Cách DNNN Trung Quốc vượt rào cản thương mại của Mỹ và EU

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong suốt thập kỷ qua, Trung Quốc đã cung cấp hàng tỷ USD trợ cấp cho các công ty nhà nước để mua lại các đối thủ sản xuất phương Tây và xây dựng các nhà máy ở nước ngoài. Giờ đây, các nhà máy này đang khuấy đảo thị trường toàn cầu với hàng hóa giá rẻ trong các lĩnh vực lốp ô tô, thiết bị đường sắt, sợi thủy tinh và thép.

Trong nhiều thập kỷ, hãng Valdunes SAS của Pháp đã áp dụng mức giá rất cao đối với sản phẩm bánh xe cho tàu cao tốc và các hệ thống đường sắt khác trên thế giới mà họ sản xuất. Chiến lược đó đã thay đổi sau khi một tập đoàn công nghiệp nhà nước của Trung Quốc mua lại công ty vào năm 2014.

Chủ sở hữu mới, Maanshan Iron & Steel Co., hay MA Steel, đã giảm giá hàng hóa trong nỗ lực thống trị thị trường.

“Chúng tôi được yêu cầu không được bỏ lỡ một đơn hàng nào”, ông Jérôme Duchange, cựu giám đốc điều hành hàng đầu của Valdunes tại Pháp, nhớ lại. “Họ khao khát chinh phục thị trường”.

Công ty Pháp này hiện đang phục vụ các mục tiêu chiến lược lớn hơn của công ty thép: Cung cấp bí quyết sản xuất bánh xe cho tàu cao tốc trong các nhà máy Trung Quốc và tiếp cận với lĩnh vực đường sắt cao cấp của châu Âu và các thị trường khác trên thế giới. Vì vậy, Valdunes đã nhận được khoản tín dụng ưu đãi từ các ngân hàng chính phủ Trung Quốc và 150 triệu EUR, tương đương 181 triệu USD, từ MA Steel để duy trì hoạt động.

Trong suốt thập kỷ qua, Trung Quốc đã cung cấp hàng tỷ USD trợ cấp cho các công ty nhà nước để mua lại các đối thủ sản xuất phương Tây và xây dựng các nhà máy ở nước ngoài. Giờ đây, các nhà máy này đang khuấy đảo thị trường toàn cầu với hàng hóa giá rẻ trong các lĩnh vực lốp ô tô, thiết bị đường sắt, sợi thủy tinh và thép.

“Các công ty Trung Quốc đang mở rộng. Họ đang đầu tư ở khắp mọi nơi”, bà Luisa Santos, Phó giám đốc Business Europe - hiệp hội doanh nghiệp chính của khu vực châu Âu, cho biết. “Điều này có nghĩa là những sai lầm mà chúng tôi thấy ở thị trường Trung Quốc hiện đang được xuất khẩu sang thị trường thế giới”.

Liên minh châu Âu (EU) trong tuần này đã đề xuất luật nhằm kiềm chế các công ty ở châu Âu được chính phủ nước ngoài trợ cấp, một trong một loạt các biện pháp nhằm chống lại sự mở rộng toàn cầu của các công ty Trung Quốc.

Ông Zhang Ming, đại sứ Trung Quốc tại EU, cho biết lập trường của châu Âu đã khiến các nhà đầu tư Trung Quốc trong khu vực lo ngại. Ông này nói rằng nó làm suy yếu sự cởi mở của EU đối với đầu tư nước ngoài.

Mỹ và các quốc gia ở Châu Âu và nhiêu quốc gia khác cũng trợ cấp cho các ngành công nghiệp của họ, thường thông qua việc giảm thuế, tài trợ xuất khẩu và tài trợ cho nghiên cứu và phát triển. Điều khiến Trung Quốc trở nên khác biệt là vai trò quá lớn của các công ty do nhà nước kiểm soát trong nền kinh tế và việc họ sẵn sàng tài trợ để mở rộng tầm ảnh hưởng ra nước ngoài.

Ông Daniel Gros, nhà kinh tế học tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Châu Âu, một tổ chức tư vấn ở Brussels, cho biết EU không thể phạt Trung Quốc vì những khác biệt đó. “Rất tiếc, chúng tôi không thể xuất mô hình của riêng mình”, “dấu ấn của các chính phủ trong nền kinh tế của chúng ta là rất, rất lớn", ông nói.

Mỹ và châu Âu từ lâu đã dựa vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thuế quan để trừng phạt Trung Quốc trợ cấp xuất khẩu bằng các khoản trợ cấp, giảm thuế và tín dụng từ các ngân hàng quốc doanh, những biện pháp đã giúp nước này tăng trưởng nhanh chóng. Nhưng các quy định của WTO không được áp dụng cho các khoản trợ cấp mà chính phủ dành cho các nhà sản xuất của họ ở nước ngoài.

Kết quả là: các nhà máy thuộc sở hữu của Trung Quốc nhưng nằm ngoài lãnh thổ nước này thường được áp dụng mức thuế thấp hơn so với mức thuế áp dụng cho các nhà máy trong nước — hoặc hoàn toàn không phải trả thuế.

Các quan chức và giám đốc điều hành phương Tây cho biết hỗ trợ tài chính từ chính phủ Trung Quốc cho phép các nhà sản xuất do Trung Quốc sở hữu ở nước ngoài hoạt động với lợi nhuận rất nhỏ, thậm chí là thua lỗ, mục đích chỉ để giành giật thị phần hoặc phục vụ các mục tiêu chiến lược của chính phủ. Họ nói, vấn đề này đặc biệt khó giải quyết khi các nhà sản xuất đó lại hoạt động ngay trong thị trường phương Tây.

Ông Michael Wessel, thành viên của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung, cơ quan tư vấn cho Quốc hội về chính sách Trung Quốc, cho biết: “Trung Quốc có thể không bao giờ quan tâm đến lợi nhuận bởi vì đó là một nền kinh tế phi thị trường”. “Chúng ta phải đánh giá xem với tư cách là một nền kinh tế thị trường, chúng ta coi điều đó có thể chấp nhận được hay không”.

Ủy ban này đang khuyến nghị Quốc hội trao cho Ủy ban Thương mại Liên bang quyền chặn việc mua lại của các công ty nước ngoài nhận trợ cấp của chính phủ, đặc biệt là nếu khoản trợ cấp đó được sử dụng để thực hiện giao dịch. Các nhà chức trách Mỹ nên có quyền kiểm tra các kế hoạch của các công ty do Trung Quốc sở hữu để xây dựng nhà máy ở Mỹ, nhất là những nhà máy là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia và nền kinh tế.

Luật mới được đề xuất của EU sẽ cho phép Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của khối, ngăn chặn các vụ mua lại của các công ty được chính phủ nước ngoài trợ cấp hoặc áp đặt các hạn chế đối với họ để ngăn chặn sự thao túng đối với thị trường châu Âu.

Các quy tắc của EU hạn chế mức viện trợ mà các quốc gia thành viên có thể cung cấp cho khu vực tư nhân. Các quan chức của khối cho biết luật trợ cấp nhằm mục đích san bằng sân chơi: các công ty Trung Quốc ở châu Âu sẽ không được phép hưởng lợi từ các khoản trợ cấp của chính phủ Trung Quốc khi các công ty châu Âu bị chính phủ của họ cấm hỗ trợ tương tự.

Bắc Kinh nói rằng những lời chỉ trích của phương Tây đối với hoạt động của họ đã kìm hãm sự phát triển kinh tế của nước này: "Các nước phương Tây lớn hình thành hầu hết các quy tắc thương mại thế giới", phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu, "Đó là thông lệ của họ để duy trì quyền bá chủ”.

Để duy trì khả năng tiếp cận thị trường châu Âu, Chính phủ Trung Quốc đang đề nghị dỡ bỏ các hạn chế đối với đầu tư của các công ty châu Âu vào nền kinh tế nội địa của Trung Quốc, một phần của thỏa thuận đầu tư sơ bộ với EU vào tháng 12 tới. EU cho biết họ đang xúc tiến việc áp dụng luật trợ cấp nước ngoài bất kể hiệp định đầu tư có thành công hay không.

Cờ của Liên minh Châu Âu bay bên ngoài Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp, vào ngày 11 tháng 5 năm 2016. (Christopher Furlong / Getty Images)
Cờ của Liên minh Châu Âu bay bên ngoài Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp, vào ngày 11 tháng 5 năm 2016. (Christopher Furlong / Getty Images)

Tháng 1 vừa qua, Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá đối với lốp xe từ Thái Lan, Hàn Quốc và Việt Nam sau khi các công ty Trung Quốc chuyển sang sản xuất ở những nước này để thoát khỏi mức thuế của phương Tây đối với lốp xe nhập khẩu từ Trung Quốc. Các khoản đầu tư của Trung Quốc đã giúp biến Thái Lan thành nước xuất khẩu lốp xe lớn nhất thế giới. Các công ty Trung Quốc cũng đang xây dựng các nhà máy sản xuất lốp xe ở Algeria, Serbia và các nơi khác để xuất khẩu sang phương Tây mà không bị áp thuế chống bán phá giá.

Năm ngoái EU đã đánh thuế đối với các công ty sản xuất sợi thủy tinh của Trung Quốc tại một khu công nghiệp do Trung Quốc điều hành ở Ai Cập. Các nhà điều tra của EU phát hiện ra rằng các công ty Trung Quốc ở Ai Cập đã nhận được hàng trăm triệu USD từ các ngân hàng nhà nước do Bắc Kinh kiểm soát. Các công ty Trung Quốc này đang thách thức mức thuế tại Tòa án Công lý Châu Âu.

Tháng 2 năm nay, EU đã mở một cuộc điều tra về các khoản trợ cấp của chính phủ Trung Quốc đối với việc xây dựng nhà máy luyện thép không gỉ lớn nhất thế giới tại một đặc khu ở Indonesia.

Tập đoàn Cổ phần Cán bộ Đường sắt Trung Quốc, hay CRRC, một gã khổng lồ đường sắt do nhà nước kiểm soát, đã xây dựng 2 nhà máy ở Mỹ. Các khoản đầu tư đã giúp CRRC “chiến thắng” các chính trị gia địa phương và đáp ứng các quy tắc yêu cầu tỷ lệ hàng hóa tối thiểu đối với các cơ quan vận tải công cộng sản xuất tại Mỹ. CRRC định giá thấp hơn các đối thủ cạnh tranh gần nhất tới 20%, đảm bảo hợp đồng với Boston, Chicago, Los Angeles và Philadelphia, theo các tài liệu của chính phủ Hoa Kỳ.

Khi MA Steel mua Valdunes với giá chỉ 13 triệu EUR, công ty Pháp đang gặp khó khăn về tài chính. MA Steel coi việc mua lại này là một cách để mở rộng kênh bán hàng ở nước ngoài — bởi vì thương hiệu của Valdunes nổi tiếng trong ngành — và để có được bí quyết chế tạo bánh xe chính xác cho tàu cao tốc.

Valdunes bắt đầu xuất khẩu bánh xe giá rẻ sang Úc cho các hoạt động khai thác. Sự gia tăng nhập khẩu từ cả hai nhà máy của Valdunes và MA Steel ở Trung Quốc đã khiến Úc áp thuế chống bán phá giá đối với 2 công ty này.

Cùng năm đó, khi Valdunes thua lỗ, hội đồng quản trị của MA Steel đã thông qua khoản vốn 70 triệu EUR khác cho công ty Pháp này. “Valdunes là cầu nối để công ty thâm nhập sâu hơn vào châu Âu và các thị trường nước ngoài khác”, MA Steel cho biết.

Vào cuối năm 2019, MA Steel đầu tư vào China Baowu, công ty thép lớn nhất của đất nước, thuộc sở hữu của chính phủ trung ương. Dưới quyền sở hữu mới, MA Steel cho biết hoạt động kinh doanh đường sắt của họ đang tiếp tục chiến lược mở rộng toàn cầu bằng cách sử dụng Valdunes.

“Chính quyền Biden thể hiện sự quan tâm lớn đến sự phát triển của vận tải đường sắt”, Chủ tịch Ding Yi của MA Steel cho biết khi thảo luận về kết quả của công ty vào tháng 3, “điều này mang đến cho chúng tôi cơ hội lớn”.

Trần Đức

Theo WSJ



BÀI CHỌN LỌC

Cách DNNN Trung Quốc vượt rào cản thương mại của Mỹ và EU