Cải cách kinh tế của Bắc Kinh còn lâu mới kết thúc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không chỉ còn lâu mới kết thúc mà dường như màn đêm mới chỉ bắt đầu khi cải cách kinh tế nhấn mạnh vào việc “thịnh vượng chung” và “phân phối chính, phân phối lại, và phân phối thứ ba”, nơi ĐCSTQ đóng vai trò quyết định trong việc thu gom tài sản toàn xã hội, tái phân phối lại cho các khu vực kinh tế và dân cư. Bởi vậy, cải cách kinh tế này phải là câu chuyện của hàng thập kỷ…

Trong vài tháng qua, Bắc Kinh đã có một ‘cơn bão chính sách quản lý mới’ với hàng loạt các điều chỉnh chính sách kinh tế. Tờ "The Wall Street Journal" nêu rõ: "Lý do chính phủ Trung Quốc thực hiện hàng loạt chính sách này cho thấy Bắc Kinh có mục đích lớn hơn và có ý thức hệ [cộng sản chủ nghĩa] cấp bách, mạnh mẽ hơn”.

Vài ngày trước, Tổng bí thư ĐCSTQ kiêm Chủ tịch nước ông Tập Cận Bình đã đề xuất chiến lược "thịnh vượng chung" và "phân phối thứ ba" tại cuộc họp của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ba phân phối đã thu hút nhiều sự chú ý trên khắp các diễn đàn kinh tế - chính trị trong và ngoài nước. Cụm từ này khiến người ta không khỏi liên tưởng tới việc dường như ông Tập đang muốn lái con thuyền kinh tế Trung Quốc quay trở lại nền kinh tế kế hoạch tập trung cao độ dưới thời Mao. Một nền kinh tế ‘Mao hóa’ xóa sổ kinh tế tư nhân sau 4 thập kỷ mở cửa tự do.

Sự tăng cường giám sát, đàn áp của Bắc Kinh với các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải, Hồng Kông và New York đã ảnh hưởng đến các công ty toàn cầu.

Về việc Trung Quốc đột ngột thay đổi khuôn khổ quy định, chuyên gia kinh tế Trung Quốc Robin Xing của Morgan Stanley cho rằng đây không phải là lần đầu tiên rủi ro này xảy ra. Điểm khác biệt lần này nằm ở mục tiêu của Bắc Kinh mong muốn làm chủ lượng dữ liệu khổng lồ của các công ty Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ, vì vậy việc điều chỉnh chính sách lần này có tác động rõ ràng hơn đến các nhà đầu tư toàn cầu.

Wim-Hein Pals, người đứng đầu nhóm cổ phần thị trường mới nổi của Robeco, nói rằng việc kiếm tiền ở Trung Quốc luôn quá dễ dàng, nhưng những thay đổi trong vài ngày qua đã thay đổi nhận thức của mọi người.

Địa chấn ở Bắc Kinh

Tại cuộc họp lần thứ mười của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 17/8, Tập Cận Bình đã đề xuất "thúc đẩy thịnh vượng chung", "xây dựng các sắp xếp thể chế cơ bản về phân phối chính, phân phối lại và phân phối thứ ba", tăng cường điều chỉnh các khoản thanh toán thuế và chuyển nhượng, "ngăn ngừa và giải quyết các rủi ro tài chính lớn" và các vấn đề khác.

Fang Xingdong, người sáng lập China Labs tại Bắc Kinh, chỉ ra rằng một số công ty lớn nhất của Trung Quốc đã phát triển ‘một cách man rợ’ và không tuân thủ quá nhiều khía cạnh trong những năm qua. Sẽ mất nhiều thời gian để các cơ quan ban ngành liên quan của chính phủ giải quyết vấn đề này.

Tờ Wall Street Journal trong bài bình luận "Công cuộc tái cơ cấu ngành công nghiệp của Trung Quốc mới chỉ bắt đầu và thị trường đang đối mặt với nhiều cơn bão hơn" cho biết, Trung Quốc còn rất nhiều việc phải làm, bao gồm cả mong muốn của chính phủ để giải quyết vấn đề chi phí giáo dục cao, chăm sóc y tế, nhà ở. Tất cả những vấn đề này chính là rào cản khiến tỷ lệ sinh ở Trung Quốc thấp kỷ lục, khiến cơ cấu dân số của Trung Quốc trở thành hòn đá tảng chặn đường tăng trưởng của nền kinh tế này.

Thanh trừng đi kèm tái cấu trúc nền kinh tế

Vào ngày 21/8, ông Chu Giang Dũng, bí thư Thành ủy Hàng Châu, đã bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương điều tra. Hàng Châu, với dân số hơn 10 triệu người, là thủ phủ của tỉnh Chiết Giang và là trụ sở chính của Alibaba và những gã khổng lồ công nghệ khác. Ông Chu Giang Dũng, người vừa bị kỷ luật, có mối quan hệ thân thiết với Alibaba và từng ủng hộ nhà sáng lập Alibaba Jack Ma.

Li Hengqing, một học giả tại Viện Thông tin và Chiến lược Washington, tin rằng vụ thanh trừng kỷ luật Chu Giang Dũng có thể liên quan đến việc chấn chỉnh kinh tế của nhà chức trách. Ông phân tích, ông Chu Giang Dũng có mối quan hệ cực kỳ thân cận với Alibaba, và việc bắt giữ ông Chu có thể là một lời cảnh báo của Bắc Kinh rằng nó có thể “húc núi rung trời”.

Vào ngày 23/8, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thông báo rằng để tiếp tục tối ưu hóa việc loại bỏ "các mối quan hệ chính trị và kinh doanh thân hữu", Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Thành phố Hàng Châu đã đưa ra biện pháp "quản lý chặt chẽ bản thân, thành viên gia đình, con cái và nhân viên xung quanh các quan chức”, nơi này vốn luôn duy trì mối quan hệ chính trị và kinh doanh thân hữu. Ngay cả bản thân các quan chức cũng tham gia vào kinh doanh bất hợp pháp, tạo các công ty thân hữu, sân sau và làm giàu cho gia tộc bằng quyền lực chính trị của họ.

Cuộc thanh trừng theo biện pháp này có thể ảnh hưởng tới 25.000 quan chức ở tất cả các cấp của Hàng Châu, bao gồm cả các quan chức đương nhiệm, những người đã nghỉ hữu, hoặc những người từ chức trong 3 năm qua.

Khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc thật đáng kinh ngạc

Tuy “thúc đẩy thịnh vượng chung” không phải là một khẩu hiệu mới nhưng khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc hiện đang ngày càng rộng ra. Theo một tiết lộ, 500 gia đình quyền lực hàng đầu của ĐCSTQ nắm giữ tới 40% tài sản của đất nước này.

Tiến sĩ Tạ Điền, ​​giáo sư tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, Mỹ, nói với độc giả của "Watch China": "Suy nghĩ kỹ lại về con số. Một cách tương đối, Trung Quốc có 1,4 tỷ người. Làm tròn số, giả định Trung Quốc có 1,5 tỷ người và mỗi gia đình 3 người, vậy Trung Quốc chỉ có 500 triệu gia đình. Hãy nghĩ khoảng cách giữa 500 triệu gia đình và 500 gia đình. Có sự khác biệt là sáu số không giữa 500 và 500 triệu gia đình và sáu số không là 100.000 lần. Vì vậy, toàn bộ 500 triệu gia đình chiếm 60% của cải toàn xã hội trong khi 500 gia đình này chiếm 40%, điều này thực sự rất đáng kinh ngạc".

Quan hệ chính phủ - doanh nghiệp

Các nhà phê bình tin rằng hũ vàng đầu tiên đối với hầu hết người giàu đều liên quan đến các đặc quyền họ có được từ đảng và chính phủ. Vì vậy, đến một mức độ giàu có nhất định và khi quốc gia cần, việc quốc gia đòi lại tài sản này là đương nhiên. Tờ "Financial Times" đưa tin, trong tương lai, Didi Chuxing có thể phải bán các cổ phiếu vàng của họ cho chính phủ với các quyền can thiệp đặc biệt của chính phủ vào doanh nghiệp này.

Và đây không phải là trường hợp đầu tiên. Chính quyền tỉnh Quý Châu là một trong những tỉnh nghèo nhất ở Trung Quốc với tỷ lệ nợ cao nhất, nợ công chiếm hơn 100% GDP của tỉnh. Năm 2019 và cuối năm 2020, công ty Kweichow Moutai đã liên tiếp tặng số lượng cổ phiếu khổng lồ cho Chính quyền tỉnh Quý Châu. Việc sử dụng tài sản tư nhân của Kweichow Moutai trị giá 2 nghìn tỷ NDT để hỗ trợ chính quyền tỉnh Quý Châu trả khoản nợ 1 nghìn tỷ NDT được coi là một thí điểm thành công.

"Phân phối thứ ba" là gì?

Trong số các kế hoạch vì sự thịnh vượng chung, kế hoạch "ba phân bổ" được coi là đáng sợ nhất. Hu Ping, tổng biên tập danh dự của "Mùa xuân Bắc Kinh", nói rằng cái gọi là phân phối thứ ba đề cập đến việc các cá nhân hoặc công ty tự nguyện quyên góp một phần thu nhập khả dụng của họ cho hoạt động từ thiện, để những người có thu nhập cao hơn sẽ chuyển sang thu nhập thấp hơn. Xóa bớt khoảng cách giàu nghèo.

Việc giảm khoảng cách giàu nghèo thông qua các khoản quyên góp được cho là một điều phổ biến ở các nước dân chủ. Ví dụ, Mỹ có truyền thống lâu đời về các hoạt động quyên góp từ thiện cá nhân. Nước Mỹ khuyến khích các khoản đóng góp tư nhân bằng cách khấu trừ thuế. Nhưng Trung Quốc thì khác. Khi chính sách được đưa ra thì nó sẽ trở thành một hệ thống cưỡng ép chứ không tự nguyện, điều này hoàn toàn khác với Mỹ. Một trong những đặc điểm cơ bản nhất của việc quyên góp là nó mang tính tự nguyện, chứ không phải là bắt buộc. Khoản tiền đóng góp tùy thuộc vào người đóng góp, số tiền này không giống với thuế. Thuế là khoản phải trả theo quy tắc của pháp luật. Nhưng giờ đây, theo thông lệ của Trung Quốc, chúng ta có thể tưởng tượng rằng nó chắc chắn sẽ trở thành một điều bắt buộc.

“Phân phối thứ ba” có thể sẽ dẫn tới các đóng góp bắt buộc, cưỡng ép, không giới hạn và phi pháp luật mà ĐCSTQ muốn bất kỳ tổ chức, cá nhân nào ở Trung Quốc phải tuân theo.

Thanh Đoàn

(Theo Vision Times)

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Cải cách kinh tế của Bắc Kinh còn lâu mới kết thúc