Các công ty Trung Quốc đang 'đổ bộ' vào phố Wall với tốc độ chưa từng có

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất chấp các tuyên bố chống Trung nghe có vẻ căng thẳng của chính quyền ông Biden, việc trì hoãn để “xem xét lại” các chính sách chặt đứt vòi bạch tuộc hút vốn và công nghệ của Trung Quốc ở Mỹ đã giúp số lượng các công ty Trung Quốc đổ bộ vào Mỹ đạt mức kỷ lục trong sự hân hoan của Phố Wall. Tiền Trung Quốc hút được từ Mỹ vài tháng đầu năm 2021 đã gấp 8 lần so cùng kỳ 2020.

Kỷ lục thời ông Biden

Theo số liệu từ Bloomberg, các công ty từ đại lục và Hồng Kông đã huy động được 6,6 tỷ USD thông qua các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Mỹ trong năm nay, mức khởi đầu kỷ lục trong một năm và tăng gấp tám lần so với cùng kỳ năm 2020. Lần IPO lớn nhất là việc niêm yết 1,6 tỷ USD của nhà sản xuất thuốc lá điện tử RLX Technology Inc., tiếp theo là đợt chào bán 947 triệu USD của công ty phần mềm Tuya Inc.

Tốc độ gia tăng số lượng công ty Trung Quốc niêm yết cũng như tốc độ tăng tiền mà Phố Wall đổ vào các công ty Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục chỉ trong vòng 3 tháng kể từ khi ông Joe Biden bước chân vào Nhà trắng.

Là một vị tổng thống thân thiết và nhận được hậu thuẫn vô cùng lớn từ Phố Wall cũng như truyền thông dòng chính và giới tài phiệt của Mỹ ( trong khi đó Phố Wall và Trung Quốc có mối quan hệ hậu thuẫn mật thiết), ông Biden đã gần như ngay lập tức trì hoãn hầu hết các sắc lệnh của cựu Tổng thống Donald Trump trong nỗ lực cắt đứt các vòi bạch tuộc của Trung Quốc vươn vào Mỹ để hút vốn (thậm chí là lừa đảo tiền của người Mỹ qua gian lận tài chính như trường hợp của Luckin), ăn cắp công nghệ, thâu tóm thông tin, bí mật quân sự của Mỹ…

Số lượng các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đang gia tăng đạt mức kỷ lục (Nguồn: Bloomberg)

Kẻ đang chân chính hứng chịu rủi ro trên đất Mỹ?

Thực chất Trung Quốc đang tranh thủ hút vốn từ Mỹ hay đơn giản là tin tưởng rằng ông Biden có thể tiếp tục đảo ngược hoặc ít nhất trì hoãn đạo luật buộc các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ phải tuân thủ chế độ kế toán và kiểm toán tại Mỹ (đạo luật được đưa ra dưới thời tổng thống Trump)? Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ vào tháng trước cho biết họ sẽ bắt đầu thực hiện một đạo luật buộc các công ty kế toán phải để các cơ quan quản lý Hoa Kỳ xem xét các cuộc kiểm toán tài chính của các công ty ở nước ngoài. Việc không tuân thủ có thể dẫn đến việc bị hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch chứng khoán New York hoặc Nasdaq.

Chưa biết liệu Trung Quốc có phải chịu rủi ro hay không từ các sắc lệnh cũ của của ông Trump. Nhưng chắc chắn rằng các nhà đầu tư Mỹ đang phải hứng rủi ro rất cao từ các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ vì các các công ty này từ lâu (từ thời tổng thống Obama) đã từ chối các cơ quan quản lý của Mỹ kiểm toán tài chính. Trung Quốc nêu lý do “bí mật thông tin quốc gia” để từ chối Mỹ. Vấn đề là Phố Wall lại hậu thuẫn mạnh mẽ cho Trung Quốc tại Mỹ và các quan chức Mỹ đã chấp nhận cuộc chơi với con dao hai lưỡi do Trung Quốc thiết lập luật lệ, chứ không phải tuân thủ những gì Mỹ muốn.

Bà Stephanie Tang, người đứng đầu mảng cổ phần tư nhân của Greater China tại công ty luật Hogan Lovells, cho biết: “Họ thừa nhận đây là một rủi ro tiềm ẩn và nếu điều gì đó xảy ra, họ có thể cần phải chuẩn bị cho một tương lai khó khăn”. “Nhưng bản thân rủi ro sẽ không ngăn cấm các công ty đó đến Mỹ, ít nhất là trong nửa cuối năm nay hoặc có thể là sang năm sau”.

Bất chấp mọi rủi ro, kênh kết nối vẫn tiếp tục phát triển, dự kiến ​​đến năm 2021 sẽ có khả năng vượt quá năm ngoái. Các công ty Trung Quốc đã huy động được gần 15 tỷ USD thông qua các đợt IPO của Mỹ vào năm 2020, mức cao thứ hai trong kỷ lục sau năm 2014, khi gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group Holding Ltd. kiếm được 25 tỷ USD.

Công ty Didi Chuxing đã đệ trình một cách bí mật xin phép phát hành chứng khoán ra công chúng - IPO trị giá hàng tỷ USD với mức định giá gã khổng lồ phần mềm gọi xe Trung Quốc lên tới 100 tỷ USD, Bloomberg News đưa tin. Công ty khởi nghiệp vận tải đường bộ tương tự như Uber, Full Truck Alliance cũng đang thực hiện một danh sách ở Mỹ trong năm nay để có thể huy động được khoảng 2 tỷ USD, giới thạo tin cho biết.

Theo dữ liệu của Bloomberg, việc bán cổ phiếu bổ sung của các công ty Trung Quốc cũng được đón nhận trong năm nay, mang lại lợi nhuận trung bình 11% so với giá chào bán của họ trong phiên giao dịch sau đó.

Và trong khi các trung tâm tài chính đối thủ như Hồng Kông trong những năm gần đây đã thay đổi các quy tắc niêm yết để giúp các công ty dễ dàng niêm yết ở đó cũng không làm giảm các vòi bạch tuộc của Trung Quốc tiếp tục đặt vào nước Mỹ, hàng loạt công ty Trung Quốc tràn vào Mỹ. Trên thực tế, lưu lượng truy cập hiện đi theo cả hai chiều, với các công ty Trung Quốc giao dịch với Hoa Kỳ sẽ được niêm yết lần thứ hai tại Hồng Kông để mở rộng cơ sở đầu tư của họ và như một hàng rào chống lại rủi ro hủy niêm yết.

Các công ty thứ cấp như vậy đã huy động được gần 17 tỷ USD vào năm ngoái và đã thu về hơn 8 tỷ USD trong năm nay (theo Bloomberg). Nhiều công ty Trung Quốc biết rằng sau khi niêm yết thành công tại Mỹ, họ có thể niêm yết tại Hồng Kông.

Thị trường vốn Hoa Kỳ từ lâu đã thu hút các công ty Trung Quốc vì một số lý do: tính thanh khoản cao hơn, phạm vi tiếp cận nhà đầu tư rộng hơn và cơ sở hạ tầng liên quan đến việc niêm yết tại Hoa Kỳ thuận lợi hơn. Các công ty công nghệ và fintech đã đổ xô đến Mỹ vì quy trình hợp lý hơn cũng như sự cởi mở hơn đối với các doanh nghiệp thua lỗ.

Bà Tang nói: “Mỹ vẫn là một thỏi nam châm thu hút các đợt IPO của các công ty công nghệ Trung Quốc. “Chỉ riêng về kênh kết nối vốn, tôi không thấy có bất kỳ sự trì hoãn nào đối với các công ty Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng kênh này đang dẫn vốn rất mạnh”.

Căng thẳng giả tạo - Trung Quốc hưởng lợi

Căng thẳng Trung-Mỹ được cho là ít có dấu hiệu giảm bớt dù ông Biden đã lên nắm quyền. Nhưng thực tế, căng thẳng nằm ở các tuyên bố chính trị về nhân quyền nhiều hơn là chính sách thực tế trừng phạt thẳng vào kinh tế - chính trị của Trung Quốc hoặc ngăn nguy cơ mất an ninh Mỹ trước sự hiện diện thiếu an toàn của đối thủ chiến lược này.

Cách chống Trung của chính quyền ông Biden khiến chúng ta liên tưởng tới mối quan hệ kinh tế sâu đậm Trung Quốc - Đức trong suốt 4 thập kỷ vừa qua. Mặc dù bà Markel và chính quyền của bà liên tục có tuyên bố đanh thép về vi phạm nhân quyền của Trung Quốc nhưng đằng sau đó là các thỏa thuận kinh tế khăng khít và sự bảo vệ ngầm với Trung Quốc rất lớn bất chấp các vấn đề đạo đức. Vì thế, nước Đức đã trở thành một trở ngại lớn của Mỹ khi thương lượng về vấn đề Trung Quốc dưới thời cựu tổng thống Trump.

Phát biểu trước hội nghị an ninh trực tuyến Munich hồi tháng Hai, ông Biden cho biết Mỹ và các đồng minh phải đối mặt với "sự cạnh tranh chiến lược lâu dài" với Trung Quốc và phải "đẩy lùi" Bắc Kinh trong việc "lạm dụng kinh tế và ép buộc làm suy yếu nền tảng của hệ thống kinh tế quốc tế”.

Ông nói: “Chúng ta đang ở giữa một cuộc tranh luận cơ bản về tương lai và hướng đi của thế giới chúng ta, một sự lựa chọn giữa những người cho rằng chế độ chuyên quyền là cách tốt nhất để tiến tới và đảm bảo nhiều người hơn nhận thức rằng dân chủ là điều cần thiết”.

Kể từ khi Biden nhậm chức, ông Antony Blinken, ngoại trưởng của ông, đã mô tả việc giam giữ 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại lao động ở Tân Cương là "tội ác diệt chủng". Và Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia, người đã chỉ trích "cuộc tấn công" của Trung Quốc vào các quyền tự do ở Hong Kong, đã nói rằng Mỹ sẽ "áp đặt chi phí" đối với Trung Quốc đối với bất kỳ hành vi lạm dụng nào.

Những động thái này khiến công chúng và quan sát viên quốc tế sớm cho rằng riêng với chính quyền Trung Quốc, thái độ của chính quyền ông Biden vẫn “kế thừa” hoàn toàn tinh thần và chiến lược thời ông Trump. Ngay cả ông Sevastopulo, tay viết kỳ cựu của Financial Times về cuộc chiến Mỹ - Trung, cũng cho rằng “trong khi chính quyền Biden đã cố gắng ra hiệu đoạn tuyệt với người tiền nhiệm về hầu hết các vấn đề, thì lập trường về Trung Quốc thường có vẻ tương tự.”

Ông Biden thậm chí đã báo hiệu rằng ông không có kế hoạch ngay lập tức để loại bỏ thuế quan mà ông Donald Trump áp đặt đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại của mình.

Nhưng khác với những gì ông Biden và nội các của ông tuyên bố, những sắc lệnh ông Biden ký trong 3 tháng qua hoàn toàn đi ngược lại với những gì ông và chính quyền của mình công bố và quảng bá trên truyền thông.

Vào ngày 26 tháng 1 vừa qua, chỉ 6 ngày bước chân vào Nhà trắng, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã cấp Giấy phép Chung số 1A - cho phép người Mỹ tiếp tục mua cổ phần trong một số công ty liên kết với "các công ty quân đội Trung Quốc", được gọi là CCMC, cho đến ngày 27/5/2021. Thời hạn trước đó do chính quyền Trump thiết lập là ngày 28/1/2021.

Giấy phép Chung này đã giúp trì hoãn một phần việc áp dụng Sắc lệnh Hành pháp (EO) 13959 mang tính bước ngoặt của cựu Tổng thống Trump - được ban hành ngày 12 tháng 11 năm 2020. EO 13959 đã ngăn các nhà đầu tư mua hoặc sở hữu cổ phần trong bất kỳ công ty nào được chỉ định là CCMC.

Không chỉ khía cạnh này, các quan chức chủ chốt của ông Biden cũng không trả lời câu hỏi rằng họ có tiếp tục cấm Huawei vì an ninh quốc gia Mỹ hay không. Thực tế, Trung Quốc đang thúc giục chính quyền ông Biden hủy bỏ những lệnh cấm doanh nghiệp, cá nhân Trung Quốc mà chính quyền ông Trump đã thiết lập trước đó.

Một chứng minh khác về thái độ "chống Trung" trên bề mặt của chính quyền Biden hết sức rõ ràng là việc ông Biden đình chỉ lệnh hành pháp của Tổng thống Trump - cấm các cơ sở quốc phòng Mỹ mua sắm thiết bị Trung Quốc trong vòng 90 ngày và yêu cầu Bộ năng lượng xem xét lại vấn đề này ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức 20/1/2021.

Đi xa hơn, ông Biden thậm chí còn “đồng tình” với các vi phạm nhân quyền, mà thực tế là tội ác chống lại loài người đang diễn ra tại Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn với CNN vào ngày 19/2 vừa qua, khi được hỏi về vấn đề vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Bắc Kinh. Ông Biden nói rằng: “Về mặt văn hóa, mỗi quốc gia có những quy định khác nhau và các nhà lãnh đạo của những quốc gia này phải tuân theo đó mà làm”.

Vì vậy, Bắc Kinh và các công ty Trung Quốc có cơ sở để tin rằng việc kiểm toán bởi Mỹ hoặc tuân thủ chính sách tài chính minh bạch của Mỹ co thể được trì hoãn hoặc thậm chí là huỷ bỏ, hoặc ít nhất là chỉ kiểm toán những gì mà Trung Quốc muốn chẳng hạn.

Đức Duy - Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Các công ty Trung Quốc đang 'đổ bộ' vào phố Wall với tốc độ chưa từng có