Chiến lược không gian: Trung-Nga lại hợp tác với Thỏa thuận trên Căn cứ Mặt trăng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với thỏa thuận hợp tác trên “căn cứ Mặt Trăng" của mình, “phe” Trung-Nga đang báo hiệu một sự cạnh tranh quyết liệt - nhằm thay thế trật tự do Hoa Kỳ dẫn đầu trong lĩnh vực không gian. Một khi thu hút đủ đối tác, Trung-Nga sẽ có sức mạnh và ảnh hưởng để tạo ra một sự thay thế - xây dựng cơ chế quản lý xung quanh việc khám phá và phát triển Mặt Trăng.

Vào ngày 9 tháng 3 năm 2021, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) và Cơ quan Vũ trụ Nga (ROSCOSMOS) đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) về việc cùng xây dựng một cơ sở nghiên cứu thường trú trên Mặt trăng.

Sử dụng ngôn ngữ của Hiệp ước ngoài không gian năm 1967, thỏa thuận mô tả Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS) đã được lên kế hoạch là “một cơ sở thí nghiệm khoa học toàn diện với khả năng hoạt động tự trị lâu dài, được xây dựng trên bề mặt mặt trăng và trên quỹ đạo mặt trăng... thực hiện thăm dò và sử dụng mặt trăng, quan sát dựa trên mặt trăng, cơ bản thử nghiệm khoa học và xác minh kỹ thuật”.

Hai quốc gia lớn này đã đồng ý thúc đẩy ILRS để giành được các đối tác quốc tế cho sứ mệnh chung trên mặt trăng của họ, đặc biệt bằng cách phát sóng sứ mệnh khảo sát tài nguyên và môi trường ở Nam Cực của Trung Quốc, tàu Chang'e 7 và Tàu vũ trụ quỹ đạo Luna-Resurs-1 của Nga (OS).

Dự án Mặt Trăng của Trung-Nga

Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc và Nga hợp tác thăm dò và sử dụng tài nguyên Mặt Trăng. Cả hai quốc gia, đặc biệt là Nga, đều chú ý theo dõi khi Hoa Kỳ công bố Hiệp định Artemis - để tạo ra một cơ chế quốc tế cho sự phát triển Mặt trăng do Hoa Kỳ và các quốc gia đối tác lãnh đạo.

Dự án ROSCOSMOS là để phản ứng với Hiệp định Artemis, và đặc biệt là lệnh hành pháp ngày 6 tháng 4 năm 2020 của cựu Tổng thống Donald Trump - về việc sử dụng các nguồn lực vũ trụ cho các mối quan hệ đối tác quốc tế.

Điện Kremlin đã ví mệnh lệnh hành pháp của ông Trump với việc chiếm lĩnh không gian. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov mạnh mẽ tuyên bố rằng việc Mỹ tư nhân hóa và chiếm lĩnh không gian là điều “không thể chấp nhận được”.

Mặt trăng là chiến lược

Mặt trăng không còn được xem như một tảng đá chết - nơi loài người hạ cánh trong vài ngày, trình diễn công nghệ và sau đó quay trở lại Trái đất. Ngày nay, Mặt Trăng được xem là có tiềm năng về tài nguyên, bao gồm sự hiện diện của băng nước, năng lượng mặt trời và các nguyên tố đất hiếm như bạch kim, titan, scandium và yttrium.

Các nhà khoa học và kỹ sư vũ trụ Trung Quốc từ lâu đã nhận ra tiềm năng kinh tế của các nguồn tài nguyên không gian, bao gồm khoản thu 10 nghìn tỷ USD từ các khoản đầu tư từ khu vực Trái đất-Mặt trăng hàng năm vào năm 2050.

Nga và Trung Quốc đã thống nhất kế hoạch cùng xây dựng một trạm vũ trụ chung trên bề mặt Mặt trăng hoặc trên quỹ đạo của nó.
Nga và Trung Quốc đã thống nhất kế hoạch cùng xây dựng một trạm vũ trụ chung trên bề mặt Mặt trăng hoặc trên quỹ đạo của nó. (Ảnh: Pixabay)

Vào năm 2002, Ouyang Ziyuan, nhà khoa học chính và là người sáng lập Chương trình Thám hiểm Mặt trăng Trung Quốc (CLEP) đã chỉ rõ rằng “Mục tiêu và nhiệm vụ lâu dài của Trung Quốc là thiết lập một căn cứ trên Mặt Trăng để khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên phong phú của mình”. Quan điểm của ông đã được ủng hộ ở cấp cao nhất của lãnh đạo CNSA.

Tung Quốc nhấn mạnh là việc phóng tên lửa từ Mặt Trăng hiệu quả hơn 22 lần so với phóng từ Trái đất do lực hấp dẫn của Trái đất. Để tiếp cận những tài nguyên Mặt Trăng đó, cần phải có sự hiện diện lâu dài thường xuyên, đầu tiên là robot, sau đó là con người. Khía cạnh của việc làm chủ năng lực căn cứ Mặt Trăng của robot tự động được nêu rõ trong Biên bản ghi nhớ giữa Trung Quốc-Nga.

Vào năm 2018, Nga đã công bố kế hoạch Mặt Trăng của riêng mình, bao gồm tham vọng khai thác tài nguyên, được hỗ trợ bởi kế hoạch xây dựng căn cứ ba giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2040.

  • Giai đoạn đầu tiên là một mô-đun quỹ đạo Mặt Trăng (năm 2025);
  • Giai đoạn hai là xây dựng căn cứ (2025-2034);
  • Giai đoạn thứ ba (2040) sẽ liên quan đến việc xây dựng một “hệ thống thăm dò Mặt Trăng có người lái tích hợp”.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin nhà nước Nga RIA Novosti vào tháng 11/2018, cựu thiết kế trưởng các chương trình không gian có người lái của Nga, Yevgeny Mikrin - đã chỉ rõ rằng việc xây dựng thuộc địa mặt trăng sẽ bắt đầu vào năm 2025.

Cân nhắc địa chính trị

Tương lai của không gian là nền kinh tế của nó, với lợi nhuận có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD.

Và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ dẫn đến khả năng mở rộng quyền lực của quân đội và năng lực khác. Cả Trung Quốc và Nga đều hiểu tác động của không gian đối với tương lai của vị trí lãnh đạo toàn cầu. Trung Quốc muốn trở thành cường quốc không gian hàng đầu vào năm 2045 - để kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 2049.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh sức mạnh không gian đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc - để chứng minh công nghệ cao cấp, bao gồm các sứ mệnh của con người, đổ bộ lên mặt trăng (gần và xa), sứ mệnh sao Hỏa, xây dựng một trạm vũ trụ cố định, các vệ tinh năng lượng mặt trời trên không gian và các tàu thăm dò không gian sâu.

Hợp tác Nga-Trung có nghĩa là hai quốc gia có thể tập hợp các nguồn lực quốc tế chung của mình - để phản đối trật tự không gian do Mỹ dẫn đầu. Đối với Nga và đặc biệt là Tổng thống Vladimir Putin, đó là việc lấy lại vị trí lãnh đạo không gian mà nước này được hưởng như thời Liên Xô trước đây.

Biên bản ghi nhớ lần này là sự tiếp nối hành vi địa chính trị - thay thế Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc lãnh đạo, trong đó Nga là một quốc gia tham gia.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị cho buổi chụp ảnh gia đình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka vào ngày 28 tháng 6 năm 2019. (Ảnh KIM KYUNG- HOON / AFP qua Getty Images)
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị cho buổi chụp ảnh gia đình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka vào ngày 28 tháng 6 năm 2019. (Nguồn ảnh: KIM KYUNG- HOON / AFP / Getty Images)

Bằng cách thiết lập một nỗ lực phát triển căn cứ Mặt Trăng thay thế, Trung Quốc và Nga đang đặt câu hỏi về tính hợp pháp của Hiệp định Artemis và báo hiệu rằng họ không coi các nỗ lực của Mỹ, cả công và tư, là cơ chế hợp tác duy nhất trong không gian - cho thấy khả năng lãnh đạo trong không gian đang bị tranh chấp.

Một khi thu hút đủ đối tác ký kết vào cơ sở nghiên cứu Mặt Trăng của mình, Trung Quốc và Nga sẽ có sức mạnh và ảnh hưởng để tạo ra một sự thay thế - xây dựng cơ chế quản lý xung quanh việc khám phá và phát triển Mặt Trăng.

Chiến lược không gian ‘độc tài nhà nước’?

Trung Quốc và Nga đã phản đối các động thái chính sách của Mỹ nhằm hỗ trợ khu vực tư nhân và thương mại hóa không gian - ở các nước ký kết Hiệp định Artemis, cũng như Đạo luật Cạnh tranh Khởi động Không gian Thương mại của Mỹ năm 2015 (CSLCA).

Bắc Kinh và Moscow đặc biệt lo lắng trước viễn cảnh khu vực không gian tư nhân đi đầu trong việc phát triển các đột phá công nghệ vũ trụ. Điều này có nghĩa là tăng cường nhanh chóng khả năng dân chủ hóa không gian.

Điều này gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng trong một thị trường vũ trụ nghìn tỷ USD cạnh tranh toàn cầu. Khía cạnh này thể hiện rõ qua việc người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lên tiếng phản đối việc Mỹ tập trung vào tư nhân hóa không gian.

Trung Quốc vẫn chưa có một khu vực không gian tư nhân có khả năng cạnh tranh với Hoa Kỳ trên toàn cầu, mặc dù Trung Quốc dưới thời ông Tập đã tạo ra những động lực to lớn cho các công ty khởi nghiệp không gian tư nhân từ năm 2014.

Sự đổi mới trong công nghệ sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi không gian trong tương lai; và cả Trung Quốc và Nga đều nhận ra tác động của tên lửa nâng hạng nặng có thể tái sử dụng của SpaceX , Starship (của Mỹ) - dự kiến ​​phóng vào năm 2023. Starship sẽ là tên lửa tái sử dụng tiên tiến nhất thế giới, với sức nâng 100 tấn lên quỹ đạo trái đất thấp (LEO).

Trong khi đó, Trung Quốc có một tên lửa có thể tái sử dụng - với sức nâng chỉ 8,4 tấn đối với LEO - do Học viện Công nghệ Xe phóng Trung Quốc (CALT) thuộc sở hữu nhà nước thiết kế.

Một thực tế đã thay đổi

Trung Quốc và Nga đang tạo ra những con đường cho quan hệ đối tác thay thế, đặc biệt là khuyến khích các quốc gia như Ả Rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia - cả hai đều có nguyện vọng phát triển lĩnh vực không gian của họ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gần đây đã công bố tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ là sẽ tiếp xúc lần đầu tiên với Mặt Trăng vào năm 2023 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ) với sự giúp đỡ của các quan hệ đối tác quốc tế.

Bất chấp những lợi thế của lĩnh vực không gian tư nhân của mình, Hoa Kỳ vẫn thiếu tính liên tục và chú trọng trong lĩnh vực không gian - do thay đổi chính sách giữa các chính quyền tổng thống. Lực lượng Không gian và việc tái thiết Hội đồng Không gian Quốc gia được xem trọng dưới thời ông Trump, đã bị “xem nhẹ” sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên thệ nhậm chức.

Biden đã cung cấp rất ít ưu tiên không gian, bao gồm các khái niệm quan trọng như sử dụng và phát triển tài nguyên không gian. Những bất ổn như vậy có thể kìm hãm các mối quan hệ đối tác quốc tế và phát triển công nghệ.

Ngược lại, Trung Quốc thể hiện rõ ràng các sứ mệnh ổn định lâu dài trên Mặt Trăng, và việc hợp tác với Nga đảm bảo một liên kết vững mạnh. Trong khi công nghệ là yếu tố thay đổi cuộc chơi, một quốc gia không thể thành công trong không gian, nếu không có tầm nhìn chiến lược dài hạn.

Tác giả: Tiến sĩ Namrata Goswami là một học giả độc lập về chính sách không gian, chính trị cường quốc và xung đột sắc tộc.

Thiện Nhân

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Chiến lược không gian: Trung-Nga lại hợp tác với Thỏa thuận trên Căn cứ Mặt trăng