‘Cây gậy quyền lực’ của Trung Quốc quá bé trong thương chiến Mỹ- Trung

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc thiếu tự tin, đúng hơn là không đủ năng lực thực hiện được những lời đe dọa trả đũa kinh tế “đao to búa lớn” với Hoa Kỳ. “Cây gậy quyền lực” của Trung Quốc quá bé, họ không có đồng USD.

Trung Quốc đã củng cố “cơ bắp” của mình trong cuộc tranh cãi về ứng dụng video TikTok, sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới để làm phức tạp thêm kế hoạch bán Tiktok tại Mỹ cho các nhà đầu tư Mỹ. Một thỏa thuận được đề xuất giữa công ty mẹ Bytedance Ltd. và tập đoàn Hoa Kỳ Oracle Corp hiện đang phải chờ phán quyết của các cơ quan quản lý Trung Quốc.

Nhưng TikTok là một trường hợp ngoại lệ. Khi quan hệ Mỹ - Trung xấu đi, Bắc Kinh cho thấy họ thường không có khả năng thực hiện đến cùng các lời đe dọa trả đũa to tát của mình. Về sự bất lực đó, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc không có ai khác để đổ lỗi ngoài chính họ.

‘Cây gậy quyền lực’ quá nhỏ để Bắc Kinh có thể thực hiện các lời đe dọa ‘to tát’

Một trong những điểm nổi bật của một siêu cường là khả năng thể hiện quyền lực, cũng như ảnh hưởng đến các sự kiện và chính sách trên phạm vi quốc tế rộng lớn. Trung Quốc vẫn thiếu các công cụ để làm điều đó một cách bền vững.

Chẳng hạn, trong khi Hoa Kỳ từ lâu đã tận dụng sự “không thể thiếu của đồng USD” để áp đặt ý chí của mình lên các cá nhân, công ty và các quốc gia khác, thì Trung Quốc không có biện pháp tương tự để mở rộng phạm vi tiếp cận của mình.

Điểm yếu đó đã khiến Trung Quốc mất khả năng trả đũa với các lệnh trừng phạt gần đây của Mỹ. Sau khi chính quyền Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến việc đàn áp người tu luyện Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ thiểu số và người ủng hộ dân chủ ở Hong Kong; chính phủ Trung Quốc đã cố gắng trả đũa các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio và Ted Cruz, và những chính trị gia khác ở Mỹ.

Tuy nhiên, trừ khi những người Mỹ là mục tiêu ngẫu nhiên liên đới vào khu vực tài phán của Trung Quốc hoặc tình cờ sở hữu tài sản của Trung Quốc, các hình phạt không xác định của Trung Quốc phần lớn chỉ mang tính tượng trưng. Ngược lại, các ngân hàng Trung Quốc đã bị đặt vào tình thế “nhục nhã”, khi buộc phải thực thi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các quan chức của Trung Quốc vì nhu cầu tiếp tục được cấp vốn bằng đồng USD của họ.

Bắc Kinh có đỡ nỗi ‘cú đấm bằng đồng USD’?

Một phần sự bất lực của Trung Quốc là vì di sản lịch sử: Đồng đô-la Mỹ đã chiếm ưu thế quá lâu nên việc thay thế nó đã được chứng minh là không thể. Ngoài ra, tốc độ chậm chạp của cải cách tài chính ở đại lục cũng là một yếu tố.

Bởi vì các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ không cho phép đồng nhân dân tệ “di chuyển tự do” trên khắp thế giới và vẫn nâng cao giá trị của nó, nên sức hấp dẫn của đồng tiền này trong thương mại và tài chính toàn cầu vẫn bị hạn chế. Vào năm 2019, đồng USD đóng vai trò quan trọng trong 88% giao dịch ngoại hối trên toàn cầu; trong khi đồng nhân dân tệ chỉ chiếm 4%.

Các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc đối với dòng vốn và các nhà đầu tư nước ngoài làm phức tạp thêm vấn đề, bằng cách hạn chế quyền tiếp cận và nhu cầu đối với tài sản của Trung Quốc. Điều đó làm giảm đáng kể khả năng một quan chức Mỹ như chính trị gia Rubio (có thể nắm giữ các khoản đầu tư bằng đồng nhân dân tệ) trở thành mục tiêu.

Ngược lại, hệ thống kinh tế Mỹ cởi mở hơn đã trở thành một “thỏi nam châm hút tiền” của Trung Quốc. Người Trung Quốc là những người mua bất động sản nhà ở hàng đầu của Mỹ trong 8 năm liên tiếp.

Sự phụ thuộc vào đồng USD của Trung Quốc thậm chí còn buộc Bắc Kinh phải củng cố sự ổn định kinh tế của đối thủ. Bất chấp những phản đối mới về việc giảm lượng dự trữ hàng nghìn tỷ USD trong Kho bạc Hoa Kỳ, Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ không làm theo. Không chỉ thiếu các lựa chọn khác ngoài việc lưu trữ USD của mình, việc bán các Trái phiếu Kho bạc Mỹ sẽ làm giảm giá trị của tài sản nắm giữ, gây mất ổn định trên thị trường trái phiếu và tiền tệ toàn cầu, và do đó gây rủi ro cho sự giàu có của chính Trung Quốc.

Ở đây, một lần nữa, sau nhiều năm chính sách kinh tế tồi tệ - kìm hãm tiêu dùng trong nước, kiểm soát tiền tệ và tích lũy thặng dư bên ngoài - đã kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc.

Trung Quốc chỉ đạt được tiến bộ hạn chế trong quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng do tiêu dùng dẫn đầu, và những thặng dư đó có thể sẽ bổ sung vào kho dự trữ USD của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh thậm chí còn bị đe dọa hơn.

Đe dọa thật hay đe dọa ‘suông’?

Trái phiếu kho bạc Mỹ không phải là vũ khí tiềm năng duy nhất mà Trung Quốc phải cất trong vỏ bọc. Các quan chức đã nhiều lần đe dọa đưa các công ty Mỹ vào danh sách đen để đáp lại các lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei Technologies Co.

Việc tiếp cận thị trường rộng lớn và béo bở là đòn bẩy lớn nhất của Trung Quốc, và do đó, một bước đi như vậy có thể gây ra một số thiệt hại cho các công ty Hoa Kỳ có doanh thu đáng kể ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, danh sách đó chưa bao giờ thành hiện thực. Bắc Kinh cũng không từ bỏ thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” mà họ đã ký với Hoa Kỳ vào tháng Giêng, hay làm gián đoạn chuỗi cung ứng rộng lớn của các thương hiệu và nhà bán lẻ Mỹ tại nước này.

Điều đó phần lớn là do Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế có thu nhập trung bình, cố gắng bắt kịp với công nghệ phương Tây; nó cần phải có các sản phẩm mà các công ty Hoa Kỳ mang đến và công việc mà họ tạo ra.

Các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ biết rằng họ đã gắn “tính hợp pháp của mình” với các mục tiêu tăng trưởng cao và tỷ lệ việc làm cao. Đặc biệt là hiện nay, với nền kinh tế thế giới bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19, chính quyền này không thể để nguy cơ bị gián đoạn kinh tế xảy ra thêm lần nữa.

Tác giả: Michael Schuman là tác giả của "Siêu năng lực bị gián đoạn: Lịch sử Trung Quốc của thế giới" và "Điều kỳ diệu: Câu chuyện sử thi về hành trình tìm kiếm sự giàu có của châu Á".

Trần Đức



BÀI CHỌN LỌC

‘Cây gậy quyền lực’ của Trung Quốc quá bé trong thương chiến Mỹ- Trung