Phần 3: Chiến lược quốc tế hóa đồng CNY của Trung Quốc thất bại - một phần đổ vỡ của ‘Giấc mộng Trung Hoa’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Như một phần của “Giấc mộng Trung Hoa”, việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ (CNY) và khiến nó phổ biến không chỉ giúp Trung Quốc tăng cường năng lực ổn định tiền tệ - tài chính mà còn là công cụ để Bắc Kinh thao túng, mặc cả lợi ích chính trị, thu thập thông tin trái phép khi thay tiền giấy bằng tiền kỹ thuật số. Nhưng “giấc mộng Trung Hoa” đã dần tan đi mất, và đồng CNY cũng như vậy…

Phần 2: Gã khổng lồ Mỹ đã tỉnh khỏi ‘mộng Trung Hoa’

Tham vọng quốc tế hóa đồng CNY là một phần của “Giấc mộng Trung Hoa”

"Giấc mộng Trung Hoa", "Phục hưng Dân tộc Trung Hoa" được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập trong bài “diễn văn nhậm chức” hôm 17/3/2013 trước Quốc hội Trung Quốc và nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới; đánh dấu sự khác biệt của ông Tập là “bộc lộ tham vọng hùng mạnh và kiểm soát thế giới” so với tư tưởng nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trước đó - ông Đặng Tiểu Bình - là “ẩn mình chờ thời”.

Khi mới đưa ra khái niệm “Giấc mộng Trung Hoa”, ban lãnh đạo Trung Quốc cũng không nói cụ thể nội hàm của khái niệm này là gì. Mục tiêu của “Giấc mộng Trung Hoa” là biến Trung Quốc thành cường quốc hàng đầu thế giới về kinh tế, chính trị, quân sự, vươn đến vị trí lãnh đạo thế giới trong một ngày không xa.

“Giấc mộng Trung Hoa” khiến những người hiểu biết về Trung Quốc và tác động tiêu cực của nền kinh tế - chính trị này tới toàn cầu phải khiếp sợ bởi đây là giấc mộng bá quyền bất chấp các nguy cơ về môi trường, sinh thái; là giấc mộng được xây trên nền kinh tế “kền kền” bất chấp sinh mạng của người dân Trung Quốc thiện lương (mổ cướp tạng) và sinh mệnh nhân loại trong Đại dịch viêm phổi Vũ Hán (xuất khẩu vật tư y tế kém chất lượng); là giấc mộng dựa trên xuất khẩu “bẫy nợ”, nuôi dưỡng các chính phủ tham nhũng để thâu tóm địa quân sự chiến lược; là giấc mộng dựa trên ăn cắp công nghệ, thông tin toàn cầu trong khi bưng bít thông tin với người dân trong nước và nói dối cả thế giới.

Để vươn lên vị trí bá quyền về kinh tế, Trung Quốc không thể không tính tới chiến lược về tiền tệ là biến đồng CNY của mình trở thành đồng tiền soán ngôi USD. Chỉ bằng cách đó, Bắc Kinh mới có thể chủ động giữ cho mình vị thế an toàn hơn về tiền tệ; đó là chưa kể nếu CNY thực sự giành được thế thượng phong, thì Bắc Kinh có thể thao túng tiền tệ mạnh hơn để phục vụ cho nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới và cũng là nơi tiêu tốn nguồn tài nguyên nhập khẩu lớn nhất thế giới này.

Không dừng lại ở đó, chỉ 1 năm sau khi tuyên bố “Giấc mộng Trung Hoa”, Trung Quốc đã ráo riết nghiên cứu phát triển đồng tiền kỹ thuật số CNY thay cho tiền giấy vào năm 2014. Năm 2016, đồng CNY được Quỹ tiền tệ quốc tế IMF chính thức đưa vào giỏ tiền dự trữ SDR, được xem như 1 trong 5 đồng tiền mạnh nhất của thế giới. Các chuyên gia của Financial Times đã nghiên cứu hơn 80 hồ sơ xin cấp bằng phát minh sáng chế vốn làm nền tảng để phát hành tiền kỹ thuật số mà Trung Quốc đệ trình lên cho thấy nền tảng công nghệ đằng sau các ứng dụng giao dịch đồng CNY kỹ thuật số mới là rủi ro lớn nhất đối với phần còn lại của thế giới: nguy cơ bị ăn cắp thông tin tài chính, giao dịch của người dùng (bao gồm cả các ngân hàng trung ương các nước, các ngân hàng thương mại lớn nhất thế giới, người dùng toàn cầu) khi có tương tác với đồng tiền này.

Người tính không bằng trời tính: đồng CNY ngày một “thất sủng” trong thanh toán quốc tế và trượt xuống trong bảng xếp hạng toàn cầu

Năm 2016, đồng CNY tràn đầy hy vọng và dường như có thể nhanh chóng đạt mục tiêu soán ngôi các đồng tiền mạnh khác và dần thống lĩnh vị trí dẫn đầu trong tương lai nhờ: tăng trưởng GDP cao nhất thế giới, là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và có dòng tiền đầu tư gián tiếp, trực tiếp ồ ạt chảy vào Trung Quốc để tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường 1,4 tỷ dân.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015-2016, kinh tế Trung Quốc buộc phải tái cấu trúc ở quy mô lớn do dư cung các ngành sản xuất thép, khai khoáng, bong bóng bất động sản (BĐS) và rủi ro vỡ nợ tư nhân tăng mạnh. Công cuộc tái cấu trúc nào cũng tốn kém, quyết liệt và cần nhiều thời gian, tính theo thập kỷ để ổn định.

Chưa đầy 2 năm khi đang vật lộn với công cuộc tái cấu trúc tổng cung của nền kinh tế, tham vọng “giấc mộng Trung Hoa” đã khiến Mỹ thức tỉnh. Thương chiến Mỹ - Trung khơi mào vào năm 2018 bởi Trump đã đẩy Trung Quốc rơi vào thế bị động khi Trump sử dụng các chính sách trừng phạt thương mại đánh mạnh vào các yếu điểm của nền kinh tế Trung Quốc. Dòng vốn đầu tư FDI quay trở lại Mỹ hoặc tìm kiếm các thị trường ổn định khác để tránh thuế và giảm xuất khẩu sang Mỹ khiến kinh tế Trung Quốc lao đao và trượt dốc. Không còn cường thịnh như thời điểm 2016, đồng CNY mất giá, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã 9 lần cắt giảm dự trữ bắt buộc trong hơn 2 năm qua để bơm tiền cho nền kinh tế và hệ thống ngân hàng vốn có khối nợ xấu quá lớn cần che giấu do bong bóng bất động sản và vỡ nợ khu vực kinh tế tư nhân.

Thương chiến cho thấy Trung Quốc không quá mạnh như người ta nghĩ và “giấc mộng Trung Hoa” đã đánh thức gã khổng lồ Mỹ và trao cho gã một quyết tâm khủng khiếp. “Giấc mộng Trung Hoa” dần tan nhưng không phải ai cũng đủ tỉnh táo để nhận thấy.

Bước sang năm 2020, đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát tại trung tâm công nghệ, kinh tế của Trung Quốc đã tác động tiêu cực tới CNY và khiến PBoC ngày một thụ động hơn trong chính sách của mình; buộc phải tiếp tục cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc - vốn đã là con số âm nếu hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) nước này hạch toán đầy đủ nợ xấu theo thông lệ quốc tế - để cứu vãn nền kinh tế. Tương lai, sự mở rộng quá mức chính sách tiền tệ và tài khóa để tiếp tục chống đỡ nền kinh tế là không thể tránh.

Tháng 1/2020, báo cáo của SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu) cho thấy kể từ khi được đưa vào rổ các quyền rút vốn đặc biệt của IMF vào tháng 10/2016, “ngôi sao” CNY đã dần suy yếu.

SWIFT, Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu, là tổ chức cung cấp một mạng lưới cho phép các tổ chức tài chính trên toàn thế giới gửi và nhận thông tin về các giao dịch tài chính trong một môi trường an toàn, chuẩn hóa và đáng tin cậy.

Tháng 12/2017, SWIFT liệt đồng CNY vào loại tiền thanh toán lớn thứ 5, với thị phần toàn cầu là 1,61%. Hai năm sau, con số đó đã tăng nhẹ lên 1,94%, nhưng CNY đã tụt trong bảng xếp hạng xuống hàng thứ 6 sau đồng đô la Canada, tiếp đến là đồng đô la Úc và thậm chí cả đồng đô la Hồng Kông đang theo sát gót.

Trong thanh toán quốc tế, hiện đồng CNY đứng thứ 8, khi mà thị phần tài chính thương mại toàn cầu đã giảm một cách cực kỳ đáng báo động, từ 2,45% hai năm trước xuống còn 1,46% trong tháng 12/2019, trong khi đó đồng USD lại tăng mạnh, sức mạnh thống trị của đồng USD dường như không gì ngăn trở được.

Trang Euro Money bình luận: “Đó chính là cái tát vào mặt đối với nền kinh tế lớn nhất châu Á, và là nhà xuất khẩu thương mại lớn nhất thế giới”.

Ông Chu Tiểu Xuyên, nguyên Thống đốc của PBoC, trong những năm cuối tại vị, thường sử dụng việc quốc tế hóa đồng CNY như một cử chỉ đe dọa.

“Trung Quốc tin rằng họ muốn một loại tiền tệ toàn cầu, nhưng họ có sẵn sàng trả bất cứ giá nào để đạt được điều đó không? Tôi sẽ nói là không!” – ông Mike Pettis thuộc Đại học Bắc Kinh chia sẻ với trang Euro Money.

Đó là một chiến thuật, được các nhà cải cách sử dụng để buộc các công ty quốc doanh hoạt động hiệu quả hơn”, ông Michael Taylor, giám đốc tín dụng châu Á - Thái Bình Dương tại Moody nói.

Kể từ khi ông Chu rời khỏi nhiệm sở năm 2018, lời xì xào bàn tán về đồng CNY là một loại tiền tệ dự trữ đã suy yếu rõ rệt. Có nhiều lý do giải thích cho sự suy giảm này: bạo loạn tại Hồng Kông, nợ nần phình to hay sự gia tăng thù địch từ các chính phủ bảo hộ tại Mỹ và châu Âu.

Hồng Kông, nơi chiếm 75% các khoản thanh toán bằng CNY, đã diễn ra bạo loạn liên miên trong phần lớn thời gian của năm ngoái.

Đồng minh thân thiết cũng quay lưng với chiến lược quốc tế hóa đồng CNY của Trung Quốc

Ngay cả các đồng minh của Trung Quốc cũng không bắt nhịp với triển vọng của đồng tiền này. Trong nhiều năm, truyền thông nhà nước Matxcơva đã tuyên truyền CNY như là đồng tiền của tương lai. Tuy nhiên trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 11/2019, tổng thống Vladimir Putin đã nói một cách khéo léo rằng các công ty và ngân hàng Nga “không hứng thú” việc huy động tiền bằng đồng CNY và chỉ ra khả năng chuyển đổi hạn chế của nó.

Tổng thống Nga không phải là người duy nhất thẩm định được sự yếu kém của đồng CNY. Trung Quốc rõ ràng muốn thanh danh đi kèm với một loại tiền tệ lan tỏa toàn cầu: một đồng CNY quốc tế thực sự sẽ cho phép họ chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến quyền lực chính trị với Washington, và cho Trung Quốc một vũ khí tấn công và phòng thủ có giá trị khi giải quyết mọi vấn đề về tranh chấp tài chính và kinh tế.

Tuy nhiên, Trung Quốc có sẵn sàng chịu rủi ro để nắm lấy phần thưởng? Không, ông Mike Pettis, giáo sư tài chính Trường Quản lý Quang Hoa tại Đại học Bắc Kinh, đã chia sẻ:

Trung Quốc tin rằng họ muốn có một loại tiền tệ toàn cầu, nhưng họ có sẵn sàng trả bất cứ giá nào để đạt được điều đó không? Tôi sẽ nói là không - bạn không thể có một loại tiền tệ toàn cầu mà không tự do hóa dòng vốn, mà tự do hóa dòng vốn lại khiến bạn dễ bị tổn thương trước mọi cú sốc và khủng hoảng tài chính bên ngoài”.

Với một nền kinh tế “hổ giấy”, tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và quá nhiều bất cân đối nội tại, Trung Quốc chưa thể đánh đổi tự do hóa dòng vốn khi mọi cú sốc và khủng hoảng tài chính bên ngoài đều có thể tác động tiêu cực tới thành tích tăng trưởng của họ.

Thủy Tiên - Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Phần 3: Chiến lược quốc tế hóa đồng CNY của Trung Quốc thất bại - một phần đổ vỡ của ‘Giấc mộng Trung Hoa’