Các thương hiệu phương Tây kẹt trong cuộc chiến giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các công ty phương Tây đang bị buộc phải lựa chọn giữa việc hỗ trợ nhân quyền và lợi nhuận từ Trung Quốc, bị cuốn vào cuộc chiến mà Mỹ và các đồng minh đang tiến hành với Bắc Kinh về cuộc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Các nhà hoạt động nhân quyền trên toàn thế giới đang kêu gọi các công ty đứng ra chống lại việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, hành động mà Mỹ đã gọi tên chính thức là "diệt chủng". Quốc hội Mỹ cũng đang xem xét luật để buộc các công ty phải đảm bảo rằng chuỗi cung ứng của họ không liên quan đến việc sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương.

Áp lực đối với các hãng này đã gia tăng kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu “tỏ thái độ” với các thương hiệu như Nike và H&M đã “dám” lên tiếng về vấn đề Tân Cương hoặc tuyên bố loại bỏ việc sử dụng lao động cưỡng bức của khu vực Tây Bắc Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng của họ.

Đã đến lúc họ phải quyết định đứng về phía nào của lịch sử

Rất nhiều công ty đã giữ vững lập trường của mình, còn một số khác đã xóa những lời chỉ trích về Tân Cương ra khỏi trang web của họ.

Ví dụ, VF Corporation, công ty sở hữu thương hiệu The North Face, đã xóa một tuyên bố về Tân Cương ám chỉ việc sử dụng lao động cưỡng bức.

VF cho biết chính sách của họ không thay đổi nhưng lại từ chối trả lời các yêu cầu giải thích về sự thay đổi này.

PVH, sở hữu thương hiệu Calvin Klein, cũng xóa bỏ một tuyên bố rằng họ “vô cùng rắc rối” về việc cưỡng chế lao động ở Tân Cương. Công ty cho biết các chính sách của họ không thay đổi nhưng không giải thích lý do tại sao họ lại loại bỏ phần này.

Anh Jewher Ilham, thuộc tổ chức giám sát quyền lao động Worker Rights Consortium, cho biết: “Họ sẽ phải nhận rằng họ đã làm điều sai trái”. "Đây là một bài kiểm tra đạo đức mà lịch sử sẽ ghi chép lại".

Họ có thể được yên ổn để làm ăn không?

Trong cuộc chiến này, các công ty may mặc là đối tượng đang phải đối mặt với áp lực lớn nhất vì Tân Cương là một trong những nguồn cung cấp bông lớn nhất của họ. Ngoài ra, nhiều lĩnh vực khác cũng bị kéo vào cuộc, chẳng hạn như các công ty nhập polysilicon để sản xuất tấm pin mặt trời.

Bà Sophie Richardson, Giám đốc Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết bà đang nhận được vô số cuộc gọi từ các công ty, một dấu hiệu cho thấy áp lực đang tăng lên rất nhanh.

“Từ đầu năm đến nay tôi đã nhận được nhiều cuộc gọi hơn so với quá trình 15 năm làm việc của tôi tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền”, bà nói. “Các ngân hàng, nhà sản xuất, công ty đầu tư, công ty dệt may đều đang hỏi cùng một câu hỏi - dựa trên tất cả các thông tin. . . về Tân Cương, rằng liệu họ có thể yên ổn duy trì hoạt động kinh doanh của mình ở đó không?”

Bà cho biết, mối quan tâm giờ đây đã trở thành “sự hoảng loạn mù quáng” khi Trung Quốc mới đây đã vận động tẩy chay một số thương hiệu phương Tây sau khi Mỹ, EU, Anh và Canada đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc vì chính sách với Tân Cương.

Những người Duy Ngô Nhĩ sống ở Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc biểu tình phản đối chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 25/3/2021.(Ảnh BULENT KILIC / AFP qua Getty)
Những người Duy Ngô Nhĩ sống ở Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc biểu tình phản đối chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 25/3/2021.(Ảnh BULENT KILIC / AFP qua Getty)

Sau lệnh trừng phạt, hãng sản xuất đồ thể thao của Mỹ Nike đã bày tỏ lo ngại về các báo cáo về lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Tuyên bố này của Nike đã được truyền thông nhà nước lan truyền, làm dấy lên sự giận dữ từ người dùng mạng xã hội Trung Quốc. H&M bị Liên đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc cáo buộc “tẩy chay” bông Tân Cương, sau đó nhà bán lẻ Thụy Điển đã ngừng xuất hiện trong danh sách tìm kiếm trên các nền tảng thương mại điện tử lớn ở đại lục.

Hàng chục ngôi sao giải trí Trung Quốc cũng đã dừng các hợp đồng hoặc cho hay sẽ cắt đứt quan hệ với những thương hiệu như Nike, Adidas, Puma, Converse, Calvin Klein và Tommy.

Ông Bennett Freeman, một cựu quan chức nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết các công ty “cảm thấy như họ đang ở trong một vùng chiến sự ngay thời điểm hiện tại”.

“Những thương hiệu may mặc này. . . ở một vị thế khó khăn, họ buộc phải phải quyết định xem họ đang ở phía nào của lịch sử”, ông Freeman nói, "Đó không phải là một lựa chọn dễ dàng".

Áp lực gia tăng ở Washington

Một nhóm lưỡng đảng gồm các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã đưa ra dự luật cấm nhập khẩu trừ khi các công ty có thể chứng nhận rằng họ không có liên đới với chuỗi cung ứng sử dụng lao động cưỡng bức.

Ông Marco Rubio, một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đang giúp thúc đẩy dự luật, đã kêu gọi Ed Bastian, giám đốc điều hành của Delta Air Lines, lên tiếng về “nạn diệt chủng” ở Tân Cương sau khi hãng hàng không này bình luận về quyền bỏ phiếu ở Mỹ.

“Có quá nhiều tập đoàn đa quốc gia rất mong muốn được lên tiếng về những vấn đề nhức nhối trong ngày ở Mỹ, nhưng giờ đây lại im lặng một cách khó hiểu, hoặc trong trường hợp của Delta, trên thực tế là đang đồng lõa với những hành động tàn bạo đang diễn ra ở Trung Quốc,” ông Rubio viết trong một bức thư gửi Delta. “Người ta chỉ có thể kết luận rằng bạn lo sợ việc đứng lên chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ có hại cho hoạt động kinh doanh của Delta ở Trung Quốc”.

Sự ủng hộ đối với dự luật - tương tự như dự luật đã dễ dàng được Hạ viện thông qua năm ngoái - làm nổi bật mối quan tâm ngày càng tăng nhanh chóng của Quốc hội về Trung Quốc, phù hợp với sự tập trung của các nhà đầu tư vào các rủi ro địa chính trị và xã hội.

Ông Alison Taylor của trường kinh doanh Stern thuộc Đại học New York cho biết: “Các công ty bị cuốn vào cuộc chiến này như những con thỏ trong ánh đèn pha”. “Cơn ác mộng về giám sát chuỗi cung ứng đang ập đến”.

Tháng 12 năm ngoái, Liên minh chấm dứt lao động cưỡng bức ở vùng Uyghur đã yêu cầu Amazon, Apple, Coca-Cola và một số công ty khác phải chấm dứt sự liên đới với chuỗi cung ứng bóc lột này. Các công ty này đang đề xuất với các nhà lập pháp cho họ thêm thời gian để tuân thủ các quy định mới.

Bà Jennifer Bisceglie, giám đốc điều hành của Interos, một công ty tư vấn chuỗi cung ứng, cho biết các doanh nghiệp muốn được trợ giúp xác định mức “trong sạch” của họ nhưng việc đó không phải một sớm một chiều vì họ còn phụ thuộc vào nhiều nhà cung cấp khác nhau.

Ngoài những thách thức trong chuỗi cung ứng, ông Ashley Craig, một đối tác của công ty luật Venable, cho biết các công ty còn đang phải vật lộn với các lệnh trừng phạt mà chính quyền Trump áp đặt đối với Tập đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, một nhóm bán quân sự liên quan đến việc sử dụng lao động cưỡng bức trong sản xuất bông. Ông Craig cho biết việc tháo gỡ chuỗi cung ứng với tốc độ mà chính phủ yêu cầu là vô cùng khó.

 

Chính quyền Trump cũng ban hành "lệnh giải phóng tạm dừng" yêu cầu Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ chặn nhập khẩu bông và cà chua sử dụng lao động cưỡng bức từ Tân Cương. Nhưng các công ty cho biết họ không nhận được hướng dẫn đầy đủ từ chính phủ Hoa Kỳ về việc tuân thủ các hạn chế.

 

Trung Quốc đang buộc các thương hiệu phải lựa chọn?

Theo AP, đối mặt với làn sóng tẩy chay, H&M tối 24 tháng 3 khẳng định công ty “không đại diện cho bất kỳ lập trường chính trị nào” và cam kết đầu tư dài hạn ở Trung Quốc. Trong tuyên bố đưa ra tuần này, H&M ca ngợi các nhà cung cấp Trung Quốc và cho hay công ty “đang tiến hành các bước kế tiếp liên quan gia công nguyên liệu”.

Giới chức Trung Quốc hôm 2 tháng 3 năm 2021 thông báo rằng H&M đã đồng ý bỏ “bản đồ có vấn đề” về nước này trên trang web của hãng. Tạp chí Phố Wall dẫn thông tin từ Cơ quan an ninh mạng Thượng Hải nói rằng Sở Kế hoạch và Tài nguyên Thượng Hải đã triệu tập lãnh đạo H&M đến để nói về vấn đề vi phạm pháp luật. Theo AP, Trung Quốc đã yêu cầu các thương hiệu phải hiển thị trên bản đồ những khu vực nước này tuyên bố có chủ quyền, trong đó có đường lưỡi bò phi pháp ở Biển Đông.

“Bản đồ có vấn đề” thường được Bắc Kinh sử dụng để nói về bản đồ Trung Quốc xem là có yếu tố “gây phương hại chủ quyền, lãnh thổ, an ninh và lợi ích” của nước này. Trung Quốc đã đơn phương công bố đường lưỡi bò nuốt gần trọn Biển Đông. Dù đường lưỡi bò đã bị cộng đồng quốc tế nhiều lần lên án và bị bác bỏ bởi phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế, Bắc Kinh vẫn dùng thủ đoạn cài cắm bản đồ đường lưỡi bò phi pháp thông qua hàng loạt ấn phẩm khoa học, hàng hóa, các thiết bị di động và thậm chí đồ chơi trẻ em.

Gần đây, Bắc Kinh đã ra một quy chế mới cho phép các công ty Trung Quốc kiện các công ty nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ. “Thật là một cơn bão toàn diện”, ông Ashley Craig nói.

Mộc Trà

Theo FT



BÀI CHỌN LỌC

Các thương hiệu phương Tây kẹt trong cuộc chiến giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới