón tay" thứ năm, Nepal, đã trôi dạt khỏi Ấn Độ và về phía Trung Quốc kể từ khi nó nằm dưới sự cai trị của chế độ cộng sản cách đây hai năm rưỡi. Thật vậy, Trung Quốc đã hỗ trợ chiến thắng của phe cộng sản Nepal, bao gồm bằng cách thống nhất các phe phái đối địch và tài trợ cho chiến dịch bầu cử của họ. Kể từ đó, Trung Quốc đã công khai can thiệp vào nền chính trị bất ổn của nước này, để giữ cho đảng cầm quyền được nguyên vẹn, với đại sứ của mình hành động như thể là thủ lĩnh của Nepal.

Nhưng việc Nepal thuận theo quỹ đạo chiến lược của Trung Quốc đã không có tác dụng bảo vệ Nepal khỏi sự thống trị về lãnh thổ của Trung Quốc. Tháng trước, một báo cáo của bộ nông nghiệp Nepal bị rò rỉ cảnh báo rằng các dự án phát triển đường bộ khổng lồ của Trung Quốc đã mở rộng ranh giới của Trung Quốc sang các lãnh thổ phía bắc của Nepal và thay đổi dòng sông.

Tất nhiên, thay đổi bản đồ đường thủy của châu Á không có gì mới đối với Trung Quốc. Tây Tạng là điểm khởi đầu của mười hệ thống sông lớn của châu Á. Điều này đã tạo điều kiện cho Trung Quốc trỗi dậy như một bá chủ thủy điện có một không hai trong lịch sử hiện đại. Ngày nay, các siêu đập lớn do Trung Quốc xây dựng gần biên giới của Cao nguyên Tây Tạng mang lại cho đất nước đòn bẩy đối với các nước hạ lưu.

Như phép ẩn dụ chỉ ra, Tây Tạng là chìa khóa cho các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở khu vực Hy Mã Lạp Sơn - và không chỉ vì địa lý. Trung Quốc không thể yêu cầu chủ quyền năm ngón tay trên cơ sở liên quan đến dòng máu tộc Hán-Trung. Thay vào đó, nó chỉ ra các liên kết giáo hội hoặc giáo hội Tây Tạng, mặc dù Tây Tạng chỉ là một phần của Trung Quốc khi chính Trung Quốc đã bị chinh phục bởi những người bên ngoài như Mông Cổ và Mãn Châu. Yêu sách hiện tại của Trung Quốc không gì khác hơn là đoạt lấy lãnh thổ bằng sức mạnh (và tài nguyên).

Nói cách khác, chiến lược năm ngón tay, cùng với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở nơi khác, tất cả là nhằm duy trì chế độ chuyên chế lâu dài nhất thế giới. Chừng nào ĐCSTQ - và đặc biệt là ông Tập - người theo chủ nghĩa xét lại - nắm giữ độc quyền về quyền lực, không một nước láng giềng nào của Trung Quốc sẽ an toàn.

Thiện Nhân

Theo project-syndicate.org



BÀI CHỌN LỌC

Chủ nghĩa bành trướng 'năm ngón tay' của Đảng Cộng sản Trung Quốc