Các trường học ở Anh đang ‘bán mình’ cho Bắc Kinh?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không chỉ các học viện tư nhân Anh bị các công ty Trung Quốc mua lại, một số trường học Anh còn đang giảng dạy các bài học mà chính quyền Trung Quốc phê chuẩn - phiên bản hoàn toàn ”sạch” về lịch sử và chính trị Trung Quốc. Đây chính là mối đe dọa cho tự do ngôn luận và tính toàn vẹn của nền giáo dục Anh.

Tờ The Mail on Sunday tiết lộ rằng hàng trăm trường học độc lập của Anh gặp khó khăn về tài chính do đại dịch viêm phổi Vũ Hán - đang được các nhà đầu tư Trung Quốc nhắm tới.

Sự ‘kiếm ăn điên cuồng’

Các chuyên gia dự đoán một sự “kiếm ăn điên cuồng” khi các công ty, bao gồm cả một số công ty do các thành viên cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền, đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của họ đối với hệ thống giáo dục của Anh.

Đã có 17 trường học Anh thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc, nhưng con số này dự kiến sẽ tăng vọt. Trong bối cảnh lo ngại gia tăng về những “xúc tu” của Bắc Kinh xâm nhập vào các lớp học của Anh, một cuộc điều tra của tờ báo này tiết lộ rằng:

  • 9 trong số 17 trường học Anh hiện nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc - thuộc sở hữu của các công ty mà người sáng lập là những đảng viên cao cấp nhất của ĐCSTQ;
  • Trường trung học cơ sở của Công nương Diana đã thuộc sở hữu của một nhóm người Trung Quốc - vốn đang công khai kinh doanh dựa trên tên tuổi của bà;
  • Các trường học đang sử dụng các công cụ giáo dục để dạy trẻ em về các quan điểm 'minh oan' cho Trung Quốc;
  • Một công ty thừa nhận việc mua lại các trường học ở Anh là để hỗ trợ chiến lược Vành đai và Con đường (BRI) gây tranh cãi của Trung Quốc - nhằm mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh.

Nhiều trường độc lập tại Anh đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh phí vì đại dịch. Việc tuyển sinh giảm mạnh và học phí giảm do học sinh đang học ở nhà.

Các trường nội trú đã báo cáo rằng học phí giảm tới 35% và phí học sinh nội trú giảm 20%. Họ và các trường độc lập khác đã không thể tận dụng tối đa các chương trình của Chính phủ, vì họ phải mở cửa để hỗ trợ con em của những người lao động chủ chốt hoặc những học sinh đang học trực tuyến.

Năm ngoái, các công ty Trung Quốc đã mua lại ba trường học Anh.

Các trường học Anh bị sở hữu bởi các công ty Trung Quốc:

  • Trường Abbots Bromley, Staffordshire
  • Trường Bournemouth Collegiate
  • Trường St Michael ở Llanelli, Carmarthanshire
  • Trường Cao đẳng độc lập Bosworth ở Northampton
  • Trường Cao đẳng Bedstone ở Shropshire
  • Trường trung học Ipswich
  • Trường Kingsley ở Bideford, Devon
  • Trường Heathfield Knoll
  • Trường Ngữ pháp Thetford ở Norfolk
  • Trường Ngữ pháp Wisbech ở Cambridgeshire
  • Trường THCS Riddlesworth Hall ở Norfolk
  • Trường nữ sinh Adcote gần Shrewsbury, Shropshire
  • Trường Cao đẳng Myddelton ở Denbigh, Wales
  • Trường Cao đẳng CATS - gồm các cơ sở ở London, Cambridge và Canterbury
  • Trường Ngữ pháp Chase
  • Trường Abbotsholme, Derbyshire
  • Trường St Bees, Cumbria

Một tổ chức lớn là Bright Scholar, đã mua một số trường học và cao đẳng vào năm 2018 và 2019, bao gồm Trường Bournemouth Collegiate, Trường St Michael ở Llanelli, Carmarthanshire - nơi Bộ trưởng Tư pháp Robert Buckland và ca sĩ Cerys Matthews từng là học sinh, và Trường Cao đẳng độc lập Bosworth ở Northampton.

Học sinh ngồi trong lớp tại Trường học Anh vào ngày 4 tháng 9 năm 2003 ở London (Ảnh của Scott Barbour / Getty Images)
Học sinh ngồi trong lớp tại Trường học Anh vào ngày 4 tháng 9 năm 2003 ở London (Ảnh của Scott Barbour / Getty Images)

Bright Scholar thuộc sở hữu của bà Dương Huệ Nghiên - người được cho là sở hữu đến 20 tỷ bảng Anh - khiến bà trở thành người phụ nữ giàu nhất châu Á. Trường được thành lập bởi cha bà là ông Dương Quốc Cường - thành viên hội đồng cố vấn cấp cao nhất của ĐCSTQ.

Bà Dương, 39 tuổi, là cổ đông lớn của công ty bất động sản Country Garden (Bích Quế Viên) - công ty mẹ của Bright Scholar.

Lợi dụng thương hiệu Anh

Hai trường độc lập - Bedstone College ở Shropshire và trường Trung học Ipswich - thuộc sở hữu của một quỹ do Tập đoàn Wanda của Trung Quốc hậu thuẫn.

Wanda là tập đoàn đầu tư vào công nghệ, bất động sản, khách sạn và truyền thông, đã mua lại các trường học Anh vào năm 2017 - thông qua nhà quản lý tài sản có trụ sở tại thành phố London và Tập đoàn Oxford.

Tập đoàn Wanda được thành lập bởi Wang Jianlin, một cựu quân nhân Quân đội Giải phóng Nhân dân, người sở hữu khoảng 10 tỷ bảng Anh và là thành viên của hội đồng cố vấn cấp cao của ĐCSTQ.

Hai trường nữa - Trường Kingsley ở Bideford, Devon, và Trường Heathfield Knoll ở Worcestershire - thuộc sở hữu của Tập đoàn China First Capital - có các thành viên cao cấp của ĐCSTQ trong hội đồng quản trị.

Những trường khác bị các công ty Trung Quốc mua lại bao gồm: Trường Ngữ pháp Thetford ở Norfolk - có cựu học sinh là nhà tư tưởng cấp tiến Thomas Paine; Trường Ngữ pháp Wisbech ở Cambridgeshire; và Trường PTCS Riddlesworth Hall ở Norfolk - nơi Công nương Diana từng theo học.

Riddlesworth được Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Khổng Tử mua lại vào năm 2015 và trang web của trường đã ca ngợi các liên kết của mình với vị Công nương quá cố.

Chủ sở hữu của công ty này, Kong Lingtao, người tự xưng là hậu duệ trực tiếp của triết gia Trung Quốc Khổng Tử, cũng khoa trương về chuyến thăm Cung điện Buckingham vào năm 2014 của ông, khi ông có dịp gặp Hoàng tử Philip.

Một công ty khác, Ray Education Group, đã mua lại Trường Nữ sinh Adcote gần Shrewsbury, Shropshire và trường Cao đẳng Myddelton ở Denbigh, Wales vào năm 2018.

Trên trang web của mình, Ray Education nêu chi tiết kế hoạch sử dụng các trường học ở Anh để giúp mở rộng sang các nước khác - như một phần trong chiến lược BRI của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - nhằm tăng cường ảnh hưởng kinh tế và chính trị toàn cầu của Trung Quốc.

Với tiêu chí “thị trường quốc tế”, Ray Education cho biết họ đang “dựa vào các trường thương hiệu của Anh để đáp ứng lời kêu gọi về BRI của chính phủ Trung Quốc” - nhắm mục tiêu mở rộng ở Malaysia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Thái Lan, Nam Phi, Nigeria và các nước khác.

Giám đốc điều hành của Ray Education, James Hu - là bí thư quận ủy Hồng Khẩu của ĐCSTQ, cho biết: "Trường Nữ sinh Adcote và trường Cao đẳng Myddelton là một phần trong kế hoạch trường toàn cầu của chúng tôi”.

Nghị sĩ đảng Bảo thủ Tom Tugendhat cho rằng Trung Quốc sử dụng các thương hiệu trường học đã có tên tuổi để đạt được vị trí đó (Ảnh: TOLGA AKMEN/AFP qua Getty Images)
Nghị sĩ đảng Bảo thủ Tom Tugendhat cho rằng Trung Quốc sử dụng các thương hiệu trường học đã có tên tuổi của Anh trong việc gây ảnh hưởng toàn cầu (Ảnh: TOLGA AKMEN/AFP qua Getty Images)

Ông nói thêm: “Chúng tôi đã thành lập ba trường Adcote và hai trường Cao đẳng Myddelton được nhượng quyền tại Trung Quốc trong vòng hai năm, và chúng tôi có kế hoạch đưa hai thương hiệu này đến các khu vực và quốc gia khác trong tương lai gần”.

Tối qua, nghị sĩ Đảng Bảo thủ Tom Tugendhat, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, cho biết: “Sự hiểu biết và tiếp cận chiến lược của Trung Quốc có nghĩa là họ có lợi thế trong việc tìm cách gây ảnh hưởng đến người khác, và sử dụng các thương hiệu đã có tên tuổi, bao gồm một số thương hiệu của chúng ta để đạt được vị trí đó”.

Những tiết lộ này sẽ làm tăng thêm mối lo ngại về sự phát triển của các Viện Khổng Tử tại 29 trường đại học của Anh, và các Phòng học Khổng Tử - một nhánh của nó - tại gần 150 trường, bao gồm cả Cao đẳng Wellington ở Crowthorne, Berkshire.

Những Viện Khổng Tử này tuyên bố quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, nhưng các nhà phê bình cho rằng họ là phương tiện để Bắc Kinh truyền bá các tuyên truyền, cũng như dùng để hạn chế tự do ngôn luận.

Ngoại trưởng Dominic Raab tháng trước cho biết Chính phủ đang xem xét lại vai trò của các Viện Khổng Tử - vốn đang bị giám sát ở các nước phương Tây khác.

Các nhà phê bình chỉ ra rằng các tài nguyên giáo dục được sử dụng trong các lớp học Khổng Tử được xem như một bằng chứng về sự tuyên truyền tư tưởng ĐCSTQ.

Một công cụ học tập phổ biến khác là trang Chairman's Bao - một dịch vụ tin tức dành cho trẻ em, bao gồm các bài báo về việc khách du lịch thích các chuyến đi đến khu vực người Duy Ngô Nhĩ thiểu số bị đàn áp.

Tối ngày 20/2, một phát ngôn viên của Bộ Giáo dục Anh, cho biết: “Các chủ sở hữu các trường độc lập có yêu cầu thúc đẩy các giá trị cơ bản của Anh. Trường học không thể thúc đẩy quan điểm chính trị đảng phái”.

‘Nước Anh phải chấm dứt ngay lập tức việc tiếp quản tư tưởng ĐCSTQ trong các trường học của chúng ta’

Chính trị gia Nigel Farage viết cho The Mail On Sunday: “Thế giới đang bị xâm chiếm một cách lén lút bởi ĐCSTQ. Theo một dự án tân thuộc địa, Chủ tịch Tập Cận Bình hy vọng đạt được sự thống trị kinh tế toàn cầu thông qua các khoản đầu tư quốc tế lớn. Họ mở rộng ra ngoài việc mua tài nguyên khoáng sản hoặc hệ thống viễn thông phương Tây. Có một khía cạnh văn hóa tràn ngập sự tuyên truyền và thuyết giáo.

Không bằng lòng với việc tài trợ cho một số trường đại học ở Anh, giờ đây chúng ta biết rằng các công ty Trung Quốc có liên hệ trực tiếp với các cấp cao nhất của ĐCSTQ - đang nắm được lợi ích tài chính đáng gờm trong các trường học của chúng ta. Chính phủ phải tỉnh giác với những nguy hiểm này và phải có hành động nhanh chóng".

Ông Farage cho rằng đặc biệt rủi ro là các trường tư thục. Lạm phát có nghĩa là phí đã tăng nhanh chóng trong hai thập kỷ qua và do đó, tất cả mọi người trở nên không đủ khả năng chi trả học phí, trừ những người giàu nhất.

Do đó, các trường như vậy - đặc biệt là những trường nội trú - phụ thuộc vào học sinh Trung Quốc để giúp cân bằng sổ sách.

Kể từ năm 2014, một mạng lưới các công ty Trung Quốc đã âm thầm mua lại các cơ sở đang gặp khó khăn như vậy. Không ai biết điều này sẽ đi bao xa.

Sự toàn vẹn đối với nền giáo dục của hàng nghìn trẻ em Anh đang bị đe dọa, Bộ trưởng Giáo dục Gavin Williamson phải giải quyết vấn đề này như một vấn đề cấp bách (Ảnh: Jeff J Mitchell/Getty Images)
Sự toàn vẹn đối với nền giáo dục của hàng nghìn trẻ em Anh đang bị đe dọa, Bộ trưởng Giáo dục Gavin Williamson phải giải quyết vấn đề này như một vấn đề cấp bách (Ảnh: Jeff J Mitchell/Getty Images)

Một số người sẽ nhún vai và nói rằng tốt hơn là nên hỗ trợ các tổ chức như vậy bằng tiền của Trung Quốc, thay vì nhìn thấy các trường đó đóng cửa. Nhưng điều đó lại bỏ qua những vấn đề quan trọng hơn nhiều.

Ví dụ, ba trường học và một mạng lưới các trường cao đẳng hiện thuộc sở hữu của Bright Scholar Group do bà Dương Huệ Nghiên điều hành - người có cha là tỷ phú, và là một đảng viên cao cấp của ĐCSTQ. Về bản chất, đây không khác gì việc chính quyền Trung Quốc tiếp quản một phần khu vực giáo dục tư nhân của Anh.

Trong khi đó, cần chú ý vai trò của các Viện Khổng Tử. Dưới sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc, sinh viên của các viện này được dạy một phiên bản hoàn toàn ”sạch” về lịch sử và chính trị Trung Quốc.

Không có một chút nào đề cập đến hoàn cảnh bị đàn áp nhân quyền của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ hay việc xóa bỏ nền dân chủ ở Hong Kong.

Trớ trêu thay khi một trường học, Thetford Grammar ở Norfolk, hiện nằm trong tay của China Financial Services Holdings có trụ sở tại Hong Kong. Ngôi trường này là trường cũ của nhà tư tưởng cấp tiến Thomas Paine - tác giả cuốn Quyền con Người - đã truyền niềm tin giúp thành lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Thực tế là chính phủ Anh đã quá ủng hộ Trung Quốc trong một thời gian dài - và tất cả chỉ vì các cuộc đàm phán liên quan đến tiền bạc.

Sự toàn vẹn đối với nền giáo dục của hàng nghìn trẻ em Anh đang bị đe dọa, Bộ trưởng Giáo dục Gavin Williamson nên phải giải quyết vấn đề này như là một vấn đề cấp bách.

Thủy Tiên

Theo dailymail



BÀI CHỌN LỌC

Các trường học ở Anh đang ‘bán mình’ cho Bắc Kinh?