‘Cách mạng Văn hóa’ 2021 ở Trung Quốc và những hệ lụy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh đang triển khai chiến dịch sâu rộng nhằm 'uốn nắn' xã hội. Từ công nghệ đến giải trí và dạy phụ đạo, rất ít lĩnh vực thoát khỏi sự thắt chặt kiểm soát của nhà cầm quyền. Với rất nhiều hệ lụy đang và sẽ xảy ra, liệu ông Tập có thành công hay không?

Những ông lớn công nghệ của Trung Quốc đang phải giao nộp một phần lợi nhuận cho nhà cầm quyền ở Bắc Kinh để thể hiện lòng trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tên tuổi của các diễn viên nổi tiếng cũng như các nhóm trực tuyến lập ra bởi những người hâm mộ họ đã biến mất không vết tích trên Internet. Các game thủ trẻ giờ chỉ được phép chơi không quá ba tiếng đồng hồ mỗi tuần.

Trên khắp các lớp học của Trung Quốc, khoảng 147,000 thanh tra viên mới đã được khai triển để giám sát việc truyền bá tư tưởng của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

Trong những tháng gần đây, dù là thương mại điện tử, giải trí, giáo dục, hay kinh doanh trò chơi điện tử, ít có lĩnh vực nào của xã hội Trung Quốc mà không bị ‘rờ đến’ bởi hàng loạt hành động quản lý và trấn áp của Bắc Kinh. Các nhà chức trách xử lý mạnh tay, thị trường chứng khoán chao đảo với hàng trăm tỷ NDT ‘bốc hơi’, các công ty và cá nhân chật vật thăm dò quy định mới vì lo sợ rằng họ sẽ khiến nhà cầm quyền phật ý.

Các cuộc đàn áp liên tiếp này diễn ra nhanh chóng và khó hiểu. Một số người đã ví những nỗ lực của ĐCSTQ trong thời gian gần đây với Cách mạng Văn hóa, một giai đoạn kéo dài một thập niên kể từ năm 1966 khi Mao Trạch Đông tìm cách tái khẳng định quyền kiểm soát của mình trong Đảng. Ông Mao đã phát động một chiến dịch quần chúng nhằm phá hủy truyền thống, niềm tin tín ngưỡng, và thuần phong mỹ tục của Trung Quốc.

Một “cuộc cải cách sâu sắc” đang được tiến hành ở Trung Quốc - đây là nhận định của nhà viết tiểu luận dân tộc chủ nghĩa Lý Quảng Mãn. Trong một bài bình luận được truyền đi nhanh chóng trên các trang web truyền thông nhà nước nổi tiếng của Trung Quốc, ông Lý đã ca ngợi chiến dịch của ĐCSTQ là “sự trở lại mục tiêu ban đầu của Đảng… và sự hồi quy về bản chất của chủ nghĩa xã hội”.

Journalists walk past a screen showing video footage of Chinese President Xi Jinping, during a visit to the Museum of the Communist Party of China, near the Birds Nest national stadium in Beijing on June 25, 2021, part of the celebrations marking the 100th anniversary of the founding of the Communist Party of China (CPC) on July 1. (Photo by NOEL CELIS / AFP) (Photo by NOEL CELIS/AFP via Getty Images)
Các nhà báo đi ngang qua màn hình chiếu đoạn phim về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bảo tàng ĐCSTQ, gần sân vận động quốc gia Tổ Chim (Birds Nest) ở Bắc Kinh hôm 25/06/2021. (Ảnh: Noel Celis / AFP qua Getty Images)

Giống như trước đây, ĐCSTQ đã làm ra vẻ rằng một loạt các động thái này là cần thiết vì lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên, các hành động này đã diễn ra với tốc độ chóng mặt và sự chuẩn bị kỹ lưỡng chưa từng có.

Bà June Teufel Dreyer, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Miami, cho biết việc này giống như “những ngày đầu” của một cuộc cách mạng văn hóa.

Với ông Robert Atkinson, nhà kinh tế học đồng thời là nhà sáng lập Tổ chức Sáng tạo và Công nghệ Thông tin có trụ sở tại Washington, thì những biện pháp được thực thi đã đánh dấu nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm hạn chế quyền tự do biểu đạt. Ông đã lấy lệnh cấm “các diễn viên ẻo lả” và các hạn chế chơi trò chơi điện tử làm ví dụ.

Ông Atkinson nói với The Epoch Times rằng, “Quý vị có cảm giác rằng những gì ông Tập đang nói là: ‘Không, chúng tôi không muốn một xã hội theo chủ nghĩa cá nhân. Công việc của quý vị với tư cách là một công dân Trung Quốc là ủng hộ và tuân theo Đảng’”.

Ông cho biết, “Mục tiêu của Trung Quốc không phải là làm cho người dân hạnh phúc, mà là làm cho Đảng hùng mạnh”.

Toàn quyền kiểm soát mọi khía cạnh cuộc sống

Theo bà Dreyer, ‘giọt nước làm tràn ly’ đối với ĐCSTQ là vào hồi tháng 10/2020 khi nhà sáng lập gã khổng lồ Alibaba Jack Ma có một phát ngôn chỉ trích thẳng thừng hệ thống quản lý của Trung Quốc. Vì sự thẳng thắn của mình, doanh nhân này đã bặt vô âm tín trong suốt 3 tháng. Chỉ sau một đêm, ĐCSTQ đã hủy bỏ sự kiện lẽ ra phải là đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất thế giới của Ant Group, công ty công nghệ tài chính liên kết với Alibaba.

Bắc Kinh đang “cố gắng ngăn không cho những người giàu và có thế lực như ông Jack Ma… tham gia vào quá trình ra quyết định chính trị,” bà Dreyer nói thêm.

Jack Ma, CEO of Chinese e-commerce giant Alibaba, speaks during his visit at the Vivatech startups and innovation fair, in Paris on May 16, 2019. (Photo by Philippe LOPEZ / AFP) (Photo credit should read PHILIPPE LOPEZ/AFP via Getty Images)
Ông Jack Ma, Giám đốc điều hành của Alibaba, diễn thuyết trong chuyến thăm tại hội chợ khởi nghiệp và đổi mới Vivatech ở Paris, hôm 16/05/ 2019. (Ảnh: Philippe Lopez / AFP qua Getty Images)

Việc ông Jack Ma bị trừng phạt dường như là cột mốc mở ra một cuộc đại tu sâu rộng, bao trùm hầu hết mọi khía cạnh của xã hội Trung Quốc. Kể từ đó, các cơ quan quản lý đã xóa các ứng dụng bị cáo buộc vi phạm quy định về chuyển dữ liệu, phong sát những người nổi tiếng “hành xử sai trái,” kỷ luật hàng ngàn tài khoản “truyền thông cá nhân” vì dám “nói xấu thị trường tài chính”, và cấm dạy thêm có trả phí đối với các môn học chính ở trường.

Ông Atkinson nói, “đó là cách mà ĐCSTQ gửi một thông điệp tới giai tầng tư bản rằng… quý vị với tư cách là một doanh nhân phải chịu sự chi phối của Đảng”.

Song song với các động thái kể trên, Bắc Kinh liên tục nhấn mạnh vào “thịnh vượng chung”- một phương châm mà Đảng đã ca tụng từ những ngày đầu thành lập như là mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa xã hội.

Một trong những cam kết gần đây của ông Tập là tái phân phối tài sản để thu hẹp khoảng cách chênh lệch thu nhập hiện đang rất lớn. Điều này có khả năng lôi kéo sự ủng hộ của dân chúng khi ông Tập đang nỗ lực cho nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 3 chưa từng có tiền lệ vào cuối năm 2022.

Các lĩnh vực bị nhắm tới đã và đang chạy đua để tuân theo các nghị quyết của ĐCSTQ. Hàng chục diễn viên đã ký tên vào các tuyên bố ủng hộ chiến dịch của Bắc Kinh. Công ty đang gặp rắc rối Alibaba hôm 03/09 cũng tuyên bố sẽ chi 100 tỷ NDT (tương đương 15,5 tỷ USD) cho đến năm 2025 để hỗ trợ “thịnh vượng chung”.

This aerial photo shows the logo (L) of China's pioneering digital payments firm Alipay on the office block of its parent company Ant Group in Shanghai on November 4, 2020. (Photo by Hector RETAMAL / AFP) (Photo by HECTOR RETAMAL/AFP via Getty Images)
Logo của công ty thanh toán kỹ thuật số Alipay trên khối văn phòng của công ty mẹ Ant Group ở Thượng Hải hôm 04/11/2020. (Ảnh: Hector Retamal / AFP qua Getty Images)

Theo đuổi ‘sự phục hưng’ vĩ đại

Đằng sau những thay đổi dồn dập này là tầm nhìn của ông Tập về một “sự phục hưng” vĩ đại, một thuật ngữ mà ông đã nhắc đến hơn 20 lần khi phát biểu tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh hôm 01/07 trong sự kiện đánh dấu sinh nhật lần thứ 100 của ĐCSTQ.

Thế nhưng chiến dịch phục hưng này đã gặp phải một số trở ngại lớn trong nước.

Lực lượng lao động của Trung Quốc đã bị thu hẹp trong nhiều năm trở lại đây. Một nguyên nhân là chính sách sinh sản kéo dài hàng thập kỷ chỉ cho phép mỗi gia đình có một con. Ngay cả khi Bắc Kinh thay đổi giới hạn này thành 2 con vào năm 2016, thì chi phí nuôi dạy trẻ em ở các đô thị Trung Quốc vẫn khiến các bậc cha mẹ tương lai lo lắng. Trung Quốc, hiện đang khuyến khích sinh con thứ 3, đã hủy bỏ các bài kiểm tra đối với học sinh lớp một và lớp hai, đồng thời cấm các công ty dạy thêm vì lợi nhuận. Bắc Kinh đổ lỗi rằng các công ty này đã gây thêm gánh nặng tài chính cho các gia đình. Đường dây nóng của nhà nước đã được thiết lập để truy bắt những người vi phạm.

Những biện pháp như vậy không nhất thiết được các bậc cha mẹ Trung Quốc đón nhận. Họ đã dành nhiều thời gian và tiền bạc vào việc học của con mình để chuẩn bị cho các con tham gia vào kỳ thi tuyển sinh đại học có mức độ cạnh tranh gay gắt.

Cô Amy Ma (bí danh), một giáo viên tiểu học đã có 30 năm giảng dạy tại tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng, “Đây là lỗi hệ thống, và không nên bắt học sinh lẫn phụ huynh phải gánh chịu hậu quả”. Các chính sách giáo dục sẽ không làm giảm bớt sự lo lắng của các bậc cha mẹ về tương lai của con họ.

Đối với hầu hết các gia đình Trung Quốc, hệ thống giáo dục là “cơ hội đổi đời cuối cùng của con cái họ” khi mà “Đảng độc quyền mọi nguồn lực trong xã hội”, cô cho biết thêm.

Ông Richard Zhang (bí danh), trưởng bộ phận của một sở giáo dục cấp thành phố, nói với The Epoch Times rằng để nâng cao thành tích học tập, trẻ em Trung Quốc giờ đây sẽ phải nhờ đến các gia sư dạy kèm tại nhà. Với việc giảm thiểu số lượng gia sư bởi các quy định mới, chi phí của những dịch vụ như vậy có thể trở nên quá cao. Vì vậy, cuối cùng thì chỉ những gia đình giàu có mới có khả năng tạo được lợi thế cạnh tranh cho con em họ mà thôi.

Một phụ nữ đeo khẩu trang ngồi trước tấm biển quảng cáo trung tâm tiêm chủng COVID-19 của chính quyền địa phương ở Bắc Kinh hôm 23/05/2021. (Ảnh: Kevin Frayer / Getty Images)
Một phụ nữ đeo khẩu trang ngồi trước tấm biển quảng cáo trung tâm tiêm chủng COVID-19 của chính quyền địa phương ở Bắc Kinh hôm 23/05/2021. (Ảnh: Kevin Frayer / Getty Images)

Sự thiếu nhiệt tình của thế hệ Millennial ở Trung Quốc (những người sinh vào khoảng năm 1980 cho đến đầu thập niên 2000) cũng đang cản trở động lực ‘phát triển thịnh vượng’ của ĐCSTQ. Một phong trào phản văn hóa mới được gọi là “thảng bình” (tangping), hay ‘nằm yên và không làm gì’, đang trở nên thịnh hành ở những người trẻ tuổi. Những người này ngày càng trở nên bất mãn với những yêu cầu quá cao trong cuộc sống nghề nghiệp và xã hội.

Bà Dreyer cho biết, bị truyền thông nhà nước Trung Quốc quy chụp là “đáng hổ thẹn” — trong khi một số người khác lại ca ngợi đó là một hình thức phản kháng thầm lặng — cách tiếp cận cuộc sống “nằm yên mặc thế sự” đang được nhiều người trẻ Trung Quốc áp dụng hoàn toàn trái ngược với những gì mà ông Tập cần để hậu thuẫn cho tham vọng của Bắc Kinh.

Bà nói thêm: “Ông Tập muốn thấy một xã hội có tính cạnh tranh cao, trong đó mọi người đều phải làm việc chăm chỉ và nhờ đó, Trung Quốc có thể lấn át Mỹ trên trường quốc tế. Ông ấy sẽ không thể đạt được điều đó nếu mọi người đều nằm yên”.

Thảm họa kinh tế

Theo ông Antonio Graceffo - nhà phân tích kinh tế Trung Quốc và cộng tác viên của The Epoch Times - thì vấn đề cấp bách về tiền mặt cũng đang buộc Bắc Kinh phải ‘tấn công’ giới nhà giàu.

Biến thể Delta – vốn đã lan rộng ra một nửa lãnh thổ Trung Quốc vào tháng 8 — đã không ngừng thách thức chiến lược tốn kém của Bắc Kinh trong việc phong tỏa các thành phố và cách ly mọi trường hợp dương tính. Điều này đã làm gián đoạn việc đi lại và gây tổn hại nghiêm trọng cho ngành du lịch. Trong khi đó, du lịch là ngành công nghiệp đã từng bùng nổ và đóng góp khoảng 1/10 cho nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2019.

A worker makes an iron bar at a steel factory in Lianyungang, in China's eastern Jiangsu province on February 12, 2021, the first day of the Lunar New Year. (Photo by - / AFP) / China OUT (Photo by -/AFP via Getty Images)
Một công nhân chế tạo sắt thép tại một nhà máy thép ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, hôm 12/02/2021. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Tăng trưởng doanh số bán hàng và sản lượng của nhà xưởng trong tháng 8 đều đạt mức thấp nhất trong vòng một năm qua do các nhà chức trách tăng cường các biện pháp hạn chế xã hội nhằm kiềm chế các đợt bùng phát virus. Trong khi đó, nợ công năm 2020 của Trung Quốc đã tăng lên mức 270% GDP, tăng khoảng 30% trong vòng một năm.

Dữ liệu từ hồi tháng 8 cho thấy cứ 7 lao động trẻ ở thành thị thì có 1 người – trong độ tuổi từ 16 đến 24 – không tìm được việc làm. Bước đi của ĐCSTQ chống lại ngành công nghiệp dạy thêm tư nhân có thể làm biến mất 140 tỷ USD và gây ra các làn sóng sa thải nhân sự.

Những dấu hiệu đó cho thấy “bờ vực của một cuộc khủng hoảng kinh tế”, ông Graceffo nói với The Epoch Times. “Tiền phải đến từ đâu đó.”

“Tôi nghĩ rằng ông Tập Cận Bình đang làm bất cứ điều gì để kiếm ra tiền”.

Tuy vậy, các nỗ lực để kích thích tăng trưởng sẽ càng trở nên xa vời bởi thông lệ đưa các chi bộ Đảng vào các công ty. Điều này là một sự cản trở khác đối với tự do kinh tế.

Theo ông Graceffo, “các chi bộ này sẽ không đưa ra các quyết định dựa trên lợi nhuận. Thay vào đó, họ sẽ đưa ra các quyết định dựa trên yêu cầu từ phía chính quyền”.

Đánh đổi

Bên cạnh những thách thức trong nước, ĐCSTQ cũng đang phải đối mặt với những sức ép từ phương Tây.

Trong năm qua, Bắc Kinh đã hung hăng chống lại khi phương Tây gia tăng chỉ trích về hồ sơ nhân quyền, chủ nghĩa quân phiệt, sự thiếu minh bạch về nguồn gốc COVID-19, và những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm đổ lỗi đại dịch cho các quốc gia khác.

Khoác lên mình chiếc áo đại cán màu xám trong suốt đại lễ trăm năm của Đảng, ông Tập cảnh báo rằng các lực lượng ngoại quốc sẽ bị “đánh sứt đầu mẻ trán” nếu họ dám bắt nạt Trung Quốc.

Các chính sách gần đây của chính quyền Trung Quốc cho thấy sự cảnh giác ngày càng cao độ đối với ảnh hưởng từ phương Tây.

Những bài kiểm tra Anh ngữ đã được thay thế bởi một khóa học bắt buộc mới về Tư tưởng Tập Cận Bình, dành cho học sinh từ tiểu học đến đại học trên toàn quốc.

This photo taken on October 8, 2015 shows Chinese schoolchildren attending class at the Shiniuzhai Puan Center Primary School in Pingjiang County in China's Hunan Province, some 150 kilometers from Changsha, on the first day back to school after the national holidays. The school is the largest in the region with over 450 pupils. AFP PHOTO / JOHANNES EISELE (Photo credit should read JOHANNES EISELE/AFP/Getty Images)
Học sinh Trung Quốc tham gia lớp học tại trường tiểu học Trung tâm Shiniuzhai Puan ở huyện Bình Giang, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, hôm 08/10/2015. (Ảnh: Johannes Eisele / AFP / Getty Images)

Bắc Kinh đang thành lập một thị trường giao dịch chứng khoán thứ ba mà một số nhà phân tích coi là một biện pháp tách rời khỏi phương Tây về tài chính. Một luật dữ liệu mới, áp dụng cho các công ty Trung Quốc cũng như các công ty ngoại quốc, nghiêm cấm tuyệt đối việc chuyển giao dữ liệu trong nước vào tay ‘ngoại bang’ và đe dọa trả đũa bất kỳ quốc gia nào sử dụng các biện pháp ‘phân biệt đối xử’ liên quan đến dữ liệu.

Các kênh truyền thông xã hội đã bị thanh trừng vì “đăng lại bản tin hoặc bài bình luận ở hải ngoại có những diễn giải sai lệch về các xu hướng tài chính của Trung Quốc”.

Ông Graceffo nói: “Họ không muốn người dân nghĩ về bất cứ điều gì khác ngoại trừ Đảng và làm thế nào để phụng sự Đảng”.

Theo bà Dreyer, ĐCSTQ đã quyết định thực hiện một “sự đánh đổi”: Cắt giảm các môn học tiếng Anh và hoạt động dạy thêm tư nhân để khiến học sinh có thêm thời gian học nhuần nhuyễn tư tưởng Đảng Cộng sản.

Bà nói: “Ít giảng dạy tiếng Anh hơn, nhồi sọ nhiều hơn, về lâu dài thì đây chính là những gì mà ĐCSTQ cần”.

Tuy nhiên, bà Dreyer cho hay, với con số 15% tỷ trọng thương mại toàn cầu của Trung Quốc trong năm 2020 - chỉ đứng thứ 3 sau Liên minh châu Âu và Mỹ – thì việc ngăn chặn hoàn toàn ảnh hưởng của phương Tây có lẽ là điều bất khả thi.

“Quý vị không thể tách biệt hoàn toàn công nghệ khỏi xã hội mà đã tạo ra nó.”

“Đơn giản là ông ấy đang cố gắng kháng cự”, bà Dreyer nói, khi ám chỉ ông Tập. “Tương lai không phải là điều được ấn định từ trước, nó chưa bao giờ là vậy”.

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

‘Cách mạng Văn hóa’ 2021 ở Trung Quốc và những hệ lụy