Các thương vụ thâu tóm tài sản nước ngoài của tỷ phú Việt khiến thế giới phải bất ngờ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Báo chí nước ngoài đã không chỉ một lần phải thốt lên ngỡ ngàng và ngưỡng mộ về mức độ siêu giàu của các đại gia Việt.

Tháng 4/2012, một tỷ phú Việt đã không ngần ngại đưa ra một mức giá cực “khủng” (900.000 USD) trong một cuộc bán đấu giá để trở thành chủ nhân của thị trấn Buford, ở Wyoming (Mỹ).

Buford là một thị trấn nhỏ thuộc bang Wyoming, miền trung nước Mỹ. Thị trấn có diện tích khoảng 4 hecta, gồm một trường học, một trạm xăng, một tháp phát sóng thông tin di động, vài căn nhà và một tiệm tạp hóa. Burford có mã số bưu điện độc lập. Thị trấn Buford ở độ cao 2.438 m so với mực nước biển, nằm trên đường nối từ New York đến San Francisco, nằm giữa Cheyenne, thủ phủ của bang Wyoming, và thành phố Laramie.

Doanh nhân này là ông Phạm Đình Nguyên, Tổng giám đốc Công ty IDS, chuyên về phân phối và phát triển thương hiệu. Sau khi trở thành thị trưởng của thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ, ông Nguyên đã xúc tiến thành lập Công ty cà phê PhinDeli, đồng thời đổi tên cả thị trấn thành PhinDeli với tham vọng quảng bá, kinh doanh loại cà phê pha phin đặc trưng của Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng Mỹ. Ông Nguyên cũng tiết lộ, ông sẽ dùng Buford như là một bàn đạp tinh thần để giới thiệu các thương hiệu từ Việt Nam.

Thị trấn PhinDeli. (Ảnh: Flickr)
Thị trấn PhinDeli. (Ảnh: Flickr)

Từ thâu tóm tài sản nước ngoài trên đất Việt...

Nhiều năm trở lại đây, báo giới đã phải tốn khá nhiều giấy mực để đưa tin về một loạt các thương vụ của tập đoàn Việt Nam thâu tóm tài sản nước ngoài trên đất Việt. Đáng chú ý là, vào thời điểm mua lại, các tài sản này đều đang sinh lời và được định giá khá cao.

Tiêu biểu là sự kiện Công ty Hanel Hà Nội đã mua lại 100% cổ phần của khách sạn 5 sao Deawoo Hà Nội từ doanh nghiệp Hàn Quốc. Đây là một trong số ít khách sạn lớn, sang trọng bậc nhất của Hà Nội, có vị trí đắc địa nằm ngay góc ngã tư Kim Mã, Liễu Giai, cạnh công viên Thủ Lệ.

Một thương vụ mua lại khách sạn 5 sao lớn khác cũng khiến giới đầu tư thế giới phải ngả mũ là việc một tập đoàn Việt Nam tên là BRG mua lại khách sạn Hilton Opera - một khách sạn có vị trí hiếm có ở Hà Nội từ tay các ông chủ Đức và Áo.

Một thương vụ khác cũng gây được chú ý là việc một trong những khu resort 5 sao đầu tiên của Việt Nam, có tiếng tăm trên toàn thế giới là Furama Resort Đà Nẵng đã được doanh nghiệp Việt Nam mua lại.

Giữa năm 2005, Tập đoàn nội địa Sovico đã mua lại toàn bộ cổ phần của liên doanh Khu du lịch Bắc Mỹ An (gồm Công ty Du lịch Đà Nẵng và tập đoàn Lai Sun Hong Kong).

Tương tự, Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh công bố đã mua lại hệ thống khách sạn và khu nghỉ dưỡng Victoria tại nhiều địa phương ở Việt Nam và Campuchia. Theo đó, chuỗi 5 khu nghỉ dưỡng - khách sạn mang thương hiệu Victoria do Công ty TNHH EEM Victoria của Hong Kong phát triển tại Việt Nam và Campuchia sẻ được chuyển nhượng từ chủ đầu tư là liên doanh khách sạn Victoria Việt Nam sang công ty Thiên Minh, bao gồm Victoria Phan Thiết Beach Resort & Spa, Victoria Sapa Resort & Spa, Victoria Cần Thơ Resort, Victoria Châu Đốc Hotel, Victoria Hội An Beach Resort & Spa và Victoria Angkor Resort & Spa (Campuchia).

Không dừng ở đó, các vụ đại gia trong nước mua lại khách sạn, resort của nhà đầu tư ngoại phải kể đến Công ty Cổ phần Sao Sáng Sài Gòn, thành viên của Ngân hàng Nam Á, đã trả 11 triệu USD để sở hữu dự án Peninsula (P. Thảo Điền, Q.2, TP.HCM) từ tay đối tác JSM Indochina Ltd.

Ngoài ra, dự án sân golf 36 lỗ ở Củ Chi (với quy mô 200ha) vốn thuộc sở hữu của Công ty TNHH Một thành viên Phát triển GS Sài Gòn, Hàn Quốc (GS Engineering & Construction Corp., viết tắt là GS E&C) đã trở thành "tài sản" của C.T Group với tên gọi mới là C.T Sphinx Golf Club & Residences…

Năm 2008, khách sạn 4 sao Amara Saigon (đường Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM) chính thức được đổi tên thành Ramana Hotel Saigon sau khi được Công ty TNHH phát triển BĐS Vina (Vina Properties) mua lại. Trước đó, Amara Saigon thuộc sở hữu của Công ty TNHH khách sạn Amara Saigon, 100% vốn nước ngoài.

Như vậy, với tiền đề này, việc các "đại gia" Việt vươn vòi bạch tuộc, thâu tóm các các dự án tầm cỡ quốc tế là hoàn toàn khả thi.

...đến thâu tóm các tập đoàn ngoại

Năm 2020, Tập đoàn Masan đã mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của nhà chế tạo hàng đầu thế giới có công nghệ chịu nhiệt H.C. Starck (Đức).

Đây là bước đi chiến lược đưa Masan Resources từ nhà khai khoáng xuất thô thành thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao. Doanh nghiệp Việt này kể từ đó đã có mặt trong top đầu các nhà chế tạo sản phẩm vonfram cho các ngành công nghiệp lớn như cơ khí chế tạo, khai khoáng, ô tô, năng lượng, hàng không và công nghiệp hóa chất.

Một bể lọc quặng trong nhà máy chế biến khoáng sản Núi Pháo thuộc Tập đoàn Masan Tài Nguyên. (Ảnh: Tara)
Một bể lọc quặng trong nhà máy chế biến khoáng sản Núi Pháo thuộc Tập đoàn Masan Tài Nguyên. (Ảnh: Tara)

Vingroup cũng có những thương vụ M&A “để đời”. Để làm Vsmart, Vingroup thâu tóm 51% công ty smartphone BQ của Tây Ban Nha. Việc này giúp VSmart có thể khai thác năng lực của đội ngũ chuyên gia trình độ châu Âu trong quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm cũng như ứng dụng các công nghệ tối tân vào sản xuất.

Để gia tăng năng lực VinFast, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã quyết định mua lại Trung tâm thử nghiệm xe Lang Lang nằm ở bang Victoria (Úc) với diện tích gần 900ha. Đây được xem là một bước đi táo bạo để nâng tầm quốc tế cho thương hiệu. Trong năm 2020, VinFast đã thiết lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển ô tô đặt tại Melbourne (Úc).

Năm 2014, Tập đoàn FPT cũng mua lại công ty công nghệ RWE IT Slovakia thuộc Tập đoàn công nghệ hàng đầu châu Âu - RWE. RWE IT Slovakia sở hữu các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp (SAP) có thế mạnh cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin, đặc biệt là các giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp và giải pháp ngôi nhà thông minh “Smart Home” mà FPT đang hướng tới.

Một doanh nghiệp khác cũng nổi tiếng thức thời, đã đi đầu xu hướng này là Vinamilk. Từ cách đây 10 năm bà Mai Kiều Liên đã chi 10 triệu USD thâu tóm nhà máy sữa Driftwood của Mỹ. Sau vài năm tái cấu trúc, nhà máy sữa có lịch sử tồn tại cả thế kỷ tại Mỹ đã giúp Vinamilk kiếm lợi hơn 100 triệu USD. Driftwood còn là bước đệm để Vinamilk đưa các sản phẩm sữa từ Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ.

Ngoài Mỹ, Vinamilk cũng đã mua cổ phần tại Nhà máy Miraka ở New Zealand. Thương vụ này đã giúp Vinamilk có được nguồn cung cấp bột sữa tốt và ổn định. Ngoài ra, Vinamilk cũng đã ghi nhận những khoản doanh thu lớn và nguồn nguyên liệu ổn định từ việc đầu tư xây dựng các nhà máy sữa, trang trại bò hữu cơ tại thị trường Campuchia và Lào.

Xu hướng mới: Thâu tóm các doanh nghiệp phụ trợ ngoài nước

Ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn tương đối yếu và manh mún, khó chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thay vì chấp nhận bị các doanh nghiệp lớn nước ngoài qua mặt hoặc thâu tóm, nhiều đại gia Việt đã làm ngược lại, chi bộn tiền vào M&A để sở hữu các công ty phụ trợ nước ngoài. Đây là xu hướng cần khuyến khích để có được chỗ đứng trong chuỗi cung ứng của thế giới.

Tiêu biểu là Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Tập đoàn này liên tục thực hiện các thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) để sở hữu các công ty sản xuất linh kiện điện tử hoạt động ổn định ở Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Mới đây, Đức Long Gia Lai đã mua 100% vốn và sáp nhập công ty Hanbit (Hàn Quốc) chuyên sản xuất các mặt hàng về thẻ nhớ, board mạch, đèn led cung cấp cho Hyundai, LG. Trước đó Đức Long Gia Lai cũng tiến hành M&A nhà máy điện tử Quality Systems Integrated Corporation (QSIC) của Mỹ tại Khu công nghệ cao quận 9, TP.HCM.

Một phần của khu nhà máy điện năng lượng mặt trời của tập đoàn Đức Long Gia Lai. (Ảnh: Tổng hợp)
Một phần của khu nhà máy điện năng lượng mặt trời của tập đoàn Đức Long Gia Lai. (Ảnh: Tổng hợp)

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) đánh giá cao bước đi này của doanh nghiệp Việt. Theo ông, việc đáp ứng được các nhu cầu về công nghiệp phụ trợ của các công ty đa quốc gia là một trong những đòi hỏi lớn của Việt Nam nhằm đem lại môi trường đầu tư tốt nhất, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam còn quá yếu để đáp ứng các linh kiện, phụ kiện cho các đối tác khi họ đầu tư vào Việt Nam.

"Bởi doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu về công nghiệp phụ trợ nên nhiều năm qua chúng ta thu hút FDI nhưng hiệu quả đối với việc phát triển công nghiệp Việt Nam nói chung cũng như sự kết nối giữa FDI với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam gần như bằng không. Vì thế, việc cần phải đáp ứng được các sản phẩm phụ trợ cho các tập đoàn lớn của nước ngoài là đòi hỏi vô cùng cần thiết và cấp bách hiện nay.

Có như vậy bản thân doanh nghiệp trong nước mới bắt tay được với các tập đoàn quốc tế, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó tạo ra mạng lưới các doanh nghiệp vừa và nhỏ phục vụ nhu cầu về công nghiệp phụ trợ của các doanh nghiệp ngoại", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

"Đây là việc làm thức thời và đáp ứng được đòi hỏi của việc phát triển nền công nghiệp. Thay vì ngồi chờ đợi thì nhiều doanh nghiệp Việt đã chủ động tìm kiếm đối tác nước ngoài để hợp tác", ông Thịnh nhấn mạnh.

Sau khi mua bán sáp nhập, doanh nghiệp Việt sẽ nắm được ngay các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh, nắm được các mối đầu ra, đầu vào của doanh nghiệp mà họ thâu tóm. Mặt khác, họ có được công nghệ sản xuất hàng phụ trợ của doanh nghiệp này và được thừa hưởng lượng khách hàng sẵn có của các doanh nghiệp ngoại.

"Điều quan trọng nhất trong việc mua bán-sáp nhập này đó là doanh nghiệp Việt sẽ tạo ra được vị thế đối với các doanh nghiệp FDI quốc tế, công ty đa quốc gia, có được các nhà máy, sản phẩm có thể cung cấp cho những doanh nghiệp này để từ đó có được thương hiệu, tên tuổi và các mối quan hệ.

Trên cơ sở đó, doanh nghiệp Việt sẽ xây dựng các chân rết - những doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất linh kiện, phụ kiện cho các doanh nghiệp ngoại vừa bị họ thâu tóm, tạo các giá trị rẻ hơn mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của FDI và các công ty đa quốc gia.

Từ đây, mối liên kết giữa các doanh nghiệp FDI quốc tế với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước được hình thành. Trên cơ sở đó họ có thể tận dụng nguồn lao động, nguyên liệu ở Việt Nam để phát triển trong tương lai gần và xa cũng như tạo ra thói quen trong sản xuất, kinh doanh các chi tiết thuộc công nghiệp phụ trợ. Lúc đó Việt Nam mới nên có ưu tiên, ưu đãi đặc biệt với các doanh nghiệp này, ông Thịnh cho biết.

Ngọc Minh



BÀI CHỌN LỌC

Các thương vụ thâu tóm tài sản nước ngoài của tỷ phú Việt khiến thế giới phải bất ngờ