Các nhà máy Trung Quốc đóng cửa do không có đơn hàng xuất khẩu giữa đại dịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, một số lượng lớn các nhà máy Trung Quốc định hướng xuất khẩu đã phải đóng cửa sau khi họ không có đủ đơn hàng để tiến hành sản xuất.

Một số nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng cũng tuyên bố rằng họ sẽ sa thải nhân viên vì nhu cầu trong nước và xuất khẩu đều đang xuống thấp trong bối cảnh đại dịch hoành hành.

Khi sự bùng phát của virus corona Vũ Hán trở nên nghiêm trọng vào tháng 1, phần lớn Trung Quốc đã bị phong tỏa và các nhà máy đã ngừng sản xuất trong hơn một tháng.

Vào tháng Hai, Bắc Kinh khuyến khích các công ty khôi phục hoạt động do chính quyền lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế. Nhưng các công ty Trung Quốc lo lắng rằng virus có thể lây lan trong nhân viên; do đó nhiều nhà máy vẫn tiếp tục đóng cửa.

Khi một số nhà máy mở cửa trở lại vào tháng 3, họ nhận ra rằng họ đang phải đối mặt với một thách thức còn lớn hơn nữa - không có đơn đặt hàng để tiến hành sản xuất. Đơn đặt hàng đã bị hủy vì virus lây lan sang các quốc gia khác. Những nước này cũng đang phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và giảm hoạt động kinh tế.

Ngừng sản xuất

Năm 2019, Trung Quốc đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 17,23 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,44 nghìn tỷ USD), trong đó 8,9 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,26 nghìn tỷ USD) hoặc 51,65% là đến từ khu vực tư nhân, theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC). Những sản phẩm này bao gồm điện tử, thiết bị điện, thiết bị và các bộ phận cơ khí, dệt may và các sản phẩm thâm dụng lao động khác.

Phó giám đốc của GAC, Zou Zhiwu, cho biết có khoảng 499.000 công ty Trung Quốc nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hóa.

Phần lớn các công ty định hướng xuất khẩu nằm ở phía nam và phía đông của Trung Quốc, chẳng hạn như các tỉnh Quảng Đông, Chiết Giang, Giang Tô, Phúc Kiến và Sơn Đông.

Kể từ ngày 31 tháng 3, ngày càng nhiều nhà máy từ các khu vực này tuyên bố rằng họ đã ngừng sản xuất sau khi mở cửa trở lại trong một thời gian ngắn.

“Vì đại dịch, khách hàng của chúng tôi đã hủy tất cả các đơn đặt hàng của họ”, Công ty may mặc Jiaya Trung Sơn ở tỉnh Quảng Đông thông báo vào ngày 25 tháng 3. “Toàn bộ công ty của chúng tôi sẽ ngừng hoạt động vào ngày 1 tháng 4 và sẽ không mở cửa trở lại trước ngày 31 tháng 7”.

Epoch Times Photo
Công ty may Jiaya Trung Sơn thông báo cho nhân viên của mình rằng nhà máy sẽ đóng cửa trong ba tháng, tại thành phố Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào ngày 25 tháng 3 năm 2020. (Ảnh chụp màn hình)

Công ty giày Brightlywell Quảng Châu, cũng ở Quảng Đông, đã thông báo cho nhân viên của mình trở về nhà, vì nhà máy của hãng đã ngừng sản xuất vào ngày 1 tháng 4.

“Từ ngày hôm nay, tất cả nhân viên nghỉ việc có thể nhận lương cho tháng 2 và tháng 3 bằng tiền mặt... Công ty của chúng tôi quyết định đóng cửa nhà máy trong ba tháng”, Công ty sản xuất vỏ đồng hồ Good Will Đông Quan ở Quảng Đông cũng đề nghị nhân viên của mình từ chức vì thiếu đơn đặt hàng. Công ty không nói khi nào nhân viên sẽ được trả lương nếu họ không tự xin nghỉ.

Công ty giày Titan Ôn Châu tại tỉnh Chiết Giang tuyên bố vào ngày 19 tháng 3: “Vì khách hàng đã hủy đơn hàng, nên chúng tôi đã ngừng tất cả việc tuyển dụng từ ngày hôm qua. Tất cả nhân viên có thể nghỉ phép không lương từ ngày 1 tháng 4 đến ngày 30 tháng 5... Chúng tôi khuyến khích tất cả các bạn tìm việc làm mới”.

Một công ty dệt kim ở Ninh Ba, Chiết Giang, đã thông báo cho nhân viên của mình rằng do dịch bệnh, việc sản xuất sẽ bị đình chỉ cho đến ngày 30 tháng 9.

“Đây là kết quả tất yếu của đại dịch”, ông Tang Jingyuan - nhà bình luận về các vấn đề của Trung Quốc tại Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Nền kinh tế Trung Quốc đang dựa vào xuất khẩu. Khi các quốc gia tiêu dùng chính, như Mỹ, Pháp, Đức và Anh bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng, rất ít người có thể mua hàng từ Trung Quốc”.

“Không có đơn hàng trong tương lai gần có nghĩa là nhiều nhà máy ở Trung Quốc sẽ đóng cửa, và nhiều người sẽ mất việc. Khi nhiều người thất nghiệp không có tiền để trả tiền thế chấp hoặc mua hàng hóa, Trung Quốc sẽ phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ”.

Sa thải

Hisense, một nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn có trụ sở tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, đã đính chính lại những lời đồn đoán trên mạng rằng họ sẽ sa thải 10.000 nhân viên.

“Đại dịch toàn cầu đã khiến doanh số thiết bị gia dụng trong và ngoài Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng. Hơn 40 phần trăm thu nhập của Hisense là đến từ các thị trường nước ngoài. Tình hình của chúng tôi thật nghiệt ngã”, công ty đã nói trong một tuyên bố vào ngày 12 tháng 4.

Công ty xác nhận rằng họ sẽ cắt giảm lực lượng lao động, nhưng tuyên bố rằng con số đang lưu truyền trên mạng là không đúng sự thật.

“Chúng tôi đã sử dụng một số phương pháp, chẳng hạn như các nhà quản lý cấp cao thực hiện cắt giảm lương, để khuyến khích nhân viên”, bản tuyên bố viết. “Thanh toán cho hàng chục ngàn nhân viên là một thử thách khó khăn”.

Haier, đối thủ cạnh tranh chính của Hisense, một công ty thiết bị gia dụng và điện tử tiêu dùng khác có trụ sở tại Thanh Đảo, phủ nhận việc họ sa thải nhân viên, nhưng cho biết CEO, chủ tịch và một số nhà quản lý đã tình nguyện cắt giảm lương để giúp doanh nghiệp tiếp tục hoạt động.

Các nhà bán lẻ và nhà hàng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức do dịch bệnh. Kể từ đầu tháng 3, các chủ doanh nghiệp nhỏ trên khắp Trung Quốc đã bắt đầu các cuộc biểu tình trước các văn phòng chính quyền địa phương để tìm cách cắt giảm tiền thuê nhà, tiền điện nước và các chi phí khác.

Những số liệu mới nhất từ các cơ sở dữ liệu online của Trung Quốc cho thấy gần nửa triệu doanh nghiệp đã đóng cửa trong quý một. Các nhà kinh tế học, trong một khảo sát thăm dò ý kiến của Reuters, cho biết họ dự báo gần 30 triệu việc làm ở Trung Quốc sẽ bị mất trong năm nay.

Thanh Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà máy Trung Quốc đóng cửa do không có đơn hàng xuất khẩu giữa đại dịch