Các nước nghèo đang chịu nợ ‘cắt cổ’ từ Trung Quốc, khủng hoảng nợ có thể xảy ra

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cho đến nay, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất, chiếm 65% tổng số nợ của nhóm nước nghèo trong khu vực G20 - tăng từ 45% vào năm 2013. Ngoài ra, Trung Quốc có xu hướng tính lãi suất cao hơn các chủ nợ khác và thiếu minh bạch về các điều khoản cho vay của mình.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã tăng cường kêu gọi một chương trình xóa nợ toàn diện, sau khi tiết lộ rằng số tiền mà các nước nghèo nhất nợ đã ở vào mức kỷ lục, ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng Covid-19 bắt đầu .

Số liệu thống kê do tổ chức có trụ sở tại Washington công bố cho thấy nợ nước ngoài của 73 quốc gia (hiện đủ điều kiện được tạm hoãn trả nợ trong năm nay) ở mức 744 tỷ USD (568 tỷ bảng Anh) vào cuối năm 2019 - tăng 9,5% so với năm 2018.

Một cuộc khủng hoảng nợ sắp xảy ra?

Ngày càng có nhiều lo ngại về một cuộc khủng hoảng nợ sắp xảy ra khi các quốc gia thu nhập thấp đang phải vật lộn để có thể thanh toán các khoản tiền đã vay từ nhiều chủ nợ nhà nước và tư nhân trong thập kỷ qua.

Ở nhiều nước, tài chính công đã bị tàn phá. Từ tháng 1 đến tháng 5/2020, chính phủ liên bang Nigeria đã chi 72% doanh thu của mình cho việc trả nợ. Chính phủ Nam Phi dự kiến ​​thâm hụt ngân sách năm nay bằng 15% GDP, cao hơn gấp đôi so với mức thâm hụt mà nước này dự báo trước khi đại dịch xảy ra.

Ở các thị trường mới nổi, tỷ lệ nợ trên GDP đã tăng lên gần 63%. Nợ nần chồng chất thường dẫn đến mất giá trị đồng tiền, thị trường ngoại hối bất ổn và các cú sốc kinh tế. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng peso của Mexico... đều giảm giá gần đây.

Cả WB và tổ chức “anh em” của mình là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã cảnh báo rằng các nước nghèo đang bị buộc phải cắt giảm chi tiêu cho y tế và giáo dục để kịp trả các khoản nợ phát sinh, trước khi nền kinh tế của họ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu xuất khẩu và lượng kiều hối giảm.

Trong những tuần gần đây, WB và IMF đã thúc giục nhóm G20 gồm các quốc gia phát triển và đang phát triển gia hạn “sáng kiến ​​đình chỉ nợ” thêm 12 tháng, trong khi một kế hoạch dài hạn đã được vạch ra.

Chủ tịch WB, David Malpass cho biết: “Đạt được sự bền vững về nợ dài hạn sẽ phụ thuộc vào sự thay đổi quy mô lớn trong cách tiếp cận của thế giới đối với nợ và minh bạch đầu tư”.

Ông cho rằng đã đến lúc cần có một cách tiếp cận toàn diện hơn nhiều để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ mà người dân ở các nước nghèo nhất phải đối mặt. Các nỗ lực lớn hơn như giảm tổng nợ và tái cơ cấu nợ nhanh hơn, minh bạch hơn về nợ cần được thực hiện.

Tuy nhiên, Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của G20, vẫn chưa phản hồi về kế hoạch này.

Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất

Dữ liệu của WB cho thấy kho nợ của các nước thu nhập thấp đối với các chủ nợ song phương lên tới 178 tỷ USD vào năm 2019.

Trong G20, cho đến nay, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất, chiếm 65% tổng số nợ của nhóm - tăng từ 45% năm 2013. Malpass cho biết Trung Quốc có xu hướng tính lãi suất cao hơn các chủ nợ khác và thiếu minh bạch về các điều khoản cho vay của mình.

Nhà kinh tế trưởng của WB, Carmen Reinhart, cho biết điều quan trọng là các chính phủ phải có khả năng đầu tư vào y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng.

“Nếu bạn gặp khó khăn về nợ nần, tất cả những điều trên đều bị ảnh hưởng. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải chuyển khoản nợ thành nền tảng bền vững càng nhanh càng tốt. Chúng tôi không thể chịu được thêm một thập kỷ mất mát nữa”, cô Reinhart nói.

Thiện Nhân



BÀI CHỌN LỌC

Các nước nghèo đang chịu nợ ‘cắt cổ’ từ Trung Quốc, khủng hoảng nợ có thể xảy ra