Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc thúc đẩy sự thoái lui của kinh tế thị trường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những ý tưởng cũ cũng giống như quần áo cũ - hãy đợi đủ lâu và chúng sẽ trở lại thành mốt. Nếu như 30 năm trước, "chính sách công nghiệp bảo hộ" đang là mốt thời thượng, thì giờ đây, các chính phủ trên khắp thế giới, từ Washington đến Bắc Kinh và New Delhi đến London, đang tìm lại niềm vui của nền kinh tế trợ cấp và ca ngợi sự tự cường kinh tế cũng như các đầu tư “chiến lược”.

Ý nghĩa của sự phát triển này vượt ra ngoài các quy luật của kinh tế học. Những năm 1990, sự chấp nhận của quốc tế đối với thị trường tự do và toàn cầu hóa đã giúp xoa dịu các căng thẳng địa chính trị. Khi đó, chiến tranh lạnh đã kết thúc và các chính phủ phải cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư hơn là tập trung vào vấn đề lãnh thổ.

Giờ đây, cạnh tranh địa chính trị lại đang trỗi dậy. Nó thúc đẩy xu hướng nhà nước can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế. Khi lòng tin giữa Mỹ và Trung Quốc suy giảm, mỗi bên bắt đầu coi sự phụ thuộc vào bên kia đối với bất kỳ mặt hàng quan trọng nào - dù là chất bán dẫn hay khoáng chất đất hiếm - là một mối nguy hiểm tiềm tàng. Do đó, việc tăng cường sản xuất trong nước và đảm bảo nguồn cung nội địa là lựa chọn mới cho các chính phủ.

Những năm gần đây, Mỹ đã cấm xuất khẩu các công nghệ quan trọng sang Trung Quốc và tìm cách kéo các chuỗi cung ứng quay trở lại Hoa Kỳ. Đồng thời, chính phủ nước này cũng cấp vốn trực tiếp cho ngành sản xuất chất bán dẫn nội địa. Về phần mình, Trung Quốc đã áp dụng chính sách kinh tế “tuần hoàn kép”, nhấn mạnh đến nhu cầu trong nước và đạt được “những đột phá lớn trong công nghệ then chốt” (theo lời ông Tập Cận Bình). Bắc Kinh cũng đang thắt chặt kiểm soát của nhà nước đối với lĩnh vực công nghệ.

Một cuộc chạy đua vũ trang dường như đang xảy ra, khi mỗi bên biện minh cho các động thái của mình đối với chủ nghĩa bảo hộ như một phản ứng đối với các hành động của bên kia. Washington đang xem xét thông qua Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược Mỹ-Trung, cáo buộc Trung Quốc đang theo đuổi “các chính sách kinh tế trọng thương do nhà nước lãnh đạo” và hoạt động gián điệp công nghiệp. Ngược lại, Bắc Kinh cho rằng nước Mỹ đang lụi tàn, và rằng khi cố gắng ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ cũng đồng thời quay lưng lại với toàn cầu hóa. Ông Tập tuyên bố rằng phản ứng dữ dội chống lại toàn cầu hóa ở phương Tây có nghĩa là Trung Quốc càng phải trở nên tự chủ hơn .

Tại Ấn Độ, chính phủ Narendra Modi cũng đang thực hiện chính sách Atmanirbhar Bharat (Ấn Độ tự chủ), khuyến khích sản xuất các mặt hàng chủ chốt ở trong nước.

Liên minh Châu Âu (EU) năm ngoái cũng đã xuất bản một báo cáo về chiến lược công nghiệp bảo hộ. Các quốc gia này coi đây là cách để hướng tới quyền tự chủ chiến lược và ít phụ thuộc hơn vào thế giới bên ngoài. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi Châu Âu hãy đảm bảo “quyền làm chủ và sở hữu các công nghệ quan trọng” của họ.

Ngay cả chính quyền Bảo thủ ở Anh cũng đang quay lưng lại với nền kinh tế tự do. Chính phủ đang xem xét mua cổ phần trong các doanh nghiệp quan trọng, có vai trò chiến lược đối với sự ổn định kinh tế của Vương quốc.

Đại dịch Covid-19 đã củng cố tính “thời trang” cho chính sách công nghiệp bảo hộ. Các nước ngày càng coi việc sản xuất vaccine trong nước là lợi ích quan trọng của quốc gia, ngay cả khi họ chê bai “chủ nghĩa dân tộc vaccine” ở những nước khác. Nhiều chính phủ đã khuyến khích sản xuất vaccine tự chế trong nước. Các nước đã có được rất nhiều kinh nghiệm quý giá về khả năng chống chịu của quốc gia trong thời gian đại dịch, và giờ đây họ đang áp dụng những gì học được vào các lĩnh vực khác, từ năng lượng đến nguồn cung cấp thực phẩm.

Ở Mỹ, các lập luận về an ninh quốc gia cho chính sách công nghiệp bảo hộ đang gặp phải phản ứng dữ dội từ những người chống lại toàn cầu hóa và thương mại tự do. Đáp lại, Tổng thống Joe Biden cả quyết tuyên bố trước Quốc hội: "Tất cả các khoản đầu tư vào kế hoạch việc làm của người Mỹ sẽ đều tuân theo nguyên tắc: Mua hàng của người Mỹ".

Năm ngoái, Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Biden, đã thúc giục chính phủ “vượt ra khỏi triết lý kinh tế tân tự do thịnh hành trong 40 năm qua” và chấp nhận một “chính sách công nghiệp mang đậm dấu ấn Mỹ”. Theo ông, Mỹ sẽ tiếp tục thua Trung Quốc về các công nghệ quan trọng như 5G và tấm pin mặt trời “nếu Washington tiếp tục phụ thuộc quá nhiều vào nghiên cứu và phát triển của khu vực tư nhân”.

Các nhà kinh tế thị trường tự do trên thế giới tỏ ra lo lắng về xu thế này. Ông Swaminathan Aiyar, một nhà bình luận nổi tiếng ở Ấn Độ, cho biết: “Tự cung tự cấp là điều mà Nehru và Indira Gandhi đã cố gắng trong những năm 1960 và 1970. Đó là một thất bại tồi tệ và khủng khiếp”. Ông Adam Posen, chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, gần đây đã chỉ trích "sự rút lui kinh tế tự thất bại của Mỹ", cho rằng các chính sách nhằm hỗ trợ các ngành hoặc khu vực được lựa chọn thường kết thúc bằng thất bại và tốn kém.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, việc các quốc gia cân nhắc các chính sách kinh tế để đảm bảo an ninh là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, các bài học đắt giá từ các nền kinh tế tự cung tự cấp, các chính sách bảo hộ kinh tế đã có rất nhiều. Các quốc gia nếu không cân nhắc kỹ lưỡng những tác động tiêu cực này thì sẽ rất dễ rơi vào cái vòng luẩn quẩn, tự trói buộc, tự phong bế chính mình mà không cách nào thoát ra được. Bởi vì, suy cho cùng, đôi khi những ý tưởng không còn hợp thời là có lý do của nó.

Bài viết có tham khảo ý tưởng của ông Gideon Rachman - trưởng chuyên mục đối ngoại của Financial Times và cũng là người biên tập các mục kinh doanh và châu Á của The Economist.

Lê Minh

Theo FT



BÀI CHỌN LỌC

Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc thúc đẩy sự thoái lui của kinh tế thị trường