Chỉ số mở rộng sản xuất của Việt Nam rớt thảm vì 'ngấm đòn' Covid-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo các chuyên gia, số liệu kinh tế tháng 7 đã bắt đầu phản ánh những khó khăn, tác động rất lớn của đợt dịch thứ 4 đến nền kinh tế và xu hướng này có thể còn tiếp tục ít nhất trong tháng 8, trước khi có thể khả quan trở lại.

Chỉ số PMI Sản xuất của IHS Markit Việt Nam tháng 7/2021 là 45,1 tăng nhẹ so với mức thấp nhất trong vòng 13 tháng là 44,1 vào tháng 6. PMI trên 50 điểm được cho là khu vực sản xuất đang có xu hướng mở rộng đơn hàng, dưới 50 điểm là co hẹp đơn hàng.

Đây là tháng giảm thứ hai liên tiếp trong lĩnh vực sản xuất, cho thấy điều kiện kinh doanh đã xấu đi nghiêm trọng trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát, theo Markit Economics. Năm 2020, Việt Nam chứng kiến 3 tháng liên tiếp chỉ số PMI rớt dưới 50 điểm, thậm chí 40 điểm do đóng cửa nền kinh tế trong nước và toàn cầu vì đại dịch Covid-19.

Không chỉ xu hướng mở rộng đơn hàng bị suy giảm mạnh, Việt Nam bắt đầu ngấm đòn Covid-19 khi sản lượng đầu ra tháng 7 đều rất thấp. Báo cáo của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, hầu hết các chỉ số kinh tế tháng 7 đều “kém” đi so với tháng trước đó, thậm chí so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt ở các ngành công nghiệp và dịch vụ. Đơn cử, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước, đây là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua.

Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 cũng giảm 0,8% so với tháng trước, ước chỉ đạt 27 tỷ USD. Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 giảm 22,8% so với tháng trước và giảm tới 33,8% so với cùng kỳ năm 2020 trong khi doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 17,1% so với tháng trước và tăng 34,3% so với cùng kỳ…

Tốc độ tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu 7 tháng đã giảm đáng kể. Tháng 7 ước tính nhập siêu 1,7 tỷ USD và tính chung 7 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,7 tỷ USD.

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, mặc dù một số chỉ số kinh tế tháng 7 vẫn tăng như thương mại, giải ngân FDI…; tuy nhiên nhìn tổng thể thì các chỉ số đều tăng thấp hơn, thậm chí giảm so với các tháng gần đây. “Điều này phản ánh những tác động tiêu cực rõ nét hơn, tổng thể hơn đến mọi ngành kinh tế của đợt dịch này, trong đó hai trụ cột chịu tác động lớn hơn là công nghiệp và dịch vụ”, TS. Lực nói.

Trên thực tế, đợt dịch lần thứ 4 diễn biến phức tạp và đã tấn công vào các cứ điểm sản xuất công nghiệp quan trọng khiến sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng lớn. Đầu tàu kinh tế là TP. Hồ Chí Minh ghi nhận chỉ số IIP tháng 7 của giảm 19,4%, đây là cú đánh rất mạnh vào nền kinh tế cả nước.

Các chuyên gia cũng cho rằng, xu hướng này có thể còn tiếp tục trong tháng 8. Bởi nhiều khả năng TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam sẽ phải tiếp tục duy trì việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thêm tối thiểu 2 tuần nữa và đó cũng là thời điểm chốt số liệu kinh tế tháng 8.

Không chỉ các chỉ số tăng trưởng của các ngành giảm sút mà áp lực lạm phát đang tăng lên cũng là lo ngại của các chuyên gia. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 bật tăng 0,62% so với tháng trước và việc CPI tháng sau tăng cao hơn tháng trước đã liên tục duy trì trong những tháng gần đây. Đáng quan ngại hơn là bên cạnh các yếu tố do thị trường, các chuyên gia cũng chỉ ra một phần gây ra giá cả tăng còn do sự thiếu hụt cục bộ hàng hóa, do sự bất nhất giữa các địa phương hoặc lúng túng trong áp dụng các quy định giãn cách dẫn đến ách tắc lưu thông hàng hóa.

Chính vì vậy, các chuyên gia kỳ vọng Chính phủ sẽ có những chỉ đạo kịp thời để việc chống dịch của các địa phương được thống nhất xuyên suốt hơn, đảm bảo an toàn chống dịch, nhưng cũng đảm bảo lưu thông hàng hóa (bao gồm cả những hàng hóa đầu vào - đầu ra sản xuất của các doanh nghiệp) để tránh đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng.

PMI Sản xuất Việt Nam

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng Sản xuất của IHS Markit Việt Nam đo lường hiệu quả hoạt động của lĩnh vực sản xuất và được lấy từ cuộc khảo sát 400 công ty sản xuất. Chỉ số dựa trên năm chỉ số riêng lẻ với các trọng số sau: Đơn đặt hàng mới (30%), Sản lượng (25%), Việc làm (20%), Thời gian giao hàng của nhà cung cấp (15%) và Số lượng hàng đã mua (10%), với chỉ số Thời gian giao hàng được đảo ngược để di chuyển theo hướng có thể so sánh được. Chỉ số trên 50 cho thấy sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất so với tháng trước; dưới 50 thể hiện sự co lại; trong khi chỉ số bằng hoặc gần bằng 50 cho biết không có sự thay đổi.

Chỉ số PMI là gì?

Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) hay còn gọi là Chỉ số Purchasing Managers Index là chỉ số đo lường “sức khỏe” kinh tế của ngành sản xuất, được Viện Quản lý Cung ứng (The Institute of Supply Management) công bố mỗi tháng.

PMI giúp các nhà hoạch định chính sách, nhà phân tích và quản lý mua hàng nắm được các thông tin về điều kiện kinh doanh hiện tại của của các công ty hay tập đoàn nhờ vào 5 chỉ số chính bao gồm: đơn đặt hàng mới, mức tồn kho, sản xuất, giao hàng từ nhà cung ứng và môi trường lao động.

Để có được dữ liệu này, hàng tháng sẽ có những cuộc khảo sát gửi đến 370 người là các nhà điều hành thu mua hoặc cung ứng trong hơn 62 ngành khác nhau đại diện cho chín khu vực từ danh mục phân loại của hệ thống Phân Ngành Theo Chuẩn (Standard Industrial Classification – SIC), Đối với mỗi thông số chỉ thị, bản báo cáo cho biết tỷ lệ người trả lời cho mỗi câu hỏi khảo sát, mức chênh lệch thực giữa số lượng câu trả lời cao hơn/tốt hơn và các câu trả lời thấp hơn/xấu hơn, và chỉ số “khuynh hướng”. Chỉ số này là tổng của các câu trả lời để tạo thành báo cáo PMI.

Chỉ số PMI cho thấy tình hình tổng quát các ngành dịch vụ nên đây được xem là thước đo quan trọng cho mức độ phát triển của nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất.

Căn cứ vào PMI có thể thấy được mức độ mua bán trong lĩnh vực sản xuất của mỗi tháng, cũng như có cái nhìn khách quan về tốc độ trăng trường hay suy yếu về dịch vụ sản xuất của một công ty hay 1 quốc gia.

Ngọc Minh



BÀI CHỌN LỌC

Chỉ số mở rộng sản xuất của Việt Nam rớt thảm vì 'ngấm đòn' Covid-19