‘Cắt đứt’ với Trung Quốc, Việt Nam trở thành lựa chọn hàng đầu của Ấn Độ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cùng là nạn nhân của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam - quốc gia với 44 cảng biển lớn trong số 320 cảng biển, được mệnh danh là vùng đất “Thăng Long” vì hình dáng uốn lượn như Rồng bay, hiện đang là sự chọn lựa của Ấn Độ để thay thế Trung Quốc.

Kể từ cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Ladakh, đã có những lời kêu gọi mạnh mẽ tẩy chay các sản phẩm của Trung Quốc. Chính phủ Ấn Độ đặt ra một số rào cản đối mậu dịch Ấn-Trung, hạn chế phê duyệt chương trình FDI và ngăn chặn 59 ứng dụng phần mềm của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng áp đặt các quy định chặt chẽ hơn về mua sắm của chính phủ đối với sản phẩm Trung Quốc, hạn chế nhập khẩu TV màu (Trung Quốc là nhà xuất khẩu sang Ấn lớn nhất) và áp dụng nhiều hạn chế khác nữa.

Dù vậy, do quá phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc để phát triển điện tử và viễn thông, gần đây chính phủ Ấn Độ cũng vấp phải những lập luận phản đối việc tách khỏi Trung Quốc. Gần 38-39% tổng kim ngạch nhập khẩu thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông là từ Trung Quốc.

Các ngành này đã được ghi nhận là tăng trưởng mạnh mẽ kể từ khi Ấn - Trung “xích lại” gần nhau hơn về kinh tế. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ cho đến năm 2018-2019 và trở thành “chất xúc tác” chính để thúc đẩy các ngành công nghiệp mới của Ấn Độ.

Năm 2014, Ấn Độ có khá ít nhà sản xuất di động, nhưng đến năm 2019, nước này trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ hai trên thế giới với 200 công xưởng. Ngành công nghiệp này đã tạo “động lực lớn” trong vấn đề việc làm và thu hút được các công ty toàn cầu như Foxcom, một công ty khổng lồ của Đài Loan.

Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu dược phẩm. Một trong những lý do tăng trưởng là do nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc. Chẳng hạn như, nhập khẩu thuốc với số lượng lớn hoặc Thành phần Dược phẩm Hoạt động (API) - nguyên liệu thô để sáng tạo các công thức và chế tạo thuốc; chúng được sử dụng để sản xuất ít nhất 12 loại thuốc thiết yếu như paracetamol, ranitidine, ciprofloxian, met formin, axit acetylsalicylic, ofloxacin, metronidozole, ampicilin và axit ascorbic.

Theo Tiến sĩ Saktivel Sevaraj, Giám đốc Kinh tế - Y tế, Ấn Độ nhập khẩu 80% API từ Trung Quốc vì giá thành rẻ hơn 20-30% so với Ấn Độ.

Trong khi mối quan hệ chính trị Ấn - Trung trở nên “băng giá”, Trung Quốc cũng đang phải đối đầu với hai “cơn cuồng phong”. Đó là cuộc thương chiến đang diễn ra với Hoa Kỳ - điểm đến lớn nhất cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc; và làn sóng rời bỏ Trung Quốc của các nhà đầu tư nước ngoài sau khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc giảm 6,2% trong 5 tháng đầu năm 2020. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên “truyền cảm hứng” cho các nhà đầu tư chuyển từ Trung Quốc sang các nước chi phí thấp khác như Việt Nam, các quốc gia ASEAN khác và Ấn Độ. Hoa Kỳ cũng không khuyến khích các nhà đầu tư nước này sản xuất tại Trung Quốc và từ đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Để giảm sự phụ thuộc nhập khẩu vào Trung Quốc, Ấn Độ có thể tìm các giải pháp thay thế Trung Quốc hoặc phát triển chuỗi cung ứng nội địa bằng cách tăng sản lượng, hoặc là kết hợp cả hai phương án.

Việt Nam đang nhanh chóng “nổi lên” như một sự thay thế cho Trung Quốc. Theo Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ (US Census Bureau), nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ đã tăng 33% trong nửa đầu năm 2019. Giá nhân công thấp (thấp hơn gần 50% so với Trung Quốc) là một trong những đặc điểm thu hút đầu tư vào Việt Nam. Chuyên môn lớn nhất của Việt Nam là sản xuất điện tử, dệt may và đồ nội thất. Máy móc điện, điện tử là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm các nguồn thay thế cho chuỗi cung ứng sẽ không đủ để khắc phục tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu. Cuối cùng, việc sản xuất trong nước và thay thế nhập khẩu vẫn quan trọng hơn. Thay thế nhập khẩu phải là đòn bẩy quan trọng để các quốc gia tự lực cánh sinh.

Thay thế nhập khẩu sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất tại nước tiêu thụ và có thể tạo ra “một cuộc sống mới” cho các nhà đầu tư trong nước, giúp họ bắt tay với các nhà đầu tư nước ngoài để chuyển giao công nghệ và tránh rủi ro đầu tư vốn.

Một cách khác là chính phủ Ấn Độ có thể khuyến khích các nhà đầu tư chuyển đầu tư ra nước ngoài. Cùng với sự phát triển của công nghiệp trong nước, đầu tư ra nước ngoài sẽ bổ sung cho chuỗi cung ứng sản xuất. Nói cách khác, việc gắn kết các nước [kết hợp] với nền sản xuất trong nước sẽ tạo ra một chuỗi cung ứng ổn định cho sản xuất.

Một bài học có thể được rút ra là từ chính sách xe hơi áp dụng vào địa bàn châu Á của công ty Toyota. Với nỗ lực cắt giảm chi phí, công ty Nhật Bản này đã đầu tư vào Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia và Ấn Độ để xây dựng chuỗi cung ứng mới. Toyota đã thiết lập các cơ sở sản xuất động cơ diesel, bộ phận ép, trục ở Thái Lan, hộp số tay (loại giữa) ở Philippines, động cơ máy tính ở Malaysia, động cơ xăng và khóa cửa ở Indonesia và hộp số tay (loại lớn) ở Ấn Độ.

Sự phụ thuộc của Ấn Độ vào nhập khẩu phải tuân theo tình trạng năng động mới. Bước ngoặt trong quan hệ hai nước là khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi viếng thăm Việt Nam vào tháng 9/2016 - chuyến công du đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ tại Việt Nam sau 15 năm. Đặc biệt, mối quan hệ Việt - Ấn đang “bùng lên” mạnh mẽ, khi cả hai quốc gia đều trở thành “nạn nhân” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tác giả Subrata Majumder là cố vấn của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), New Delhi.

Tâm An

Theo National Herald



BÀI CHỌN LỌC

‘Cắt đứt’ với Trung Quốc, Việt Nam trở thành lựa chọn hàng đầu của Ấn Độ