Chính sách hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc ‘thất bại’ - khoảng cách giàu nghèo càng gia tăng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự phục hồi kinh tế theo “hai tốc độ” không cân bằng của Trung Quốc khiến xã hội gia tăng cách biệt giàu nghèo, giới người giàu phục hồi nhu cầu chi tiêu hàng xa xỉ ngay sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại, trong khi người thu nhập thấp là đối tượng gánh chịu suy thoái kinh tế.

Kinh tế “hai tốc độ” khiến người thu nhập thấp mất khả năng chi tiêu

Chính sách hỗ trợ kinh tế trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán của Trung Quốc chú trọng đầu tư công và xây dựng cơ bản, bỏ qua phần hỗ trợ người nghèo, điều này khiến người thu nhập thấp mất khả năng chi tiêu. Hai trường hợp dưới đây sẽ nêu rõ vấn đề này:

Doanh nghiệp gia đình của bà Amanda Wang - gồm một trung tâm gọi điện thoại và hai nhà hàng ở Bắc Kinh - đang vật lộn với doanh thu sụt giảm sau đợt bùng phát virus Corona Vũ Hán. Bà Wang đã cắt giảm 30% lương đối với khoảng 120 công nhân trên toàn công ty vào tháng 7/2020, ngay cả sau khi nhận được các khoản cắt giảm thuế và trợ cấp việc làm từ chính phủ nhằm giúp các công ty tồn tại qua đại dịch.

“Thách thức lớn nhất của tôi là thiếu sự hỗ trợ về kinh doanh, và chính sách [từ chính phủ] không hữu ích về vấn đề này”, bà Wang nói khi đề cập đến quyết định cắt giảm lương của công nhân. "Tôi phải tiết kiệm ở những phần tôi có thể".

Tuy nhiên, bà Wang không hề “e ngại” về việc gia hạn thẻ thành viên trị giá 150.000 nhân dân tệ (Rmb) (21.000 USD) hàng năm của mình tại một thẩm mỹ viện thuộc trung tâm Bắc Kinh.

"Tôi sẽ không cắt giảm các nhu cầu cơ bản của mình. Có nhiều cách để bù đắp cho khoản thu nhập bị mất", bà Wang (người đã bán một trong sáu căn hộ của mình ở Bắc Kinh và thu về 3 triệu Rmb (420.000 USD) cho biết.

Li Erping, người phục vụ tại một trong những nhà hàng của bà Wang, có ít lựa chọn hơn để bù đắp cho khoản thu nhập bị mất của mình. Anh đã từng chi 1.200 Rmb mỗi tháng cho chế độ tập thể dục và đã phải từ bỏ điều đó vào tháng 7 này sau khi việc cắt giảm lương được áp dụng.

Anh Li nói: “Đây là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời tôi, khi tôi dành phần lớn số tiền lương hàng tháng cho con trai mình. Tôi đang tiết kiệm từng xu có thể để hỗ trợ gia đình mình".

Sự đối lập giữa hai cư dân Bắc Kinh làm nổi bật sự phục hồi kinh tế “hai tốc độ” không cân bằng của Trung Quốc. Trong khi các công dân giàu có hơn của quốc gia này ít bị tổn hại về tài chính từ đại dịch, thì nhiều người có thu nhập thấp đang thật sự gặp khó khăn.

Sự phục hồi không đều trong chi tiêu tiêu dùng đã khiến những người lao động có thu nhập thấp đặt ra câu hỏi về cách chính phủ Trung Quốc đối phó với đại dịch.

Trong khi nhiều quốc gia cố gắng chuyển trực tiếp tiền mặt cho người tiêu dùng để bảo vệ doanh nghiệp, thì Bắc Kinh lại tập trung nhiều nỗ lực vào việc kích thích đầu tư và xây dựng. Khi chính sách miễn thuế được áp dụng cho các cửa hàng, thì điều này chỉ mang lại lợi ích cho các hộ gia đình khá giả, thay vì các hộ trung bình hoặc hộ có thu nhập thấp.

Chính sách mới thất bại trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo

Mặc dù IMF dự báo tăng trưởng ở Trung Quốc là 1,2% vào năm 2020 và trên 5% mỗi năm từ năm 2021 đến năm 2025 - vượt xa bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác - một câu hỏi đặt ra là liệu sự tăng trưởng trở lại đó có mang lại lợi ích cho những người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn.

Tiêu dùng nội địa - chiếm 57,8% mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019 - đã trở thành một yếu tố quan trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ngay cả trước khi cuộc thương chiến Mỹ-Trung làm “mờ đi” triển vọng xuất khẩu.

Wang Jun, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc - một tổ chức tư vấn của chính phủ, cho biết: “Chính sách của chính phủ đã thất bại trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo (vốn ngày càng gia tăng) sau khi virus bùng phát. Điều này sẽ cản trở sự phục hồi tiêu dùng nói chung vì dân số thu nhập thấp đông hơn nhiều so với dân số thu nhập cao”.

Bắc Kinh có nhiều công cụ để kích cầu và thúc đẩy sản xuất, nhưng Trung Quốc cũng phải “vật lộn” để khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy đủ tự tin về tương lai để chi tiêu.

Zhuang Bo, một nhà kinh tế tại TS Lombard, cho biết: “Chính phủ có thể quyết định xây dựng bao nhiêu con đường và cây cầu, nhưng không thể kiểm soát số lượng các hộ gia đình thu nhập trung bình muốn chi tiêu bao nhiêu”.

Ô tô và hàng xa xỉ

Sự phục hồi trong chi tiêu của người tiêu dùng cao cấp bắt đầu ngay sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại ở một số thành phố vào tháng 3/2020.

Hơn một chục thương hiệu phương Tây sang trọng, từ các hãng thời trang đến các nhà sản xuất ô tô, đã báo cáo mức tăng trưởng doanh thu “hai con số” ở Trung Quốc trong quý II/2020 so với cùng kỳ năm ngoái, cũng như so với doanh số bán hàng sụt giảm ở các khu vực khác trên thế giới.

Một nghiên cứu của Savills - nhà môi giới bất động sản thương mại, cho thấy rằng vào tháng trước, thống kê về lượng khách tới cửa hàng tại các trung tâm mua sắm cao cấp (ở 3 trong số 5 thành phố hàng đầu của Trung Quốc) đã “trở lại” hoặc vượt mức trước dịch Covid-19.

LVMH, tập đoàn thời trang cao cấp, đã tăng hơn 65% doanh thu tại Trung Quốc trong ba tháng tính đến cuối tháng 6/2020.

Vào tháng 7 này, Jean Jacques Guiony - giám đốc tài chính của LVMH, đã nói với các nhà phân tích rằng kết quả hoạt động mang lại “sự bù đắp rất tốt cho phần còn lại của doanh nghiệp, vốn đang phải chịu đựng [hệ quả của đại dịch]”.

Doanh số bán ô tô - vốn thiếu hụt trong hai năm qua chủ yếu do kinh tế đất nước suy thoái - cũng đã phục hồi. Doanh số bán ô tô hạng sang tăng hơn trong quý II/2020 so với cùng kỳ năm trước, do những người mua giàu có đã “quay trở lại”.

Tại Thượng Hải, nơi doanh số bán xe cao cấp tăng gần gấp đôi trong quý II năm nay (so với cùng kỳ năm trước), các đại lý cho biết họ đã tạm dừng chương trình giảm giá nhờ nhu cầu tăng mạnh trở lại.

“Công việc kinh doanh của chúng tôi tốt hơn bình thường”, người quản lý của một cơ sở nhượng quyền thương mại BMW tại Bắc Kinh cho biết.

Động lực mua hàng xa xỉ ít có dấu hiệu giảm bớt trong quý III/2020. Doanh số bán hàng của thương hiệu thời trang cao cấp Prada vào tháng 7/2020 đã tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng hơn 50% vào tháng 6/2020.

Nhu cầu mạnh đến mức một số cửa hàng trong trung tâm thương mại IFC của Thượng Hải - từ Gucci, Dior đến Hermès - đã bắt đầu hạn chế số lượng khách, không phải như một biện pháp phòng ngừa của dịch viêm phổi Vũ Hán, mà để cải thiện “trải nghiệm khách hàng”.

Người thu nhập thấp là đối tượng gánh chịu suy thoái kinh tế

Chi tiêu tiêu dùng bình quân đầu người của người dân thành thị - chủ yếu là nhóm thu nhập thấp đến trung bình - giảm 6,2% trong quý II/2020, sau khi giảm 9,5% trong ba tháng đầu năm.

Sự sụt giảm trong chi tiêu đặc biệt rõ rệt ở nhóm cuối bậc thu nhập. Một nghiên cứu của Shen Jianguang, nhà kinh tế trưởng tại JD Digits - tập đoàn Fintech có trụ sở tại Bắc Kinh, cho thấy chi tiêu trực tuyến bình quân đầu người của các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp đã giảm trong nửa đầu năm nay, ngay cả khi tổng doanh thu từ thương mại điện tử tăng lên.

Ông Shen nói: “Những người nghèo đang gánh chịu gánh nặng của suy thoái kinh tế, ước tính rằng tỷ lệ thất nghiệp ở những người trưởng thành có thu nhập thấp đến trung bình ‘cao hơn gấp đôi’ so với mức trung bình toàn quốc là 5,7%”.

Sự phục hồi không đồng đều trong chi tiêu làm nổi bật khoảng cách thu nhập ngày càng tăng. Một cuộc khảo sát trên 5.000 hộ gia đình vào tháng 6 cho thấy những người có thu nhập cao (thu nhập hơn 42.000 USD mỗi năm) kiếm được nhiều hơn trong quý II/2020, trong khi phần còn lại kiếm được ít hơn. Những người có thu nhập dưới 7.000 USD sẽ bị giảm thu nhập nhiều nhất.

Lý do rất đơn giản. Hầu hết những người Trung Quốc có thu nhập cao xoay sở để duy trì công việc hoặc công việc kinh doanh của họ, bằng cách làm việc tại nhà trong thời gian đại dịch. Những hộ gia đình này cũng được hưởng lợi từ chính sách nới lỏng tín dụng của Bắc Kinh (thúc đẩy thị trường cổ phần và nhà ở, nơi họ có cổ phần lớn).

Ngược lại, thu nhập của hàng trăm triệu người thuộc nhóm “dân số thu nhập thấp đến trung bình” đã bị đình trệ hoặc thậm chí chuyển sang mức “tiêu cực” do đại dịch gây ảnh hưởng đến thị trường việc làm.

Dữ liệu chính thức cho thấy cư dân thành thị của Trung Quốc - phần lớn thuộc nhóm thu nhập thấp đến trung bình - có thu nhập khả dụng bình quân đầu người giảm 2% trong nửa đầu năm.

Tình hình có thể còn tồi tệ hơn nữa khi tình trạng thất nghiệp bắt đầu gia tăng. Một cuộc khảo sát vào tháng 6/2020 của Đại học Bắc Kinh với hơn 5.000 cư dân thành thị (những người được tuyển dụng vào thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế vào tháng 12/2019), cho thấy 11% đã mất việc và 10% không có hoặc không đủ công việc. Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp chính thức là 5,7% trong cùng tháng đó.

Zhang Dandan, tác giả của nghiên cứu PKU, cảnh báo trong báo cáo: “Phần lớn người lao động thất nghiệp có khả năng rơi vào cảnh nghèo đói vì họ đã không có bất kỳ thu nhập nào trong sáu tháng”.

Tìm cách củng cố lòng tin của người tiêu dùng

Sự phục hồi kinh tế theo hai hướng đang làm suy yếu nỗ lực của Bắc Kinh trong việc phục hồi tăng trưởng, ngay cả khi Trung Quốc thoát khỏi cuộc suy thoái do dịch virus nhanh hơn các nền kinh tế lớn khác.

Sự phục hồi nhanh chóng của đất nước này - GDP tăng 3,2% trong quý II/2020 - phần lớn được thúc đẩy bởi sự gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bất động sản, trong khi chính sách này có nguy cơ làm tăng cao nợ của Trung Quốc; trong bối cảnh tiêu dùng trong nước đang phải vật lộn để giải quyết tình trạng sụt giảm.

Sự thoải mái mua sắm của người giàu sẽ không bù đắp được việc cắt giảm chi tiêu của phần còn lại của dân số. Kết quả là, doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã giảm trong 5 tháng liên tiếp.

Một cách mà Bắc Kinh thực hiện nhằm đảo ngược điều này là áp dụng một chương trình thử nghiệm Covid-19 hàng loạt, miễn phí, được thiết kế không chỉ để loại bỏ tận gốc các trường hợp không có triệu chứng, mà còn truyền cảm hứng cho nền kinh tế.

Vũ Hán, tâm chấn của dịch virus, đã được tiến hành xét nghiệm trên 10 triệu dân (trong tổng số khoảng 11 triệu dân) trong 19 ngày vào tháng 5/2020. Các nỗ lực này đã tiêu tốn khoảng 900 triệu Rmb (126 triệu USD), và đã phát hiện thêm 300 trường hợp nhiễm virus không có triệu chứng.

Ning Zhang, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Ngân hàng đầu tư UBS ở Hong Kong, cho biết: “Thử nghiệm hàng loạt này không chỉ để xây dựng lòng tin, mà còn là cách tiết kiệm chi phí cơ hội của việc khóa chặt nền kinh tế”.

Để thúc đẩy việc mua sắm hàng cao cấp, các cửa hàng miễn thuế mới trên đảo Hải Nam đã được phê duyệt. Dữ liệu chính thức cho thấy doanh số bán hàng tại các cửa hàng này đã tăng hơn gấp 3 lần trong tháng 7 so với một năm trước đó, khi người tiêu dùng giàu có - không thể đi du lịch nước ngoài vì các hạn chế của Covid-19 - đã đổ xô đến hòn đảo phía Nam này để mua hàng.

Người nghèo không đủ điều kiện nhận trợ cấp xã hội

Trung Quốc đã hỗ trợ các doanh nghiệp, với các biện pháp từ cắt giảm thuế đến trợ cấp việc làm. Ngoài ra, tỉnh nào ở Trung Quốc cũng có trợ cấp trực tiếp, chẳng hạn như bảo hiểm thất nghiệp cho người nghèo. Nhưng số lượng thường quá nhỏ để tạo ra sự khác biệt.

Điều này làm cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn, hầu hết các thành phố chỉ cung cấp trợ cấp thất nghiệp cho cư dân địa phương - những người đủ điều kiện nhận hukou - giấy phép đăng ký hộ khẩu. Hầu hết lao động nhập cư sẽ không đủ điều kiện để được hưởng lợi ích, mặc dù họ là nhóm đối tượng có nhiều khả năng phải đối mặt với tình trạng sa thải trong bối cảnh kinh tế suy thoái.

Do đó, dữ liệu chính thức cho thấy chỉ 2,1 triệu người trưởng thành đã yêu cầu bảo hiểm thất nghiệp vào cuối tháng 6/2020, giảm so với năm trước đó (2,3 triệu người), bất chấp đại dịch.

Tuy nhiên, nghiên cứu của PKU cho thấy hơn 60 triệu công nhân Trung Quốc - khoảng 7,5% dân số trong độ tuổi lao động - không có việc làm vào giữa tháng đó.

“Làm thế nào bạn dự đoán rằng tiêu dùng sẽ tăng lên trong khi một phần lớn dân số không có việc làm cũng như không nhận được trợ cấp xã hội?” nhà kinh tế Zhuang Bo của TS Lombard cho biết. Ông Zhuang quan ngại về triển vọng phục hồi kinh tế Trung Quốc, vì các ưu tiên trong chính sách của Bắc Kinh là tăng cường đầu tư.

Ông nói: “Một sự phục hồi kinh tế thực sự sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các nhóm đối tượng, và Trung Quốc đã thất bại [trên mặt trận này]”.

Lê Minh



BÀI CHỌN LỌC

Chính sách hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc ‘thất bại’ - khoảng cách giàu nghèo càng gia tăng