Chiến dịch đàn áp Ant Group khiến lãi suất tín dụng tiêu dùng Trung Quốc tăng vọt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nền tảng cho vay tín dụng tiêu dùng lãi suất cao đang ồ ạt lấp đầy khoảng trống bị bỏ lại bởi Ant Group của Jack Ma làm gia tăng lo ngại về những vụ vỡ nợ gia tăng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cuộc đàn áp của chính quyền Bắc Kinh đối với Tập đoàn Ant của Jack Ma đang thúc đẩy một cuộc đua lãi suất cho vay cao hơn nhiều, làm rủi ro tín dụng và nợ xấu tăng vọt, có thể đổ thêm dầu vào lửa rủi ro tín dụng đã quá nóng tại nền kinh tế này.

Ant Group với mảng kinh doanh nền tảng cho vay trực tuyến đã gặt hái được thành công đáng kể trong thị trường 1,4 tỷ dân của đại lục. Nhưng rủi ro chính trị đã đặt dấu chấm hết cho thành tựu này. Công ty cho vay trực tuyến của Ant Group đã buộc phải kiềm chế hoạt động kinh doanh của mình kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình ra lệnh cho các cơ quan quản lý hủy đợt phát hành lần đầu ra công chúng trị giá 37 tỷ USD và thắt chặt giám sát công ty.

Ant Group, công ty nắm trong tay ứng dụng Alipay, nền tảng thanh toán lớn nhất Trung Quốc, đã trở thành “người chơi chính” trong thị trường cho vay tiêu dùng trực tuyến (tín chấp) đang bùng nổ tại đại lục. Hoạt động kinh doanh cho vay qua internet của Ant Group đã phục vụ 500 triệu khách hàng trong vòng 12 tháng tính đến tháng 6/2020, trong khi dư nợ cho vay tiêu dùng được hỗ trợ bởi nền tảng của Ant đạt 2,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ (CNY), tương đương với 339 tỷ USD vào cùng tháng.

Thêm dầu vào lửa

Việc phải co hẹp hoạt động cho vay tín dụng cá nhân trực tuyến trước các đòn cảnh báo lạnh nhạt của Bắc Kinh, Ant Group đã buộc phải nhường lại thị phần cho các công ty đối thủ khác.

Nhưng điều đáng nói là các đối thủ thay thế Ant Group trên thị trường đại lục lại không có quy mô, sức mạnh tài chính của Ant Group và hệ thống xác định, quản lý rủi ro yếu hơn, thiếu chuyên nghiệp hơn… Những đặc tính này đã khiến họ phải tăng lãi suất cho vay để bù đắp vào chi phí quản lý cao và rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát.

Điều này xảy ra khi rủi ro tín dụng của Trung Quốc đang tăng cao, thậm chí là bất thường tại cả khu vực công và tư, cả nợ trong và ngoài nước. Khối nợ liên tiếp đạt kỷ lục, vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ngoại tệ của Trung Quốc liên tiếp đạt kỷ lục trong 3 năm gần đây, vỡ nợ tín dụng địa phương cũng trở thành bóng ma ám ảnh nền kinh tế vốn là kẻ hưởng lợi lớn nhất trong đại dịch virus viêm phổi Vũ Hán toàn cầu lần này.

Dan Wang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Ngân hàng Hang Seng ở Hồng Kông, nói với Financial Times biết: “Rủi ro tín dụng tiêu dùng đã gia tăng sau đại dịch Covid-19. Vấn đề đặc biệt rõ ràng đối với những người vay trẻ tuổi và thu nhập thấp”.

Tạp chí Financial Times đã phỏng vấn 6 công ty cung cấp nền tảng cho vay trực tuyến, các công ty này cho biết rằng họ đã trải qua một sự khởi sắc trong kinh doanh sau sự kiện IPO của Ant Group bị hoãn lại. Một giám đốc phát triển kinh doanh tại Jiedai Dawang, một công ty cho vay ở Trùng Khánh, cho biết các đơn đề nghị vay trên nền tảng họ đã tăng khoảng 30% chỉ trong tháng Giêng năm 2021.

“Ant Group đang thu hẹp hoạt động cho vay của mình vì áp lực chính sách”, giám đốc điều hành tại Jiedai Dawang, người sở hữu nền tảng cho vay trực tuyến có tên (tạm dịch) là Vua tín dụng, chia sẻ với Financial Times. "Chúng tôi không gặp vấn đề này và có thể phát triển kinh doanh một cách tự do”.

Theo tính toán của Financial Times, hơn một chục nền tảng cho vay phổ biến đang áp mức lãi suất rất cao, lên tới 25-35%/năm. Mức lãi suất này cao hơn rất nhiều so với mức lãi suất bình quân dưới 20%/năm trên nền tảng Alipay của Ant Group. Nền tảng cho vay của ông Jiedai Dawang cho vay với mức lãi suất lên tới 36%/năm.

Một logo Alipay được nhìn thấy bên cạnh tòa nhà văn phòng của Ant Group ở Thượng Hải vào ngày 3 tháng 11 năm 2020 (Ảnh của Hector RETAMAL / AFP/ Getty Images)
Một logo Alipay được nhìn thấy bên cạnh tòa nhà văn phòng của Ant Group ở Thượng Hải vào ngày 3 tháng 11 năm 2020 (Ảnh của Hector RETAMAL / AFP/ Getty Images)

Ông Bo Zhuang, nhà kinh tế tại TS Lombard, một công ty tư vấn có trụ sở tại London, cho biết: “Người đi vay sẽ có nhiều khả năng vỡ nợ hơn khi họ phải trả lãi suất 25%/năm so với việc chỉ phải trả 18%/năm cho Ant Group”.

Các công ty thành viên của Ant Group như Huabei (dịch vụ thẻ tín dụng), Jiebei (doanh nghiệp cho vay tiêu dùng), cho biết khách hàng sử dụng dịch vụ tín dụng của họ đã bị giảm mạnh kể từ cú sốc cuối năm ngoái.

Haley Zhang, một trợ lý tiếp thị có trụ sở tại Thượng Hải, đã bắt đầu nhận tín dụng từ LexinFintech, một nền tảng cho vay trực tuyến tính lãi suất hơn 20%, sau khi Ant cắt hạn mức vay của cô từ 6.000 CNY xuống dưới 3.000 CNY vào tháng 12/2020. Cô Zhang có mức thu nhập mỗi tháng khoảng 6.000 CNY mỗi tháng cho biết: “Không có gì sai khi vay vốn để cải thiện cuộc sống của tôi. Nếu tôi không thể vay Ant, tôi sẽ đi nơi khác".

Quốc hữu hóa một phần Ant Group - nhưng rủi ro gia tăng cho cả hệ thống và người vay

Guo Shuqing, nhà quản lý ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc và là người đứng đầu ủy ban giám sát của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc, đã cảnh báo vào tháng 12 năm ngoái rằng tài chính trực tuyến là một "ngành công nghiệp - kẻ thắng giành được tất cả" trong đó các công ty công nghệ lớn "cản trở cạnh tranh công bằng và tìm kiếm lợi nhuận quá mức”.

Nhưng thực tế, quy mô kinh tế của Ant Group và lợi thế quản trị, công nghệ của tập đoàn kinh tế tư nhân này đã khởi tác dụng làm giảm chi phí lãi vay tiêu dùng vào thời điểm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cảnh báo về việc gia tăng nợ hộ gia đình, vốn đã tăng lên hơn 60% GDP trong những năm gần đây.

PBOC đã cảnh báo rằng Trung Quốc không nên dựa vào cho vay trực tuyến để thúc đẩy tiêu dùng, vốn đang bị tụt lại phía sau bất chấp sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế do coronavirus. Ant Group chiếm tới 10% thị phần các khoản vay tiêu dùng không thế chấp của Trung Quốc vào năm ngoái.

Là một phần của quá trình tái cơ cấu Ant Group theo lệnh của chính phủ, đơn vị cho vay tiêu dùng của tập đoàn này sẽ được đặt trong một công ty tài chính mới và được quản lý bởi PBOC, giống như một người cho vay truyền thống. Các nhà phân tích dự đoán rằng điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tăng trưởng và giá trị của Ant Group.

Chiến dịch đàn áp Ant Group diễn ra khi chính quyền Trung Quốc nhắm đến lợi ích kinh doanh của Jack Ma, người từng giầu nhất Trung Quốc. Tỷ phú Jack Ma, người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, đã gần như biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng kể từ khi chỉ trích các cơ quan quản lý và ngân hàng của Trung Quốc sau một bài phát biểu vào tháng 10/2021.

Ant Group cho biết họ đã “điều chỉnh hạn ngạch [tín dụng] cho một số người dùng trẻ tuổi để thúc đẩy thói quen tiêu dùng hợp lý hơn”.

Phần lớn khoản cho vay của Ant đến từ các ngân hàng đối tác thay vì vốn chủ sở hữu của mình, và công ty đã sử dụng các thuật toán công nghệ cao để đối chiếu người vay với các đối tác ngân hàng. Những khả năng đó cho phép Ant giữ lãi suất cho vay tương đối thấp, trong khi các đối thủ của Ant phải tính phí cao hơn vì họ ít có khả năng định giá chính xác rủi ro hơn.

“Huabei và Jiebei có thể phát hành các khoản vay tương đối rẻ vì dữ liệu [của họ] [cho phép] họ xác định tốt hơn những người vay đáng tin cậy”, một giám đốc điều hành tại một nền tảng cạnh tranh cho biết. "Rất ít đối thủ có năng lực đó".

Việc mở rộng các tổ chức cho vay nhỏ cũng được tạo điều kiện do các ngân hàng quốc doanh lớn đáp ứng tốt hơn nhu cầu tín dụng tiêu dùng. Trước đó, do không có khả năng đáp ứng được tín dụng tiêu dùng quy mô nhỏ, nhiều ngân hàng chỉ tập trung vào các khách hàng doanh nghiệp lớn.

Cuộc khủng hoảng coronavirus đã khiến các hộ gia đình Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào các khoản vay ngắn hạn.

Huang Dazhi, một nhà nghiên cứu tại Viện Tài chính Suning cho biết: “Việc các ngân hàng không thích rủi ro từ chối những người vay dưới chuẩn là điều tự nhiên. Nhưng nhu cầu là có và ai đó cần phải đáp ứng”.

Thiện Nhân

Theo FT

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Chiến dịch đàn áp Ant Group khiến lãi suất tín dụng tiêu dùng Trung Quốc tăng vọt