Các nước Đông Nam Á đang mở cửa, chấp nhận ‘sống chung’ với Covid như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau một thời gian phong tỏa, chứng kiến những thiệt hại quá lớn về kinh tế và xã hội, một số quốc gia Đông Nam Á đang dần mở cửa nền kinh tế và chấp nhận “sống chung với lũ”.

Indonesia, Thái Lan: Chấp nhận mở cửa dù tỷ lệ tiêm chủng còn rất thấp

Theo Vietstock, Indonesia và Thái Lan, hai nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Các quy định đối với nhà hàng và cơ sở công nghiệp không thiết yếu sẽ được nới lỏng. Chính quyền sẽ gia tăng sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh để truy vết lây nhiễm.

Tại thủ đô Jakarta và một số khu vực đông dân trên đảo Java của Indonesia, nhà hàng trong các trung tâm thương mại được phép phục phụ khách ăn tại chỗ với 50% sức chứa, cao hơn so với mức 25% hiện nay. Trung tâm thương mại được mở cửa đến 21 giờ thay vì 20 giờ. Toàn bộ xí nghiệp được hoạt động với 100% lao động, chia theo ca.

Tại Thái Lan, thủ đô Bangkok và 28 tỉnh khác bị coi là vùng dịch nặng nhất cũng cho phép nhà hàng phục vụ khách tại chỗ với 50-75% sức chứa tùy vào chỗ ngồi trong phòng máy lạnh hay bên ngoài, đóng cửa vào 20 giờ.

Từ ngày 1/9, Thái Lan dỡ bỏ bớt những quy định phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt tại nhiều địa phương bị ảnh hưởng nặng. Các biện pháp mới gọi là “Kiểm soát thông minh và sống chung với Covid-19”, được thiết kế nhằm chuẩn bị cho đất nước quay trở lại cuộc sống bình thường mới. Theo tờ Bangkok Post, hệ thống phân vùng kiểm soát Covid-19 vẫn giữ nguyên và các ủy ban kiểm soát tại các tỉnh sẽ tuyên bố cơ sở nào đủ điều kiện để hoạt động.

Tình hình dịch Covid-19 ở Thái Lan và các nước Đông Nam Á
Người dân ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) đang chờ xét nghiệm và tiêm vaccine phòng Covid-19. (Ảnh: Getty Images)

Đáng chú ý là, sau khi lệnh nới lỏng được ban hành, tỷ lệ nhiễm mới lại thấp hơn so với thời kỳ phong tỏa nghiêm ngặt. Indonesia ngày 1.9 ghi nhận thêm 10.534 ca nhiễm Covid-19, thấp hơn 5 lần so với đỉnh dịch hồi giữa tháng 7. Thái Lan cùng ngày ghi nhận thêm 14.802 ca nhiễm, giảm 37% so với đỉnh dịch hồi giữa tháng 8, theo Reuters. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng của 2 quốc gia này đều rất thấp, với chỉ 30% dân số đã tiêm liều vắc xin Covid-19 đầu tiên. Tỷ lệ dân số tiêm đủ liều ở Indonesia là 17%, Thái Lan là 11%.

Chuyên gia dịch tễ Tri Yunis Miko Wahyono tại Đại học Indonesia cho rằng việc giám sát là chưa thật tốt và các nước vẫn cần thận trọng. Trong khi đó, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Dale Fisher tại Đại học Quốc gia Singapore cho rằng những lợi ích kinh tế của việc nới lỏng phong tỏa là không thể đánh giá thấp nhưng ông nhấn mạnh điều quan trọng là phải tiêm vaccine nhanh chóng cho người dân.

Singapore, Campuchia: Mở cửa ‘he hé’

Trái với Indonesia và Thái Lan, Singapore tái mở cửa thận trọng khi tỷ lệ tiêm chủng đủ liều đạt đến 80% dân số. Người dân vẫn bắt buộc phải đeo khẩu trang tại những nơi công cộng, việc tụ tập bị giới hạn số người và người dân phải dùng các ứng dụng truy vết trên điện thoại như yêu cầu.

Từ giữa tháng 9, Singapore sẽ cho phép người từ Đức và Brunei nhập cảnh nếu đã tiêm đủ liều vaccine Coivd-19 và không cần cách ly, dù vẫn phải làm xét nghiệm PCR nhiều lần.

Thủ tướng Lý Hiển Long hôm cuối tuần nói Singapore sẽ làm từng bước và không mở toang cửa như một số nước. Ông nhấn mạnh không thể nào giảm số ca nhiễm mới xuống mức 0 ngay cả khi phong tỏa lâu dài.

Hình ảnh một xưởng đóng tàu ở Singapore vào ngày 19 tháng 2 năm 2020. (Ảnh của Roslan RAHMAN / AFP qua Getty Images)

Chương trình tiêm chủng ngăn ngừa Covid-19 của Campuchia cũng đã tăng tốc rất nhanh. Tính đến cuối tháng 8, 67,5% dân số Campuchia đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, 53,2% đã được tiêm đủ liều.

Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Youk Sambath mới đây cho biết chính phủ đã gần như kiểm soát đại dịch nhờ sự tham gia của toàn bộ thành phần xã hội, theo tờ Khmer Times. Campuchia là nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao thứ hai tại Đông Nam Á sau Singapore.

Số ca nhiễm mới tại Campuchia đã giảm dần và Bộ Y tế nước này đang chuẩn bị cho kế hoạch tái mở cửa, học cách sống với dịch. Trước mắt, một số trường học tại nước này dự kiến mở cửa đón học sinh trong tháng này.

Việt Nam: Tái khởi động kinh tế TP. HCM

Ở Việt Nam, trung tâm kinh tế hàng đầu và cũng là “ổ dịch” lớn nhất nước là TP. Hồ Chí Minh suốt hơn 3 tháng qua (tính từ ngày 31.5) đã áp dụng nhiều cấp độ giãn cách, cấp độ sau mức độ siết chặt càng cao. Hầu hết cơ sở kinh doanh, dịch vụ (ngoại trừ dịch vụ thiết yếu) đều “đóng băng”, nhưng đà lây nhiễm trong cộng đồng chưa ngăn chặn được triệt để.

Minh chứng là, số ca dương tính ngày 2.9 ghi nhận 5.963 ca, cho thấy dịch đã “ngấm sâu” trong cộng đồng trong suốt các đợt giãn cách.

Vì vậy, Việt Nam đang tập trung mở cửa kinh tế Sài Gòn, với mong muốn giảm tải áp lực cho nền kinh tế và nếu thành công có thể áp dụng mô hình này cho các thành phố công nghiệp quan trọng khác.

Theo tính toán, gần 6 triệu người TP.HCM đã được tiêm vaccine mũi một, trong khi gần 300.000 người được tiêm mũi hai. Các đơn vị trung ương đóng trên địa bàn cũng đã tiêm khoảng 500.000 liều vaccine. Như vậy, Bộ Y tế đánh giá khoảng 83% người từ 18 tuổi trở lên sinh sống tại TP.HCM được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Theo Zing, TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM - nơi được UBND TP.HCM giao nghiên cứu và xây dựng lộ trình mở cửa trở lại, bày tỏ: “Từ nay đến 15/9, hy vọng thành phố sẽ phủ 100% mũi một cho toàn bộ người dân TP.HCM trên 18 tuổi”.

Sau khi phủ 100% vaccine, TS Trần Hoàng Ngân cho rằng sẽ phải cần có “khoảng chờ” ít nhất khoảng 2 tuần. Thời gian này sẽ giúp những người tiêm mũi một sinh kháng thể miễn dịch. Khi đó, TP.HCM mới tính đến việc mở cửa.

Trong khoảng chờ này, thành phố cần tận dụng để chuẩn bị những bước đi cụ thể để sống “thích nghi” với cuộc sống mới trong điều kiện dịch Covid-19.

TP.HCM trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 từ 0h ngày 31/5. (Ảnh: Bạch Cúc)

Việc triển khai trở lại đội ngũ shipper hiện tại là một trong những bước đi thử nghiệm đó. Shipper được yêu cầu xét nghiệm Covid-19, khai báo y tế, giúp vận chuyển nhu yếu phẩm cho người dân từ các đơn vị cung ứng hàng hóa.

Sau giai đoạn “khoảng chờ”, nhóm nghiên cứu dự kiến đề xuất UBND TP.HCM tạo điều kiện cho doanh nghiệp, có người lao động đã được tiêm vaccine, trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh. “Kịch bản chi tiết mở cửa theo lộ trình thế nào vẫn đang được nghiên cứu và bàn luận một cách cẩn trọng”, ông Ngân nói.

Tiết lộ thêm, ông Ngân cho biết các đơn vị nghiên cứu cùng với một doanh nghiệp công nghệ cung ứng giải pháp đang xây dựng một hệ thống quản lý và giám sát điện tử cho toàn bộ doanh nghiệp và người dân TP.HCM.

Khi đó, thông qua giải pháp công nghệ, mỗi doanh nghiệp sẽ chủ động nắm được hồ sơ y tế toàn bộ nhân viên của mình, trong đó có việc đã được tiêm vaccine hay chưa. Thành phố cũng nắm được thông tin của các doanh nghiệp, dễ dàng kiểm tra ở bất cứ đâu và thời điểm nào. Các phần mềm khai báo y tế cũng được thống nhất tạo ra sự thuận tiện cho người dân.

Doanh nghiệp khi đi vào hoạt động sẽ đi kèm với các điều kiện về giãn cách, quy định 5K của Bộ Y tế. Khi đó, thay vì sản xuất “3 tại chỗ”, doanh nghiệp được chủ động xây dựng phương án sản xuất của doanh nghiệp mình sao cho chủ động và phù hợp, có sự giám sát của thành phố.

TP.HCM cũng sẽ củng cố hệ thống y tế bằng việc tăng thêm năng lực trạm y tế phường, lập thêm trạm trong chính các cơ quan, trong nhà máy, đơn vị sản xuất, trạm y tế khu vực…

Khi đã có độ phủ vaccine cùng với sự hỗ trợ của trạm y tế cơ sở, nếu doanh nghiệp phát hiện có ca F0, chỉ cần bóc tách ra khỏi nhà máy mà không phải dừng cả hoạt động cả dây chuyền. F0 được điều trị ngay tại trạm y tế phường xã, xí nghiệp hoặc trong có thể là tại nhà.

“Khi mở cửa trở lại, chúng ta phải thích nghi với Covid-19”, ông nhấn mạnh một lần nữa.

Ngọc Minh



BÀI CHỌN LỌC

Các nước Đông Nam Á đang mở cửa, chấp nhận ‘sống chung’ với Covid như thế nào?