Chính quyền Myanmar muốn cải thiện quan hệ với phương Tây, từ chối Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Reuters, ông Ari Ben-Menashe - một nhà vận động hành lang người Canada gốc Israel phục vụ cho quân đội Myanmar cho biết rằng các tướng lĩnh nước này mong muốn rời khỏi chính trường sau cuộc đảo chính và tìm cách cải thiện quan hệ với Mỹ, đồng thời tránh xa Trung Quốc.

Ông Ari Ben-Menashe, một cựu quan chức tình báo quân sự Israel, người trước đây từng đại diện cho Robert Mugabe của Zimbabwe và các nhà cầm quyền quân sự của Sudan, cho biết rằng các tướng lĩnh của Myanmar cũng muốn hồi hương những người Hồi giáo Rohingya đã chạy sang nước láng giềng Bangladesh.

Hàng trăm nghìn người đã biểu tình ở hầu hết các thị trấn và thành phố ở Myanmar trong nhiều tuần để yêu cầu trả tự do cho bà Suu Kyi và tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử, mà quân đội cho rằng đã bị hủy hoại bởi gian lận.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, các cuộc tấn công nhắm vào các cuộc biểu tình đã khiến hơn 70 người thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 năm nay khi quân đội lật đổ và bắt giữ nhà lãnh đạo được bầu Aung San Suu Kyi.

Trong một báo cáo mới, tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã xác minh hơn 50 video về các vụ bạo lực lan truyền trên mạng xã hội.

Dựa trên bằng chứng này, Ân xá Quốc tế nói rằng mặc dù lực lượng an ninh cũng đang sử dụng các chiến thuật phi sát thương chống lại người biểu tình, họ cũng đẩy mạnh việc sử dụng vũ khí chiến trường và vũ lực gây sát thương trong những tuần gần đây.

Một số trường hợp tử vong dưới bàn tay của lực lượng quân đội và cảnh sát có thể dẫn đến các vụ hành quyết không xét xử, theo lời của Tổ chức Ân xá.

Trong một đoạn video gần đây được lan truyền trên mạng, cho thấy một thành viên của Tatmadaw ở Dawei đưa cho một sĩ quan cảnh sát mượn khẩu súng trường của mình. Sau đó, sĩ quan cúi xuống, nhắm và bắn, gây ra tiếng reo hò ăn mừng từ những nhân viên xung quanh sỹ quan này.

Nhiều người biểu tình Myanmar đã nhặt được vỏ đạn thật, chứng minh phía quân đội bắn đạn thật để trấn áp người dân. (STR qua Getty)
Nhiều người biểu tình Myanmar đã nhặt được vỏ đạn thật, chứng minh phía quân đội bắn đạn thật để trấn áp người dân. (STR qua Getty)

Đầu tháng 3 năm 2021, một đặc phái viên của Liên Hợp Quốc đã thúc giục Hội đồng Bảo an hành động chống lại chính quyền mới trước tình hình những vụ giết người biểu tình ngày càng gia tăng ở Miến Điện.

Ông Ben-Menashe cho biết ông và công ty Dickens & Madson (Canada) đã được các tướng Myanmar thuê để làm cầu nối đối thoại với Mỹ và các quốc gia "hiểu lầm" về họ.

Ông cho biết rằng bà Suu Kyi, nhà lãnh đạo của Myanmar kể từ năm 2016, đã ngày càng “thân” Trung Quốc - điều này là không phù hợp với mong muốn của các tướng lĩnh.

Ông Ben-Menashe nói: “Myanmar thực sự có động lực để hướng tới phương Tây và Mỹ thay vì cố gắng xích lại gần hơn với Trung Quốc”, vì "Họ không muốn trở thành con rối của Bắc Kinh".

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã lên án cuộc đảo chính và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quân đội cũng như các doanh nghiệp mà lực lượng này kiểm soát. Một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã từ chối bình luận về phát biểu trên của ông Ben-Menashe.

Ben-Menashe cho biết ông vừa có chuyến thăm đến thủ đô Naypyidaw của Myanmar, nơi ông đã ký một thỏa thuận với Bộ trưởng Quốc phòng của quân đội, Tướng Mya Tun Oo. Ông cho biết mình sẽ được trả một khoản phí nhất định nếu các lệnh trừng phạt đối với quân đội nước này được dỡ bỏ.

Phát ngôn viên của chính phủ quân sự đã không trả lời các yêu cầu bình luận.

Ben-Menashe cho biết ông cũng đã được giao nhiệm vụ liên hệ với Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để nhận được sự ủng hộ của họ cho kế hoạch hồi hương người Rohingya, một dân tộc thiểu số theo đạo Hồi. Hàng trăm nghìn người Rohingya đã chạy trốn các cuộc tấn công quân sự trong năm 2016 và 2017, trong đó binh lính đã giết người bừa bãi, hãm hiếp phụ nữ và đốt nhà, theo một phái bộ tìm hiểu thực tế của Liên Hợp Quốc.

Ben-Menashe nói: “Về cơ bản, họ đang cố gắng tìm kiếm một số nguồn tài trợ để trả lại người Bengal”, Ben-Menashe nói. (Bengal - thuật ngữ mà một số người ở Myanmar sử dụng để chỉ người Rohingya, ám chỉ họ không phải là người gốc Miến Điện).

Ông Ben-Menashe cho biết chính quyền có thể chứng minh cuộc bỏ phiếu là gian lận và người dân tộc thiểu số đều đã bị chặn bỏ phiếu, nhưng lại không cung cấp bằng chứng cụ thể. Các nhà quan sát bầu cử cho biết không có bất thường lớn nào xảy ra xung quanh sự kiện này.

Ông nói rằng trong hai chuyến thăm đất nước kể từ sau cuộc đảo chính, ông thấy "tình trạng hỗn loạn không lan rộng như vậy" và phong trào biểu tình không được người dân Myanmar ủng hộ.

Ông Ben-Menashe cũng cho biết cảnh sát đang xử lý các cuộc biểu tình chứ không phải quân đội, bất chấp các bức ảnh và video quay cảnh các binh sĩ có vũ trang tại cuộc biểu tình. Ông cho rằng quân đội được bố trí tốt nhất để giám sát sự trở lại của nền dân chủ sau cuộc đảo chính.

“Họ muốn thoát ra khỏi chính trị hoàn toàn”, ông nói, “nhưng đó là cả một quá trình”.

Ngọc Minh

Theo Reuters

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Chính quyền Myanmar muốn cải thiện quan hệ với phương Tây, từ chối Trung Quốc