Chia đều của cải ở Trung Quốc: Lấy đâu của cải để chia?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người dân Trung Quốc, đặc biệt là những người giàu có, sắp được trải nghiệm một thời kỳ lịch sử mới và một yếu tố cấu thành chủ nghĩa cộng sản mà các thế hệ cũ dường như đã lãng quên, trong khi thế hệ trẻ chưa bao giờ biết đến.

Trong khoảng hơn 40 năm qua, nhiều người đã tin rằng cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã khơi dậy sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc bằng cách tuyên bố với cả nước rằng “Làm giàu là Vinh quang”. Điều này đã tạo nên một bất ngờ lớn, một cú sốc đối với quốc gia mà ở đó, những người giàu có và thậm chí những “nông dân khá giả” đã bị đẩy ra rìa xã hội, bị săn đuổi, bị giết chết, và bị bần cùng hóa dưới danh nghĩa bình đẳng cộng sản. Thật vậy, điều đó còn hơn cả một sự ngạc nhiên. Nó đã mang đến sự giải tỏa và hy vọng trong lòng dân chúng.

Làm giàu

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã hứa hẹn một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, nhưng trên thực tế, nó chỉ mang đến nạn đói, tra tấn, tự phê bình, và những điều ngu xuẩn cùng sự tàn phá trong Đại Cách mạng Văn hóa. Ngay cả các trường học và trường đại học đã bị đóng cửa.

Bằng cách gợi ý rằng làm giàu không nhất thiết là một điều xấu, ông Đặng đã phát động một “cuộc cách mạng nhân dân”.

Người dân Trung Quốc đã tận dụng cơ hội ấy để tạo nên sự thần kỳ trong phát triển kinh tế, học thuật, và khoa học của Trung Quốc - điều đã khiến thế giới phải kinh ngạc trong 35 năm qua. Trong quá trình đó, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và trên một số phương diện, là nền kinh tế lớn nhất. Trung Quốc cũng là quốc gia năng động nhất với khu vực tư nhân mạnh mẽ đã đi tiên phong trong công nghệ mới và các loại hình tổ chức kinh doanh mới, đồng thời đã mở rộng đáng kể sang đầu tư vào thị trường quốc tế. Các công ty công nghệ của Trung Quốc, trong một số khía cạnh, là những công ty hàng đầu thế giới đang áp dụng những tiến bộ đỉnh cao của công nghệ toàn cầu.

“Làm giàu” thành công nhưng không “Vinh quang”

Tuy nhiên, trên thực tế, ông Đặng chưa bao giờ thực sự hàm ý rằng “Làm giàu là Vinh quang”. Thay vào đó, ông nói: "Hãy để một số ít làm giàu trước". Ông đã giải thích chi tiết hơn về những gì ông nói và ý nghĩa của nó trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Mike Wallace của đài CBS hôm 02/09/1986. Ông nhấn mạnh rằng không thể có chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội với tình trạng bần cùng nghèo túng. Vì vậy, “làm giàu không có tội, nhưng làm giàu của chúng tôi khác với làm giàu của các nước khác (thế giới tự do). Của cải trong xã hội chủ nghĩa thuộc về nhân dân. Làm giàu có nghĩa là thịnh vượng cho toàn dân. Chúng tôi cho phép một số người trở nên thịnh vượng trước để tăng tốc độ đạt được sự thịnh vượng của toàn xã hội”.

Lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình gặp Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Margaret Thatcher tại Bắc Kinh hôm 19/12/1984. (Ảnh: Pierre-Antoine Donnet / AFP / Getty Images)
Lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình gặp Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Margaret Thatcher tại Bắc Kinh hôm 19/12/1984. (Ảnh: Pierre-Antoine Donnet / AFP / Getty Images)

Tất nhiên, ông Đặng Tiểu Bình không sống đủ lâu để chứng kiến được việc làm giàu của một số người đầu tiên. Hai người kế nhiệm ông, ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào, tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có vài người làm giàu trước. Thật vậy, dưới sự lãnh đạo của họ, cuộc chạy đua trở thành tỷ phú đã trở thành môn thể thao chính của đất nước, kể cả việc sử dụng biện pháp tham nhũng cũng không hề bị phản đối. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của thế giới tự do đã nhận xét về môi trường kinh doanh của Trung Quốc là “miền Tây hoang dã” của chủ nghĩa tư bản - cụm từ ám chỉ sự phát triển kinh tế có yếu tố tham nhũng ở Mỹ.

Là một người thấm nhuần lịch sử của ĐCSTQ, ông Tập biết chính xác những gì ông Đặng đã nói và ý nghĩa của những điều đó. Và hiện giờ, ông Tập đang nhắc nhở ĐCSTQ, cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc, và các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Trung Quốc rằng: ĐCSTQ đã xóa bỏ đói nghèo và đã đến lúc tất cả mọi người phải chia sẻ sự giàu có cho toàn xã hội. Kinh thánh của Cơ đốc giáo có câu như thế này: “So the first shall be last and the last first - Vì vậy, cuối cùng sẽ là đầu tiên, và là người đầu tiên cuối cùng". Đây dường như là điều mà ông Tập đang làm đối với Trung Quốc.

Hậu quả mà các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu và những người giàu nhất Trung Quốc đang phải gánh chịu là rất nghiêm trọng. Alibaba và người sáng lập Jack Ma đã bị hạ bệ. Dường như không ai nhìn thấy Jack Ma trong một thời gian dài. Các đợt chào bán cổ phần lớn và các đề xuất sáp nhập & mua lại đã bị tạm dừng, dẫn đến thiệt hại tài chính khổng lồ cho các doanh nhân giàu có nhất Trung Quốc. Nếu chính sách chia sẻ bình đẳng tài sản của đất nước thể hiện bước đi tiếp theo của chế độ xã hội chủ nghĩa, thì nó cũng ngay lập tức làm dấy lên câu hỏi về khả năng của Trung Quốc trong việc tạo ra của cải, trong khi mà nước này đang muốn chia sẻ của cải theo nhu cầu hơn là tập trung vào việc tạo ra.

Tất nhiên, cùng với đó, vai trò của nhà nước trong việc hướng dẫn và kiểm soát nền kinh tế sẽ trở nên lớn hơn, trong khi vai trò của doanh nhân và lãnh đạo doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân sẽ dần bị loại bỏ. Một câu hỏi lớn xung quanh phép màu kinh tế Trung Quốc đã được đặt ra trong nhiều năm: "Liệu Trung Quốc có thể giàu lên trước khi già đi?" Các xu hướng hiện nay cho thấy câu trả lời rõ ràng là “không”. Lý do đơn giản là lực lượng lao động của Trung Quốc đang ngày càng thu hẹp và già đi, và điều này sẽ tăng nhanh trong vòng 20 năm tới. Nếu thị trường bị kiềm chế và nhà nước chú ý nhiều hơn đến việc phân chia của cải hơn là việc tạo ra nó, thì chắc chắn Trung Quốc sẽ không thể trở nên giàu có trước khi già nua.

Một câu hỏi thú vị cuối cùng là về tương lai của các doanh nghiệp nhà nước. Họ chiếm khoảng một phần ba nền kinh tế Trung Quốc. Những doanh nghiệp này thuộc sở hữu của ĐCSTQ, kiểm soát hoàn toàn nhà nước, đồng thời quyết định các khoản đầu tư và phân bổ thu nhập của doanh nghiệp. Liệu ĐCSTQ có chia sẻ tài sản của mình một cách bình đẳng như cái cách mà khu vực tư nhân sẽ phải làm theo chỉ đạo từ đảng hay không?

Quan điểm trong bài viết là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả ông Clyde Prestowitz là một chuyên gia về các vấn đề châu Á và toàn cầu hóa, một nhà đàm phán thương mại kỳ cựu, và cố vấn cho các cựu Tổng thống Mỹ. Ông là trưởng phái đoàn thương mại đầu tiên của Mỹ tới Trung Quốc vào năm 1982 và từng là cố vấn cho các tổng thống Ronald Reagan, George H. W. Bush, Bill Clinton, và Barack Obama. Trong vai trò là cố vấn cho Bộ trưởng Thương mại của chính quyền Reagan, ông Prestowitz đã dẫn đầu các cuộc đàm phán với Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ông mới xuất bản cuốn sách mang tựa đề "The World Turned Upside Down: America, China, and the Struggle for Global Leadership” (tạm dịch: Thế giới xoay cực: Mỹ, Trung Quốc, và cuộc đấu tranh cho vai trò lãnh đạo toàn cầu), xuất bản vào tháng 1 năm 2021.

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chia đều của cải ở Trung Quốc: Lấy đâu của cải để chia?