Các nền kinh tế mới nổi có tỷ lệ nợ tồi tệ nhất - Vay vốn quốc tế khiến ‘rủi ro chồng chất rủi ro’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các quốc gia đang phát triển đang tìm cách thoát khỏi suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo, bằng cách cố gắng vay mượn để thoát khỏi khó khăn, các chính phủ này đang “tích trữ” những vấn đề lớn hơn cho tương lai.

Nhu cầu cao của các nhà đầu tư đối với các khoản nợ của thị trường mới nổi, do lãi suất toàn cầu thấp, đã ngăn chặn thảm họa tài khóa ở các nước đang phát triển này, vốn đang quay cuồng với cú sốc của đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Trong cơn hoảng loạn bao trùm các thị trường khi đại dịch xảy ra vào tháng 3/2020, nhiều thị trường mới nổi lo ngại sẽ rơi vào khủng hoảng nợ giống như cuộc khủng hoảng đã từng vùi dập họ vào cuối thế kỷ 20.

Thay vì vỡ nợ, họ đã có một khoản vay mới...

Kể từ ngày 1/4, các nước đang phát triển đã huy động được hơn 100 tỷ USD trên thị trường trái phiếu quốc tế.

Stuart Culverhouse, nhà kinh tế trưởng tại Tellimer, một công ty nghiên cứu thị trường mới nổi, cho biết: “Mức độ lo ngại về tình trạng nợ nần chồng chất trong tháng 3 và tháng 4, vốn có vẻ căng thẳng, đã giảm bớt đi rất nhiều. Chúng tôi không lường trước được các vấn đề mang tính hệ thống đối với các thị trường mới nổi”.

Nhưng những người khác lo lắng rằng tác động lâu dài của đại dịch sẽ khó có thể biến mất.

Brazil đã phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn (Ảnh: EVARISTO SA/AFP qua Getty Images)
Brazil đã phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn... (Ảnh: EVARISTO SA/AFP qua Getty Images)

“Chúng tôi đã chứng kiến ​​sự phục hồi hình chữ V ở nhiều nơi và điều này đã thúc đẩy sự lạc quan rằng [đại dịch] chỉ xảy ra một lần, một vấn đề gây đau đớn trong thời gian ngắn hạn nhưng sẽ không ảnh hưởng lâu dài. Nhưng khi chúng ta thấy nhiều vụ lây nhiễm hơn, nhiều vụ đóng cửa hơn, nhiều hạn chế hơn đối với hoạt động kinh tế trên khắp thế giới, thì thực tế sẽ bắt đầu chìm sâu vào trong”, Phoenix Kalen, chiến lược gia thị trường mới nổi tại Société Générale cho biết.

Thiệt hại kinh tế đã lớn hơn nhiều so với dự kiến, với mức giảm tỷ lệ phần trăm GDP (tổng sản phẩm quốc nội) ở mức hai con số, trên hầu hết các quốc gia mới nổi trong ba tháng tính đến tháng 6/2020.

Ở nhiều nước, tài chính công đã bị tàn phá. Từ tháng 1 đến tháng 5/2020, chính phủ liên bang Nigeria đã chi 72% doanh thu của mình cho việc trả nợ. Chính phủ Nam Phi dự kiến ​​thâm hụt ngân sách năm nay bằng 15% GDP, cao hơn gấp đôi so với mức thâm hụt mà nước này dự báo trước khi đại dịch xảy ra.

Edwin Ikhuoria, giám đốc “Chiến dịch chung chống đói nghèo” của Châu Phi cho biết: “Hầu như tất cả các nước phụ thuộc vào hàng hóa đều ở trong tình trạng tương tự. Chỉ là không có doanh thu".

Tỷ lệ nợ trên GDP của các nền kinh tế mới nổi tăng 62,8%

Các thị trường mới nổi thậm chí phải đối mặt với tình trạng nghiêm trọng hơn các nước tiên tiến. IMF dự báo tỷ lệ nợ trên GDP của 40 nền kinh tế mới nổi sẽ tăng mạnh trong năm nay.

Ngày 22/5, Argentina - nền kinh tế lớn thứ ba tại Mỹ Latin - chính thức vỡ nợ sau khi không thể chi trả 500 triệu USD tiền lãi cho các chủ nợ quốc tế. Chính phủ Tổng thống Alberto Fernandez đã không thể đạt thỏa thuận tái cấu trúc 65 tỷ USD khoản nợ nước ngoài với các chủ nợ trái phiếu, vốn bao gồm cả số trái phiếu phát hành sau đợt tái cấu trúc khi nước này vỡ nợ năm 2001.

Ở các thị trường mới nổi, tỷ lệ nợ trên GDP đã tăng lên gần 63%. Nợ nần chồng chất thường dẫn đến mất giá trị đồng tiền, thị trường ngoại hối bất ổn và các cú sốc kinh tế. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng peso của Mexico... đều giảm giá gần đây.

Một số quốc gia như Argentina, Lebanon và Venezuela phần nào đã quen với bối cảnh khủng hoảng từ trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, tuy nhiên, đại dịch đã khiến ít nhất 15 quốc gia khác bước vào con đường này.

Trong khi Ecuador vừa đạt được thỏa thuận hỗ trợ tạm thời từ các chủ nợ trái phiếu thì một số quốc gia khác, bao gồm Zambia, Suriname và Angola chứng kiến lãi suất trái phiếu bằng đồng USD vượt quá 1.000 điểm cơ bản so với trái phiếu Mỹ - ngưỡng được xem là tài sản ở trạng thái có nguy cơ vỡ nợ cao.

Còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác do hầu hết các nước trên thế giới đang bơm tiền vô điều kiện để đảm bảo tính thanh khoản. Khi cuộc khủng hoảng đại dịch một phần được kiểm soát và các nước phát triển ngưng nới lỏng tiền tệ, các nền kinh tế mới nổi có thể sẽ phải chịu rủi ro nợ lớn hơn.

‘Thỏa thuận Dự phòng’ - Rủi ro chất chồng rủi ro

Tuy nhiên, cho đến nay, các lời kêu gọi giúp đỡ đã tắt ngấm. Mặc dù hàng chục quốc gia đã nhận được tài trợ khẩn cấp từ IMF và Ngân hàng Thế giới, nhưng hầu hết chỉ với số lượng nhỏ. Chỉ có Ai Cập và Ukraine đã đăng ký các chương trình mới “đầy máu lửa” của IMF, được gọi là Thỏa thuận Dự phòng, với tổng trị giá 10,2 tỷ USD.

Các nhà phân tích cho rằng điều kiện thường gắn liền với hoạt động cho vay đa phương này đã ngăn cản nhiều quốc gia tìm kiếm sự trợ giúp như vậy, và việc đáp ứng các điều kiện tài chính toàn cầu đã cho phép người vay lựa chọn khai thác thị trường thương mại.

Nhiều nước đã chịu gánh nặng nợ nần lên mức kỷ lục. Moody's, cơ quan xếp hạng tín dụng, dự kiến ​​tỷ lệ nợ/GDP tại 19 thị trường mới nổi lớn nhất sẽ tăng trung bình 10 điểm phần trăm chỉ trong năm nay.

Bà Kalen cảnh báo rằng các quốc gia không thể vay mãi mãi, ngay cả trong một thế giới có lãi suất thấp kỷ lục.

Bà nói: “Tại một số thời điểm, những hạn chế về ngân sách khiến các chính phủ không thể đáp ứng cả chi tiêu và trả lãi của họ. Nếu nợ tiếp tục tăng với tốc độ như vậy, nó sẽ trở nên không bền vững".

Một số chính phủ đã phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Ví dụ, Brazil phải sớm quyết định xem có nên kiềm chế các chương trình hỗ trợ xã hội hào phóng của mình (vốn có nguy cơ gặp phải phản ứng chính trị và xã hội ở quê nhà), hoặc vay và chi tiêu vượt quá những ràng buộc tự áp đặt của mình (có nguy cơ bị phản ứng dữ dội từ các nhà đầu tư quốc tế khiến đồng tiền của họ sụp đổ và lãi suất tăng vọt).

Có những dấu hiệu cho thấy khả năng đi vay của các nền kinh tế mới nổi đang đạt đến giới hạn. Lãi suất trên thị trường nợ địa phương đang tăng.

Các nhà đầu tư nước ngoài đang mất dần “sự thèm ăn”: một công ty theo dõi dòng vốn của Capital Economics cho thấy rằng các thị trường mới nổi phải hứng chịu dòng vốn rút ròng 30 tỷ USD trong tháng 8/2020, dòng chảy lớn nhất của họ kể từ mức 55 tỷ USD mà công ty tư vấn đăng ký vào tháng 3/2020 khi thị trường hoảng loạn.

Đức Duy



BÀI CHỌN LỌC

Các nền kinh tế mới nổi có tỷ lệ nợ tồi tệ nhất - Vay vốn quốc tế khiến ‘rủi ro chồng chất rủi ro’