Chính sách hạn chế carbon của Biden: Có hay không mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và thiên tai?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong vòng chưa đầy một tháng qua, có đến 3 báo cáo được công bố đã lặp lại cùng một lời nói dối rằng chi phí do thiên tai gây ra đang tăng lên và hiện tượng biến đổi khí hậu do con người gây ra là nguyên nhân chính của những tai họa này.

Các báo cáo trên đều được các kênh truyền thông lớn đưa tin một cách rầm rộ. Tôi nghi ngờ rằng thời điểm phát hành và phạm vi phủ sóng được phối hợp nhịp nhàng này không phải là việc ngẫu nhiên. Họ muốn “lót đường” cho các hoạt động bảo vệ khí hậu sắp tới của chính quyền Biden. Những nghiên cứu này nhằm mục đích cung cấp cho nhóm khí hậu của Biden vỏ bọc hợp lý với chương trình kinh tế “Tái lập vĩ đại” để cứu thế giới khỏi biến đổi khí hậu ngày tận thế.

Các chi phí liên quan đến thiên tai đã tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, dữ liệu chỉ ra rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân rất nhỏ cho thực tế đó. Thay vào đó, lựa chọn của mọi người về nơi sống và làm việc cũng như các chính sách của chính phủ, là nguyên nhân dẫn đến chi phí cao hơn thiệt hại trực tiếp do lũ lụt, cháy rừng và bão gây ra.

Vào cuối tháng 12 năm 2020, một nhóm tự xưng là Christian Aid đã phát hành một báo cáo có tiêu đề “Đếm chi phí 2020: Một năm suy thoái khí hậu”, trong đó quy kết chi phí cao của 15 thảm họa liên quan đến thời tiết trong năm là do biến đổi khí hậu.

Một tuần sau, công ty tái bảo hiểm khổng lồ của Đức Munich Re đã phát hành bản báo cáo “Kỷ lục về Mùa bão và Các trận cháy rừng lớn — Các số liệu về thảm họa tự nhiên trong năm 2020”. Báo cáo này cho biết các thảm họa thiên nhiên, bao gồm bão, lũ lụt và cháy rừng đã “gây ra thiệt hại 210 tỷ USD, với tổn thất được bảo hiểm là 82 tỷ USD” trên toàn thế giới. Munich Re khẳng định biến đổi khí hậu do con người gây ra là nguyên nhân chính khiến tình hình thiên tai càng ngày càng tồi tệ hơn.

Ngày 8 tháng 1 vừa qua, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) đã công bố một báo cáo khẳng định rằng đã có 285 thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu tăng cường kể từ năm 1980, gây ra tổn thất vượt quá 1,875 nghìn tỷ USD và nước Mỹ đã phải trải qua 22 thảm họa liên quan đến thời tiết hoặc khí hậu, chỉ riêng các sự kiện trong năm 2020 đã lên tới 1 tỷ USD chi phí.

Chi phí cho việc khắc phục hậu quả của các thảm họa thiên nhiên đã tăng lên đáng kể trong suốt thế kỷ qua, nhưng dữ liệu dài hạn thì lại cho thấy rằng sự ấm lên của khí hậu chỉ ở mức khiêm tốn, số lượng hoặc mức độ nghiêm trọng của các thảm họa thiên nhiên đã không tăng trong những thập kỷ gần đây. Ngay cả năm 2020 cũng không phải là năm khí hậu bất thường trong lịch sử.

Dữ liệu dài hạn này còn cho thấy số lượng các đám cháy rừng và diện tích bị chúng tiêu thụ đã giảm đáng kể trong vòng một thế kỷ qua. Ngoài ra, Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus báo cáo: “Năm 2020 là một trong những năm có số lượng đám cháy được ghi nhận trên toàn cầu thấp nhất”.

NASA gần đây đã báo cáo đo vệ tinh cho thấy cháy rừng đã giảm tới 24% trên toàn cầu kể từ năm 1998, và tổng diện tích đám cháy toàn cầu mỗi năm giảm hơn 540.000 dặm vuông, từ 1,9 triệu dặm vuông trong nửa đầu của thế kỷ XX xuống còn 1,4 triệu dặm vuông ngày nay.

Số liệu về các cơn bão cũng rất ít ỏi. Dữ liệu từ Trung tâm Bão Quốc gia (NHC) cho thấy tác động của bão ở Hoa Kỳ đã ở mức thấp nhất mọi thời đại trong những năm gần đây.

Theo báo cáo “Climate at a Glance: Hurricanes”, “Nước Mỹ gần đây đã trải qua hơn một thập kỷ (2005 đến 2017) mà không có cơn bão lớn cấp 3 trở lên nào, đây là khoảng thời gian “yên ổn” dài nhất trong lịch sử của Hợp chủng quốc. Nước Mỹ cũng đang chứng kiến số lượng cơn bão ít nhất trong bất kỳ giai đoạn 8 năm nào (từ 2009 đến 2017) trong lịch sử được ghi nhận”.

Ông Ryan Maue, nhà khoa học chính của NOAA, gần đây đã tweet rằng năng lượng bão tích lũy toàn cầu (ACE), một thước đo sức mạnh bão toàn cầu, đã có xu hướng giảm nhẹ trong vòng 30 năm qua.

Mỗi nghiên cứu về chi phí thảm họa khí hậu được công bố gần đây đều bỏ qua hoặc làm giảm "hiệu ứng mắt đỏ mở rộng", với chi phí thiên tai tăng lên khi cộng đồng ngày càng mở rộng sang các khu vực dễ xảy ra thiên tai trong lịch suwr, chẳng hạn như các khu vực đồng bằng ngập lụt, rừng và khu vực ven biển, trong khi cấu trúc và cơ sở hạ tầng ở các khu vực này lại càng ngày càng đắt đỏ. Kết quả là, khi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra, đất đai phát triển hơn và tài sản đắt tiền hơn ở các khu vực này cũng bị hư hại nhiều hơn, chi phí khắc phục vì thế cũng tăng lên theo.

Chính phủ cũng đã góp phần làm tăng chi phí thiên tai thông qua các chương trình bảo hiểm thiên tai (do chính phủ hỗ trợ hoặc chính phủ điều hành) và các tuyên bố khẩn cấp dẫn đến các khoản vay chi phí thấp hoặc không mất phí. Một loạt các chương trình của chính phủ làm giảm trách nhiệm của cá nhân đối với các quyết định mà họ đưa ra về nơi sống và làm việc. Ví dụ, chương trình kiểm soát lũ lụt của Quân đoàn Kỹ sư Hoa Kỳ, bảo hiểm lũ lụt liên bang, bảo hiểm bão được hỗ trợ và các khoản hỗ trợ khác của liên bang ngược lại lại đang khuyến khích sự phát triển kinh tế hoặc dân cư ở những nơi có rủi ro cao và do đó gây hại cho các khu vực nhạy cảm với môi trường này. Trung tâm Heinz đã xác định rằng nếu không có các chương trình bảo hiểm và kiểm soát lũ lụt này, mật độ phát triển ở các khu vực có nguy cơ lũ lụt cao sẽ ít hơn khoảng 25% so với các khu vực có nguy cơ thấp.

Những nghiên cứu kể trên này không đưa ra lời biện minh nào cho việc thúc ép Hoa Kỳ thực hiện các hành động cực đoan như cấm khai thác mỏ hoặc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch, như chính quyền Biden đã tuyên bố thực hiện.

Nếu ông Biden thực sự muốn giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, chính quyền của ông có thể loại bỏ các biện pháp mà chính phủ liên bang đưa ra nhằm khuyến khích người dân sống và làm việc ở những nơi vốn có nguy cơ thiên tai. Điều này sẽ ngăn ngừa tác hại trong những năm tới nhiều hơn so với việc hạn chế carbon-dioxide.

Tác giả H. Sterling Burnett, Tiến sĩ, là thành viên cao cấp tại Viện Heartland, một trung tâm nghiên cứu phi đảng phái, phi lợi nhuận có trụ sở chính tại Arlington Heights, Illinois.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Mộc Trà

Theo Epoch Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Chính sách hạn chế carbon của Biden: Có hay không mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và thiên tai?