Các khu công nghiệp trọng điểm phía Bắc ‘oằn lưng’ chống dịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thông lệ hằng năm, đầu quý II là thời điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) mới quyết định gia nhập thị trường, còn DN đang hoạt động lên phương án tăng tốc sản xuất, kinh doanh thực hiện các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận theo kế hoạch. Nhưng từ cuối tháng 4 đến nay, DN như “ngồi trên đống lửa” trước diễn tiến của dịch bệnh.

So sánh 4 tháng đầu năm với cùng kỳ năm ngoái, bên cạnh số doanh nghiệp thành lập mới trên 44 nghìn doanh nghiệp vẫn có đến trên 51 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ giải thể, tức là tăng gần 24%.

Một số ngành tiếp tục giảm doanh thu, hoạt động như dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành, vận tải…

Lo lắng nhất thời điểm này là tình hình dịch bệnh đã khiến nhiều khu công nghiệp (KNC) phải đóng cửa, nhiều KCN vừa sản xuất vừa chống dịch. Hiện cả nước có trên 300 khu công nghiệp - khu vực đóng góp rất lớn cho kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Sản lượng hàng hóa của các khu vực công nghiệp trọng điểm phía Bắc, cụ thể là Bắc Ninh và Bắc Giang và Vĩnh Phúc được dự báo sụt giảm 50% kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng của các chuỗi vận tải logistics liên quan.

Hiệp hội Dệt may có một tính toán nhanh, nếu một doanh nghiệp bị cách ly giãn cách, không làm việc từ 14 - 21 ngày kế hoạch sản xuất 1 năm bị tan vỡ và đứng trước nguy cơ phá sản. Với hàng nghìn người lao động sẽ bị mất việc không còn thu nhập".

Sản xuất trong tình trạng báo động cao

Từ 0 giờ ngày 18-5, UBND tỉnh Bắc Giang chính thức tạm dừng hoạt động bốn khu công nghiệp, đồng thời thực hiện cách ly xã hội một số địa bàn để thực hiện phòng, chống dịch.

Từ thực tế của Bắc Giang, những địa phương và DN hoạt động trong các ngành thâm dụng lao động không khỏi “giật mình” và lập tức căng mình để vừa giữ sạch môi trường làm việc, vừa vận hành sản xuất, không để lây lan dịch bệnh trong khu công nghiệp.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho biết: Tình hình ở Hugaco rất căng thẳng, do diễn biến khó lường của dịch, các DN thành viên luôn đặt ở tình trạng báo động cao. Điều khiến các lãnh đạo DN thành viên của Hugaco lo lắng nhất là nếu bị phong tỏa nhà máy, sẽ “vỡ” hết tiến độ giao hàng. Đơn hàng hầu hết thanh toán chậm 60 ngày cho nên không giao được hàng sẽ không thể thanh toán tiền gia công, thiệt hại cho phía khách hàng và ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền của DN.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu lo lắng, nếu xảy ra trường hợp DN có công nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 hoặc sống trong vùng bị phong tỏa, không thể sản xuất được thì DN thiệt hại rất lớn. Hiện nay, DN dệt may đều đã ký hợp đồng hết quý III/2021, nếu phải phong tỏa, không có công nhân đi làm sẽ kéo theo hệ quả rất tai hại là sản xuất đình trệ, các hợp đồng không thực hiện được đúng hạn, DN mất tiền gia công, mất hợp đồng, mất khách hàng và mất cả uy tín mà DN từng rất khó khăn mới tạo dựng được.

Bắc Giang hiện đang ở “tâm bão”. Nhưng trước tình hình sản xuất không thể tiếp tục ngưng trệ vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng, UBND tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức xây dựng mô hình điểm cho 8 doanh nghiệp sản xuất trở lại ở của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung. Các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại từ 28/5 trên tinh thần “sống chung với bão”.

Làm sao để ‘sống chung với bão’?

Cứu trợ không nên chỉ để ‘hà hơi thổi ngạt’

Theo một số chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiện nay Chính phủ nên có những chiến lược để giải cứu các doanh nghiệp theo tầm nhìn của quốc gia chứ không phải để cố gắng sống “qua ngày đoạn tháng”. Cần nhìn rõ cứu trợ không phải để “hà hơi thổi ngạt” mà chính là đầu tư cho tương lai.

Theo đánh giá của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, khó khăn chung của rất nhiều DN hiện nay là mất cân đối dòng tiền. Hiện tượng này bắt đầu nảy sinh từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và ngày càng trầm trọng.

Nhiều khó khăn tích tụ đến nay đã vượt tầm của một DN. Các gói hỗ trợ từ trước đến nay chỉ mang tính ngắn hạn, cộng đồng DN mong mỏi nhiều hơn thế, trước hết là chính sách hỗ trợ cụ thể tập trung cho từng ngành, lĩnh vực. Chính sách mới cần tính toán đến biên độ phục hồi cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực, không nên tiếp tục duy trì tư duy “giải cứu”.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nhìn nhận, sau một năm chịu tác động của dịch Covid-19, tình hình của DN và người lao động hiện rất khác so với năm 2020. Rất nhiều DN đã không thể trụ được, phải cắt giảm lao động, thậm chí đóng cửa hoặc chuyển sang ngành nghề khác. Về phía người lao động cũng không thể ngồi nhà nhận tiền hỗ trợ và chờ quay trở lại công việc vì diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp và kéo dài, buộc họ phải tìm kiếm việc làm mới tạm thời.

Do đó, chính sách hỗ trợ DN và người lao động cần phải thay đổi theo hướng hỗ trợ phục hồi và phát triển thay vì mục tiêu hỗ trợ thanh khoản để cầm cự như thời điểm một năm trước.

Ông Cung cho rằng, chính sách hỗ trợ trong giai đoạn này cần tập trung trợ giúp, khuyến khích đầu tư nhằm vào những đối tượng, khu vực đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, thay vì hỗ trợ chung chung cho tất cả các đối tượng chịu ảnh hưởng sẽ khiến nguồn lực bị phân tán, dàn trải, kém hiệu quả.

Các lĩnh vực được lựa chọn khuyến khích hỗ trợ, đầu tư phải là chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, những mô hình kinh doanh mới. Cùng với đó, phải quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN, tháo gỡ các nút thắt trong thủ tục đầu tư để DN bứt lên nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Cần xây dựng sẵn phương án lưu thông hàng hóa, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất của các khu công nghiệp trong dịch

Với 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, nơi tập trung các khu công nghiệp lớn phía Bắc, bùng phát dịch trong khu công nghiệp đang khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ dừng sản xuất, chậm, thậm chí là không thể đảm bảo tiến độ giao hàng.

Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân Khu công nghiệp ở Bắc Giang. (Ảnh: bacgiangtv.vn)
Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân Khu công nghiệp ở Bắc Giang. (Ảnh: bacgiangtv.vn)

Nhiều doanh nghiệp ở Bắc Giang thuộc chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn trên thế giới như: Apple, Toyota, Honda, Samsung... Nếu các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang đóng cửa thêm thời gian nữa thì Samsung Bắc Ninh, Thái Nguyên cũng bị ảnh hưởng bởi không có đủ các sản phẩm đầu vào. Mục tiêu lúc này là phải sớm phục hồi sản xuất để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến đời sống công nhân.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cho rằng việc khôi phục sản xuất tại các khu vực bị ảnh hưởng dịch là chưa đủ và vẫn thách thức trong vài tuần tới dù chính quyền địa phương, ban thân doanh nghiệp đã cố gắng hết sức.

Ngay cả khi khôi phục được những khu vực này thì khó khăn trên toàn chuỗi sản xuất vẫn hiện hữu. Đứng trước bối cảnh này một số kịch bản do chính các doanh nghiệp xây dựng ở các lần bùng dịch trước đó lại nên được áp dụng triệt để trở lại.

"Về phía Chính phủ và địa phương chắc chắn kịch bản chống dịch ở mọi tình huống đã được xây dựng. Nhưng chúng tôi rất mong các kịch bản cụ thể để hỗ trợ để đảm bảo chuỗi cung ứng chuỗi hàng", bà Thủy cũng bày tỏ.

Theo bà Thủy bên cạnh chỉ đạo đồng bộ từ Chính phủ để hạn chế yêu cầu cấm ngăn sông cấm chợ như thời gian vừa qua, Chính phủ có thể yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và một số tỉnh nằm trong chuỗi liên kết hàng hóa lớn xây dựng sẵn các phương án lưu thông hàng hóa, các tuyến đường dự phòng cho vận chuyển hàng hóa khi dịch bệnh xảy ra.

"Việc này thời gian qua chủ yếu tự thân các doanh nghiệp ứng phó nên tương đối lúng túng, trong khi mệnh lệnh và yêu cầu hàng chính tại các địa phương tương đối khác nhau", bà Thúy nói.

Mở rộng lực lượng đàm phán mua vaccine

Trả lời câu hỏi của phóng viên VTV về việc ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân, người lao động ở các khu vực tập trung lượng lớn nhân lực như khu công nghiệp, bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho biết: "Trong bối cảnh việc tiêm vaccine trên diện rộng vẫn còn là thách thức, chúng tôi đã nghĩ tới 2 giải pháp có thể đề xuất chính thức”.

Thứ nhất, mở rộng lực lượng đàm phán mua vaccine bằng cách hoặc có cơ chế cho doanh nghiệp tổ chức tư nhân có thể làm việc với các đơn vị cung ứng trên toàn cầu căn cứ vào doanh mục vaccine Bộ Y tế chấp nhận. Giải pháp này mới được Chính phủ thông qua, kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong vaccine và ngăn ngừa dịch bệnh.

Thứ hai, giải pháp liên quan đến lực lượng tiêm phòng vaccine, để đáp ứng yêu cầu tiêm hàng loạt và diện rộng bằng cách không chỉ huy động các cơ sở tiêm chủng mà xét tới các bệnh viện trọng tâm của ngành y tế đủ năng lực chuyên môn. Dĩ nhiên mọi vấn đề chuyên môn từ nhập khẩu bảo quản tiêm phòng… đều phải tuân thủ sát sao những chỉ dẫn của Bộ Y tế".

Liên quan tới vấn đề chi phí cho tiêm vaccine, bà Thúy cũng cho biết, tất cả những kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp trong những ngày qua đều bày tỏ sẵn sàng chung tay rất cao với chính phủ.

Hiện trung bình mỗi tháng cả nước có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đáng chú ý, các doanh nghiệp siêu nhỏ là đối tượng chịu tổn thương mạnh nhất. Trong số 8.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể kể từ đầu năm (tăng 32,3%) có đến 7.153 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (tăng 31,8%) và chỉ có 86 doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng (giảm 1,1%).

Tâm Chính



BÀI CHỌN LỌC

Các khu công nghiệp trọng điểm phía Bắc ‘oằn lưng’ chống dịch